Ảnh minh họa

 

Là nữ tu, chúng tôi vẫn luôn gắn kết với thân phận phụ nữ. Cuộc đời dâng hiến sẽ phong phú và ý nghĩa hơn biết bao khi các nữ tu sống hết mình với thiên chức phụ nữ của mình. Thật vậy, dù thừa nhận hay không, thực tế người phụ nữ luôn chiếm vị trí quan trọng trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Và có lẽ không mấy ai phủ nhận rằng: “Nếu một người đàn ông hư hỏng thì chỉ hư hỏng một người, nhưng một người phụ nữ hư hỏng thì cả nhà hư hỏng”.

Đức Phanxicô, vị cha chung của chúng ta nhiều lần đã nói lên quan điểm của mình: “Phụ nữ ở bất cứ thời đại nào, quốc gia nào, dân tộc nào cũng giữ vai trò trọng yếu trong việc sáng tạo, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc”. Ngài còn bày tỏ: “Cha mạnh mẽ mong ước rằng (cơ hội và trách nhiệm) mở ra hơn nữa cho sự hiện diện và tham dự của nữ giới trong Giáo hội cũng như trong xã hội và các lãnh vực chuyên môn”.

Trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng (EG 103), ngài khẳng định: “Hội Thánh nhìn nhận sự đóng góp quan trọng của phụ nữ đối với xã hội, bởi sự nhạy cảm, trực giác và một số khả năng của họ… Tôi vui mừng vì biết bao phụ nữ chia sẻ trách nhiệm mục vụ với các linh mục, đang đóng góp phần vào việc giúp đỡ các cá nhân, gia đình hoặc các nhóm và có các đóng góp mới về sự suy tư Thần học. Nhưng chúng ta còn phải mở rộng không gian cho một sự hiện diện quyết định hơn của phụ nữ trong Hội Thánh. Bởi vì thiên tài của phụ nữ là điều cần thiết trong tất cả các hình thức của đời sống xã hội…”.

Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam, Tổng Giám mục TGP.TPHCM đã đưa ra những đặc nét của phụ nữ như: “Sự dịu dàng của người phụ nữ có tác dụng thay đổi một con người tính khí bất thường và chính là chứng tá cho sự dịu dàng của Thiên Chúa. Lòng nhân hậu của người phụ nữ luôn luôn nhạy cảm trước những nỗi đau khổ bất hạnh của người khác, là hiện thân của lòng thương xót Chúa Kitô…” (10 tiêu chuẩn về một người phụ nữ đạo hạnh và tốt lành).

Dù có nhiều ưu điểm và giới hạn, người phụ nữ dù ở bất cứ bậc sống nào – độc thân, tu trì hay lập gia đình thì cũng đều được kêu mời “làm tông đồ cho tương lai nhân loại” bằng những phương cách thích hợp khác nhau, tùy vị thế và môi trường sống.

Vai trò của nữ tu

Song song với vai trò “bất khả thay thế” trong mỗi gia đình của phụ nữ, còn có những ngưỡi nữ chọn đời sống hiến thân phụng sự Thiên Chúa, Giáo hội và xã hội.

Ngay từ khi Giáo hội khai sinh trên đất nước Việt Nam, một nhóm phụ nữ tận hiến đã âm thầm len lỏi giữa dân thường bất kể đạo đời để phục vụ. Chính nhóm này là tiền thân của các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá, những người dấn thân làm những việc phước, việc lành. Qua năm tháng, nhiều dòng nữ với những linh ân khác nhau đã hiến thân phụng sự dân chúng trong các lãnh vực bác ái, y tế, giáo dục…, góp phần cải thiện đời sống những kẻ cùng khổ, bất hạnh, thay đổi cách nhìn và lối sống của biết bao người. Chính các nữ tu đã liên lỉ tận tụy và âm thầm đảm nhận biết bao công việc trong Giáo hội và xã hội rất hiệu quả. Ngay cả những ai chọn đời chiêm niệm cũng sống hy sinh hãm mình, làm việc và cầu nguyện cho việc truyền giáo và lợi ích của tha nhân.

Cho đến nay, biết bao thế hệ nữ tu đã tiếp nối nhau phục vụ, làm muối cho đời, men trong bột, là ánh sáng (Mt 5, 13-14), là mẫu mực dấn thân giữa lòng quê hương.

Lập trường của Giáo hội

Sứ mệnh của đời sống thánh hiến chính là phục vụ bác ái (Servitium caritatis), theo gương Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ của Ngài. Như các môn đệ sau khi chiêm ngắm Chúa biến hình, được mời gọi xuống núi để phục vụ, nữ tu cũng được mời gọi biểu lộ tình yêu Thiên Chúa giữa thế gian. Đặc sủng của bất cứ hội dòng nào cũng thôi thúc người được thánh hiến thuộc trọn về Chúa, hiệp thông với Ngài trong đời sống thân mật vui tươi, noi gương Ngài quảng đại phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh chị em.

