Để trả lời những quan niệm khác lạ trong thời kỳ Cải Cách, Công đồng lặp lại các đoạn văn Kinh Thánh về hôn nhân và xác định: “Tính bất khả phân ly và vĩnh viễn của hôn nhân đã được chính tổ phụ đầu tiên của nhân loại tuyên bố dưới sự linh ứng của Thánh Thần, khi ông nói: “Đây là xương bởi xương tôi, và thịt bởi thịt tôi. Bởi đó mà người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mình, và kết hợp với vợ mình, và cả hai nên một thân xác” (St 2, 23tt; x. Ep 5, 31)… “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19, 6; Mc 10, 9). Chính Đức Kitô, như là tác giả và là Đấng kiện toàn các bí tích, bằng cuộc khổ nạn của Người ban cho chúng ta ân sủng; ân sủng của Người hoàn thiện tình yêu tự nhiên đó, và củng cố sự hiệp nhất bất khả phân ly đó, và thánh hoá người kết hôn…”[1].
Sau đó, Công đồng đưa ra 12 khoản giáo luật về hôn nhân (canones). Điều thứ năm quy định: “Nếu ai nói, rằng do lạc giáo, hay do cuộc sống chung bất hoà, hay do thiếu tình cảm của một bên, liên kết hôn nhân có thể được tháo cởi; thì bị vạ tuyệt thông”[2]. Điều thứ bảy quy định: “Nếu ai nói rằng Hội Thánh sai lầm trong điều Hội Thánh đã dạy và đang dạy, theo giáo huấn của Tin Mừng và của các tông đồ (Mc 10, 1; 1Cr 7) rằng liên kết hôn nhân không thể được tháo cởi vì lý do ngoại tình của một trong hai người đã kết hôn; và rằng cả hai người, hay kể cả người vô tội đã không gây ra cớ ngoại tình, đều không thể tái hôn khi người kia còn sống; và họ cho rằng người đàn ông đã ngoại tình sau khi lìa bỏ nhân tình, có thể lấy vợ khác; hay người phụ nữ sau khi lìa bỏ nhân tình có thể lấy chồng khác; thì bị vạ tuyệt thông”[3].
Như vậy, Công đồng khẳng định: tính vĩnh viễn và bất khả phân ly của hôn nhân là thiên luật tự nhiên; trước khi hôn nhân được ân sủng của Đức Kitô nâng lên hàng bí tích. Vì là thiên luật tự nhiên, nên mọi người thành tâm đều đã biết, kể cả những người lương dân.
Sau Công đồng Tridentinô, giáo huấn về bất khả phân ly bị chống đối mạnh mẽ. Một mặt, các nhà tư tưởng “nhân bản” cho rằng: tất cả các dân tộc đều có luật ly dị; luật bất khả phân ly của hôn nhân là “man rợ và độc ác”[4], chỉ có ở công giáo Roma. Mặt khác, từ các quốc gia mới hình thành theo nghĩa hiện đại, các chính quyền dân sự cố khẳng định quyền tối thượng của quốc gia, kể cả quyền chứng nhận hôn nhân và ra quyết định công nhận ly dị.
Các vị Giáo Hoàng đã nhiều lần khẳng định lại giáo huấn của Hội Thánh; đặc biệt là Đức Lêô XIII trong văn kiện Arcanum divinae sapientiae (10.02.1880) và Đức Piô XI trong Casti connubii (31.12.1930).
Hôn nhân giữa những người không được Rửa Tội không phải chỉ là khế ước dân sự và có thể bị hủy bỏ. “Người ta tự lừa dối mình khi cho rằng hôn nhân, vì không phải là bí tích, chỉ trở nên một khế ước thuần tuý dân sự, có thể được tháo gỡ bởi quyền bính nhân loại… Hôn nhân không phải là một khế ước dân sự, nhưng là một khế ước tự nhiên đã được thiết lập và hợp thức hoá do luật Chúa trước khi có xã hội dân sự”[5].
