Mới tờ mờ sáng, ấy thế mà cái chuông đồng hồ “đáng ghét” đã reo lên inh ỏi. Nhưng hôm nay nghe nó thật đáng thương và gần gũi đến lạ kỳ. Tôi trở mình bật dậy và sốt sáng đọc một kinh Lạy Cha; trong khi mắt còn kèm nhèm và đôi tay cố với đến cuốn Tin Mừng thánh Luca trên giá sách, lật từng trang thật tình cờ và ngẫu nhiên trước mắt tôi hiện ra một câu Thánh Kinh: "Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người có còn thấy niềm tin trên mặt đất nữa chăng ?" (Lc 18, 8b).
Chưa kịp suy nghĩ về ý nghĩa của câu Kinh Thánh trên, tôi lại phải nhanh chóng sửa soạn để đi đến nhà thờ Xuân Hiệp (Q. Thủ Đức) vì hôm nay là ngày Đại Hội Di Dân của Giáo phận Thái Bình lần thứ II. Thái Bình, chính là mảnh đất là quê hương mà tôi đã sinh ra lớn lên; nơi tôi đã được gieo vào lòng hạt giống của tâm hồn, hạt giống của đức tin.
Buổi sáng Sài Gòn thật tấp nập và nhộn nhịp. Từng đoàn người, xe cứ nối tiếp nhau. Bên đường, các quán cà phê đều đông khách, có lẽ vì đang trong “mùa Euro”. Chiếc xe của tôi vẫn chạy bon bon, hướng về phía nhà thờ Xuân Hiệp. Lúc này đây, giữa phố xá phồn hoa và rộn rã tiếng còi xe, tôi bắt đầu suy nghĩ về ý nghĩa của câu Kinh Thánh trên, và trong lòng tôi tự hỏi, nếu cứ theo đà phát triển của xã hội, cùng với quá nhiều những hấp dẫn của thời đại hôm nay thì liệu rằng đức tin, đặc biệt là đức tin của người trẻ có còn nữa hay không? Và đó cũng thật tình cờ, suy nghĩ của tôi cũng trùng hợp với tâm tình mà Đức Cha Phêrô - chủ chăn Giáo phận - muốn gửi đến những người xa quê và giới trẻ nhân dịp Đại Hội di dân Giáo Phận Thái Bình lần thứ II, năm 2012 này.
Trở lại với không khí của Đại Hội, ngay từ sáng sớm, những bạn Sinh viên Công giáo Thái Bình tại miền Nam (SVCG TBMN) với chiếc áo màu vàng nổi bật, đã có mặt để gấp rút hoàn tất những công đoạn cuối cùng cho buổi lễ. Sân vận động có sức chứa hơn hai nghìn người được trang hoàng bởi một màu đỏ rực rỡ. Mọi người gặp nhau, tay bắt mặt mừng, cùng với nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt, tất cả tạo nên một bầu khí vui tươi và ấm áp tình đồng hương; gợi lên cái duyên vốn có của những người con quê lúa.
Hoàn tất công việc cho ngày Đại Hội
Đúng 8 giờ, Cha FX Nguyễn Minh Thiệu, với vai trò là một MC, ngài đã thổi bùng lên bầu khí vui tươi của ngày gặp gỡ bằng những câu ca và lời nói đầy dí dỏm. Những bài hát mang âm hưởng quê hương cùng với tiếng trống vang dội lần lượt được cất lên trong bầu khí hân hoan chào đón cộng đoàn đến tham dự.
Phát biểu giao lưu gặp gỡ của quý cha
10g30 thánh lễ đồng tế diễn ra ngay tại sân vận động, do Đức Cha Phêrô chủ tế. Cùng đồng tế với ngài, còn có quý cha trong cũng như ngoài Giáo phận. Thánh lễ bắt đầu bằng lời chào chúc của Đức Cha chủ tế. Trong tinh thần của những người đồng hương, những người trẻ xa quê như được sống lại bầu không khí gia đình và càng ý nghĩa hơn nữa vì hôm nay còn là ngày lễ Kính Thánh Tâm Chúa - Quan Thầy của Giáo phận Thái Bình.
Thánh lễ đồng tế
Bài giảng của Đức Cha Phêrô như đưa những người tham dự vào trong dòng suối đầy tình thương bao la của Thánh Tâm Chúa. Ngài cũng mời gọi những người trẻ hãy ý thức vai trò và tầm quan trọng của mình trong đời sống hôn nhân và tiếp tục xây dựng gia đình của mình trở thành một gia đình Thánh theo gương gia đình Nazaret xưa. Chính vì thế kho tàng và của cải của những người làm cha, làm mẹ để lại cho con cái, là làm sao để vun đắp cho con em mình một đời sống đức tin, đời sống thiêng liêng thật phong phú. Giữa muôn vàn chọn lựa trong cuộc sống, mỗi khi hành động, các bạn hãy đặt câu hỏi xem: “Nếu như giờ này hay trong hoàn cảnh này, Đức Ki Tô là tôi, Ngài sẽ làm gì ?”
