Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Mùa Chay năm A

  • 05/03/2023
  • “Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Ngài. Các ngươi hãy vâng nghe lời Ngài!” (Mt 17,5)

     

    Thiếu nhi chúng con yêu quí,

    Chúng con vừa nghe bài Tin Mừng của thánh Matthêu.

    Tin Mừng hôm nay nói về cái gì chúng con ?

    - Nói về việc Chúa biến hình.

    - Còn gọi là Chúa hiển dung.

    - Thế chúng con thích gọi là lễ gì nào ?

    -….

    - Riêng cha, cha thích gọi cả hai: Vừa biến hình vừa hiển dung. Tại sao thế ?

    Đây cha cắt nghĩa cho chúng con.

    Trước hết cha phải nói: Việc Chúa biến hình và hiển dung hôm nay là một việc quan trọngViệc này được cả ba Tin mừng Nhất Lãm tức là Tin mừng Thánh Matthêu, Thánh Marco và thánh Luca ghi lại. 

    1. Sự kiện.

    Câu chuyện này xảy ra 6 ngày sau khi Phêrô long trọng tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa.

    Chúa biến hình để làm gì thì sách SGLM số 568 trả lời cho cho chúng ta "Cuộc Hiển Dung của Chúa Ki-tô nhằm mục đích củng cố đức tin của các tông đồ trước cuộc khổ nạn: việc leo lên "núi cao" chuẩn bị việc leo lên Núi Sọ. Đức Ki-tô, Đầu của Hội Thánh, bày tỏ "niềm hy vọng đạt tới vinh quang" mà Thân Thể Người ấp ủ và chiếu tỏa qua các bí tích (Cl 1,27) (x. T. Lê-ô cả, bài giảng 51,3).

    Vâng sự việc Chúa biến hình và hiển dung như thế nào thì bài Tin Mừng hôm nay đã cho chúng ta biết.

    Ở đây cha chỉ muốn lưu ý đến một vài điểm mà cha cho là cần phải để ý hơn.

    a- Trước hết khi Chúa biến hình tất cả những gì thuộc con người của Ngài hoàn toàn biến mất. Không còn một chút dấu vết gì về con người của Ngài nữa.

    b- Sau đó Ngài đã để hiểu lộ ra một Chúa Giêsu hoàn toàn khác. Ba môn đệ của Chúa đã phải ngây ngất trước một Chúa Giêsu hoàn toàn đổi ấy.

    c- Thái độ của các môn đệ của Chúa làm cho chúng ta phải vui lây. Phêrô đã không ngần ngại đề nghị với Chúa để ông được làm một điều mà trước đó có lẽ chưa bao giờ ông dám nghĩ tới. Ông cũng như các bạn của ông đều muốn kéo dài đến bất tận cái cảnh tuyệt vời này.

    d- Thế nhưng Chúa đã không cho ông được dừng lại ở đó. Chúa lại dẫn các ông xuống núi để tiếp tục cho xong con đường mà Chúa đã lựa chọn.

    Sau này khi nhớ lại câu chuyện ông đã từng được chứng kiến Phêrô đã viết như thế này: "Khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường được thêu dệt một cách khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người..”. (2P1,16-17)

    Vâng! Cuộc biến hình và hiển dung của Chúa đã làm cho các môn đệ vững tin hơn. Tuy nhiên niềm tin ấy còn phải được củng cố thêm bằng biến cố Phục sinh. Chỉ sau biến cố Phục sinh và được Chúa Thánh Thần biến đổi, các tông đồ mới trở thành những người hoàn toàn thuộc về Chúa.

    2. BÀI HỌC

    Thử hỏi câu chuyện hôm nay sẽ đem lại cho chúng ta bài học gì ? Có nhiều bài học nhưng ở đây cha chỉ muốn nói đến sự biến hình.

    Rõ ràng là mọi người đều thấy: Không phải chỉ có một lối biến hình, mà có hai: có loại biến từ tốt ra xấu. Giuđa là một thí dụ. Và có loại từ tầm thường nhưng mỗi ngày mỗi trở nên tốt hơn. Chúng ta có thể kể ra đây trường hợp của Phêrô. Chúng phải cảnh giác với loại thứ nhất và chú tâm vào loại thứ hai.

    * Có loại biến hình làm cho chúng ta phải sợ.

    Nhiều người đã có đã có dịp chiêm ngắm bức tranh bữa Tiệc Ly của nhà danh hoạ nổi người Ý Leonardo da Vinci. Bức ảnh vẽ Chúa Giêsu và 12 tông đồ trong bữa ăn Tiệc Ly sau hết.

    Tục truyền rằng khi vẽ tới Chúa Giêsu, họa sĩ đã muốn tìm một khuôn mặt thật dịu dàng nhân từ, và đẹp đẽ, để làm mẫu cho ông vẽ. Thật là may mắn cho ông. Lần kia lúc vào một nhà thờ nọ, ông thấy trong đám thanh niên hát lễ, có Pietro Bandenelli, một thanh niên có nét mặt khôi ngô phi thường. Sau một hồi nói chuyện, cậu đã bằng lòng theo ông về xưởng vẽ của ông để làm mẫu cho ông vẽ. Cặm cụi vẽ xong, họa sĩ đem treo bức tranh ở xưởng, và ai hỏi mua ông cũng không bán. Mặc dù bức tranh chưa hoàn thành. Bức tranh còn thiếu một nhân vật cũng khá quan trọng. Đó là Giuđa. Ông lại phải đi tìm người mẫu.

