Câu 55 - Phân biệt đối xử khi người phối ngẫu khác tôn giáo ?

  • 25/10/2021
  • Phân biệt đối xử khi người phối ngẫu khác tôn giáo ?

    HỎI:

    Thưa Cha, con yêu một người ngoại đạo, chúng con rất yêu thương nhau và muốn tiến tới hôn nhân, nhưng vấn đề là ở chỗ bạn trai của con là con trai một và là cháu đích tôn của cả một dòng họ nên sẽ không theo đạo và nếu như kết hôn thì những đứa con của chúng con sẽ không theo đạo. Bạn con là một người tốt, gia đình của bạn con cũng rất yêu thương con và hứa là sẽ để con tự do tôn giáo và giữ đạo của mình. Nhưng gia đình con không chấp nhận việc này và cho rằng đây là có tội. Bản thân con luôn thấy việc này là vô lý, con cảm thấy có một sự phân biệt đối xử với người ngoại đạo, giống như là họ phải theo đạo thì mới cưới được vợ hoặc chồng, và điều này đâu phải là một cách truyền bá đạo, ép buộc người khác theo đạo trong khi họ không muốn đâu phải là điều mà Thiên Chúa muốn. Và việc ép buộc tôn giáo không phải là luật của Thiên Chúa, bản thân con nghĩ như vậy. Thêm vào đó, một số người bạn Công giáo của con khi lấy chồng ngoại đạo thường bị đối xử không được tử tế khi họ làm đám cưới trong nhà thờ, ví dụ như những người hướng dẫn nghi thức trong đám cưới thường thích những cặp kết hôn cùng đạo hơn những cặp kết hôn khác đạo. Bản thân những người bạn Công giáo của con chứng kiến những việc này rất bức xúc, và đức tin của họ cũng bị lung lay. Họ nói rằng họ chỉ tin vào Thiên Chúa mà thôi còn sẽ không nghe và tin tưởng bất cứ ai khác. Đây là những vấn đề thực tế có thật xung quanh những người bạn của con và đồng thời cũng là một vấn đề của bản thân con. Con rất mong Cha cho con một lời khuyên. Con xin chân thành cám ơn Cha.
    NP

     
    ĐÁP:

    Xin chân thành cám ơn Chị đã nêu lên những thắc mắc cụ thể và hữu ích. Chúng tôi rất thông cảm những khó khăn Chị đang phải đối diện trong việc hôn nhân. Chúng tôi xin góp ý như thế này:

    Chúa Kitô thiết lập Giáo Hội để chuyển thông ơn Cứu Chuộc cho con người. Để đạt mục đích đó, Ngài cũng ban cho Giáo Hội một số quyền hành không phải để làm thiệt hại ai nhưng để giúp ích cho các phần tử của Giáo Hội. Với quyền bính đó, Giáo Hội đã thiết lập những khoản luật để hướng dẫn đời sống của tín hữu nhằm đạt được mục đích sống: phần rỗi đời đời. Vậy trong luật liên quan đến hôn nhân Giáo Hội cũng đã qui định những ngăn trở có ý giúp cho các con cái của mình ý thức được sự quan trọng của Đức Tin. Giáo Hội không muốn các tín hữu mất hay có nguy cơ mất Đức Tin.

    Luật về hôn phối qui định rằng: Người Công giáo không được kết hôn với người chưa được chịu phép rửa tội. Tuy nhiên, Giáo Luật cũng trù liệu việc ban phép chuẩn cho những trường hợp đặc biệt nếu chấp nhận một số điều kiện (xem Giáo Luật Ðiều 1086). Do đó điều luật này không phải là một luật cấm tuyệt đối nhưng nếu có những lý do chính đáng (ví dụ hai người không thể bỏ nhau được) đương sự có thể xin phép chuẩn nơi tòa Giám Mục. Muốn được phép chuẩn phải có điều kiện:

    "Nếu có lý do chính đáng và hợp lý, Bản Quyền sở tại có thể ban phép ấy; tuy nhiên, đừng nên ban phép khi chưa hội đủ những điều kiện sau đây:

    1. Bên công giáo phải tuyên bố sẵn sàng xa tránh mọi nguy cơ làm tổn thất Ðức Tin, và hứa thành thật sẽ làm hết mọi sự có thể để con cái được rửa tội và giáo dục trong Giáo Hội công giáo.

    2. Vào lúc thuận lợi, phải cho bên kia biết những lời hứa mà người công giáo phải giữ, để chính họ được thực sự ý thức về lời hứa và bổn phận của bên công giáo.

    3. Cả hai bên phải được giáo huấn về các mục đích và đặc tính cốt yếu của hôn phối, và không bên nào được loại bỏ các điều ấy.

    Hội Ðồng Giám Mục có nhiệm vụ quy định cả về cách thức làm tờ công bố và tuyên hứa mà luật đòi hỏi, lẫn về thể thức để những lời công bố và tuyên hứa ấy được bảo đảm ở tòa ngoài, và được thông báo cho bên không công giáo" (GL Ðiều 1125,1126).

    Giáo Hội không bắt buộc ai vào đạo, trái lại còn ngăn cấm, không cho phép ai được ép buộc người khác theo đạo:

    "Mọi người có bổn phận phải tìm kiếm chân lý liên quan đến Thiên Chúa và Giáo Hội. Một khi đã biết được chân lý, họ có quyền lợi và bổn phận theo luật Chúa phải ôm ấp và tuân theo.

    Không ai được phép cưỡng bách người khác chấp nhận đức tin công giáo trái với lương tâm của họ" (GL Ðiều 748).

    Vì lợi ích của người tín hữu, Giáo Hội tìm mọi cách để họ được giữ vững đức tin. Khi qui định những điều luật này, Giáo Hội không có ý kỳ thị tôn giáo tuy nhiên Giáo Hội xác tín rằng Đạo Công giáo là đạo thật và Giáo Hội có bổn phận phải bảo vệ đạo thật ấy. Tự do tôn giáo không có nghĩa đơn giản là đạo nào cũng như đạo nào. Nếu đạo nào cũng như nhau thì đâu cần phải chết để bảo vệ đức tin của mình.

    Việc giữ đạo không phải chỉ giới hạn vào việc đi nhà thờ, đi dự Thánh Lễ, nhưng tôn giáo còn chi phối cả đời sống, mọi sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử, chọn lựa. Nếu chúng ta quan niệm tôn giáo là điều quan trọng thì cũng cần phải đắn đo, suy tính trong việc chọn một người bạn đời của mình. Ta sẽ chung sống với họ cả đời trong khi đạo ai người ấy giữ đâu có phải là truyện đơn giản, dễ dãi. Tôi hy vọng rằng một ít lời bàn giải trên đây giúp Chị suy nghĩ kỹ hơn về vấn đề này. Chị nên can đảm, thành thực tự hỏi: Tôn giáo có quan trọng không?

    Lm. Phi Quang

    (Nguồn: Tinmung.net)

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