THIỆP GIÁNG SINH 2019
Em-ma-nu-el - “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Kính thưa quý vị,
Cứ mỗi độ Giáng Sinh về, lòng người lại cảm thấy rộn ràng một niềm vui thật lạ. Niềm vui đó không chỉ thấy nơi những người có niềm tin Kitô giáo, mà dường như, nó đã trở thành niềm vui chung của toàn thể nhân loại.
Giáng Sinh về, làm chúng ta nhớ lại giai điệu của những bản Thánh Ca Giáng Sinh thật quen thuộc như: Silent Night (Đêm thanh bình), Holy Night (Đêm Thánh) hay Jingle Bells (Tiếng chuông sinh nhật)… - những bản nhạc Thánh đã từ lâu in sâu vào tâm khảm của những người yêu chuộng hòa bình và ước mơ một cuộc sống chan hòa tình yêu thương.
Khắp muôn nơi trên toàn thế giới, người ta tổ chức trang hoàng những hang đá, cây thông, ông sao Noel… cùng muôn ánh đèn màu thật lộng lẫy. Những cây thông Giáng Sinh không chỉ thấy ở nơi những ngôi thánh đường của người Công Giáo, mà còn được trưng bày ngay cả nơi những cửa hàng, cửa hiệu, hay trên những con phố tấp nập người qua lại...
Vậy, đâu là ý nghĩa của ngày lễ Giáng Sinh?
Lễ Giáng Sinh hay lễ Noel – đơn giản chỉ là ngày lễ sinh nhật của một nhân vật có tên là Giêsu mà các Kitô hữu gọi Ngài là Thiên Chúa. Chữ Noel là cách viết tắt của chữ Em-ma-nu-el. Có nghĩa là: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
“Thiên Chúa ở cùng chúng ta” thì liên quan gì tới biến cố Giáng Sinh?
“Thiên Chúa ở cùng chúng ta” chính là lời tiên báo của một vị ngôn sứ có tên là I-sai-a (sống vào khoảng thế kỷ thứ VIII tcn) về một Đấng Thiên Sai sẽ được Thiên Chúa sai đến. Đấng ấy thuộc dòng dõi vua Đa-vít (một vị thánh vương nổi tiếng nhất trong lịch sử dân tộc Ít-ra-en). Người Kitô hữu nhìn nhận Đấng Thiên Sai đó chính là Chúa Giêsu Kitô – Người sáng lập Kitô giáo.
Nếu Chúa Giêsu chỉ đơn thuần là một vị sáng lập tôn giáo, thì tại sao ngày sinh nhật của Ngài lại gây sự chú ý của nhiều người đến thế?
Chúa Giêsu không đơn thuần chỉ là một vị sáng lập tôn giáo, nhưng Ngài còn là Đấng Thiên Chúa sai đến với con người. Nhiệm vụ của Đấng Thiên Sai đến là để giải thoát muôn dân khỏi ách thống trị của tội lỗi và sự chết. Người Kitô hữu tin rằng: Chúa Giêsu vừa là người thật như chúng ta, nhưng đồng thời Ngài cũng là Thiên Chúa thật như Thiên Chúa là Cha của Ngài.
Là Thiên Chúa thật, thì tại sao Chúa Giêsu lại được sinh ra bởi một người mẹ?
Là Thiên Chúa toàn năng, chắc chắn Chúa Giêsu có muôn ngàn cách thế để đến với con người. Tuy nhiên, Ngài đã tự nguyện lựa chọn trở nên người phàm như chúng ta (ngoại trừ tội lỗi), nghĩa là Ngài cũng biết khóc, biết cười, biết buồn, biết vui… Và để có thể đồng cảm với con người, nên giống như con người, Ngài đã lựa chọn được sinh ra bởi một người mẹ trần gian. Nhưng vì là Thiên Chúa thật, nên Ngài không được sinh ra theo cách thế bình thường, (tức là có sự cộng tác của người bố), nhưng bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đức Trinh Nữ Maria – Mẹ Ngài - đã thụ thai và sinh ra Ngài.
