Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa năm A

  • 10/06/2023
  • “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

    Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa năm A

    Ga 6,51-58

    1. Đức Giêsu giảng bài Tin Mừng này khi nào và ở đâu? Đọc Ga 6,17.24.59.
    2. Trong bài Tin Mừng này, có bao nhiêu động từ sống và sống lại, bao nhiêu danh từ sự sống, bao nhiêu tính từ hằng sống?
    3. Tìm trong câu Ga 6,51 một từ không có trong Ga 6,32-50.
    4. Câu Ga 6,51 có nói về cái chết kinh khủng của Đức Giêsu không? Cái chết này dành cho ai?
    5. Đọc Ga 6,48-51. Manna và Bánh hằng sống có gì giống nhau? Đọc chương 16 sách Xuất hành. Bánh hằng sống trổi vượt trên Manna về những điểm nào?
    6. Đối với người Do-thái, thịt và máu tượng trưng cho điều gì? Đọc Mt 16,17. Người Do-thái nghĩ gì về việc ăn thịt và uống máu một người? Đọc Sáng thế 9,4; Lêvi 3,17.
    7. Tin Mừng theo thánh Gioan có thuật lại việc Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể không? Tìm những từ Đức Giêsu nói về Bí tích này trong bài Tin Mừng hôm nay.
    8. Đọc Ga 6,56 và 15,9-12. Hãy cho biết hai cách thức giúp ta ở lại trong Thầy Giêsu.

    Đọc Ga 6,57. Đâu là hiệu quả của việc rước lễ?

    GỢI Ý SUY NIỆM: Bạn nghĩ gì về việc rước lễ của bạn? Bạn rước lễ chỉ vì thói quen hay có sự chuẩn bị kỹ càng? Bạn có coi rước lễ là một cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa Giêsu không? Tại sao việc rước lễ lại không làm cuộc đời chúng ta biến đổi?

    PHẦN TRẢ LỜI

    1. Theo Tin Mừng thứ tư, sau khi làm dấu lạ hóa bánh ra nhiều ở bên kia hồ Galilê (Ga 6,1), Đức Giêsu đã trở lại bên này hồ (Ga 6,17), đến với hội đường ở Ca-phác-na-um (Ga 6,24.59). Chính tại đây Ngài đã giảng một bài dài về Bánh hằng sống.
    2. Trong bài Tin Mừng này, có động từ sống (Ga 6,51.57.58), động từ sống lại (Ga 6,54), có danh từ sự sống (Ga 6,51.53.54), và có tính từ hằng sống (Ga 6,51.57). Bài giảng tuy chỉ gồm 8 câu, nhưng các động từ sống và sống lại được nhắc đến nhiều lần; danh từ sự sống và tính từ hằng sống cũng vậy. Điều đó cho thấy bí tích Thánh Thể tự bản chất là một bí tích của sự sống. Đây không phải là sự sống thể lý chóng qua, nhưng là sự sống muôn đời (Ga 6,51.54.58).
    3. Trong Gioan 6,51 có một từ không thấy có ở Ga 6,32-50, đó là từ thịt. Trong phần đầu của bài giảng (Ga 6,32-50) Đức Giêsu đã nhiều lần nhận mình là Bánh từ trời xuống, Bánh hằng sống và Bánh ban sự sống. Ngài mời mọi người tin vào Ngài (Ga 6,35.40.47), nghĩa là đến với Ngài (Ga 6,35.37.44.45). Ngài mời họ tin rằng Ngài là Đấng từ trời xuống (Ga 6,33.38.41.42.50) nhờ đó được sự sống đời đời. Trong phần thứ hai của bài giảng (Ga 6,51-58), Đức Giêsu vẫn nhận mình là Bánh hằng sống từ trời (Ga 6,51), nhưng ta không thấy động từ tin xuất hiện nữa, thay vào đó là hai động từ ăn và uống xuất hiện trong nhiều lần trong từng câu của Ga 6,51-58. Trong phần thứ hai này, chủ đề về bí tích Thánh Thể nổi bật hơn nhiều.
    4. Trong câu Ga 6,51b: “Và bánh tôi sẽ ban là thịt của tôi, cho (huper) sự sống của thế gian”, ta thấy hàm ý về cái chết của Đức Giêsu. Ngài sẽ ban tấm bánh là chính thịt của Ngài cho thế gian, nhờ đó thế gian được sống đời đời. Câu Ga 6,51b khá gần với câu nói của Đức Giêsu trong bữa Tiệc Ly ở Lc 22,19: “Đây là mình của Thầy được ban cho anh em.” Cả hai câu đều dùng cùng một động từ ban (didômi) và giới từ cho (huper). Nhưng ở Ga 6,51b, Đức Giêsu ban thịt của mình “cho cả thế gian”, còn trong khung cảnh bữa tiệc Thầy-trò ở Lc 22,19, Đức Giêsu chỉ nói “cho anh em”.
    5.  Manna là “bánh ĐỨC CHÚA ban cho anh em làm của ăn’ (Xh 16,15), “bánh từ trời mưa xuống” (Xh 16,4). Đó là một thứ gì mịn màng như sương muối phủ trên mặt đất lúc ban sáng (Xh 16,14). Dân Israel mỗi ngày, trừ thứ bảy, phải đi lượm về, rồi nấu nướng để ăn, trong suốt 40 năm họ đi trong hoang địa (Xh 16,35), nhờ đó họ khỏi phải chết đói (Xh 16,3).