Hội Thánh không công nhận quyết định ly dị dân sự có thể huỷ bỏ hôn nhân của những người lương dân. Đức Piô XI trong văn kiện Casti connubii lặp lại giáo huấn của Đức Piô VI: “n. 34… Rõ ràng là hôn nhân, ngay cả trong trạng thái tự nhiên, và từ lâu trước khi được nâng lên hàng bí tích đúng nghĩa, đã được Thiên Chúa thiết lập để nó mang một dây liên kết vĩnh viễn và bất khả phân ly; do vậy không luật dân sự nào có thể tháo gở. Do vậy dù tính bí tích có thể vắng bóng trong một hôn nhân, như trong trường hợp giữa những người lương dân, nhưng ngay trong một hôn nhân như thế, nếu là một hôn nhân đích thực, phải tồn tại, và thực sự luôn tồn tại dây liên kết vĩnh viễn đó, dây liên kết từ nguyên thuỷ do thiên luật gắn kết với hôn nhân và không lệ thuộc bất kỳ quyền bính dân sự nào. Và như thế, bất cứ hôn nhân nào đã được cam kết, hoặc là hôn nhân được thực sự cam kết như một hôn nhân đích thực và hôn nhân mang theo dây liên kết bền vững do thiên luật đặt sẵn trong mọi hôn nhân đích thực, hoặc là hôn nhân đã được cam kết mà không có dây liên kết vĩnh viễn này, và trong trường hợp đó không phải là hôn nhân, nhưng là một kết hợp bất hợp pháp tự bản chất trái với thiên luật, và do đó không thể tham dự hay duy trì”[6]. “n.80 … Ngay trong cung cách và thể chế của mọi dân tộc được nghiên cứu, rõ ràng hôn nhân có một đặc tính linh thánh và tôn giáo nào đó gắn liền với sự liên kết nam nữ tự nhiên “không phải một cái gì tình cờ thêm vào nhưng là một bản chất nội tại, không do con người áp đặt vào nhưng phát xuất từ chính bản chất của hôn nhân vì hôn nhân có Thiên Chúa là tác giả…”[7].
Trong tập Syllabus[8] (danh sách các sai lầm hiện đại) của Đức Piô IX, mệnh đề 67 nêu lên quan niệm bị kết án: “Do luật tự nhiên liên kết hôn nhân không phải là bất khả phân ly, và trong nhiều trường hợp, ly dị đúng nghĩa có thể được chính quyền dân sự quyết định”[9]. Mệnh đề 73 nêu lên quan niệm bị kết án: “Bằng một khế ước thuần tuý dân sự có thể có một hôn nhân đúng nghĩa giữa những người Kitô hữu; và sai lầm khi nói rằng hôn nhân giữa những người Kitô hữu luôn luôn là một bí tích, hay khế ước vô hiệu nếu bí tích bị loại trừ”[10].
