Ngày 25/05: Giáo hoàng Grêgôriô VII (1028-1085)

  • 28/06/2022
  • Thánh Grêgôriô hay là Hildebrand theo tên rửa tội, sinh khoảng năm 1028. Gia đình Ngài không thuộc dòng tộc quí phái và có dòng máu Do thái. Thấy con mình thông minh lại hiếu học, thân phụ thánh nhân gởi Ngài tới thụ huấn với người chú là Tu viện trưởng Đức Bà Maria ở Aventin, Hildebrand đã trở thành một tu sĩ dòng Bênêđictô.

    Ngày 25/05: Giáo hoàng Grêgôriô VII (1028-1085)

     

    Ngày 25 tháng 5
    Giáo hoàng Grêgôriô VII (1028-1085)

    I. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ

    Thánh Grêgôriô hay là Hildebrand theo tên rửa tội, sinh khoảng năm 1028. Gia đình Ngài không thuộc dòng tộc quí phái và có dòng máu Do thái. Thấy con mình thông minh lại hiếu học, thân phụ thánh nhân gởi Ngài tới thụ huấn với người chú là Tu viện trưởng Đức Bà Maria ở Aventin, Hildebrand đã trở thành một tu sĩ dòng Bênêđictô.

    Tuy nhiên khả năng đặc biệt của Ngài đã sớm kéo Ngài ra khỏi hàng rào tu viện để phục vụ tại giáo triều. Lịch sử kể lại khi Đức Lêô IX mới đắc cử giáo hoàng, trên đường về nhận chức, ghé qua Cluny và dẫn theo thầy dòng trẻ tuổi Hildebrand để làm cố vấn cho mình. Đức giáo hoàng đã trao cho Ngài điều khiển tu viện thánh Phaolô và đặt làm hồng y. Đức giáo hoàng Leo IX là vị tiên khởi trong cuộc cải cách mang tên "Grêgôriô", danh hiệu dựa vào khuôn mặt sáng giá nhất cuộc cải cách này, nhưng chính đức Leo là người khởi xướng.

    Sau khi được Đức Lêô IX đề cử, Hildebrand đã có ảnh hưởng lớn lao trong nhiều triều đại liên tiếp. Khi được cử làm đặc sứ tại Pháp Đức Hồng y Hildebrand, đã chống lại nhiều tập tục xấu. Trong hội đồng họp ở thành Tour, Ngài đã buộc Berenger từ bỏ những lầm lạc của mình. Chính Ngài đã giữ phần quyết định trong cuộc tranh luận về bí tích Thánh Thể giữa Lanfranc và Berenger. Ngài ủng hộ giáo thuyết về sự biến thể của Lanfranc nhưng cũng giảm bớt sức đối kháng để trình bày cách mầu nhiệm hơn.

    Dưới ảnh hưởng của Đức hồng y Hildebrand, chức giáo hoàng ngày càng nghịch với hoàng đế hơn. Và những gì phải đến đã đến: Một liên minh nhiều nhà cai trị ở miền nam nước Ý ra đời để chống lại các Hoàng đế nhà Hohenstanen. Đức giáo hoàng nâng đỡ phong trào quần chúng chống lại hoàng đế ở Milanô nhưng tâm điểm đường lối chính trị của tòa thánh được diễn tả trong việc chọn lựa Đức Giáo hoàng, dành riêng cho hồng y đoàn. Nói cách khác, ảnh hưởng của hoàng để bị rút lại, nếu không nói là bị hủy bỏ. Năm 1073 dưới ảnh hưởng đã trở nên lớn mạnh, Đức Hồng y Hildebrand đắc cử giáo hoàng với hiệu Grêgôriô VII.

    Tình hình Giáo hội lúc này thật đáng buồn với nhiều thảm trạng đang diễn ra. Đích thân giáo hoàng thấy rõ những điều đó. Sống khắc khổ như một thầy dòng, Ngài đã sáng ngời như mặt trời chiếu dãi vào ngôi nhà Giáo hội. Đầy uy quyền trong lời nói và việc làm, Ngài đã nỗ lực tái lập việc truyền bá đức tin, diệt trừ các lỗi lầm nhanh đến kỷ lục và trong việc chống lại hoàng đế Henry IV nước Đức, Ngài đã được được sự ủng hộ hoàn toàn. Lý do vì ông hoàng này ham mê khoái lạc và tham lam, đã dám bán quyền Giám mục và các chức vụ trong Giáo hội cho những người bất xứng.

    Năm 1075, Đức Grêgôriô VII đã tuyên bố phạt mọi người ở bất cứ địa vị nào dám dùng tiền để mua bán chức thánh. Với tình phụ tử, Ngài cảnh cáo hoàng đế Henri IV về các lạm quyền của ông. Tức giận ông bắt cóc Đức Giáo hoàng đang khi Ngài làm lễ và tống giam vào ngục tối. Nhưng rồi dưới áp lực của dân Roma, ông phải thả Ngài ra. Đức giáo hoàng đã tha thứ cho ông. Tuy nhiên nhà vua vẫn ngoan cố. Năm 1076, ông triệu tập một số Giám mục rồi đặt Gnibert de Ravenna làm giáo hoàng. Đức Grêgôriô VII liền ra vạ tuyệt thông cho Henri IV. Hối hận và sợ các quan bất phục, Henri IV lo giữ ngôi bằng cách đến Canossa làm việc đền tội. Ngày 28 tháng giêng năm 1077, Đức giáo hoàng đã giải vạ cho ông.

