Từ kinh nghiệm gặp gỡ của các nhân vật trong Thánh Kinh
Kinh Thánh nói rất nhiều đến những cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người; dường như mỗi cuộc gặp gỡ đều để lại những dấu ấn trong cuộc đời của các nhân vật trong Thánh Kinh. Khởi đi từ cuộc gặp gỡ của Tổ phụ Abraham khi ông còn ở trên đất của tổ tiên ông, đến cuộc gặp gỡ của Môsê thông qua đám lửa cháy trong bụi gai, rồi cuộc vật lộn giữa tổ phụ Giacóp với người của Thiên Chúa… Bước sang thời Tân Ước, Thiên Chúa đã đi đến gặp gỡ con người thông qua con một của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Khi còn tại thế, có thể nói Đức Giêsu là con người của gặp gỡ. Ngài đã từng gặp biết bao nhiều người: gặp bốn môn đệ đầu tiên, gặp người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp... Sau Phục sinh, Ngài gặp Phaolô trên đường đi Đamat, Ngài gặp hai môn đệ trên đường Emmau…
Trong tất cả những lần gặp gỡ đó, Thiên Chúa đều là Đấng chủ động ngỏ lời với con người trước - một sự chủ động được khởi đi từ lòng khoan dung và nhân hậu của Thiên Chúa, như lời trong sách Khôn Ngoan hôm nay: “Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên. Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi ? Nếu như Ngài không cho hiện hữu, làm sao nó có thể được duy trì ?” (Kn 11,24-25).
Kinh nghiệm gặp gỡ của Giakêu
Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Da-kêu - một người đứng đầu những người thu thuế - với Chúa Giêsu. Tin Mừng cho biết: Ông ta là một người giàu có. Có lẽ ai cũng hiểu được rằng, số tài sản ông có được không phải do sức lao động của ông bỏ ra, nhưng là do ông dựa vào người Rôma để bóc lột chính đồng bào của mình. Trong con mắt của những người Dothái, những người thu thuế được liệt vào hạng tội lỗi. Ở đây, Da-kêu chẳng những làm nghề thu thuế, mà ông ta lại còn là người “đứng đầu những người thu thuế”, hẳn là ông không chiếm được tình cảm của những người đồng bào của mình. Vậy động lực nào đã khiến ông biến đổi cuộc đời như vậy?
Có lẽ ban đầu, động lực dẫn ông Da-kêu đến với Chúa chỉ vì ông ta tò mò, muốn biết Đức Giêsu - một người thanh niên làng Nadaret đã khá nổi danh lúc bấy giờ - là người như thế nào. Khi thấy Chúa Giêsu ở đằng xa, ông vội trèo lên cây sung vì ông hơi lùn. Có nực cười không khi mà một người quyền lực, đứng đầu những người thu thuế như ông, lại hành xử như một đứa trẻ như vậy? Nhưng ông đã gạt tất cả những nghi kỵ đó sang một bên. Điều quan trọng đối với ông lúc này là tìm cách để “xem cho biết Đức Giêsu là ai” (Lc 19,3).
Thật ngạc nhiên, thay vì ông chủ động tìm cách gặp gỡ Đức Giêsu, thì Ngài lại là người ngỏ lời với ông trước: “Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, Người nhìn lên và nói với ông : "Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !" (Lc 19,5). Tại sao lại “phải ở lại nhà ông” mà không phải là nhà của một người đạo đức nào đó trong thành? Câu trả lời có lẽ chỉ có Đức Giêsu là người biết rõ nhất. Ngài nhận thấy nơi con người mà dân chúng vẫn cho là tội lỗi này một tấm lòng, một sự thiện chí tìm biết chân lý. Và như thế, Ngài quyết định “ở lại nhà ông”.
Không thể kể hết nỗi vui mừng của ông Da-kêu. Vẫn là cách hành xử thật đơn sơ như một đứa trẻ, “ông vội vàng tụt xuống và mừng rỡ đón rước Người” (Lc 19, 6). Trước đó, ông không thể nghĩ được rằng, một người như ông mà lại được Thiên Chúa đến viếng thăm. Và thế là một cuộc đổi đời được bắt đầu. “Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn." (Lc 19,8). Không thể tin được một sự thay đổi ngoạn mục đến như vậy!
Chúng ta không hề nghe thấy một lời oán trách nào của Đức Giêsu dành cho ông Da-kêu. Ngài cũng không đưa ra bất cứ một lời kết án nào về những tội lỗi của ông trong quá khứ, nhưng là một lời mời gọi thật thân tình: "Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !" (Lc 19,5). Sự thân tình đầy trừu mến đó của Đức Giê-su đã trở thành động lực khiến ông thay đổi cuộc đời.
Tin Mừng ghi lại một chi tiết khiến chúng ta phải suy nghĩ. Không phải ngẫu nhiên mà ông Da-kêu lại có thể đón nhận được tình yêu đó, mà ông đã phải “tụt xuống”, nghĩa là phải trở nên nhỏ bé để tình yêu Chúa lớn lên trong ông.
Và cuộc gặp gỡ của mỗi chúng ta
Câu chuyện gặp gỡ và đổi đời của ông Da-kêu mà Tin Mừng thuật lại hôm nay cũng là bài học thiết thực cho mỗi chúng ta.
Bài học trước tiên, Thiên Chúa là Đấng yêu thương tất cả chúng ta, Ngài luôn là Đấng đi bước trước trong hành trình gặp gỡ và đến với con người. Ý định từ ngàn đời của Thiên Chúa không gì khác hơn là muốn tất cả mọi người đều được hưởng ơn cứu độ. Thế nhưng, Thiên Chúa không thể ép chúng ta phải thay đổi nếu như chúng ta không thực sự mong muốn điều đó, như lời thánh Augustino: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con, Chúa không cần con, nhưng để cứu độ con, Chúa cần con cộng tác”.
Thứ đến, chúng ta không thể được biến đổi nếu không gặp gỡ Chúa. Chúng ta sẽ chẳng gặp được Chúa, nếu không biết “tụt xuống” khỏi vị trí của mình đang đứng, không đi ra khỏi “vỏ ốc” là sự tự mãn của chính mình.
Cơn cám dỗ về vinh quang và quyền lực không phải chỉ có ở xã hội hôm nay, mà từ ban đầu, cơn cám dỗ này đã làm cho con người phải nhiều phen điêu đứng, mà người đầu tiên là nguyên tổ loài người Ađam và Evà. Vậy, để có thể sống khiêm nhường, chúng ta hãy nhìn lên tấm gương của Chúa Giêsu, “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế…”
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết nhận ra những ơn lành từ nơi Chúa và những giới hạn của mình, để chúng con biết biến đổi mỗi ngày như lòng Chúa ước mong. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 41 | Tổng lượt truy cập: 3,218,347