    Sau chừng hai năm, mặc dầu họa sĩ đã mất nhiều mất nhiều thời gian mà chưa tìm được người nào có nét mặt cứng cỏi và xấu xí tượng trưng cho nét mặt của Giuđa. Tình cờ một hôm ông vào một ngõ hẻm, thì gặp một người thanh niên bẩn thỉu, xấu xa, ghẻ lở, giơ tay xin ông bố thí. Ông nghĩ bụng, dầu có đi hết các phố chợ, có lẽ cũng chẳng gặp được ai xấu hơn chàng này. Ông bảo chàng đứng dậy đi theo về nhà để ông vẽ cho xong bức ảnh kia, bức ảnh còn thiếu một mình Giuda nữa là xong.

    Khi bước vào nhà, trông thấy bức tranh, chàng tự nhiên khóc lên. Chủ nhà cũng như mọi người trong phòng đều ngạc nhiên không hiểu lý do. Người ta gặng hỏi mãi, chàng trỏ tay lên bức ảnh và nói:

    - Ông quên tôi rồi sao ? Cách đây hai năm, tôi đã được ông mời đến đây để làm mẫu cho ông vẽ. Khi ấy tôi đẹp đẽ, đã được ông ca tụng và lấy làm mẫu để vẽ Chúa Giêsu. Nhưng sau đó tôi đã nhẹ dạ nghe theo chúng bạn, đâm ra hư hỏng chơi bời, sa đọa; ngày nay trong cảnh túng thiếu, bị các bạn và anh em bỏ rơi, tôi chỉ còn trông cậy vào đức ái của ông mà thôi.

    Vâng một cuộc biến hình nhưng thật đáng ghê sợ.

    Ngày nay cũng không thiếu gì những cảnh biến hình như thế. Nhất là đối với các bạn trẻ đang sống như con thiêu thân trước những cạm bẫy của cuộc sống hôm nay.

    * Và có những việc biến hình làm cho chúng ta mong ước.

    Trong biến cố hôm nay Chúa đã làm biến đi tất cả những gì thuộc về con người trần thế của Ngài để cho sau đó hình ảnh về Thiên Chúa nơi Ngài sau đó được hiển lộ ra.

    Cuộc đời của một người Kitô hữu trên con đường tiến về nhà cha trên trời cũng phải tương tự như thế. Mỗi ngày sống trên trần thế này là mỗi lột xác biến hình và hiển dung.

    Cha John Diamond một nhà giảng thuyết nổi tiếng bên Mỹ có kể lại câu chuyện này: "Hôm đó có một linh hồn vì chán ngấy cuộc sống ở thế gian cho nên linh hồn đi lên trước cửa Thiên đàng. Tới nơi linh hồn gõ cửa. Ở trong có tiếng hỏi vọng ra: "Ai đó" -

    Linh hồn trả lời: "Con đây ạ" .

    Cửa vẫn đóng.

    Sau đó linh hồn lại trở về với đời sống ở trần thế tìm thầy học đạo. Sau một thời gian thấy mình đã tiến bộ, linh hồn lại lên gõ cửa thiên đàng một lần nữa. Lại một tiếng hỏi từ bên trong như lần trước và linh hồn trả lời một cách quả quyết hơn:

    - Dạ chính con đây.

    Cửa vẫn đóng.

    Linh hồn lại phải trở về trần thế...mở sách Tin Mừng để xem Chúa muốn gì. Quả thực khi mở Tin Mừng ra linh hồn mới thấy con đường của mình phải đi. Đó là con đường tự hủy. Chúa nói thật rõ về con đường đó. Đó là phải làm chết cái tôi ích kỷ, hay khoe khoang phô trương, hay tự mãn, hay ghen ghét của mình. Phải làm chết đi cái tôi đầy hận thù, nhiều kiêu ngạo và đầy dẫy những ham muốn bất chính để làm cho con người của mình dần dần được giống Thiên Chúa là Cha ở trên trời hơn.

    Sau một thời gian thấy mình quả thực đã không còn là mình nữa thì linh hồn lại lên trời...lại gõ cửa...lại có tiếng từ bên trong hỏi vọng ra:

    - Ai đó ?

    Vừa nghe xong câu hỏi linh hồn đáp lại ngay:

    - Dạ thưa chính Chúa đấy ạ.

    Vừa trả lời xong thì linh hồn thấy cửa Thiên đàng được mở ra và cả một đạo binh các thiên thần long trọng đón linh hồn vào thiên đàng. Amen.

    Điều đáng chú ý là ngay sau đó lần đầu tiên Chúa báo trước cho các môn đệ của Ngài biết là Ngài sẽ bị bắt, bị tra tấn và cuối cùng sẽ phải chịu chết.

    Lời loan báo của Chúa làm các tông đồ choáng váng. Phêrô không chịu nổi trước lời loan báo đó nên ông đã công khai lên tiếng can ngăn Chúa. Phêrô tưởng làm như thế là làm vui lòng Thầy. Có ngờ đâu là lại bị Chúa quở mắng cho một trận thậm tệ. Chúa bảo Phêrô là đồ Satan. Chúa đuổi Phêrô cút xa cho khỏi mắt Ngài.

    Và có lẽ vì muốn cho các môn đệ không phải quá thất vọng về mình nên Chúa đã thực hiện cuộc biến hình và hiển dung hôm nay.

    Lm. Giuse Đinh Tất Quý

    Nguồn: tgpsaigon.net

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