Trong Đền thờ Giêrusalem, đôi tay Đức Maria đã đưa về phía cụ già Simêon, ông đã đón lấy Giêsu trong vòng tay và nhận ra Người là Đấng Mêsia được sai đến để cứu dân Israel. Trong bối cảnh này, chúng ta chiêm ngắm Đức Maria, Người Mẹ trao ban cho chúng ta người con là Chúa Giêsu. Đó là lý do tại sao chúng ta yêu mến và sùng kính Mẹ. Trong Đền thánh Quốc Gia Šaštín này, người dân Slovakia chạy đến Mẹ với đức tin và lòng sùng kính vì họ biết rằng Mẹ đã trao Chúa Giêsu cho nhân loại. Logo của chuyến Tông Du này mô tả một con đường quanh co nằm bên trong một trái tim được đặt bên dưới Thánh giá: Mẹ Maria là con đường dẫn chúng ta đến với Thánh Tâm Chúa Kitô, Đấng đã hy sinh chính mạng sống vì yêu thương chúng ta.
Dưới ánh sáng của đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, chúng ta có thể chiêm ngưỡng Đức Maria như một mẫu gương về đức tin. Và chúng ta có thể nhận ra ba đặc tính của đức tin: hành trình, ngôn sứ và lòng trắc ẩn.
Trên hết, đức tin của Mẹ Maria là một đức tin lên đường. Sau khi nghe thiên thần loan báo, thiếu nữ Nazareth, “đã vội vã đi đến miền đồi núi” (Lc 1, 39) để thăm và giúp đỡ người chị họ Elizabeth. Khi được kêu gọi trở thành Mẹ Đấng Cứu Độ, Đức Maria không coi đó là một đặc ân; Mẹ không đánh mất niềm vui đơn sơ khiêm nhường sau cuộc viếng thăm của thiên thần; Mẹ không dừng lại để chiêm ngưỡng chính mình trong bốn bức tường của ngôi nhà. Trái lại, Mẹ đã cảm nghiệm hồng ân lãnh nhận như một sứ vụ phải thực hiện; Mẹ cảm thấy được thúc bách mở cửa đi ra ngoài căn nhà; Mẹ nôn nóng dâng hiến cuộc sống và thân xác như ý Chúa muốn để mọi người được cứu độ. Đó là lý do tại sao Mẹ Maria lên đường. Trong hành trình này, Mẹ đã chọn những điều chưa biết của cuộc hành trình hơn là sự thoải mái của những thói quen hàng ngày; sự mệt nhọc của việc đi đường hơn là sự yên bình trong ngôi nhà; sự mạo hiểm của đức tin được đem ra để trở thành một món quà yêu thương cho người khác hơn là sự an toàn của lòng đạo đức tĩnh tại.
Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta thấy Mẹ Maria lên đường, hướng về Giêrusalem, nơi cùng với thánh Giuse, Mẹ đã dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ. Và cả cuộc đời Mẹ sẽ là một cuộc hành trình theo sau Con Mẹ, với tư cách là môn đệ đầu tiên của Người, đến đồi Canvê, dưới chân Thánh giá. Mẹ Maria không bao giờ dừng cuộc hành trình.
Đối với anh chị em, người dân Slovakia, Đức Trinh Nữ là một mẫu gương về đức tin: một đức tin luôn bước đi, một đức tin được gợi hứng từ lòng sùng kính đơn sơ và chân thành, một cuộc hành hương liên tục tìm kiếm Chúa. Khi thực hiện cuộc hành trình này, anh chị em phải vượt qua cám dỗ của một đức tin thụ động, vốn hài lòng với nghi lễ hoặc truyền thống cổ xưa. Thay vào đó, anh chị em hãy ra khỏi chính mình, mang theo niềm vui và nỗi buồn trong hành trang, và làm cho cuộc sống trở thành một cuộc hành hương của tình yêu hướng về Thiên Chúa và anh chị em. Cảm ơn vì chứng tá này! Và xin hãy kiên trì bước đi trong hành trình! Luôn luôn! Đừng dừng lại.
Tôi cũng muốn nói thêm một điều. Tôi nói: “Đừng dừng lại”, nhưng khi Giáo hội dừng lại, Giáo hội sẽ bị bệnh; khi các giám mục dừng lại, họ làm cho Giáo hội bị bệnh; khi các linh mục dừng lại, họ làm cho dân Chúa bị bệnh.
Đức tin của Mẹ Maria cũng là một đức tin mang tính ngôn sứ. Bằng chính cuộc sống, thiếu nữ Nazareth là lời ngôn sứ về công trình của Thiên Chúa trong lịch sử, về hành động thương xót của Người làm đảo lộn luận lý của thế giới, nâng cao người khiêm nhường và hạ bệ kẻ kiêu căng Lc (1, 52). Đức Maria là đại diện cho tất cả “người nghèo của Giavê”, những người kêu cầu lên Chúa và chờ đợi sự xuất hiện của Đấng Mêsia. Các ngôn sứ của Israel đã loan báo rằng Mẹ là Thiếu Nữ Sion (Xp 3, 14-18), Đức Trinh Nữ sẽ thụ thai Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Is 7, 14). Là Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria là biểu tượng cho ơn gọi của chúng ta: như Mẹ, chúng ta cũng được kêu gọi nên thánh và vô nhiễm trong tình yêu (Ep 1, 4), giống hình ảnh của Chúa Kitô.
