Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại hai cuộc hiện ra của Đức Giêsu phục sinh với các tông đồ của Ngài. Hai cuộc hiện ra này cách nhau 8 ngày :
- Trong lần hiện ra thứ nhất, Đức Giêsu cho các ông xem thấy tay chân và cạnh sườn, thấy những vết thương Ngài đã chịu trong cuộc chịu nạn. Qua những dấu chứng đó, các tông đồ đã nhận ra Chúa. Các ngài rất vui mừng. Chúa Giêsu đã chúc bình an cho các ngài, sự bình an mà các ngài đã làm mất khi chứng kiến cuộc khổ nạn và nhất là cái chết của Chúa trên Thập Giá. Rồi ngay sau đó Chúa đã ban Thánh Thần và sai các ngài đi (nhưng chưa nói là đi đâu và đi để làm gì).
Lần hiện ra này, có đông đủ các tông đồ nhưng không có mặt của Tôma. Tin Mừng không cho chúng ta biết lý do tại sao ông Tôma không có mặt cùng với anh em của mình khi Chúa hiện ra như thế.
- 8 ngày sau, Đức Giêsu lại hiện ra lần thứ hai. Lần này Tôma cũng có mặt. Chúng ta không thể tưởng tượng được niềm vui của các tông đồ lớn như thế nào. Khi Chúa Giêsu hướng cái nhìn của Chúa về phía Tôma thì, mọi cặp mắt của các tông đồ cũng đều hướng về đó. Các ngài sốt ruột chờ đợi. Một sự “Sự phán xét” của Chúa chăng?. Làm sao mà các tông đồ quên được thái độ khép lòng và hoàn toàn không tin của Tôma. Thế nhưng Chúa đã làm gì? Không một lời khiển trách nặng lời.
Dường như Chúa đã chào thua khi bảo Tôma hãy đưa tay ra mà chạm trực tiếp vào các vết thương của Chúa. Trước thái độ quá bất ngờ ấy, Tôma chỉ còn cách nói lên niềm tin của mình bằng những lời tuyên xưng thật đẹp. Đây mới là lời tuyên xưng mà Chúa chờ đợi từ bao nhiêu năm nay: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,29). Với lời tuyên xưng này, Tôma đã vươn tới tầm cao mới của đức tin: tin mà không cần thấy.
Như thế qua đoạn Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy có hai mức độ tin: mức độ thấp là tin vì thấy, nghĩa là tin dựa vào bằng chứng; mức độ cao hơn: tin mà không cần thấy, nghĩa là tin không dựa trên bằng chứng mà dựa trên tình yêu.
Theo Đức Giêsu thì mức độ thứ hai là cao hơn. Ngài kêu gọi chúng ta - qua lời nói với Tôma - hãy cố vươn lên mức độ cao ấy : “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy nên con tin. Nhưng phúc cho kẻ nào không thấy mà tin” (Ga 20,28).
Miguel de Unamuno viết: “Tôi tin vào Thiên Chúa như tin vào một người bạn, vì tôi cảm nhận được hơi thở tình yêu của Người, cảm nhận được bàn tay vô hình và khả giác của Người tác động đến tôi”.
Nhà sinh vật học Jean Henry Fabre sau 87 năm khảo sát và suy tư đã phải thốt lên: “Tôi không thể nói rằng tôi tin vào Thiên Chúa, mà là tôi trông thấy Người. Thấy Chúa là Cha rất nhân từ hằng yêu thương chăm sóc con người, và thấy mọi người là anh em với nhau”. Cha Michel Quoist có viết: “Tin Chúa, không phải là hướng mắt về Ngài để chiêm ngưỡng, nhưng đồng thời cũng là nhìn vào trần gian với ánh mắt của Đức Kitô”.