    Còn Bánh hằng sống là chính Đức Giêsu, Đấng từ trời xuống, không phải từ bầu trời, nhưng từ thế giới của Thiên Chúa. Manna chỉ là thứ thức ăn từ trời rơi trên mặt đất, còn Đức Giêsu là Ngôi Lời từ trời xuống trong thế gian. Bánh hằng sống giúp nuôi sống con người. Bánh này không giúp con người tránh khỏi cái chết của thân xác, nhưng tránh khỏi cái chết đời đời, để được hưởng sự sống muôn đời. Manna vừa không giúp tránh khỏi cái chết đời đời, vừa không cho con người được sống muôn đời bên Thiên Chúa. Bánh hằng sống mà Đức Giêsu ban chính là thịt của Ngài (Ga 6,51b). Ngôi Lời nhập thể đã chấp nhận chết để nuôi sống thế gian này bằng chính con người minh. Như thế, Tấm bánh Giêsu trổi vượt hơn Manna về mọi mặt.

    1.  Đối với người Do-thái, thịt và máu là hai yếu tố quan trọng làm nên một con người trong thân phận yếu đuối. Khi Phêrô trả lời được câu hỏi của Đức Giêsu về căn tính của Ngài, Ngài cho ông biết: chính Cha trên trời đã mặc khải cho ông mầu nhiệm ấy, chứ không phải thịt và máu đâu (Mt 16,17). Thịt và máu ở đây để chỉ sức riêng của con người. 

    Người Do-thái rất sợ khi nghe đến việc ăn thịt và uống máu một người. Uống máu thú vật là điều bị cấm (Lêvi 3,17; Sáng thế 9,4; Cv 15,29). Vậy mà trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu đã nói đến việc ăn thịt và uống máu của Ngài. Và đây là điều chúng ta phải làm để có được sự sống. Chúng ta tin mình được thông hiệp với thịt và máu Chúa qua việc ăn bánh và uống rượu đã được thánh hiến trong bí tích Thánh Thể.

    1.  Tin mừng theo thánh Gioan không nói đến việc Đức Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể, nhưng bài Tin Mừng hôm nay lại là một bài giảng có ý nghĩa về bí tích cực trọng này. Trong bài giảng này, Đức Giêsu đã nói nhiều lần cụm từ ăn thịt và uống máu của Con Người (Ga 6,53), ăn thịt tôi và uống máu tôi (Ga 6,54.56). Lối nói này chỉ có thể hiểu được trong bầu khí của bí tích Thánh Thể được cử hành bởi các tín hữu sau khi Thầy Giêsu phục sinh.
    2.  Hai cách thức giúp ta ở lại trong Đức Giêsu và Ngài ở lại trong ta, đó là: ăn thịt và uống máu Ngài trong bí tích Thánh Thể (Ga 6,56) và yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em (Ga 15,9-12). Hiệu quả quan trọng của việc rước lễ: “…kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ (dia) tôi mà được sống” (Ga 6,57). Như thế người rước lễ được hưởng sức sống của Đức Giêsu phục sinh, mà sức sống này cũng là sức sống Chúa Cha ban cho Đức Giêsu, nên có thể nói, người rước lễ được hưởng sức sống của chính Thiên Chúa Cha.

     

    Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J

    Nguồn: tgpsaigon.net 

     

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