Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XXV Thường Niên B

  • 15/09/2021
  • "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người" (Mc 9,35).

    Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XXV Thường Niên B

    "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người"

    (Mc 9,35). 

    Người phục vụ là ai ?

    Thời xã hội nguyên thủy, con người sống theo kiểu “bầy đàn”, con người ta đối xử với nhau thật tàn nhẫn. Người ta tranh giành thực phẩm. Người ta tranh chấp đất đai. Tất cả đều theo quy luật cạnh tranh sinh tồn, theo kiểu: mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé.

    Khi con người đã biết tổ chức thành xã hội, sự cạnh tranh được định chế hóa trong giai cấp, quyền chức. Người có quyền có chức bao giờ cũng được lợi. Người dân đen thấp cổ bé miệng bao giờ cũng phải chịu thiệt thòi. Người nghèo không được có tiếng nói, như người ta vẫn ví von: “Miệng kẻ sang có gang có thép”; “Nhà giàu trồng lau ra mía. Nhà khó trồng củ tía ra củ nâu”… Chính vì thế, ai cũng cố gắng vượt lên trên người khác hoặc bằng tiền bạc hoặc bằng chức quyền. Ai cũng muốn làm người đứng đầu. Ai cũng muốn làm lớn. Vì thế luôn luôn có sự cạnh tranh ngôi thứ. Trong cuộc cạnh tranh, người ta nhìn nhau như đối thủ cần phải chà đạp, cần phải loại trừ.

    “Người phục vụ” theo quan niệm của Tin Mừng

    Mặc dù đã theo Chúa nhiều năm, thế nhưng chính các Tông Đồ cũng không hiểu hết ý nghĩa của hai chữ “phục vụ”. Khi Đức Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn thì các ông tỏ ra “không hiểu gì” (x.Mc 9,32), trong khi, dọc đường các ông lại tranh luận với nhau xem “Ai là người lớn nhất” (x.Mc 9, 34).

    Nhân vì việc các Tông Đồ tranh luận về việc ai làm lớn, ai làm bé, Đức Giêsu mới đưa ra một bài học cho các ông. "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người" (Mc 9,35). Kết luận của Đức Giêsu xem ra trái ngược hoàn toàn với cách nghĩ, cách hiểu của những người đương thời. Đang khi những kinh sư, biệt phái, tức là những người lãnh đạo tôn giáo Do thái muốn được “ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, ngồi ghế đầu trong hội đường, muốn được người ta chào hỏi nơi phố chợ…” thì Đức Giêsu lại yêu cầu, nếu muốn làm lớn thì hãy phục vụ người khác.

    Với lời dạy dỗ ấy, Đức Giêsu đã mở ra một cuộc cách mạng về ngôi thứ trong xã hội. Trong cuộc cách mạng này, người ta không còn nhìn nhau như những đối thủ cần phải loại trừ trong cuộc cạnh tranh, nhưng là nhìn nhau như những người anh em phải yêu thương nâng đỡ. Sẽ không còn tranh giành. Sẽ không còn xâu xé, chà đạp nhau. Sẽ chỉ có yêu thương. Sẽ chỉ có quan tâm nâng đỡ. Người mạnh sẽ quan tâm dắt dìu người yếu. Người lớn sẽ cúi xuống bồng bế người bé. Chức quyền là để phục vụ lợi ích của mọi người. Địa vị chỉ là sự phân công hợp lý. Mỗi người một việc vì lợi ích của tập thể.

    Đức Giêsu là mẫu gương phục vụ

    Để làm gương cho ta, chính Đức Giêsu đã tự hạ mình trước, như lời trong bài Thánh Ca Philipphê 2,6-11: Mặc dù là Thiên Chúa, nhưng Người đã tự nguyện trở nên người phàm. Là Đấng cầm quyền, nhưng Người đã tự nguyện vâng lời. Là Thầy nhưng Người đã tự nguyện phục vụ môn đệ. Là người lãnh đạo, nhưng Đức Giêsu không đòi hỏi đặc quyền đặc lợi, trái lại Người sẵn sàng hiến mạng sống để cứu chuộc nhân loại.