Nếu Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, sao Ngài không chọn cho mình một gia đình hoàng gia, hay chí ít cũng được sinh ra bởi một gia đình quý tộc?
Như đã nói ở trên, vì là Thiên Chúa thật, Chúa Giêsu hoàn toàn có quyền lựa chọn cho mình một gia đình, lựa chọn tầng lớp được sinh ra, lựa chọn nơi chốn và thậm chí cả thời điểm được ra đời nữa. Nhưng Ngài đã không làm như vậy, hay đúng hơn, Ngài đã lựa chọn cho mình được sinh ra trong một gia đình bình dân, bởi một người mẹ cũng rất đỗi bình thường và trong một nơi chốn quá đỗi tầm thường (hang bò lừa). Ngài lựa chọn như vậy là để muốn đồng cảm với những người nghèo khổ, bất hạnh; những người thấp cổ bé miệng trong xã hội.
Nếu Chúa Giêsu được sinh ra là bởi “quyền năng của Chúa Thánh Thần” thì vai trò của ông Giuse sẽ như thế nào?
Ông Giuse – người thuộc dòng dõi vua Đa-vít - được biết đến là một người đàn ông đức hạnh, tốt lành và thánh thiện. Ông đã đính hôn với bà Maria, nhưng khi hai ông bà chưa về chung sống với nhau thì bà Maria có thai. Khi nghe tin đó, ông Giuse đã có ý định lìa bỏ bà Maria. Nhưng theo luật của người Do-thái lúc bấy giờ, người phụ nữ không chồng mà có chửa sẽ bị ném đá cho đến chết. Là người tốt bụng, ông Giuse không muốn cho bà Maria phải rơi vào hoàn cảnh bi đát đó, nên đã có ý định bỏ bà cách kín đáo. Biết được ý định của Giuse, Sứ thần của Thiên Chúa đã hiện ra và nói cho ông biết rằng: việc bà Maria – người đã đính hôn với ông – mang thai là bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Ông tin vào lời Thiên Chúa nói với ông nên đã đón bà Maria về sống chung với mình. Ông đã đứng ra cưu mang hai mẹ con: Với bà Maria, ông đóng vai trò là chồng để bà khỏi bị ném đá chết, tuy nhiên, hai ông bà không ăn ở với nhau; với Chúa Giêsu, ông đóng vai trò là người cha nuôi, để cho Chúa Giêsu một danh phận, vì theo lời Kinh Thánh, Đấng Cứu Thế sẽ xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít.
Việc Chúa Giêsu ra đời có ý nghĩa gì đối với tôi không?
Việc Chúa Giêsu ra đời là bằng chứng hùng hồn về tình của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Vì sau khi nguyên tổ loài người phạm tội, Thiên Chúa hứa sẽ ban Đấng Cứu Thế đến để giải thoát con người khỏi tội lỗi của họ. Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Thế mà Thiên Chúa đã hứa. Thứ đến, khi xuống thế làm người, Chúa Giêsu mang theo thông điệp từ trời. Thông điệp đó chính là: Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người. Ngài ước mong cho tất cả mọi người đều được hưởng ơn cứu độ, để được sống trong bình an và hạnh phúc viên mãn sau khi đã kết thúc cuộc sống đời này. Nhưng để được như vậy, thì trước tiên, con người cần phải tin vào Chúa Giêsu – Con của Thiên Chúa; cùng với đó, con người cần lắng nghe lời dạy của Chúa Giêsu và sống theo giới răn của Người đó chính là: “Hãy yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta”.
Thông điệp mà lễ Giáng Sinh mang đến là lời chúc bình an cho con người và cho toàn thế giới. Nhưng bình an sẽ không tự nhiên mà có, nếu con người không nỗ lực sống và tạo dựng sự bình an.
Ước mong “Giáng Sinh An Lành” không chỉ đơn thuần là một lời cầu chúc mà sẽ thực sự đến trên mỗi người và trên quê hương đất nước chúng ta.
Gioitre-tnttgptb.org
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 91 | Tổng lượt truy cập: 3,212,660