Dẫn nhập
Hôn nhân và gia đình gắn liền với chiều dài của cả lịch sử nhân loại, từ lúc tạo thành gia đình đầu tiên với người nam người nữ giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1,26-27) cho đến tận thế với viễn ảnh về “tiệc cưới Con Chiên” (Kh 19,7; 21,2.9). Kinh Thánh nói về hôn nhân và mầu nhiệm hôn nhân để cho thấy vẻ đẹp và phẩm giá của hôn nhân gia đình.
Trong Thư Gởi Các Gia Đình Công Giáo, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhắc đến vẻ đẹp và tầm quan trọng của hôn nhân và gia đình trong chương trình của Thiên Chúa. Dựa vào Kinh Thánh và Giáo huấn của Hội Thánh, chúng ta cùng tìm hiểu sau đây.
Đặt vấn đề
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, ngay từ Tông huấn Familiaris Consortio về Gia đình, công bố ngày 22.11.1981 đã lưu tâm đến sự cần thiết của việc giúp mọi người, nhất là người trẻ chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân khám phá và nhận biết phẩm giá và vẻ đẹp của hôn nhân gia đình. Ngài viết:
“Vì biết rằng hôn nhân và gia đình là một trong những điều thiện hảo quý giá nhất của nhân loại, Giáo Hội muốn ngỏ lời và đem lại sự nâng đỡ cho những người đã biết được giá trị của hôn nhân cũng như gia đình và đang cố gắng sống trung thành với giá trị đó, cho những người đang sống trong ngập ngừng âu lo và đang đi tìm chân lý, cho những người đang bị ngăn cản cách bất công, không được tự do sống những dự phóng của gia đình họ. Trong khi đem lại sự nâng đỡ cho nhóm thứ nhất, ánh sáng cho nhóm thứ hai và sự trợ giúp cho nhóm người thứ ba, Hội Thánh muốn đem thân phục vụ mọi người đang bận tâm lo lắng cho số phận của hôn nhân và gia đình".
Giáo Hội đặc biệt ngỏ lời với các bạn trẻ đang chuẩn bị dấn thân trên con đường hôn nhân và gia đình, ngõ hầu mở ra cho họ những chân trời mới bằng cách giúp họ khám phá ra vẻ đẹp và sự cao cả của ơn gọi sống tình yêu phục vụ cho sự sống”[1].
Diễn Giải
1. Hình ảnh sống động của Thiên Chúa Tình Yêu
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG) số 1604 đã dạy rằng: “Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng con người vì tình yêu, cũng đã kêu gọi đến tình yêu, đó là ơn gọi nền tảng và bẩm sinh của mọi nhân vị. Thật vậy, con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa, Đấng chính ‘là Tình Yêu’ (1 Ga 4,8.16). Vì Thiên Chúa đã dựng họ có nam có nữ, nên tình yêu hỗ tương của họ là một hình ảnh của tình yêu tuyệt đối và bất diệt Thiên Chúa dành để yêu con người. Dưới mắt Đấng Tạo Hoá, tình yêu này là tốt, là rất tốt”.
Như vậy tình yêu hôn nhân gia đình phản ánh chính Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.
Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Amoris Laetitia – Niềm Vui của Tình Yêu (NVTY) đã một lần nữa nhấn mạnh rằng: “Hôn nhân là một dấu chỉ quí giá, vì khi một người nam và một người nữ cử hành Bí tích Hôn Phối, thì có thể nói, Thiên Chúa được ‘phản chiếu’ nơi họ, và Ngài ghi khắc trong họ những nét phác thảo đặc thù và dấu ấn tình yêu không thể xóa nhòa của Ngài. Hôn nhân là linh ảnh của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Ngay Thiên Chúa, thật vậy, cũng là hiệp thông: Ba Ngôi Vị – Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần – hằng sống từ muôn thuở cho đến muôn đời trong sự hiệp nhất hoàn hảo. Và đây chính là mầu nhiệm Hôn nhân: Thiên Chúa làm cho hai vợ chồng trở thành một cuộc đời duy nhất”[2].
