Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Chúa Ba Ngôi năm A

  • 03/06/2023
  • “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Người Con Một” (Ga 3,16).

    Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Chúa Ba Ngôi năm A

    Ga 3,16-18

    1. Đoạn Tin Mừng này nằm ở sau câu chuyện nào? Đoạn này có phải là lời của Đức Giêsu không?
    2. Đọc Ga 3,16. Tại sao Thiên Chúa yêu thế gian? Đọc Ga 1,10.29; 4,42. Thế gian có đáng yêu không?
    3. Thiên Chúa có yêu người Con Một của Ngài không? Đọc Ga 1,14.18.
    4. Thiên Chúa “ban Con Một”. Điều đó nghĩa là gì? Đọc Ga 3,14. Có giống với Cụ Abraham dâng đứa con một là Isaac không? Đọc Sáng thế 22,1-14.
    5. Khi trao Con Một cho thế gian, Thiên Chúa có yêu thế gian hơn yêu người Con Một không?
    6. Tìm trong bài Tin Mừng những từ đồng nghĩa và nghịch nghĩa với “có sự sống đời đời”?
    7. Đọc Ga 3,15-17. Hãy cho biết vai trò của Người Con Một là Đức Giêsu Kitô, trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha.
    8. Đọc Ga 3,18. Tại sao phải tin vào Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời, là Người Con Một, thì mới được cứu độ, còn ai không tin sẽ bị xét xử luận phạt?

    GỢI Ý SUY NIỆM: Theo ý bạn, tại sao Giáo hội cho chúng ta đọc bài Tin Mừng này trong Lễ Kính Chúa Ba Ngôi, dù bài này không nói hề nói đến Chúa Thánh Thần? Qua bài Tin Mừng ngắn ngủi này, bạn thấy nét đặc biệt nào của Chúa Cha và Chúa Con?