Truyền thống ngôn sứ của Israel đạt đến đỉnh cao trong Đức Maria, bởi vì Mẹ cưu mang Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, Chúa Giêsu, Đấng đã hoàn thành trọn vẹn và dứt khoát chương trình của Thiên Chúa. Ông Simeon nói với Đức Maria về Chúa Giêsu: “Con trẻ này làm duyên cớ cho nhiều người Israel vấp ngã hay đứng lên…dấu hiệu cho người đời chống báng” (Lc 2, 34).
Chúng ta đừng bao giờ quên điều này: đức tin không thể bị giảm xuống thành đường làm ngọt cuộc sống. Không thể! Chúa Giêsu là dấu chỉ của sự đối nghịch. Người đến để mang ánh sáng vào nơi tối tăm, đưa bóng tối ra chỗ nhận biết và bắt nó phải phục tùng. Vì lý do này, bóng tối luôn chiến đấu chống lại Người. Ai đón nhận và mở lòng ra với Người thì sẽ được Người làm cho sống lại; ai chối từ Người thì vẫn ở trong bóng tối, và tự huỷ hoại mình. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Người rằng Chúa đến không phải để mang lại hòa bình nhưng là gươm giáo (Mt 10, 34): thật vậy, Lời Chúa, như gươm hai lưỡi, đi vào cuộc sống chúng ta, tách ánh sáng ra khỏi bóng tối và yêu cầu chúng ta chọn lựa. Trước Chúa Giêsu, chúng ta không thể hâm hẩm, xỏ “chân trong hai chiếc giày”. Không thể như thế. Khi đón nhận Người, có nghĩa là chúng ta để cho Người làm tỏ lộ những mâu thuẫn của chúng ta, các ngẫu tượng và những cám dỗ của chúng ta. Người trở thành sự sống lại của chúng ta, Đấng luôn nâng chúng ta lên khi chúng ta vấp ngã, Người nắm lấy tay và cho phép chúng ta bắt đầu lại. Luôn luôn đứng dậy lại.
Ngày nay, Slovakia cần những ngôn sứ như vậy. Điều này không có nghĩa là trở thành thù địch với thế giới, nhưng là “dấu chỉ của sự đối nghịch” trong thế giới. Các Kitô hữu là người biết thể hiện vẻ đẹp Tin Mừng bằng cuộc sống, là những người dệt nên cuộc đối thoại nơi chiến tranh lạnh làm đông cứng. Các Kitô hữu là những người làm cho đời sống huynh đệ được chiếu sáng ở nơi xã hội đang có sự chia rẽ và thù địch, là những người mang lại hương thơm ngọt ngào của lòng hiếu khách và tình liên đới ở những nơi mà sự ích kỷ cá nhân và tập thể thường chiếm ưu thế; họ là những người bảo vệ và gìn giữ cuộc sống ở những nơi mà văn hóa sự chết ngự trị.
Cuối cùng, Mẹ Maria là Mẹ của lòng trắc ẩn. Đức tin của Mẹ là lòng trắc ẩn. Mẹ tự nhận mình là “nữ tỳ của Chúa” (Lc 1, 38), và là người, với sự ân cần, đã quan tâm để rượu trong tiệc cưới ở Cana không bị thiếu (Ga 2, 1-12), là người đã chia sẻ với Con Mẹ sứ vụ cứu độ, cho đến dưới chân Thánh giá. Tại đồi Canvê, trong nỗi đau tột cùng, Mẹ đã hiểu lời ngôn sứ của cụ già Simêon: “Một lưỡi gươm cũng sẽ đâm thấu tâm hồn của bà” (Lc 2,35). Đau khổ của người Con đang hấp hối, Đấng đã tự gánh lấy tội lỗi và đau khổ của nhân loại, đã xuyên thấu tâm hồn của Mẹ. Chúa Giêsu đau đớn trong thân xác, Con Người của đau khổ, bị biến dạng bởi sự dữ (Is 53,3). Mẹ Maria đau khổ trong linh hồn, là Mẹ cảm thương Mẹ sẽ lau khô những giọt nước mắt chúng ta, sẽ an ủi chúng ta và chỉ cho chúng ta thấy chiến thắng cuối cùng trong Đức Kitô.
Đức Maria, Mẹ Sầu Bi, luôn đứng dưới chân Thánh giá. Mẹ không chạy trốn, hay cố gắng tự cứu mình, hay tìm cách giảm bớt sự đau buồn. Đây là bằng chứng của lòng trắc ẩn thực sự: luôn đứng dưới Thánh giá. Vẫn với khuôn mặt nước mắt nhưng với đức tin, biết rằng nơi Con của Mẹ, Thiên Chúa đã biến đổi đau thương và chiến thắng sự chết.
Và chúng ta cũng vậy, khi nhìn vào Đức Mẹ Sầu Bi, chúng ta hãy mở lòng đón nhận đức tin, để đức tin trở thành lòng trắc ẩn, một đức tin trở thành sự chia sẻ cuộc sống với những ai đang bị tổn thương, đau khổ và buộc phải mang thập giá nặng nề. Anh chị em thân mến, một đức tin không còn trừu tượng, nhưng nhập thể và liên đới với những ai gặp khó khăn. Một đức tin, theo cung cách của Chúa, âm thầm và khiêm hạ xoa dịu nỗi đau của thế giới và tưới mát dòng lịch sử bằng ơn cứu độ.
Anh chị em thân mến, nguyện xin Chúa luôn giữ gìn nơi anh chị em sự ngạc nhiên và lòng biết ơn đối với hồng ân đức tin! Và xin Đức Maria giúp anh chị em có được ân sủng luôn giữ vững đức tin trong hành trình, có hơi thở của ngôn sứ và một đức tin giàu lòng trắc ẩn.
Nguồn: Vaticannews Tiếng Việt
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 36 | Tổng lượt truy cập: 3,214,539