Câu 46 - Tại sao không gọi Tổ Phụ, Tiên Tri, là các Thánh?

  • 12/01/2022
  • HỎI - Con chào Cha! Cha ơi, Con có câu hỏi này nhờ Cha giải đáp dùm Con: ở thời Cựu Ước, gọi là các Tổ Phụ, các Tiên Tri. Ở thời Tân Ước thì gọi là các Thánh. Tại sao không gọi các Tổ Phụ là các Thánh? Giữa Đạo Thiên Chúa và Đạo Tin Lành có sự khác biệt như thế nào? Có phải ở Tin Lành có thuyết "Tiền Định" còn bên Đạo Thiên Chúa không có đúng không ạ? Trong kinh Thánh Martino có đoạn "...,để chúng con bắt trước các nhân đức người mà yên vui trong địa vị Chúa đã đặt,...". Đoạn kinh đó có nghĩa là sao ạ? Con nhờ Cha giải đáp thắc mắc dùm Con. Con cám ơn Cha nhiều. (J.B.)

    ĐÁP:

    Danh từ hay tước hiệu “Thánh” được dùng để dịch từ La-tinh “Sanctus” có ý chỉ về một người đã đạt được mức độ cao trong sự thánh thiện và đã trở nên gương mẫu cho người khác.  Một vị thánh không hẳn chỉ là một tín hữu hay một người có đức tin mà còn phải là một người có các nhân đức anh hùng trổi vượt nêu gương cho người khác.  Tước hiệu này được người ta gán cho những người có được điều kiện đó.  Việc áp dụng tước hiệu này thay đổi theo thời gian và không gian, trong các tôn giáo khác nhau.  Riêng trong đạo Công Giáo thì có những vị thánh do tập đoàn tín hữu nhìn nhận và Giáo Hội mặc nhiên nhìn nhận như vậy trong những thế kỷ đầu của lịch sử Giáo Hội.  Sau này, Giáo Hội đã dành quyền tuyên phong các thánh cho một mình Đức Giáo Hoàng. Vụ phong thánh đầu tiên do Đức Thánh Cha là cuộc phong thánh cho thánh Udalric, Giám Mục Augsburg do Đức Thánh Cha Gioan XV năm 993. 
    Còn từ ngữ Tổ phụ và Tiên tri có một ý nghĩa khác với từ ngữ “Thánh”.  Tổ phụ (Fathers, patriarchs, ancestors) là tước hiệu dành cho những người khởi xướng hay phát sinh ra những nhóm người hay một dân tộc.  Ta có thể gọi họ là “cha” là “tổ.” Trong Thánh Kinh Cựu Ứơc  ta được nghe tới những danh nhân là tổ phụ như Abraham, Isaac, Jacob, Giuse... Trong số những tổ phụ có những người đáng tôn kính như những vị thánh.  Vào thời Tân Ứơc không còn những vị mang danh Tổ Phụ theo nghĩa Thánh Kinh trước đây.  

    Còn từ ngữ  “Tiên Tri” chúng ta thấy dùng nhiều hơn trong Cựu Ước hơn trong Tân Ứơc.  Tước hiệu này dùng riêng để chỉ cho một người thuộc một tôn giáo được hân hạnh gặp gỡ các thần linh và được dùng như trung gian giữa thần linh và con người. Có những vị tiên tri xứng danh hiệu thánh nhưng không phải mọi tiên tri đều là thánh.  

    Tóm lại Tổ phụ, Tiên tri, Thánh  là những từ ngữ khác nhau chỉ những ý niệm khác nhau, không nên lẫn lộn giữa những tước hiệu này. 

    Còn cụm từ “Đạo Thiên Chúa” hay “Thiên Chúa Giáo” được sử dụng để chỉ tất cả những tôn giáo trong đó người tín hữu tin và thờ phượng Một Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành, Cai Trị và chi phối Vũ Trụ cũng như con người, và là nguồn mạch mọi thiện hảo.  Ta có thể kể đến Do Thái Giáo, Công Giáo, Tin Lành, Anh Giáo, Chính Thống Giáo, Hồi Giáo...là Thiên Chúa Giáo.   Còn Tin Lành là một danh từ chỉ những giáo phái ly khai từ Công Giáo bắt đầu từ Ông Lutherô.  Có rất nhiều giáo phái có thể mang danh hiệu chung là Tin Lành.  Chữ Tin Lành có nghĩa là Tin Vui hay Tin Mừng mà người Việt Nam dùng để chỉ nhóm người ly khai này vì họ chủ trương “Chỉ Có Thánh Kinh – Sola Scriptura” và nhận mình là người rao giảng tin lành.  Từ ngữ dịch đúng hơn phải là Thệ Phản – Protestant vì họ vùng lên đòi cải cách và phủ nhận quyền bính của Đức Thánh Cha (từ năm 1529).  Các giáo phái Tin Lành cũng thuộc Thiên Chúa Giáo nhưng không phải là Công Giáo.  Giáo Lý của họ có rất nhiều điểm khác với niềm tin của Đạo Công Giáo. 

    Trong kinh kính Thánh Martin de Porres có đoạn "...,để chúng con bắt trước các nhân đức người mà yên vui trong địa vị Chúa đã đặt,..." hay có bản dịch đọc là “an vui trong số phận.”  Lời kinh này có ý xin Thánh nhân bầu cử để Chúa ban ơn cho ta được biết chấp nhận vâng theo Thánh Ý Chúa trong cuộc sống hàng ngày, nhất là khi gặp những khó khăn thử thách ngoài ý muốn của ta.  Thánh Martin đã vui vẻ chấp nhận một cuộc sống khiêm tốn, thử thách, nên ta cũng xin ơn biết bắt chước Ngài mà vui vẻ đón nhận mọi định đoạt của Chúa về ta.  Hy vọng mấy lời chia sẻ này có thể giải đáp cho các vấn nạn của Anh.

    Lm. Phi Quang

    (Nguồn: Tinmung.net)

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