Chính đời sống như thế đem lại hoa quả cho công cuộc truyền giáo của những hội dòng chuyên lo làm việc tông đồ lẫn những hội dòng sống đời chiêm niệm. Bởi chưng, ý thức truyền giáo luôn là ưu tiên số một của mọi hình thức tu trì (TH. ĐSTH số 19, 25, 72, 75). Trong đó, người tu sĩ không chỉ phá đổ cái xấu mà còn gieo mầm cái tốt, đưa con người đến gần Đấng là Chân Thiện Mỹ hơn. Có như vậy, theo ĐHY Martinez Somalo, Tổng trưởng Bộ Tu sĩ thì người thánh hiến mới đáp ứng được ba khát vọng của thời đại: khát vọng về giá trị tinh thần, khát vọng về tình tương trợ, liên đới và khát vọng về bác ái vô vị lợi.

Thái độ khi dấn thân

Tông huấn Đời sống Thánh hiến đặc biệt nối kết hai ý niệm thánh hiến và sứ mệnh. Hai yếu tố này bổ túc và đan quyện vào nhau, tạo nên căn tính của đời sống thánh hiến. Không thể hiểu cái này nếu không có cái kia. Người tận hiến không thể yêu Chúa, mà lại không yêu người thân cận (Mt 22, 34-40). Thánh hiến để được sai đi. (số 32 – 35).

Người tận hiến càng sống một đời hoàn toàn hiến dâng cho Chúa Cha (Ga 4, 34), được Chúa Con chiếm hữu (Ga 15, 16), được tác động bởi Chúa Thánh Thần (Lc 24, 49), thì càng cộng tác hữu hiệu vào sứ mệnh của Chúa Kitô (Ga 20, 21) và góp phần đặc biệt vào việc canh tân thế giới”. (số 25)  Những người tận hiến luôn phải nuôi dưỡng ngọn lửa nhiệt thành truyền giáo. Lòng nhiệt thành đó phải đến do “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách” (2 Cr 5, 14), vì sứ mệnh của thánh hiến là hoạt động khắp nơi trên trái đất để củng cố và mở rộng nước Chúa mọi nơi, cả những nơi xa xôi hẻo lánh nhất”. (số 78). Người tu sĩ theo Đức Phanxicô cần đến với anh em với một con tim nồng nhiệt luôn tự vấn: “Tôi có để cho sức mạnh của niềm khắc khoải về Thiên Chúa, về Lời Chúa dẫn tôi “bước ra” đến với người khác?”,  vì chưng: “…Một tình yêu khắc khoải bao giờ cũng khiến chúng ta đi ra và gặp gỡ những người khác, mà không cần chờ họ xin giúp đỡ. Một tình yêu khắc khoải đem đến cho chúng ta món quà là hoa trái mục vụ, và mỗi người chúng ta phải tự hỏi mình: hoa trái thiêng liêng của tôi, hoa trái mục vụ của tôi là gì?” (Bài giảng của ĐTC Phanxicô trong Lễ khai mạc Tổng tu nghị Dòng Thánh Augustinô 2013).

Để có thể chu toàn sứ vụ chứng tá trong một xã hội đang đổi thay siêu tốc, các nữ tu cần vận dụng tối đa khả năng trực giác, trí thông minh và lòng nhân hậu để tìm ra những cách thế tông đồ và mục vụ mới, sẵn sàng cùng với Ngài rửa chân cho những người nghèo khổ. Điều này đòi hỏi thái độ can đảm dấn thân, dám liều, dám đầu tư nén bạc Thiên Chúa trao ban, cho dù có nhiều hiểm nguy trắc trở. Chúa không muốn chúng ta chôn giấu những nén bạc Ngài trao (Mt 25, 14-30) mà phải hành động để sản sinh lợi ích cho mình và tha nhân cùng làm phong phú và phát triển trái đất Ngài tạo dựng.

Sứ vụ thực tế của nữ tu trong môi trường Xã hội Việt Nam

Lúa chín đầy đồng và “thợ gặt” của Giáo hội Việt Nam so với các nơi khác tương đối khá dồi dào.  Vấn đề là chúng ta đã chuẩn bị hành trang cho nhóm “thợ” như thế nào về tinh thần, phương hướng cùng phong cách làm việc sao cho đem lại hiệu quả nhất chưa. Tuy chúng ta không có những thuận lợi để dấn thân trong mọi lãnh vực của đời sống dân chúng, nhưng với hết nhiệt tình và sáng kiến cùng sự quyết tâm, chúng ta vẫn có nhiều hy vọng. “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Nên chăng thỉnh thoảng chúng ta cần dừng lại để tự vấn xem mình đã tận dụng tất cả cơ hội đang có trong tầm tay chưa. Chúng ta đã có bao nhiêu cơ hội gặp gỡ, gần gũi trẻ em, người nghèo, nông dân thợ thuyền, người cao tuổi, người khuyết tật, kẻ bất hạnh và thậm chí đơn giản là những người trẻ, người giáo dân sống quanh ta? Chúng ta đã dốc hết TÂM, LỰCvì lợi ích đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh của họ chưa?

