Thiếu nhi chúng con yêu quí,
Chúng ta vừa được nghe một bài dụ ngôn rất quen thuộc và rất hay của Chúa Giêsu. Trong bài dụ ngôn này Chúa cho mọi người thấy người ta có thể có nhiều thái độ khác nhau đối với Lời Chúa
Cụ thể có thể kể đến bốn thái độ :
- Không hiểu nên không đón nhận.
- Đón nhận dễ dàng nhưng lại mau bỏ cuộc.
- Đón nhận nhưng rồi hạt giống bị lo âu trần thế bóp chết.
- Đón nhận và đem thực hành, nhờ đó sinh hoa kết quả, gấp mười gấp trăm.
Thử duyệt qua từng thái độ một.
1. Không Hiểu Nên Không Đón Nhận
Đây chúng con hãy nghe Chúa cắt nghĩa:. “Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ được gieo bên vệ đường”. (Mt 13,19-20)
Một linh mục trẻ được bổ nhiệm tới một giáo xứ để giúp cha xứ già yếu. Đến ngày Chúa nhật, nhiều giáo dân tới nhà thờ dự lễ và cũng để xem cha mới giảng hay thế nào?
Quả thật, hôm đó cha phó giảng rất hay và lời giảng của ngài gây ấn tượng tốt đẹp trong tâm hồn các tín hữu. Tin đó được truyền đi khắp nơi, và Chúa nhật sau đó, nhà thờ xứ chật ních người tới dự lễ. Nhưng họ không khỏi ngạc nhiên khi nghe cha phó lập lại cũng một bài giảng như Chúa nhật trước. Những người đã nghe lần trước thầm nghĩ: “Có lẽ cha phó muốn lập lại cho những người mới chưa được nghe”. Nhưng rồi Chúa nhật thứ ba, thứ tư, và thứ năm, cha phó xứ một bài giảng cũ hâm nóng lại. Giáo dân trong giáo xứ bắt đầu lẩm bẩm chê trách cha phó. Cuối cùng, họ đề nghị phái một nhóm đại diện trong hội các bà mẹ đến trình với cha. Họ bắt đầu với những lời nói lịch sự:
- Thưa cha, bài giảng của cha hôm Chúa nhật vừa rồi rất hay, chúng con ai cũng thích lắm.
Cha phó vui vẻ đáp:
- Thành thật cám ơn các bà vì những lời khích lệ ấy.
Các bà ngập ngừng nói tiếp:
- Nhưng thưa cha, xin cha cho phép chúng con được hỏi cha còn bài giảng nào khác hơn nữa không? Bởi vì suốt năm Chúa nhật vừa qua, cha đều lập đi lập lại cũng một bài giảng y hệt bài giảng đầu tiên khi cha vừa tới giáo xứ này.
Cha phó thản nhiên trả lời:
- Dĩ nhiên tôi biết điều đó và chắc chắn là tôi cũng có nhiều bài giảng khác nữa.
Các bà mạnh dạn nói thêm:
- Vậy thưa cha, vì ích lợi của cả giáo xứ, khi nào chúng con có thể được nghe cha bắt đầu bài giảng khác.
Cha phó nhanh nhẹn đáp lời:
- Dĩ nhiên tôi cũng rất mong ước được bắt đầu bài giảng cho tất cả giáo xứ càng sớm càng tốt. Tôi cũng hứa với quí ông quí bà là tôi sẽ bắt đầu sang bài giảng thứ hai ngay sau khi tôi thấy có ai trong quí ông bà đã đem thực hành bài giảng thứ nhất.
2. Đón Nhận Dễ Dàng Nhưng Mau Bỏ Cuộc
Đây là Lời của Chúa giải thích :”Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay.(Mt 13,20-21)
Chúng ta thấy không ít người tín hữu đã rơi vào trường hợp này. Đức tin chưa kịp bám rễ đã chết non. Có lên đường và khởi hành nhưng đã chóng quặt sang ngã khác, chẳng đi được bao xa.
- Phần I kêu gọi hãy gắng sức lao động để được của cải. Điều này đã làm cho bác nông phu rất hài lòng. Bác huých cùi chỏ vào người ngồi bên cạnh rồi nói nhỏ: “Hay quá! Thật là tuyệt vời”.
- Phần thứ II của bài giảng cha kêu gọi mọi người phải biết dành dụm của cải. Bác nông phu chăm chú nhìn cha Jean và như bác đang nuốt từng lời nói của cha vào lòng. Bác sung sướng ngồi thẳng người lên rồi như không thể kiềm chế được, bác buột miệng: “Tuyệt cú! Chính mình cũng chủ trương như vậy mà!”
- Phần III của bài giảng cha khuyên đừng xài phí. Bác nông phu nghe đến phần này gật gù tỏ vẻ hài lòng. Bác nói nhỏ: “Cám ơn Chúa vì con vẫn nghĩ và hành động đúng như vậy.”
- Phần cuối cùng của bài giảng cha bàn về tình liên đới được thể hiện qua việc rộng rãi chia sẻ của cải cách quảng đại cho những người cùng khốn.
Nghe đến đây, bác nông phu nhăn mặt khó chịu, bác thở dài rồi đứng lên bỏ ra về !!!