    Rồi một thời gian sau Henri IV lại trở mặt, ông cầm quân sang Roma bắt Đức Giáo hoàng. Nhưng Đức Grêgôriô đã kịp thời rút lui về Sôlerna và qua đời tại đây năm 1085. Trước khi qua đời Ngài đã nói:

    – Ta yêu mến điều công chính và chê ghét sự gian tà nên mới phải chết ở chốn lưu đày này.

    II. SỰ NGHIỆP

    Sự nghiệp lớn lao nhất được lịch sử lưu lại là cuộc cải cách mang tên "Grêgôriô"

    Đây là cuộc cải cách mang một ý nghĩa rất cao thượng.

    + Trước hết là cải tổ hàng giáo sĩ

    Ngài quan niệm hàng giáo sĩ phải có một cương vị đặc biệt trên mọi phẩm trật của thế gian vì được hình thành bởi phép truyền chức thánh làm nên một cộng đoàn siêu nhiên với ấn tích do năng quyền Đấng Kế vị thánh Phr6rô trao ban. Chính vì thế mà hàng giáo sĩ phải sống xứng đáng với phận vụ thiêng liêng của mình. Ngoài ra Ngài còn nhiệt hành ủng hộ luật độc thân của giáo sĩ cũng như chống lại mọi hình thức buôn thần bán thánh.

    Trong việc tuyển chọn các Giám mục, Ngài nỗ lực diệt trừ mọi can thiệp của bất cứ thế lực nào nhất là từ sự can thiệp của hoàng đế. Tuy công việc này không được thành công trong hoàn toàn nhưng chắc chắn việc này đã làm thay đổi thái độ của mọi người đối với Giáo hội sau này.

    + Công đồng Rôma 1074

    Gregorius VII họp Công đồng Rôma năm 1074 chống việc mại thánh và xác định luật độc thân của hàng giáo sĩ. Ngài đã bãi chức mọi Giám mục, viện phụ hoặc giáo sĩ đã mua chức vụ của họ, cấm các giáo sĩ tà dâm thi hành các chức năng thánh và trao trọng trách cho các đặc sứ lo việc áp dụng các quyết định này. Nếu ai không tuân hành, Ngài sẽ dùng vạ tuyệt thông.

    Quyết định của công đồng Roma l074 có nêu: Giáo sĩ mại thánh, mua bán chức thánh hay lên hàng giáo sĩ bằng tiền bạc, từ nay không được thi hành bất cứ chức vụ gì trong hội thánh. Kẻ nào mua Nhà thờ bằng tiền sẽ bị mất Nhà thờ đó, vì không được mua bán Nhà thờ. Kẻ nào phạm tội thông dâm, có tình nhân... Từ nay cấm không cho cử hành thánh lễ hay phục vụ bàn thờ dù là chức nhỏ. Chúng tôi quyết định rằng: dân chúng không được tham dự phụng tự của những kẻ khinh thường luật của chúng tôi - cũng là luật của các giáo phụ - để những kẻ không thể sửa đổi do tình thương Chúa, sẽ khiêm tốn hơn nhờ dư luận quần chúng.

    + Quyền tấn phong Giám mục

    Thấy việc cải tổ chậm chạp, năm 1075 đức Gregorio VII tuyên bố bãi bỏ việc các ông hoàng trao nhẫn gậy, cấm các Giám mục nhậm chức do các vua và cấm truyền chức cho những kẻ đó.

    Gregorius VII ra lệnh dứt phép thông công các giáo dân hoặc các giáo sĩ buôn bán các bổng lộc của Giáo hội.

    Vài tuần sau, Gregorius VII công bố bản Dictatus Papae gồm 27 khoản biện minh cho việc trên, khẳng định quyền tối cao của Giáo hoàng trong toàn Giáo hội. Các đặc sứ được quyền miễn trừ đã tích cực ra vạ cho nhiều người. Trong số 27 mệnh đề của Dictatus Papae, một số câu:

    2. Chỉ có Giáo hoàng La Mã mới xứng đáng được coi là có quyền tuyệt đối.

    3. Chỉ ngài mới có thể phế truất hoặc xá tội cho các Giám mục.

    9. Ngài là người mọi ông hoàng phải hôn chân.

    12. Ngài có quyền cách chức các hoàng đế.

    16. Không có công đồng chung nếu không phải do được chính ngài triệu tập.

    18. Không ai có quyền thay đổi điều ngài phán quyết.

    20. Không ai được lên án một quyết định nào của Tòa thánh.

    22. Giáo hội La Mã chưa bao giờ sai lầm và như kinh thành đã chứng tỏ, sẽ không bao giờ có thể sai lầm.

    26. Người nào không đứng về cùng một phía với Giáo hội La Mã thì không được coi như người trong đạo Thiên chúa.

    27.Giáo hoàng có quyền tháo lời thề trung thành cho thần dân với những ông hoàng bất xứng. (Internet)

    Nguồn: tgpsaigon.net

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