Cách đây không lâu, trên chương trình truyền hình Public Eye có trình chiếu một vụ xử án rất cảm động. Số là cách đây 19 năm, một tài xế xe truck say rượu đã gây ra tai nạn và làm cho em bé tên Joseph V. mới được một tuổi phải mang thương tật suốt đời.
Suốt 19 năm qua, bé Joe, tên “cúng cơm” của Joseph V, nay là một thanh niên 20 tuổi, đã phải sống trong cay đắng tủi hờn. Đi đâu cũng bị kinh tởm ruồng rẫy. Gia đình cũng đã phải chia sẻ nỗi đau khổ không kém.
Mới đây, người tài xế, sau thời gian dài lẩn trốn, đã bị bắt lại và đem ra xét xử. Tại toà, trước khi vị chánh án buộc tội, các nạn nhân và những người liên hệ được phép tiến lên phát biểu cảm tưởng, trong đó có anh Joe. Nhiều tâm tư - căm thù, uất hận, thương cảm - đã được phát biểu, nhưng có ba tâm tư đã làm cho tôi khó quên.
Người bố của anh Joe tiến lên trước toà và nói: “Trong suốt 19 năm qua, tôi không biết nên cầu cho con tôi sống hay xin cho nó chết. Cầu cho sống thì quả là đau khổ cho nó quá, bởi vì sau khi tai nạn xảy ra hai cánh tay con tôi bị cắt cụt, chỉ có khúc xương và cục thịt lủng lẳng ở hai đầu cánh tay. Gương mặt bị phỏng nặng và biến dạng. Môi cũng như mí mắt không còn nữa. Da thì chảy ra nên không còn hình thù của một gương mặt con người, đến nỗi các đứa bé khác khi nhìn vào thì tưởng là nó đeo mặt nạ. Bước đến đâu con tôi cũng bị kinh tởm hất hủi. Cho nên tôi không biết có nên cầu cho nó sống không. Còn cầu cho chết thì tôi không thể, vì tôi là người tin Chúa, nên tôi không thể cầu cho ai chết được hết”.
Đến phiên người mẹ của Joe bước lên trước máy vi âm. Bà nói: “Trong suốt 19 năm qua tôi đã phải đau cái nỗi đau của con tôi. Ví dụ lúc được 5 tuổi Joe hỏi tôi: “Mẹ ơi khi nào thì các ngón tay của con không mọc ra hả mẹ?” Hay lúc được 8 tuổi, bé đã thắc mắc: “Mẹ ơi, sao da của con không được trơn như của mẹ hay của mấy em vậy?’” Người mẹ vừa thổn thức vừa nói tiếp: “Tôi không biết phải trả lời thế nào chỉ biết ôm lấy con tôi mà khóc, mà thương nó thôi.”
Cuối cùng anh Joe cũng tiến lên để nói những lời có tính cách quyết định cho bản án. Anh hướng về phía người tài xế và nhẹ nhàng nói: “Thưa ông, nếu không có đức tin thì có lẽ tôi đã kết thúc đời mình từ lâu rồi. Đời tôi sẽ bị kết thúc bởi sự chối từ kinh tởm của người khác, hoặc khi tôi chợt nhìn vào trong gương và thấy được nét mặt kinh khủng của mình. Nhưng tôi không muốn hủy diệt đời mình trong sự thù hận ghen ghét. Tôi không thù ông, không giận ông và cũng không kết án ông. Tôi chỉ xin nói với ông một điều cuối cùng này: bất cứ chuyện gì có xảy đến thì cũng hãy biết rằng ơn phúc của Thượng đế vẫn hằng tràn đầy trên chúng ta, vì Ngài yêu thương chúng ta.”
Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,
xin cho con biết sống cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,
Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.
Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.
Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.
Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.
Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.
Vượt qua những thành kiến con có về người khác...
Chính vì Chúa đã phục sinh
nên con vui sướng và can đảm vượt qua,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh
gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng,
tin tưởng và niềm vui.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 0 | Tổng lượt truy cập: 3,304,405