ĐTC Phan-xi-cô: Đừng giả hình, có nói có, không nói không

  • 27/08/2021
  • Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu sống theo lời Chúa Giêsu dạy: có nói có, không nói không. Hãy sống theo sự thật mới có thể yêu thương; ngược lại, giả hình thì không biết yêu thương và còn nguy hiểm cho sự hiệp nhất trong Giáo hội.

    Hồng Thủy - Vatican News

    Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư tuần trước, 18/7/2021, Đức Thánh Cha đã giải thích cho các tín hữu về lời giảng dạy của thánh Phaolô: Những ai sống theo ơn Chúa Kitô thì được tự do khỏi những ràng buộc của Luật Môsê. Trong bài giáo lý sáng thứ Tư 25/8/2021, Đức Thánh Cha giải thích về việc thánh Phaolô khiển trách thánh Phêrô vì thói giả hình, bởi vì khi thấy các Kitô hữu gốc Do Thái đến, thánh Phêrô không ngồi ăn chung với các Kitô hữu gốc dân ngoại nữa. Và thói giả hình này tạo nên sự chia rẽ trong cộng đoàn.

    Đức Thánh Cha giải thích rằng giả hình là sợ hãi sự thật, sợ nói sự thật, sợ hành động theo sự thật, từ đó dẫn đến việc sống giả hình, nói một đàng làm một nẻo. Giả hình là thứ lây lan như virus; nó xảy ra ở nơi làm việc, trong đời sống chính trị và thậm chí, đáng ghê tởm hơn, trong chính Giáo hội. Ngài cảnh giác về chủ nghĩa hình thức, điều có thể dẫn đến thói giả hình.

    Buổi tiếp kiến bắt đầu với đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát , trong đó thánh nhân thuật lại việc ngài đã khiển trách thánh Phêrô:

    Nhưng khi ông Kê-pha đến Antiokia, tôi đã cự lại ông ngay trước mặt, vì ông đã làm điều đáng trách… Tôi đã nói với ông Kêpha trước mặt mọi người: “Nếu ông là người Do Thái mà còn sống như người dân ngoại, chứ không như người Do Thái, thì làm sao ông lại ép người dân ngoại phải xử sự như người Do Thái?

    Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý dựa trên đoạn sách Thánh này.

    Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

    Thư gửi tín hữu Galát thuật lại một sự việc khá ngạc nhiên. Như chúng ta đã nghe, thánh Phaolô nói rằng ngài đã khiển trách ông Kêpha, nghĩa là thánh Phêrô, trước mặt cộng đoàn tại Antiokia, bởi vì hành động của thánh Phêrô không tốt cho lắm. Điều gì nghiêm trọng đã xảy ra đến mức thánh Phaolô cảm thấy cần phải nói với thánh Phêrô những lời lẽ gay gắt như thế? Có phải thánh Phaolô đang cường điệu hóa, và đã để cho tính cách của ngài thể hiện quá nhiều và không biết kiềm chế bản thân? Chúng ta sẽ thấy rằng không phải như thế; nhưng một lần nữa, tương quan giữa Lề Luật và tự do được nêu bật.

    Sự chia rẽ 

    Đức Thánh Cha giải thích về những lời của thánh Phaolô: Khi viết thư cho các tín hữu Galát, thánh Phaolô chủ ý nhắc đến sự kiện đã xảy ra vài năm trước tại Antiokia. Ngài muốn nhắc nhở các Kitô hữu của cộng đoàn đó rằng họ tuyệt đối không được nghe những người đang rao giảng rằng cần phải cắt bì, và do đó “bị Lề Luật giam cầm” bằng tất cả các quy định của nó. Điều thánh Phêrô chỉ trích nơi thánh Phêrô chính là hành vi của thánh Phêrô khi ngồi vào bàn ăn. Đối với một người Do Thái, Lề Luật cấm ăn uống với những người không phải là người Do Thái. Nhưng trong một hoàn cảnh khác, chính thánh Phêrô, đã đến nhà của đại đội trưởng Conêliô ở Xêdarê, dù biết rằng mình đang vi phạm Lề Luật. Do đó, thánh nhân khẳng định: “Thiên Chúa đã cho tôi thấy là không được gọi ai là ô uế hay không thanh sạch” (Cv 10, 28). Khi thánh Phêrô trở về Giêrusalem, các Kitô hữu đã chịu phép cắt bì, những người trung thành với Luật Môsê, đã khiển trách ngài về hành vi của ngài. Tuy nhiên, ngài biện minh cho mình rằng: “Tôi sực nhớ lại lời Chúa nói rằng : ‘Ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì sẽ được rửa trong Thánh Thần’. Vậy, nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa?” (Cv 11, 16-17).

    Một sự việc tương tự cũng đã xảy ra tại Antiokia khi có thánh Phaolô. Đầu tiên, thánh Phêrô đã dùng bữa với những Kitô hữu có nguồn gốc ngoại giáo mà không gặp vấn đề gì; tuy nhiên, khi một số Kitô hữu đã cắt bì từ Giêrusalem - những người từ Do Thái giáo - đến thành phố này, thì ngài không còn làm như vậy nữa, vì ngài không muốn bị họ chỉ trích. Điều sai lầm chính là ngài quá chú trọng đến những lời phê bình, chú trọng đến việc tỏ ra mình là một người tốt hơn là chú trọng đến thực tế, đến các mối liên hệ. Và điều này thật nghiêm trọng đối với thánh Phaolô, vì các môn đệ khác đã bắt chước thánh Phêrô, đặc biệt là Banaba, người thậm chí đã truyền giáo cho người Galát (xem Gl 2, 13). Thực ra, dù không muốn, nhưng khi làm như vậy, với thai độ không rõ ràng, thánh Phêrô đang tạo ra sự chia rẽ không đúng trong cộng đồng.