Kinh Thánh Cựu Ước cho biết Thiên Chúa đã ký kết với dân Israel một giao ước tại núi Sinai. Theo giao ước này, Thiên Chúa nhận dân Isarel làm dân riêng để yêu thương và chăm sóc; ngược lại, dân Israel nhận Thiên Chúa làm Chúa độc nhất để yêu mến, phụng thờ và vâng giữ các lề luật của Ngài. Lịch sử Israel cho thấy rằng cho dù con người có bất trung, xa lìa Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vẫn trung thành và không bao giờ bỏ rơi dân Ngài. Dù có phải sửa dạy, nhưng Ngài luôn trung tín trong tình yêu dành cho nhân loại.
2. Tham dự vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa bằng việc sinh sản và giáo dục con cái
Qua đời sống hôn nhân và gia đình, với việc sinh sản và giáo dục con cái, con người được mời gọi tiếp tục tham dự vào công cuộc tạo dựng, cai quản và làm cho vũ trụ tạo thành ngày càng nên tốt đẹp, làm nơi cư ngụ cho con người trên trần thế.
Tình yêu hôn nhân “được Thiên Chúa chúc phúc, được nhắm đến việc bảo tồn công trình tạo dựng: ‘Thiên Chúa ban phúc lành cho họ và Thiên Chúa phán với họ: Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất’ (St 1,28)”[3].
Theo đó, “Tự bản tính, hôn nhân và tình yêu vợ chồng hướng tới việc sinh sản và giáo dục con cái. Con cái vừa là ân huệ cao quý nhất của hôn nhân, vừa góp phần rất lớn vào hạnh phúc của cha mẹ” [4].
Vì vậy, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II dạy rằng: “Bổn phận giáo dục bắt nguồn từ trong ơn gọi đầu tiên của đôi bạn là dự phần vào công việc sáng tạo của Thiên Chúa. Khi sinh ra một ngôi vị mới trong tình yêu và do tình yêu, một ngôi vị mang sẵn trong mình ơn gọi phải lớn lên và phát triển, bậc cha mẹ cũng từ đó mà lãnh nhận bổn phận phải giúp đỡ hữu hiệu cho ngôi vị ấy được sống nhân bản trọn vẹn”[5].
3. Phản ánh sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội Thánh
Thánh Phaolô khi khuyên nhủ về tình yêu và lối ứng xử trong đời sống gia đình, đã sánh ví mối tương quan này như tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh: “Người làm chồng hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh” (Ep 5,25-26)… “Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5,31-32). Đó là một tình yêu hiến thân trọn vẹn không chia sẻ và trung tín trọn đời. Chính mô phỏng tình yêu này làm cho hôn nhân Công Giáo đạt đến phẩm giá cao quý nhất.
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo diễn giải sâu xa rằng: “Toàn bộ đời sống Kitô hữu mang dấu chỉ của tình yêu phu thê giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Bí tích Rửa tội, cửa dẫn vào dân Thiên Chúa, đã là một mầu nhiệm hôn ước; bí tích đó có thể nói được như một thanh tẩy chuẩn bị hôn lễ diễn ra trước bữa tiệc cưới, là bí tích Thánh Thể. Hôn nhân Kitô giáo, đến lượt mình, trở thành dấu chỉ hữu hiệu, trở thành bí tích của giao ước giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Bởi vì nó nói lên và truyền thông ân sủng của giao ước đó, nên hôn nhân giữa hai người đã được Rửa tội là một bí tích thật sự của Giáo Ước Mới”[6].
