Bài 11 - Tính cộng đồng trong gia đình
Bài 11
TÍNH CỘNG ĐỒNG TRONG GIA ĐÌNH
“Không ai là một hòn đảo” (Thomas Merton)
1. Con người thuộc cộng đồng có ý nghĩa gì?
Các loài vật tụ tập lại với nhau; chúng tạo thành bầy đàn hoặc ở trong các bầy đàn – ngược lại, con người đi vào sự hiệp thông. Trong sâu thẳm sự sống nội tâm của Thiên Chúa, Ngài chính là sự liên kết và hiệp thông, đã tạo nên con người thành một loại hữu thể có mối tương quan đặc biệt: bởi sự lựa chọn tự do có chủ đích, con người thành lập cộng đồng, chịu trách nhiệm trong cộng đồng của họ, và để lại dấu ấn đặc biệt của họ nơi cộng đồng. Con người sống dựa vào tất cả các loại quan hệ, họ được gắn kết với mạng lưới những người khác và nhận ra sự cần thiết phải hợp tác. Trong tất cả các cộng đồng, con người được liên kết với nhau theo nguyên tắc hợp nhất (gia đình, dân tộc, liên đoàn thể thao, nhà thờ, vv, …). Trong đó, họ nghiên cứu tìm tòi lịch sử của mình và định hướng cho tương lai của họ.
Tâm niệm: Tôi hay khóc lóc kêu ca vì mình không có được đôi giày cho đến khi tôi gặp một người không có đôi chân (HELEN ADAMS KELLER).
Chúng ta không bắt loài vật chịu trách nhiệm về hành động của chúng, nhưng con người có thể chịu trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình. Loài thụ tạo đặc biệt này có phẩm giá. Phẩm giá này không phải do thụ tạo nào khác chuyển nhượng cho họ, nhưng là điều mà họ có được, chỉ vì họ thuộc loài người (ROBERT SPAEMANN).
2. Tại sao những cách người ta thường hành động làm hại đến cộng đồng?
Dù con người mang tính xã hội, nhưng con người thường hành động lại không có tính xã hội: do bị thúc đẩy bởi ích kỷ, tham lam, tự cao tự đại, loại người như thế khiến cho những người khác lầm đường lạc lối, bóc lột và áp bức người người này hoặc bỏ mặc họ không được che chở bảo vệ. Tuy nhiên, cộng đồng là tập thể những người tự do, những người muốn điều tốt đẹp cho mình và cho những người khác. Một cá nhân không thể mang lại → công ích như vậy, điều này chỉ có thể đạt được nhờ vào các sự nỗ lực được phối hợp chung. Ví dụ như một sân vận động thể thao chỉ có thể hoạt động khi được phối hợp tài trợ hoặc một ban nhạc chỉ có thể biểu diễn khi được nhiều người đóng góp tài năng của họ.
Tâm niệm: CÔNG ÍCH (common good) là lợi ích xã hội của hết mọi người. Công ích nói ở đây bao gồm tất cả những điều kiện của đời sống xã hội; nhờ những điều kiện này, cá nhân, gia đình và đoàn thể trong xã hội có thể đạt tới sự hoàn thiện riêng của mình cách thỏa đáng và dễ dàng hơn (Công Đồng Vatican II, GS 74).
3. Người cao tuổi có vai trò gì trong gia đình?
Sự hiện diện của người cao tuổi sống trong gia đình có thể chứng tỏ rất có giá trị. Họ là gương mẫu về mối quan hệ giữa các thế hệ, và nhờ vào kinh nghiệm phong phú của người cao tuổi mà họ có thể tạo được sự đóng góp quyết định vào hạnh phúc của gia đình và sự thịnh vượng của xã hội nói chung. Họ có thể truyền lại các giá trị và các truyền thống và hỗ trợ người trẻ. Bằng cách này, người trẻ không những biết lo cho bản thân mình, mà còn biết lo lắng cho người khác. Khi người cao tuổi bị đau yếu và cần được giúp đỡ, họ không chỉ cần lo thuốc men và sự chăm sóc phù hợp, mà hơn hết còn cần sự đối xử yêu thương và bầu khí gần gũi của người thân chung quanh.
Tâm niệm: Nhà nước mà can thiệp sẽ dẫn tới công quyền xâm phạm vào lĩnh vực riêng tư, về lâu dài sẽ dẫn tới quốc hữu hóa cộng đồng gia đình (UDO DI FABIO).
Răn dạy trẻ chẳng ích chi. Dạy gì đi nữa, chúng cũng bắt chước tất cả mọi điều bạn làm (Lời nhận xét dí dỏm).
Xin đừng thải con lúc tuổi đà xế bóng, chớ bỏ con khi lực tàn sức kiệt (Tv71,9).