    PHẦN TRẢ LỜI

    1. Đoạn Tin Mừng này nằm trong cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và ông Ni-cô-đê-mô ở chương 3 của Tin Mừng thánh Gioan. Câu trả lời của Đức Giêsu cho câu hỏi của Ni-cô-đê-mô có thể đã chấm dứt ở Ga 3,15. Gioan 3,16-21 không còn là lời của Đức Giêsu nữa, nhưng là lời của tác giả sách Tin Mừng. Con Một là một từ mà chỉ tác giả Tin Mừng thứ tư mới sử dụng (Ga 1,14.18; 1 Ga 4,9). Và Đức Giêsu cũng thường không gọi Chúa Cha là Thiên Chúa như ở Ga 3,16.
    2. Thiên Chúa yêu thế gian (kosmos): đây là một khẳng định quan trọng, vì thế gian ở đây không phải là một thế gian tốt đẹp và đáng yêu. Ngược lại, đây là một thế gian tội lỗi cần được cứu độ, một thế gian từ khước và chống lại Thiên Chúa, một thế gian đang bị trầm luân trong sự xa cách với Thiên Chúa. Dầu vậy Thiên Chúa vẫn yêu thế gian ấy vì đó là thế gian do Ngài tạo dựng nhờ Ngôi Lời (Ga 1,3.10), đó là thế gian mà Ngài muốn xóa đi tội của nó bằng Người Con của Ngài là Đức Giêsu, Chiên Thiên Chúa (Ga 1,29), đó là thế gian mà Ngài muốn cứu độ bằng Người Con của Ngài (Ga 4,42).
    3. Tình yêu của Thiên Chúa đối với Người Con Một là điều rõ ràng trong Tin Mừng Gioan. Ngay lối nói Người Con Một (monogenês) cũng cho thấy Người Con này được hưởng một tình yêu đặc biệt của Chúa Cha. Vì yêu, Chúa Cha đã ban cho Người Con Một vinh quang từ vĩnh cửu (Ga 1,14; 17,6.22.24), đã cho Người Con ấy đầy tràn ân sủng và sự thật (Ga 1,14). Người Con Một này là Thiên Chúa (monogenês theos, Ga 1,18) và là Đấng có tương quan độc nhất vô nhị với Thiên Chúa Cha, vì “hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha” (Ga 1,18). Chúa Cha yêu Chúa Con đến nỗi trao tất cả những gì mình có cho Chúa Con, để “tất cả những gì con có đều thuộc về Cha, tất cả những gì Cha có đều thuộc về con” (Ga 17,10; x. 16,15).
    4. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Người Con Một” (Ga 3,16). Ban Người Con Một cho thế gian là hành động cụ thể hóa tình yêu của Thiên Chúa đối với thế gian tội lỗi. Ban Người Con Một là chấp nhận sai Người Con ấy vào trong thế gian, sống phận người như mọi người chúng ta. Hơn nữa, ban Người Con Một còn có nghĩa là chấp nhận để Người Con ấy chịu chết, chịu giương cao trên thập giá (Ga 3,14) để đền tội cho thế gian. Người Con Một là món quà quý giá nhất mà Thiên Chúa Cha có thể trao tặng cho thế gian. Điều này có gì tương tự với việc cụ Abraham dâng đứa con trai yêu dấu duy nhất là Isaac cho Thiên Chúa theo lời yêu cầu của Ngài (St 22,1-14). Cậu bé Isaac là tất cả tình yêu và hy vọng của cụ già Abraham, nhưng cụ đã dám sát tế con mình cho Thiên Chúa vì cụ coi Thiên Chúa là trọng hơn.
    5. Qua việc trao ban Người Con Một yêu dấu cho thế gian từ khước và chống đối Ngài, Thiên Chúa cho thấy tình yêu của Ngài lớn biết chừng nào: “Thiên Chúa yêu đến nỗi đã ban…” Chấp nhận để Người Con Một yêu dấu chết trên thập giá, đó là điều chẳng người cha nào muốn, nhưng Thiên Chúa Cha đã dám hy sinh như vậy. Chúng ta không nên nói rằng Chúa Cha yêu thế gian hơn yêu Người Con Một, nhưng chúng ta biết chắc rằng: thế gian, dù hư đốn, vẫn chiếm một chỗ rất lớn trong trái tim Thiên Chúa.
    6. Trong bài Tin Mừng, cụm từ “được cứu độ” (Ga 3,17) đồng nghĩa với cụm từ “có sự sống đời đời” (Ga 3,16). Những cụm từ nghịch nghĩa với “có sự sống đời đời” là: “bị diệt vong” (Ga 3,16); “bị xét xử” (Ga 3,18). Bị xét xử chính là bị luận phạt. Trong bài này ta thấy Chúa Cha làm nhiều hành động cho thế gian loài người: yêu mến thế gian, ban Người Con Một, và sai Con vào trong thế gian. Tất cả những gì Chúa Cha làm đều hướng đến thế gian và làm cho thế gian, nhằm cứu độ thế gian khỏi cảnh diệt vong.
    7. Trong chương trình cứu độ thế gian, Người Con Một (= Người Con = Ngôi Lời) đóng một vai trò độc nhất vô nhị. Đó là trở nên Đấng Trung Gian cho ơn cứu độ thế gian. Chúa Cha muốn cứu độ thế gian nhờ ( = qua) Người Con (Ga 3,17). Giới từ nhờ (= qua) được nhắc lại ở những đoạn văn quan trọng (Ga 1,3; 10,9; 14,6). Thiên Chúa không muốn cứu thế gian qua trung gian nào khác ngoài Người Con của Ngài: “Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy Người Con và tin vào Người Con, thì có sự sống đời đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,40).
    8. Thiên Chúa Cha muốn cứu độ cả thế gian và từng người. Chúa Cha trao cho cả thế gian và cho từng người món quà vô giá, món quà đem lại ơn cứu độ, đó là Người Con Một yêu dấu của Ngài. Để được cứu độ, con người cần đưa hai tay trân trọng đón lấy món quà đó. Thiên Chúa Cha không muốn một ai bị mất sự sống đời đời, nghĩa là mất sự sống vĩnh hằng trong thế giới của Thiên Chúa. Vì lý do đó mà Chúa Cha đã ban điều quý giá nhất của Ngài cho thế gian. Tuy nhiên, ai cố ý không tin, hay cố tình từ khước Người Con này, nghĩa là không đưa hai tay nhận ơn cứu độ, thì ơn cứu độ không thể đến được với người ấy. Người ấy bị luận phạt, không được hưởng sự sống, vì Thiên Chúa Cha tôn trọng tự do của con người.

    Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J

    Nguồn: tgpsaigon.net 

     

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