Tôi đã mất một tuần lễ lân la dò hỏi, cố làm bạn với con và con đã kể cho tôi nghe chuyện bị một bạn cùng lớp nói xấu sau lưng và lên Facebook bêu riếu, trêu chọc. Nó cảm thấy căng thẳng và ghét vào lớp. Thì ra, bạo hành học đường không chỉ là đánh nhau mà còn là đánh vào tinh thần của đối phương. Thế là tôi đã tham khảo từ nhiều hướng dẫn của các chuyên gia để cùng con lên kế hoạch chống lại những kẻ bắt nạt này.
Dỡ bỏ sự lo lắng: Nếu con lo lắng việc gì đó, thì bạn cũng nên lo. Dù là đứa trẻ học mẫu giáo hay tuổi teen thì khi gặp phải kẻ bắt nạt, nó cảm thấy rất đau khổ. Nhưng nếu ba mẹ cho những chuyện đó là không quan trọng, thì con sẽ không tìm đến bạn nữa đâu. Đó là sai lầm rất lớn, vì sự bắt nạt có thể dẫn đến hậu quả bi thảm vì có nhiều trẻ không có kỹ năng đối đầu với nó.
Bạn làm gì: Chú ý những chi tiết nhỏ mà con bạn đề cập và thử nhiều giải pháp để giải quyết. Bắt nạt luôn lặp lại, nếu bạn không ngăn chặn từ đầu, nó sẽ diễn biến nghiêm trọng hơn.
Đừng phản ứng dữ dội: Nhiều phụ huynh dễ chuyển tình hình từ quan tâm thành hoang mang, như chạy vô trường ngay lập tức và nhiếc móc giáo viên và hiệu trưởng. Các chuyên gia cho rằng đó là vấn đề của con bạn, vì thế trước hết phải giúp con giải quyết bằng cách nói chuyện với con mình.
Bạn làm gì: Cùng con lên nhiều phương án, sau đó cho nó quyền chọn lựa cách nó thấy tự tin nhất. Con sẽ cảm thấy yên tâm khi bạn hiểu nó.
Chắc rằng con biết giải quyết: Nơi mà trẻ hay bị bắt nạt là nơi tên “đại bàng” có thể điều khiển được nạn nhân. Trẻ không nên trả lời những bình luận - công kích trên Facebook, hoặc khi đối đầu với nhau, cũng làm ngơ tên nó đi.
Dạy con điềm tĩnh: Con nên tự tin khi kẻ bắt nạt gọi tên. Tên “đại bàng” đó rất thích thấy kẻ khác sợ. Dặn con không nên lăng nhục trở lại hoặc khóc và nói “tôi sẽ méc người lớn”.
Bạn làm gì: Cho con thực hành cách cư xử với kẻ “đại bàng đó” bằng cách chơi đóng vai. Thử đóng cách đối đáp lại với anh chị em ở nhà hoặc thậm chí với búp bê cũng được. Trẻ cần thực hành hoài cho tới khi nó cảm thấy thoải mái tự nhiên. Giúp con có dáng vẻ tự tin (dù trong lòng đang rất sợ), ngẩng cao đầu, nhìn thẳng vào mắt kẻ khác và có giọng nói rành rọt... Do đó phải tập ở nhà cho tốt.
Mở rộng các quan hệ xã hội: Giúp trẻ phát triển những quan hệ ngoài trường học, từ những lớp thể thao, sinh hoạt ngoại khóa, hàng xóm hay con của bạn bè của ba mẹ. Nếu con có nhiều nhóm bạn, nó sẽ không cảm thấy cô lập khi bạn bè ở trường thình lình bỏ rơi nó.
Bạn làm gì: Tìm những nhóm bạn bên ngoài và động viên con giao tiếp thường xuyên, phát triển những mối quan hệ với bạn đồng trang lứa của nó.
Nhờ can thiệp của nhà trường: Nếu những chiến lược của bạn không thực hiện được, nên cảnh báo với nhà trường những vấn đề đó. Nhưng trước hết không phải là ở phòng hiệu trưởng, mà nên gặp giáo viên của con và cùng tìm ra giải pháp. Vì giáo viên chủ nhiệm có thể nhìn thấy những điều xảy ra và hiểu rõ kẻ bắt nạt và uốn nắn nó.
Bạn làm gì: Đừng cùng đến trường với con. Nếu con sống trong nỗi sợ bị trả thù sau khi bạn “méc” với thầy cô, con sẽ giấu không dám nói với bạn nữa. Hãy kết hợp với nhà trường và cũng giữ an toàn cho con mình. Đừng tiếp xúc với thầy cô trước mặt kẻ bắt nạt để con được bảo vệ. Gọi điện hay viết Email, thay vì xồng xộc vào phòng hiệu trưởng. Đôi khi, vấn đề bắt nạt có thể giải quyết trong vòng vài tuần với những việc đơn giản như thay đổi chỗ ngồi của con...
Biết rõ về phụ huynh của kẻ bắt nạt: Làm quen với ba mẹ của kẻ đó và bạn có thể đàm phán để kết thúc trò bạo hành này. Phụ huynh có thể kết hợp với nhau để giải quyết bạo hành theo những cách mà nhà trường không thể. Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng việc làm này chỉ tốt khi bạn biết rõ phụ huynh kia, chứ bạn không nên gọi cho những người bạn không biết, vì có thể đem kết quả ngược lại.
Tạo mạng lưới an toàn: Tìm sức mạnh, sự thông cảm của nhiều người trong trường để con có thể chạy đến tìm sự giúp đỡ nếu có bạo hành xảy ra. Nếu con bạn biết có nơi an toàn, nó cảm thấy tự tin đối diện với “tên đại bàng”.
Bạn làm gì: Cho con biết những người lớn đáng tin có thể giúp nó, như cô giáo vụ hay cô y tế của trường và khuyến khích mối quan hệ giữa con và thầy cô.
Đưa con ra khỏi vùng nguy hiểm: Tìm ra những nơi từng xảy ra các vụ bắt nạt trước và giữ cho con tránh xa khu vực đó.
Bạn làm gì: Cảnh báo cho nhà trường những nơi mà kẻ bắt nạt hay hành sự, các thầy cô giám thị phải để mắt đến những khu vực này.
Nguồn: Tinmung.net
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 74 | Tổng lượt truy cập: 3,218,392