Svitlana Dukhovych
Sơ Shulak chia sẻ: “Các yếu tố tinh thần của mỗi người rất nhạy cảm. Rõ ràng, trong một cuộc chiến có rất nhiều kinh nghiệm nội tâm khác nhau, rất nhiều cảm xúc và tình cảm trái ngược nhau, đến nỗi đôi khi, đặc biệt là khi cuộc chiến bắt đầu, khiến cho khó có thể cầu nguyện”.
Tháng 10 năm ngoái, sơ được bầu làm Bề trên Tổng quyền của Dòng các Nữ tu Truyền giáo Chúa Cứu Thế. Dòng của sơ hoạt động tại Ucraina từ năm 1998. Tỉnh dòng Ucraina có 5 cộng đoàn với 26 nữ tu. Họ giúp đỡ các cha Dòng Chúa Cứu Thế trong các giáo xứ, làm việc với giới trẻ và trẻ em, dạy giáo lý, tổ chức trại hè, hành hương và tĩnh tâm.
Chiến tranh đã thử thách nặng nề cuộc sống của những nữ tu này, tất cả đều dưới 50 tuổi. Sơ Teodora nói tiếp: “Dường như chúng tôi đã bị bỏ mặc với cảm giác sợ hãi, tức giận và đau đớn. Vào một số thời điểm, chúng tôi sợ hãi bởi cảm giác rằng sự thù hận có thể len lỏi vào trái tim chúng tôi. Đôi khi tôi cảm thấy mình như bị phân đôi: một mặt, trong giờ cầu nguyện chung, tôi tạ ơn và ngợi khen Chúa, mặt khác, khi trở về phòng, tôi trải qua những cảm giác mâu thuẫn nhất mà tôi không thể giải quyết được. Một ngày nọ, tôi hiểu rằng sự phân chia này không đúng tinh thần Kitô giáo: Chúa Giêsu đã sống lại với những vết thương, Người biết ý nghĩa của việc mang những vết thương này và trải qua đau đớn cho đến chết. Tôi hiểu rằng chỉ trong Người và cùng với Người, tôi có thể sống sót qua thảm kịch này".
Cuộc hành trình nội tâm này đã dẫn sơ đến việc phó thác tất cả những cảm xúc và tình cảm đau khổ của mình cho Chúa, tin tưởng vào lời cầu nguyện mà sơ đã dâng lên Chúa trong nước mắt: “Lạy Chúa, con thuộc về Chúa! - sơ cầu nguyện gần như hét lên - Chúa đã tạo dựng chúng con để sống và chúng con bị bách hại bởi sự chết. Chúa đã kêu gọi chúng con trở thành niềm hy vọng sống cho bao nhiêu người khác, còn chính chúng con thì bị bao phủ bởi bóng tối của sự chết chóc và sợ hãi”.
Kinh nghiệm đời sống nội tâm đã dạy cho nhà truyền giáo này giữ thinh lặng sau khi cầu nguyện để Chúa có thời gian đáp lại lời nguyện cầu của sơ. Sơ nhớ lại: "Tôi đã nói: 'Con sẽ đợi bao lâu cũng được, nhưng đừng bỏ mặc con đơn độc trong mọi sự con đang trải qua.'"
Chiến tranh đòi hỏi sự phân định liên tục không chỉ đối với đời sống nội tâm, mà còn đối với hoạt động mục vụ. Sơ Teodora nói rằng sau khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu, các nữ tu thấy mình phải suy nghĩ lại về các hoạt động của mình để phục vụ Giáo hội và người dân tốt hơn trong hoàn cảnh mới. Ngay trong tháng 3, khoảng mười nữ tu nói tiếng Đức và/hoặc tiếng Anh đã ra nước ngoài (Đức, Áo, Ai Len) để giúp đỡ các cơ sở Công giáo đã tiếp đón những người tị nạn Ucraina. Trong hơn sáu tháng, họ đã giúp những người đồng hương điền vào các thủ tục giấy tờ, thăm người ốm và bị thương trong bệnh viện và hỗ trợ trẻ em tị nạn tại các trường học địa phương.
Một lĩnh vực phục vụ khác của họ là hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân chiến tranh. Một số nữ tu có chuyên môn về tâm lý học và tâm lý trị liệu, đã quyết định tham gia các khóa học cụ thể hơn nữa để giúp mọi người vượt qua đau buồn và tổn thương. Sơ Teodora giải thích: “Trong một số tu viện của chúng tôi, chúng tôi cũng đã tiếp đón những người tị nạn và trong số này cũng có một gia đình người Tatar theo đạo Hồi. Trong thời gian lưu lại với các nữ tu, họ đã chào đón đứa con chào đời. Và sau đó họ đã viết một bài rất cảm động trên Facebook về sự thật rằng họ chưa bao giờ nghĩ rằng họ có thể trải nghiệm mối quan hệ giữa những Kitô hữu và người Hồi giáo gần gũi như vậy".
Trong mười năm, các Nữ tu Truyền giáo Chúa Cứu Thế cũng đã có một cộng đoàn ở Chernihiv, thủ phủ của vùng cùng tên, ở miền bắc Ucraina. Trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến, các nữ tu không có khả năng tiếp tục sứ mạng của mình ở Chernihiv. Họ buộc phải rời thành phố bị lính Nga bao vây và ném bom. Khi họ trở lại vào tháng Tư, họ nhìn thấy cảnh hoang tàn đổ nát. Sơ Teodora, chuyên về tâm lý trị liệu, cũng đi thăm và an ủi người dân. Sơ nói: “Chúng tôi đã đến thăm những người ở những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mọi người đã mất người thân, nhà cửa, mọi thứ. Thông qua đối thoại và lắng nghe, chúng tôi có thể giúp họ phần nào vượt qua trầm cảm hoặc hoảng loạn. Họ là những người thực sự cần biết rằng có ai đó ở bên cạnh họ, người có thể mang lại hy vọng và niềm tin khi họ chùn bước".
Nhà truyền giáo nói thêm rằng mặc dù sự tức giận là một phản ứng tự nhiên trước sự bất công và đau khổ phải gánh chịu, nhưng điều quan trọng là nó không trở thành cảm xúc phổ biến và mọi người phải biết chọn sự sống dù chỉ trong những cử chỉ nhỏ, giống như một người phụ nữ sơ gặp ở Chernihiv, người đã trồng một vườn rau tuyệt vời xung quanh ngôi nhà đã bị phá hủy hoàn toàn bởi các vụ đánh bom. Bà nói với các nữ tu trẻ: “Tôi tập trung vào những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống. Hãy nhìn cái cây nhỏ vừa mới mọc lên từ đất này: nó sẽ lớn lên và sống". Sơ Teodora nói rằng đây là một chứng tá cho sơ về ý nghĩa của việc lựa chọn sự sống.
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 0 | Tổng lượt truy cập: 3,304,503