Dẫu biết rằng Thiên Chúa đã ban cho người phụ nữ nhiều ơn, nhưng phận nữ vẫn là phận người mong manh. Nếu không tận dụng hết những ơn ban thì sứ vụ của chúng ta sẽ nghèo nàn biết bao. Để hạn chế bớt nhược điểm và tăng hiệu quả cho sứ vụ, xin được đề nghị ba lãnh vực cần quan tâm sau đây:

– Chuẩn bị và trang bị:

Ta cần ý thức là mình đang mong muốn đem lại điều gì cho những người anh chị em lương giáo. Ai cũng biết là ta “không thể cho điều mình không có”, vậy muốn trao gì, trước hết chúng ta cần được trang bị và đào luyện hoặc tự thân lo cho mình những giá trị và vốn liếng cần thiết trong những lãnh vực mà sứ vụ chúng ta cần đến. Ngoài việc tăng hiệu quả công việc, chuẩn bị còn là một hình thức tôn trọng đối tượng phục vụ.

– Vun đắp lòng nhiệt thành và sự tận tụy:

Thành tâm thiện chí của người tận hiến có lẽ không thiếu, nhưng lòng nhiệt thành mới là yếu tố làm nên những kỳ tích. Heywood đã nói: “Không có gì là không làm được với một con tim đầy nhiệt tâm”. H. Bordeaux lại quả quyết: “Giá trị con người trước hết là do bầu nhiệt huyết của họ”. Lòng nhiệt thành tạo nên niềm vui sống, hoặc như một kích thích tố để phát huy và kết hợp mọi người trong tình thân ái. Lòng nhiệt thành còn là yếu tố chủ chốt để khởi sự và hoàn thành công việc. Vì thế, “phải tin tưởng vào những điều mình làm và làm với tất cả lòng nhiệt thành” (Olle Laprune). “Con người chỉ trở nên cao cả khi họ dám xả thân cho một cái gì lớn hơn bản thân mình” (Saint Exupery), và đó chính là hoa quả của lòng nhiệt thành.Nhiệt thành với công việc, nhiệt tình với mọi người, nhiệt tâm với trách vụ sẽ giúp con người sống một cách sung mãn và đáng yêu trong mỗi giây phút hiện tại của đời mình.

Chúng ta chỉ “làm theo Thánh ý Chúa thôi thì chưa đủ, mà còn phải làm một cách vui vẻ và nhiệt tình” (Francois De Sale). Sự dâng hiến nào cũng phải là sự dâng hiến của con tim nhiệt tình, bừng cháy lên ngọn lửa yêu mến, “vì nhiệt tâm nhà Chúa” (Tv 69).

Nhiệt thành đòi hỏi ta học cách giữ vững bầu nhiệt huyết trong mọi tình huống và kiên trì cho đến cùng, không nao núng trước mọi thách đố hoặc thất bại. Để tận tụy ta cần tìm ra từ sự yêu thích, đam mê và quyết tâm trong công việc để “Bất cứ làm việc gì ta cũng có thể làm tận tâm như thể làm cho Chúa” (Cl 3, 23)

– Một con tim nhạy cảm, và tấm lòng rộng mở:

Điều con người cần nhất chính là ở tấm lòng. Người Việt Nam rất coi trọng chữ “Tâm” và xem trọng nó hơn cả những tài năng, của cải.  “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”(Trịnh Công Sơn). Tấm lòng đó là lòng bao dung, nhân ái, chân thành và tình cảm tha thiết đối với nhau. Sống có lòng là biết chia sẻ, cảm thông, hiểu và giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn; làm sao để “gió cuốn” tấm lòng ấy bay xa mãi, giúp ta mở rộng lòng mình ra tới những chân trời có những anh chị em đang cần sưởi ấm, cảm thông, đang cần thêm nghị lực để vươn dậy trong cuộc sống… Chính tấm lòng sẽ làm đẹp cho đời, cho cuộc sống những người anh em và cho cả chính bản thân ta.

M. Thécla Trần Thị Giồng – Dòng Đức Bà

(Nguồn: giadinhhiepnhat.com) 

LIÊN KẾT GIỚI TRẺ