    Người đã hóa thân làm một con người bé nhỏ, nghèo túng, hèn yếu nhất. Để từ nay, ai đón tiếp một người bé nhỏ nhất là đón tiếp chính Người. Ai giúp đỡ một người yếu hèn nhất là giúp đỡ chính Người. Ai yêu mến một người nghèo túng nhất là yêu mến chính Người.

    Với sự hạ mình của Người, số phận con người từ nay thay đổi tận gốc rễ. Như lời thánh Giáo phụ đã nói: “Thiên Chúa đã làm người để con người được làm Chúa”. Trong vương quốc của Người, người bé nhỏ trở thành đối tượng được quan tâm phục vụ. Người yếu đuối được nâng niu chăm sóc. Người nghèo hèn được kính trọng yêu thương. Vì họ đã trở thành hình ảnh của chính Thiên Chúa.

    ***

    Lời Chúa dạy các môn đệ của Ngài hôm nay, thiết tưởng cũng là lời Ngài nhắc bảo mỗi chúng ta. Có thể nhiều người thắc mắc, tại sao các môn đệ lại bon chen thế nhỉ? Đi với Chúa rồi mà vẫn còn tranh giành nhau! Thế nhưng ngẫm lại, cái tính ganh đua, kèn cựa, vẫn tồn tại đâu đó ngay trong gia đình, trong giáo xứ, giáo họ của chúng ta.

    Theo văn hóa Á Đông, trong gia đình, người chồng được gọi là “người gia trưởng” tức là người trưởng của gia đình, là trụ cột, là chỗ dựa cho vợ và các con. Thế nhưng, không ít đức ông chồng đã lợi dụng vào điều đó để lên mặt kẻ cả, đánh vợ mắng con. Thay vì là trưởng của gia đình thì lại mang óc gia trưởng: hống hách, độc đoán…

    Cũng vậy, trên chính trường, người ta tìm đủ mọi thủ đoạn để làm sao có được vị trí cao nhất, đến mức đánh mất hết nhân phẩm. Ban đầu là dụ dỗ, mua chuộc, rồi đến chà đạp lên đối phương, thậm chí thủ tiêu đối phương để vươn lên, để đạt cho được vị trí mà họ đang mong đợi.

    Quyền bính, thay vì để phục vụ  thì họ lại tự cho mình cái quyền “hành” dân. Có những vị ngang nhiên phát biểu: Vị trí này tôi phải bỏ ra bao nhiêu tiền mời có được, nên khi có được rồi, tôi phải vơ vét để “bù” lại cũng là điều hợp lý thôi.

    Đã một thời, người ta đưa ra khẩu hiệu “Cán bộ là đầy tớ của nhân dân” như một lý tưởng, cũng như một phương châm phải thực thi. Thế nhưng, tiếc thay, trên thực tế thì: Ông chủ (nhân dân) cuộc sống lầm than - đầy tớ vẫn sung túc. “Ông chủ” phải lao động đầu tắt mặt tối, suốt ngày quần quật, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời – “đầy tớ” ngồi mát ăn bát vàng. “Ông chủ”giãi năng dầm mưa – “Đầy tớ” ngồi xe hơi hạng sang, đi khách sạn nhà hàng… Dần dà, câu khẩu hiệu “Mình vì mọi người” được thay bằng “Mọi người vì mình”.

    Tuy nhiên, cũng như dân làng Vũ Đại nghĩ rằng, anh Chí Phèo anh có chửi cả cái làng này, chắc trừ tôi ra. Lời Chúa kết án thái độ kiêu căng, hách dịch là kết án ai đó trong giáo xứ, ngoài xã hội, chứ đâu phải tôi!

    Vậy, muốn thay đổi, thiết tưởng, chúng ta phải thành thật nhìn nhận lại chính mình. Con đường tự hạ, làm người bé nhỏ và phục vụ anh em là con đường để trở nên vĩ đại, trở nên người lớn nhất trước mặt Chúa. Chính Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Ngài đã làm người rốt hết, làm người tôi tớ mọi người, đem chính mạng sống của Ngài mà phục vụ mọi người. “Ngài đã vâng phục đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá, chính vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài là “Đức Chúa” (x.Pl 2,5-11). Chỉ ai đi con đường đó với Ngài sẽ được Ngài đưa tới vinh quang với Ngài. Amen.

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