Mỗi người chúng ta có lẽ cũng ít nhiều giống bác nông phu trong câu chuyện chúng ta vừa nghe. Đúng là có nhiều lúc chúng ta cảm thấy Lời của Chúa thật tuyệt vời nhưng rồi mọi sự chỉ dừng lại ở đó. Thật đáng tiếc.
Quả chúng đang xây nhà trên cát!
3. Hạt Giống Bám Rễ Nhưng Bị Gai Vô Hiệu Hóa
Cỏ dại, gai góc là những lo lắng, đam mê trần thế thường chế ngự con người.
Đây là tình trạng sống đạo nửa vời. Lời Chúa còn nằm bên lề cuộc sống, chưa thành động lực thúc đẩy từ bên trong.
Đây có lẽ là tình trạng chung của rất nhiều tín hữu. Nhiều tín hữu sống đo không rõ rệt, dứt khoát. Sống trong tình trạng chân trong, chân ngoài, (chân ngoài dài hơn chân trong). Có thể chỉ muốn là một tín hữu “bình thường', “coi được”, “trung bình”, chứ không sẵn sàng trả một giá cao, tương xứng với ơn gọi làm một Kitô hữu xác tín. Muốn đạt tới Nước Trời nhưng với một giá rẻ mạt.
Một đêm kia, khi vị mục sư chuẩn bị đóng cửa nhà thờ, ông gặp một đứa bé đang ngủ ở hàng ghế sau cùng. Ông đánh thức cậu ta dậy và xin lỗi vì ông phải đóng cửa nhà thờ. Cậu bé liền cắt nghĩa: đêm nay cậu không có chỗ nào để trú ngụ và mong được lưu lại trong nhà thờ. Vị mục sư trả lời là ông hy vọng cậu bé hiểu giùm ông, vì ngủ trong nhà thờ thật không hay. Thế là ông mời cậu tạm vào phòng tiếp tân chờ ông gọi điện thoại cho hai trung tâm cư trú trong thành phố, hãy gắng kiếm một chỗ cho cậu bé qua đêm. Rủi thay đêm đó không có trung tâm nào còn chỗ trống cả. Vị mục sư liền xin lỗi cậu. Cậu ta biết mình phải ra đi và đã lầm lũi bước vào bóng đêm.
Về nhà, ông ngồi vào chiếc ghế bành êm ấm cầm Thánh kinh lên đọc đoạn dành riêng cho ngày hôm ấy. Đó là bài dụ ngôn “Người Samaria nhân hậu”. Bỗng dưng vị mục sư nhận thấy cậu bé giống hệt như người đàn ông bị thương tích trong dụ ngôn trên, cậu đang cần sự giúp đỡ. Ông cũng nhận ra mình giống vị Thượng tế kia bước qua một bên mà chẳng giúp gì cho cậu bé.
Rõ ràng đây là một mảnh đất còn gai góc, Lời Chúa chưa sinh hoa kết trái được.
Đức Phaolô VI gọi lối giữ đạo đó là một thứ “Kitô giáo không Thập giá”
4. Đón Nhận Lời Chúa Rồi Đem Thực Hành
Chúng con hãy nghe Chúa giải thích: “Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.” (Mt 13,23)
Đây là một thái độ Kitô giáo đích thực, điều mà Chúa Giêsu đòi mỗi tín hữu phải thực hiện. Không chỉ nghe mà thôi, nhưng là thực hành. Lời Chúa không còn là một thứ trang trí bên ngoài, nhưng trở thành động lực thôi thúc bên trong, trở thành đòi hỏi cụ thể phải quyết định hoặc chấp nhận hoặc khước từ, không thế lẩn tránh.
Chúa Giêsu luôn lấy việc thực hành ý Chúa Cha làm lương thực nuôi sống mình. Cũng vậy người Kitô hữu chỉ là Kitô hữu khi nào ý Chúa trở thành đòi hỏi khẩn thiết nhất, ưu tiên cao nhất trong ưu tư, dự định của đời mình.
Chuyện xảy ra ở một thôn người dân tộc. Có gia đình kia nghèo nhưng đạo đức. Hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn nên mùa màng gặt về cũng đủ ăn. Xong bà con chung quanh thường hay thiếu. Họ chạy đến chị K’Bông vay mượn, hẹn đến mùa sau sẽ trả. Có nhiều người mượn đã mấy mùa mà vẫn chưa đem lại trả. Gia đình tỏ vẻ không bằng lòng. Một hôm bà mẹ của chị gọi chị lại nói:
-Sao mày ngu vậy ? bạ ai cũng cho mượn hết, người ta không trả cho mày thì lấy gì mà ăn?
Chị mỉm cười trả lời :
- Mẹ mày, không sao đâu! Mình nghe lời Chúa dạy: cho mượn là việc mình phải làm, còn trả lại là việc của người ta!. . .
Thánh Augustinô, từ một chàng trai trụy lạc tội lỗi được cải hóa và đã trở nên một vị Đại Thánh Tiến Sĩ của Giáo Hội, chinh phục biết bao linh hồn trở về với Chúa, qua những tác phẩm giáo huấn và lời giảng dạy khôn ngoan của ngài... Còn biết bao trường hợp tương tự, ơn Chúa đã thực hiện cách lạ lùng nơi đời sống của các Thánh.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
Nguồn: tgpsaigon.net
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 32 | Tổng lượt truy cập: 3,211,629