Vậy nên, Công đồng Vatican đã khuyên rằng: “Các gia đình hãy quảng đại, san sẻ cho nhau sự phong phú tinh thần. Như thế, vì gia đình Công Giáo phát xuất từ cuộc hôn nhân là hình ảnh giao ước tình yêu nối kết Chúa Kitô và Hội Thánh, họ sẽ làm cho mọi người thấy sự hiện diện sống động của Chúa Cứu Thế trong thế giới và trong bản chất đích thực của Hội Thánh, qua tình yêu vợ chồng, qua sự quảng đại chấp nhận sinh ảnh con cái. Qua sự hiệp nhất và trung thành của hai vợ chồng, cũng như qua sự hợp tác thân ái giữa mọi thành phần trong gia đình”[7].
Trong bối cảnh gia đình và xã hội ngày nay, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại phẩm giá cao quý ấy và mở ra cho gia đình sứ mạng cao cả: “Hôn nhân Kitô giáo, phản ánh sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh của Người, được thực hiện một cách trọn vẹn trong sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, họ hiến thân cho nhau trong một tình yêu độc hữu và sự trung thành trong tự do, họ thuộc về nhau cho đến chết và mở ra cho việc truyền sinh, họ được thánh hiến bởi bí tích trao ban ân sủng để xây dựng một Hội Thánh tại gia và men của sự sống mới cho xã hội”[8].
Để kết
Hôn nhân Kitô giáo mang phẩm giá cao quý và vẻ đẹp là “linh ảnh của Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người”. Sống đời hôn nhân gia đình là mang “một sứ mạng đặc thù và đích thực, để khởi đi từ những việc đơn giản thông thường của đời sống, họ có thể là cho người ta thấy cụ thể tình yêu mà Đức Kitô dành cho Hội Thánh trong khi Người vẫn tiếp tục hiến mạng sống mình vì Hội Thánh”[9].
Để có thể sống trọn vẹn sứ mạng ấy, mỗi người trẻ chúng ta, khi chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân gia đình, cần lưu tâm tìm hiểu để biết được giá trị cao đẹp của đời sống ấy; và mỗi người chúng ta trong gia đình hãy cố gắng nỗ lực từng ngày để sống tình yêu ấy cách trọn vẹn và trung tín, trong yêu thương và hy sinh. Có như thế, mỗi thành viên trong gia đình mới có thể hưởng nếm được trọn vẹn Niềm Vui của Tình Yêu.
Câu hỏi gợi ý thảo luận
1. Phẩm giá cao cả và vẻ đẹp của tình yêu hôn nhân gia đình là phản ảnh Tình Yêu Thiên Chúa và theo mẫu gương Tình yêu Chúa Kitô với Hội Thánh. Mỗi thành viên trong gia đình chúng ta đã và có thể làm gì để diễn tả tình yêu cao đẹp ấy?
2. Giáo dục con cái là một bổn phận cao trọng của gia đình. Trong bối cảnh xã hội tục hoá hôm nay, mỗi người chúng ta có kinh nghiệm và gặp khó khăn gì trong công việc này? Xin chia sẻ để cùng giúp nhau thực hiện tốt hơn nhiệm vụ giáo dục của mình.
3. Gia đình chúng ta đã và có thể làm gì hơn nữa để tích cực vun đắp hạnh phúc gia đình khi đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha “xây dựng một Hội Thánh tại gia và men của sự sống mới cho xã hội” ?
Ban Huấn Giáo Gp. Bà Rịa
[1] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, số 1.
[2] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia – Niềm Vui Tình Yêu, bản dịch của Vp. HĐGMVN 2016, số 121.
[3]GLHTCG, bản dịch của UBGLĐT 2009, số 1604.
[4]CĐ. Vatican II, Gaudium et Spes – HC Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, số 58.
[5] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, số 36.
[6] x. GLHTCG, bản dịch của UBGLĐT 2009, số 1616.
[7] CĐ. Vatican II, Gaudium et Spes – HC Mục Vụ, số 48.
[8] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia – NVTY, số 292.
[9] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia – NVTY, số 292.
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 0 | Tổng lượt truy cập: 3,304,476