I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Khoảng năm 312, hoàng đế Rôma Constantinô vừa mới trở lại Kitô giáo, đã dâng tặng Đức giáo hoàng Miltiade (311-314) cung điện Latêrani trên núi Coelius. Một ít thời gian sau, Đức giáo hoàng cho xây ở đây một thánh đường, đó là vương cung thánh đường Latêranô, là ngôi thánh đường cổ nhất và có địa vị cao nhất trong số các thánh đường của phương Tây. Một truyền thống nói rằng thánh đường này được Đức Giáo Hoàng Sylvestre (314-335) cung hiến ngày 9 tháng 1 năm 324. Bảng chữ trên cửa lớn của thánh đường ghi: “Mẹ và Đầu của mọi thánh đường”. Thật vậy, vương cung thánh đường này là nhà thờ chính của Đức giáo hoàng trên cương vị Giám mục Rôma, nhưng vì ngài cũng là mục tử tối cao của Hội Thánh Công Giáo, nên các nhà thờ thuộc nghi lễ Rôma trên toàn thế giới, khi long trọng mừng kỷ niệm thánh đường Latêranô, thì đồng thời cũng mừng sự hiệp nhất hoàn vũ của Hội Thánh Chúa Giêsu Kitô, và thánh đường là biểu tượng của sự hiệp nhất đó.
Ban đầu thánh đường được cung hiến dưới tước hiệu Vương cung thánh đường Chúa Cứu Thế, sau đó được dâng kính hai thánh Gioan Tẩy Giả và Gioan Tông Đồ; thực vậy, thánh đường này có giếng rửa tội cổ xưa nhất của Rôma: hàng ngàn tân tòng đến đây lãnh phép rửa tội, nhất là trong đêm Phục Sinh. Vì vậy thánh đường này đã giữ lại tước hiệu Thánh Gioan Latêranô (Saint-Jean-de-Latran). Sau khi bị hư hại nặng vì chiến tranh, hoả hoạn và bỏ hoang, thánh đường đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XIII cho xây dựng lại và được cung hiến lại năm 1726.
Cung điện Latêranô là một phức hợp gồm các căn hộ, phòng họp lớn của các công đồng, thư viện và tu viện, và đã là toà của các vị Giáo hoàng trong hơn một ngàn năm, cho đến khi Đức Giáo Hoàng Nicolas V (1477-1455) rời Coelius và đến ở Vaticanô. Cung điện này cũng từng là nơi nhóm họp của 250 công đồng, trong đó có 4 Công Đồng Chung. Bị hỏa hoạn năm 1308 và bị bỏ hoang trong thời các Giáo hoàng đến ở Avignon, cung điện đã bị tàn phá và được xây dựng lại thời Đức giáo hoàng Sixtô Quint (1585-1590). Trong một toà nhà ngày nay được ngăn đôi, có gian Thánh và gian Cực Thánh (nhà thờ cũ của Giáo hoàng).
II. Thông điệp và tính thời sự
Đoạn sách thứ nhất trong hai đoạn được đề nghị cho bài đọc 1 trích từ sách Êdêkien (47, 1. . .12) có đoạn này: Có nước vọt ra từ dưới ngưỡng cửa Đền Thờ và chảy về phía đông… Người ấy đưa tôi ra ngoài và nói với tôi: “Nước này chảy về miền đất phía đông, xuống vùng thung lũng Giorđan, và đổ ra biển Chết và làm cho nước biển hóa lành. Nước chảy đến đâu thì mọi sinh vật sẽ được sống và sinh sôi nảy nở. . .”
Trong đoạn sách này, ta thấy rõ ràng biểu tượng về phép rửa, và về Hội Thánh như là Dân Thiên Chúa và như là Đền Thờ. Điều này cũng nhắc nhớ chúng ta rằng lịch sử cứu độ có tính đặc trưng bí tích và được hoàn thành nơi Đức Kitô, Đấng thể hiện nơi bản thân Người chân lý viên mãn của mỗi biểu tượng, kể cả biểu tượng về Đền Thờ, như thánh Gioan nhấn mạnh trong Tin Mừng của thánh lễ (2, 13-22): “Nhưng Đền Thờ mà Người (Chúa Giêsu) nói đến, đó là thân mình Người.”
Tiếp theo chủ đề bí tích, phép rửa và Kitô học, đoạn sách thứ hai được đề nghị cho bài đọc 1 (1 Cr 3, 9. . .17) triển khai chủ đề giáo hội học, vì các tín hữu giống như những viên đá sống động, những vật liệu làm thành toà nhà thiêng liêng được đặt trên viên đá góc là Đức Kitô: Anh em là nhà được Thiên Chúa xây lên. . .Vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô.
Trong nhiều thế kỷ, thánh đường Latêranô từng là nơi mà nền phụng vụ của Giáo hoàng được triển khai những bước đầu tiên, trước khi nó truyền lại kiểu cách cử hành của nó cho tất cả các Giáo Hội phương Tây. Ở đây thánh đường Latêranô không chỉ là một “trung tâm mới của thế giới”, thay thế cho Giêrusalem, mà còn là một kiểu mẫu cho mọi thánh đường, cũng được gọi là mẹ, vì sinh ra những con cái Thiên Chúa qua phép rửa, và cũng vì sinh ra những Giáo Hội và cộng đoàn khác qua lực đẩy truyền giáo của những thánh đường này. Do đó, cử hành lễ kỷ niệm này cũng có nghĩa là trở về nguồn khai sinh và phát triển của người Kitô hữu, phần tử của một Giáo Hội địa phương được sinh ra bởi phép Rửa, được trở nên phong phú bởi phép Thêm Sức và được nuôi dưỡng bởi Thánh Thể. Tuy nhiên, mọi Giáo Hội địa phương đều gắn kết với Giáo Hội Mẹ, được biểu trưng bằng Giáo Hội Rôma, với nhà thờ lớn là vương cung thánh đường Latêranô, “Mẹ và Đầu của mọi Giáo Hội”. Chúng ta thấy rõ tính thời sự của lễ này: là những phần tử sống động của Giáo Hội địa phương, tất cả chúng ta có trách nhiệm làm cho Giáo Hội này noi gương Giáo Hội mẹ, sinh ra những Giáo Hội và cộng đồng khác, đi ra khỏi những bức tường kín hay những ranh giới địa lý của mình, để mở ra cho toàn thế giới.
Cũng vậy, mừng lễ cung hiến thánh đường Latêranô nhắc chúng ta nhớ lại phép rửa tái sinh của chúng ta: “... Trước khi chịu phép rửa, chúng ta là những đền thờ của ma quỉ; sau khi chịu phép rửa, chúng ta được trở nên những đền thờ của Thiên Chúa. . .Vì thế, thánh Phaolô đã nói: Đền thờ của Thiên Chúa là thánh, và đền thờ đó chính là anh em.” Nhưng ân huệ này đòi hỏi chúng ta rất nhiều: “Anh em muốn có một thánh đường sáng láng ư ? Đừng để tội lỗi làm nhơ bẩn tâm hồn anh em. Nếu anh em muốn thánh đường được chiếu sáng, và Thiên Chúa muốn điều đó, hãy để ánh sáng của các việc lành chiếu sáng nơi anh em. . .” (Trích một bài giảng của thánh Césaire d’Arles, trong Giờ Kinh Sách).
Enzo Lodi
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 18 | Tổng lượt truy cập: 3,213,576