    Thói giả hình: sợ hãi sự thật

    Khi khiển trách, thánh Phaolô sử dụng một thuật ngữ cho phép chúng ta hiểu rõ hơn về phản ứng của ngài: thói giả hình (xem Gl 2,13). Việc tuân giữ Lề Luật của các Kitô hữu đã gây nên hành vi giả hình này, điều mà thánh Tông đồ muốn chống lại một cách mạnh mẽ và thuyết phục. Giả hình là gì? Nó có thể được gọi là sự sợ hãi sự thật. Người giả hình sợ hãi sự thật. Người ta thích giả vờ hơn là là chính mình. Nó giống như trang điểm cho tâm hồn, giống như trang điểm trong thái độ, giống như trang điểm trong cách làm: nó không phải là sự thật. Sự giả vờ bóp nghẹt can đảm để công khai nói điều là sự thật; và do đó nó có thể dễ dàng tránh được nghĩa vụ nói sự thật mọi lúc, mọi nơi và bất chấp mọi thứ. Trong một môi trường mà các mối quan hệ giữa các cá nhân được thể hiện theo giáo huấn của chủ nghĩa hình thức, thì vi rút giả hình dễ dàng lây lan.

    Mẫu gương của cụ Elada trong sách Macabê

    Trong Kinh Thánh có một số ví dụ chống lại thói giả hình. Đức Thánh Cha trình bày chứng tá tuyệt đẹp của cụ Elada, người được yêu cầu giả vờ ăn thịt đã được hiến tế cho các vị thần ngoại giáo để cứu mạng sống của chính mình. Nhưng người kính sợ Chúa đó trả lời: “Ở tuổi chúng tôi, giả vờ là điều bất xứng, e rằng có nhiều thanh niên sẽ nghĩ là ông già Elada đã chín mươi tuổi đầu, mà còn theo những lề thói dân ngoại. Rồi bởi tôi đã giả vờ và ham sống thêm một ít lâu nữa, nên họ bị lầm lạc vì tôi, còn tôi thì chuốc lấy vết nhơ và ô nhục cho tuổi già” (2 Mac 6, 24-25). Ông chân thật, không đi theo con đường giả hình. Thật là một câu chuyện hay để suy tư để tránh xa thói đạo đức giả!

    Chúa Giêsu cũng lên án thói giả hình

    Đức Thánh Cha cũng đề cập đến một số tình huống được thuật lại trong các sách Tin Mừng, khi Chúa Giêsu mạnh mẽ trách những người chỉ tỏ vẻ bề ngoài, nhưng bên trong chứa đầy sự giả dối và gian ác (x. Mt 23, 13-29). Ngài gợi ý với các tín hữu tham dự buổi tiếp kiến: Nếu anh chị em có chút thời gian, hãy mở chương 23 của Tin mừng thánh Mátthêu và sẽ thấy bao nhiều lần Chúa Giêsu nói: “những kẻ giả hình, những kẻ đạo đức giả”, và cho thấy thế nào là thói giả hình.

    Người giả hình không biết yêu thương, thậm chí còn gây chia rẽ

    Những kẻ giả hình là những người giả vờ, xu nịnh và lừa dối bởi vì họ sống với một chiếc mặt nạ che mặt và không có đủ can đảm để đối mặt với sự thật. Vì thế họ không có khả năng yêu thương thực sự: họ tự giới hạn mình trong việc sống theo chủ nghĩa vị kỷ và không có đủ sức mạnh để thể hiện tấm lòng của mình một cách minh bạch. Có rất nhiều tình huống mà thói giả hình đang diễn ra. Nó thường diễn ra ở nơi làm việc, nơi có người tỏ ra bầu bạn với đồng nghiệp của họ, đồng thời đâm sau lưng người ta do cạnh tranh. Trong đời sống chính trị, không có gì lạ khi thấy những kẻ giả hình, những người sống theo cách này ở nơi công cộng và theo cách khác ở nơi riêng tư. Và đặc biệt, thói giả hình trong Giáo hội đặc biệt đáng ghê tởm. Chúng ta đừng bao giờ quên lời của Chúa: “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5, 37).

    Đừng sợ là người trung thực

    Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta hãy suy nghĩ về điều thánh Phaolô lên án: thói giả hình; và Chúa Giêsu kết án: thói đạo đức giả. Và chúng ta đừng sợ là những người trung thực, nói sự thật, nghe sự thật, sống theo sự thật. Như thế, chúng ta sẽ có thể yêu. Một kẻ giả hình không biết yêu thương. Hành động khác với sự thật có nghĩa là gây nguy hiểm cho sự hiệp nhất của Giáo hội, sự hiệp nhất mà chính Chúa đã cầu nguyện.

    Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