4. Tại sao trẻ cần sự bảo vệ đặc biệt?
Trẻ em phải được tạo cho vững mạnh và được bảo vệ bằng mọi cách. ''Con cái là món quà quý nhất của Thiên Chúa ban cho gia đình, cho đất nước, cho thế giới (Mẹ Têrêsa). Trẻ em là tương lai của nhân loại. Tất nhiên chúng cần được giúp đỡ. Hơn nữa, trẻ thường phải lớn lên trong những điều kiện tồi tệ. Ở nhiều nơi trên thế giới, trẻ em thiếu sự chăm sóc y tế, không có được dinh dưỡng thích hợp, không được giáo dục sơ đẳng, hoặc thậm chí không có nơi để sống. Ngoài ra, còn có những vụ bê bối đang tiếp diễn, chẳng hạn như mua bán trẻ em, lao động trẻ em, hiện tượng "trẻ em đường phố", trẻ em bị đưa ra chiến trường, tảo hôn, và lạm dụng (tình dục) trẻ em. Cần phải có chiến dịch quyết định ở cấp quốc gia và quốc tế chống lại những hành vi vi phạm nhân phẩm trẻ em trai và em gái xảy ra bằng các hình thức khai thác tính dục và tất cả mọi hình thức bạo lực, và các chiến dịch ủng hộ việc tôn trọng phẩm giá và các quyền của hết mọi trẻ em.
Tâm niệm: Người có thể cậy dựa vào ta sẽ hỗ trợ ta trong cuộc sống (MARIE VON EBNER- ESCHENBACH: 1830-1916).
Nếu bạn bỏ đi tất cả kinh nghiệm và phán đoán của những người hơn năm mươi tuổi khỏi thế giới, thì sẽ không còn đủ người để điều khiển thế giới nữa (HENRY FORD: 1863-1947).
Mỗi trẻ đều mang theo thông điệp của Thiên Chúa vẫn chưa thất vọng về con người (RABINDRANATH TAGORE: 1861-1941).
5. Giáo Hội nói gì về vấn đề phân biệt đối xử với người khuyết tật?
Công bằng xã hội theo học thuyết xã hội của Giáo Hội nhìn nhận, thì chỉ đạt được khi tất cả mọi người trong xã hội có thể tham gia vào các hoạt động trọng tâm về xã hội, kinh tế, chính trị, và văn hóa trong cuộc sống. Các hình thức phân biệt đối xử loại trừ bất cứ người nào tham gia vào các hoạt động này đều là điều bất công. Do đó, nhiệm vụ của Nhà nước và xã hội cũng phải tạo điều kiện để bảo đảm sự tham gia của người khuyết tật. Suy cho cùng, phẩm giá của con người không phụ thuộc vào thân xác và khả năng trí tuệ, và sự tôn trọng đối với một người không thể được định đoạt dựa trên thành tích hoặc hiệu quả.
Tâm niệm: Cộng đồng không phải là nơi bao quát toàn bộ những lợi ích của các thành viên, nhưng tổng hợp những điều họ có thể tự cống hiến (ANTOINE DE SAINT-EXUPÉRY: 1907-1946, nhà văn Pháp).
6. Khi nào con người dễ bị nguy hiểm nhất?
Đặc biệt là vào lúc bắt đầu sự sống và vào lúc giã từ cuộc đời, con người không thể hoặc khó có thể tự bảo vệ được quyền sống, nhân phẩm và tính trọn vẹn cá nhân của mình. Họ cần có người khác công nhận phẩm giá bất khả xâm phạm và thiêng liêng của một con người, họ cần người yêu thương sự sống này và chấp nhận điều ấy, và cần người giúp đỡ, chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng và hỗ trợ cho họ. Cuộc sống của người khuyết tật, bệnh nhận cũng đều có phẩm giá bất khả nhượng; trong bất kỳ trường hợp nào phẩm giá ấy cũng không thể được hiểu là kém giá trị hoặc vô giá trị. (x. EV 11-12.)
Tâm niệm: Thiên Chúa là Chúa sự sống, đã trao cho con người nhiệm vụ cao cả là bảo tồn sự sống, và họ phải chu toàn bổn phận ấy cách xứng hợp với con người. Do đó, sự sống ngay từ lúc thụ thai phải được giữ gìn hết sức cẩn thận; phá thai và giết trẻ sơ sinh là những tội ác ghê tởm (CÔNG ĐỒNG VATICAN II, GS 51).
Có ai xin tôi thuốc độc tôi sẽ không cho, và cũng không chỉ vẽ cho ai làm chuyện như thế; và cũng như vậy, tôi sẽ chẳng cho người phụ nữ nào phương tiện để rồi phá thai (Theo lời thề của HIPPOCRATES, khoảng 460 - 370 TCN).
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 178 | Tổng lượt truy cập: 3,211,048