Lời chứng của Priscille Roquebert: Với ơn Chúa tôi đã có thể tha thứ cho cha tôi

  • 05/11/2021
  • Từ nhỏ đã phải chịu đựng căn bệnh và bạo lực từ người cha, Priscille Roquebert kể lại câu chuyện của cô và hành trình cô đã thực hiện để vươn lên và có thể tha thứ cho người cha. Cô đã làm chứng cho sức mạnh và tình yêu nhưng không của Thiên Chúa dành cho mỗi người, một trải nghiệm quá lớn đã thúc đẩy cô tha thứ cho những gì mà mới nhìn qua dường như là điều không thể.
    Thiên Chúa luôn tha thứ tội lỗi 

     

    Ngọc Yến - Vatican News

    Những năm đầu cuộc đời, Priscille có một cuộc sống đơn giản và hạnh phúc giữa Bordeaux và Arcachon của Pháp, với cha mẹ và các chị em. Mặc dù có một người cha độc đoán và rất tự tin vào chính mình, nhưng trong ngôi nhà này, vẫn hiện diện một gia đình hòa thuận đầm ấm. Năm 6 tuổi, Priscilla nhận ra không khí trong gia đình đã thay đổi với việc người cha bắt đầu ngủ nhiều và phải ở trong viện dưỡng lão. Trong ba năm tiếp theo, Priscilla phải học cách sống với căn bệnh trầm cảm nặng của ông.

    Kể từ thời điểm đó, trong nhiều năm bầu khí gia đình của Priscilla như địa ngục, với những khuôn mặt buồn bã và bạo lực của người cha. Tuy nhiên, trong tâm trí Priscilla chỉ có một điều duy nhất, đó là muốn giúp đỡ người cha mà cô rất yêu thương nhưng lại không làm điều gì tốt cho cô. Cô không ngừng cầu nguyện cho ông, viết cho ông những lời đơn giản để động viên ông can đảm, mặc dù không cảm nhận được sự đáp lại. Cô nói: “Tôi cầu nguyện cho cha tôi mỗi ngày, mỗi tối với kinh Mân Côi. Nhưng tôi nghĩ Chúa không nghe lời cầu nguyện của tôi, vì cha tôi vẫn vậy”.

    Trong nhiều năm, Priscilla sống trong sợ hãi, ngủ rất ít, vì quá lo lắng. Cô và gia đình sống trong một vòng luẩn quẩn của địa ngục. Khi đã khoẻ hơn, người cha được ra viện và hứa sẽ thay đổi. Tuy nhiên, ông lại trở thành người đàn ông cứng rắn, độc đoán và bất công, liên tục tấn công các con. Sau đó, bệnh tái phát, ông trở nên trầm cảm và nghiện rượu. Priscilla lớn lên và lòng thù hận bắt đầu hình thành. Trong suốt thời niên thiếu, Priscilla ghét người cha, một người cha làm tổn thương gia đình và rõ ràng không có ý định thay đổi. Cô viết trong một cuốn sách có tựa đề “Từ liều thuốc độc đến sự tha thứ” rằng: Cha tôi say xỉn suốt ngày và ngay cả bệnh viện cũng không biết phải làm gì với ông. Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho ông, ông đã hủy hoại chúng tôi”.

    Ở tuổi 18, Priscilla quyết định đến Ailen. Cô không biết thời gian đó có điều gì xảy ra với cô, nhưng cô cảm thấy cần phải ra đi. Cô tự nhủ: “Tôi sẽ ra sao? Tôi không biết, nhưng lựa chọn rời xa gia đình là đúng vì tôi không muốn chết”.

    Đây là lần đầu tiên trong đời Priscilla được tự do lựa chọn. Cô nhận ra rằng cô là một thực thể toàn vẹn, đó là sự tái sinh đầu tiên của con người. Vào cuối năm 2004, Priscilla trở về Pháp. Cô gạt tôn giáo sang một bên, nhưng vẫn gắn bó với những lời cầu nguyện của thời thơ ấu. Năm đó, vào lễ Phục sinh, cô đi xem bộ phim “Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô”, phim đã gây một cú sốc trong cô. Cô khám phá ra nơi Chúa Giêsu, một người anh gánh chịu những đau khổ của mọi người. Cô nói: “Tôi nhận ra rằng Chúa Giêsu, suốt những năm qua, đang khóc với tôi. Chúa cũng đã phải chịu đựng và đã ở bên cạnh tôi mặc dù thiếu những câu trả lời cụ thể cho những lời cầu nguyện của tôi”.

    Cũng vào buổi tối hôm đó, Priscilla quyết định đi tham dự Thánh lễ vọng Phục sinh. Trong suốt Thánh lễ, cô cảm thấy tràn ngập sự yên bình lạ thường, điều cô chưa bao giờ cảm nhận trước đây. Cô được biến đổi, giải thoát khỏi mọi điều xấu và nghĩ rằng mình đã được chữa lành vết thương.

    Sau đó bắt đầu một con đường dài. Nhanh chóng, Priscilla nhận ra rằng cô không ở cuối con đường và việc chữa lành không phải là ma thuật. Cần thời gian và sự kiên nhẫn để cô tiến tới tự do. Cô đã gặp Chúa Giêsu, đối với cô như người anh, nhưng Thiên Chúa lúc này “vẫn là một người xa lạ không thể tiếp cận và xa cách”.

    Khi người cha xin gia đình tha thứ, đối với Priscilla, điều này hoàn toàn không thể tưởng tượng được. Từ tha thứ đối với cô không có ý nghĩa gì, lời này làm cho cô bị tổn thương. Cô nói: “Cha tôi đã xin chúng tôi tha thứ rất nhiều lần nhưng ông vẫn không thay đổi. Tôi biết tôi phải tự mình chữa lành vết thương, tôi biết Chúa Giêsu yêu thương tôi, nhưng tha thứ thì không được. Tôi nổi loạn, Chúa không thể yêu cầu tôi điều đó”.

    Tuy nhiên, ngay sau đó, Priscilla cảm thấy rằng vì là Kitô hữu, cô phải tha thứ. Đó là điều cô phải làm. Nhưng sau đó cô nói: “Nhưng tôi nhận ra rằng tôi không thể ép mình phải tha thứ, đó không phải là nghĩa vụ”. Thực tế, đó là một mong muốn cần phải có thời gian để trưởng thành trong Priscilla. Và Chúa đã cho cô thời gian. Đối với cô, Chúa là một nhà Sư phạm, Chúa biết cô không thể tha thứ cho người cha.

    Thời gian tiếp theo, Priscilla tham gia sinh hoạt với cộng đoàn Bát Phúc. Và chính trong một buổi tối ở với cộng đoàn này, Priscilla đã khám phá ra tình yêu của Chúa Cha qua các bài thánh ca. Để có thể tha thứ cho người cha, trước tiên Priscilla phải biết rằng cô được Chúa Cha yêu thương. Và vì điều đó, cô đã đi qua Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã đưa cô đến với Chúa Cha. Cô khám phá ra một tình yêu giải phóng và bảo vệ. Cô đã tha thứ cho cha mình vì những tổn thương ông đã gây ra cho chính cô và gia đình.

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