Ngọc Yến - Vatican News
Đức Thánh Cha bắt đầu bài giảng với những lời trong sách Ai-ca “Biết thinh lặng đợi chờ, đợi chờ ơn cứu độ của Đức Chúa, đó là một điều hay” (Ac 3, 26). Ngài nói: “Thái độ này không phải là điểm khởi đầu, nhưng là điểm đến. Thực tế, tác giả đã đi đến cuối hành trình, một hành trình nhiều khó khăn, nhưng đã giúp tác giả trưởng thành. Tác giả hiểu ra vẻ đẹp của việc tin cậy Chúa, Đấng không bao giờ thất hứa”.
Chờ đợi Chúa đến trong thinh lặng
Đức Thánh Cha lưu ý: “Nhưng tin cậy Chúa không nảy sinh từ sự nhiệt tình nhất thời, nó không phải là một cảm xúc và tình cảm. Trái lại, tin cậy nơi Chúa đến từ kinh nghiệm và sự trưởng thành trong sự kiên nhẫn, như xảy ra với Gióp. Ông đã đi từ sự hiểu biết Thiên Chúa ‘theo những gì nghe được’ đến sự hiểu biết sống động, bằng kinh nghiệm. Và để điều này xảy ra, một sự biến đổi nội tâm lâu dài là cần thiết, qua thử thách đau khổ, dẫn đến việc biết cách chờ đợi trong thinh lặng, nghĩa là, với sự kiên nhẫn tin cậy, với một tâm hồn hiền lành. Sự kiên nhẫn này không phải là sự cam chịu, vì nó được nuôi dưỡng bởi sự trông đợi Chúa, Đấng sắp đến là điều chắc chắn và không làm chúng ta thất vọng”.
Cần phải học nghệ thuật chờ đợi
Theo Đức Thánh Cha, học nghệ thuật chờ đợi Chúa là điều rất quan trọng. Chờ đợi Chúa trong hiền lành, tin tưởng, xua đuổi những bóng ma, những cuồng tín và những tiếng ồn ào; giữ gìn, đặc biệt là trong thời gian thử thách, một sự thinh lặng tràn đầy hy vọng. Đây là cách chúng ta chuẩn bị cho thử thách cuối cùng và lớn nhất của cuộc đời, đó là cái chết; nhưng trước hết là những thử thách trong lúc này. Chúng ta hãy xin Chúa ban ơn trợ giúp để có thể chờ đợi ơn cứu độ của Người.
Thực tế, trước những khó khăn, những vấn đề của cuộc sống, chúng ta khó có được sự kiên nhẫn và bình tĩnh. Chúng ta thường bị cám dỗ trở nên bi quan và cam chịu, nhìn thấy mọi thứ đen tối, quen với giọng điệu chán nản và than thở, tương tự như lời của tác giả Sách Thánh tự nhủ “Cuộc sống của mình nay chấm dứt, hy vọng nơi Đức Chúa cũng tiêu tan” (câu 18). Trong thử thách, ngay cả những ký ức tốt đẹp trong quá khứ cũng không thể an ủi chúng ta. Và điều này càng làm tăng thêm nỗi cay đắng, dường như cuộc đời là một chuỗi bất hạnh liên tiếp, như chính tác giả thừa nhận: “Xin nhớ đến nỗi khốn cùng của con, và cuộc đời con vất vưởng nuốt cay ngậm đắng”. (câu 19).
Tuy nhiên, tại thời điểm khó khăn, trong vực thẳm, trong nỗi thống khổ của sự vô nghĩa, Chúa đến gần để cứu. Và khi sự cay đắng lên đến đỉnh điểm, niềm hy vọng lại đột nhiên nở rộ. “Đây là điều con suy đi gẫm lại, nhờ thế mà con vững dạ cậy trông” (câu 21). Trong nỗi đau đớn, ai ở gần Chúa, sẽ thấy Người biến đau khổ thành cánh cửa hy vọng. Đó là kinh nghiệm Phục sinh, một hành trình đau đớn mở ra sự sống, hành trình tâm linh trong bóng tối khiến chúng ta trở lại với ánh sáng.
Đức Thánh Cha mời gọi mọi người xin ơn sức mạnh để biết sống trong thinh lặng hiền lành và tin cậy chờ đợi ơn cứu độ của Chúa, không phàn nàn và không cằn nhằn. Bởi vì, biết chờ đợi ơn cứu độ của Chúa trong thinh lặng là một nghệ thuật. Kitô hữu là người không giảm bớt sức nặng của đau khổ, nhưng ngước mắt lên Chúa và dưới thử thách, tin cậy nơi Người và cầu nguyện cho những ai đau khổ. Kitô hữu luôn hướng mắt về Thiên đàng, nhưng đôi tay luôn dang rộng trên mặt đất, để phục vụ người thân cận một cách cụ thể.
Cầu nguyện cho các Hồng y và các Giám mục qua đời
Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng với lời mời gọi mọi người cầu nguyện cho các Hồng y và các Giám mục đã rời xa chúng ta trong năm qua. Xin cho các vị được hưởng niềm vui của lời mời gọi Tin Mừng, lời mà Chúa nói với các tôi trung của Người: “Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (Mt 25, 34).
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 24 | Tổng lượt truy cập: 3,214,482