Thánh lễ kết thúc trong sự trang nghiêm sốt sáng khi ca đoàn sinh viên giáo phận cất lên bài hát kết lễ “Trái tim hồng Thiên Chúa”.
Ca đoàn Sinh viên Giáo phận TB tại miền Nam
Một câu chuyện, một lời nói hay lời hỏi thăm lại được trao cho nhau trong bữa tiệc thân mật và chan chứa tình đồng hương. Không những thế Ngày đại hội di dân năm nay lại mang đến một món ăn nhiều hương vị, món ăn về mặt tinh thần với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc do các bạn trong nhóm sinh viên công giáo thái bình thể hiện. Mở đầu là vũ khúc hiện đại Rasa Sayang của những cô gái và chàng trai đến từ hai quận Tân Bình và Gò Vấp. Tiếp theo đó những “cô tiên” Thái Bình đã làm cho bầu không khí như trở về với tuổi thơ, trở về với quê hương nơi ngày mùa rộn rã có sợi rơm vàng óng có điệu hò trên bầu trời xanh bao la thẳng cánh cò bay và ruộng lúa bạt ngàn, qua vũ khúc “Bức họa đồng quê”.
Nhưng có lẽ phần trình diễn đặc sắc nhất và cũng là đặc sản Thái Bình của Đức Cha Phêrô đã mang đến trong ngày hôm nay là vở chèo “ Người Con Hoang Đàng” do các nghệ sĩ không chuyên của nhóm SVCG TBMN thể hiện, cho dù thời gian tập luyện chỉ vỏn vẹn có ba ngày. Vở chèo còn đặc biệt ý nghĩa hơn, khi nó được dành tặng cho những người cha, người bố trong “Ngày của những người Cha” (Father’s day) 16.07. Nhóm nhạc cụ dân tộc Hương Quê cũng làm ngây ngất khán giả bởi tiếng đàn tranh, đàn nhị dân dã mà đậm đà chất quê hương.
Đại Hội năm nay còn được tô điểm thêm sắc màu bởi những giọng ca vàng của các ca sĩ Công Giáo như: Kim Cúc, Xuân Trường và Dịu Hiền…Quả thực, các ca sĩ đã mang đến cho ngày Đại Hội bầu không khí thân thiệt ấm áp qua từng giai điệu Thánh ca. Sau chương trình văn nghệ là lời huấn dụ và bế mạc của Đức Cha Phêrô.
Lạy Chúa, ân sủng của Ngài đã ban xuống và đổ tràn đầy trên chúng con, cơn mưa bất chợt kéo đến sau khi chương trình vừa kết thúc. Qua đó, chúng con cảm nhận được tình thương bao la của Chúa, thật đúng là “Hồng ân Chúa như mưa như mưa”. Chính tình thương bao la đó đã làm cho những người trẻ chúng con hôm nay, cho dù sống xa quê, xa gia đình, nhưng vẫn cảm nhận được sự ấm áp của tình Chúa thật chan hòa.
Cám ơn Đức Cha Giáo phận đã tổ chức ngày gặp mặt này. Chính ngài đã thổi vào tâm hồn chúng con một ngọn lửa, một sức sống mới, để rồi dù có đi bất cứ đâu hay ở bất cứ nơi nào, chúng con vẫn có thể đứng vững và thể hiện một “bước nhẩy” mạnh mẽ.
“Thái Bình”, hai tiếng thân thương là quê hương máu thịt của chúng con, ở đó có cha có mẹ là nơi chúng con đã sinh ra và lớn lên. Giáo phận, nơi đã nuôi nấng ,đùm bọc chúng con trong những năm tháng tuổi thơ. Trong cuộc đời đầy sóng gió, giữa nơi đất khách quê người sẽ khó tránh khỏi những lúc lầm lỡ. Nguyện xin làm người con hoang, để thực hiện hành trình trở về với Người Cha nhân hậu để được xỏ nhẫn vào ngón tay, để được mặc chiếc áo đẹp nhất, để được Cha giết bê béo ăn mừng và để được áp vào lòng Thiên Chúa là người Cha, để có thể nói lên rằng: “Cha ơi, nay con đã về!”.
Ban Truyền Thông SVCGTB miền Nam
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 116 | Tổng lượt truy cập: 3,218,507