Sách hướng dẫn mục vụ cho các xứ truyền giáo vùng Đông Á dành một đoạn dài cho hôn nhân của những người lương dân: “Chắc chắn là hôn nhân giữa những người lương dân, khi họ cam kết theo tập quán và luật lệ bản xứ, là hôn nhân đích thực, hợp pháp và bất khả phân ly; trừ trường hợp, có thể khi hai bên cam kết (điều thường xảy ra ở Ấn Độ, nhất là giữa những người giai cấp Brahma) hoặc một bên chưa đến tuổi khôn. Tuy nhiên, hôn nhân này trở thành thực sự, hợp pháp và bất khả phân ly, khi bên nữ trưởng thành và trao thân cho chồng, theo tục lệ bản xứ”[11]. “Cũng chắc chắn như thế là, từ khi Luật Mới được công bố, ly dị và đa thê (kể cả đa phu) bị cấm không chỉ đối với người có đạo, mà cả với những người lương dân… Từ nguyên tắc này có nhiều hệ luận rất quan trọng. Khi hai vợ chồng lương dân, sau khi đã hoàn hợp hôn nhân, họ rời nhau để lấy vợ khác, lấy chồng khác, những kết hợp mới này phải xem như là quan hệ ngoại tình. Dù việc chia tay và kết hợp mới đã được xã hội hay được toà án dân sự phê chuẩn, vẫn không quan trọng. Quod Deus coniunxit homo non separet: đối với Thiên Chúa và Hội Thánh, thiên luật vượt trên mọi luật của con người…”[12]. “Dù hôn nhân hợp pháp đã cam kết trong thời ngoại đạo là bất khả phân ly tự bản chất; có một trường hợp hôn nhân có thể được tháo gỡ: khi một trong hai vợ chồng trở lại đạo và người còn ngoại đạo bỏ rơi hay xua đuổi người tân tòng, hay không muốn chung sống hoà bình với người này…[13]. “Nếu một người công giáo, có phép chuẩn, đã kết hôn với một người nữ lương dân, hay ngược lại; người lương dân không giữ các điều kiện của miễn chuẩn, người có đạo không được tái hôn khi người bạn đời lương dân còn sống. Anh ta chỉ được phép ly thân “miễn chung sống, không miễn dây hôn phối””[14]. “Chúng ta đã nói ở trên là người tân tòng tái hôn phải kết hôn với một tín hữu, cum coniuge tamen fideli. Đó là tiền lệ thường hằng trong Hội Thánh, phát xuất từ chính nguyên tắc của Đặc Ân Đức Tin, và là đặc ân nhằm bảo toàn đức tin của người tân tòng. Tuy nhiên, đôi khi không thể tìm cho người tân tòng này một người bạn đời có đạo. Trong trường hợp này, phải chạy đến Toà Thánh, thẩm quyền ban miễn chuẩn khác đạo không áp dụng cho hoàn cảnh này”[15].
Vị Đại Diện Tông Toà Tây Đàng Ngoài thắc mắc: trường hợp một hôn nhân cam kết trong thời còn lương dân, khi một người trở lại, có cần xin phép chuẩn khác đạo không ? Toà Thánh trả lời ngày 14.12.1848, “không cần thiết”[16].
Địa phận Sài Gòn có chỉ dẫn chi tiết: “7. a) Hai người lương dân đã kết hôn hợp pháp; người chồng trở lại đạo, và muốn cưới một người nữ công giáo, theo luật Hội Thánh. Anh ta có phải hay có thể xin ly dị dân sự không[17] ?… Trả Lời – a) đối với hôn nhân hợp pháp của những người lương dân có hai chuyện cần phải xem xét: sự kết hợp hôn nhân, tự bản chất là bất khả phân ly, đã cam kết trước Thiên Chúa, và khế ước dân sự trước mặt người đời. Ly dị, theo ý của một trong hai vợ chồng, phá vỡ khế ước dân sự, nhưng vẫn để lại toàn vẹn sự kết hợp hôn nhân đã gắn kết trước Thiên Chúa do việc trao hiến cho nhau mà họ đã thực hiện. Mặt khác, nếu không ly dị, một bên khi đã Rửa Tội và làm interpellatio như luật định, tiến hành một hôn nhân mới theo đặc ân Đức Tin, trước mặt Thiên Chúa hôn nhân này sẽ tháo gỡ dây hôn phối của họ với người phối ngẫu trước, nhưng khế ước dân sự vẫn còn nguyên giá trị đối với luật đời.
Nếu người tân tòng nói trên có lý do nghiêm trọng để rời khỏi vợ mình, anh ta có thể nhận lãnh bí tích Rửa Tội và ngay lập tức[18] phải tiến hành interpellatio như luật định. Nếu cách người vợ trả lời cho thấy, theo giáo luật, người tân tòng có thể tiến hành một hôn nhân mới với một người nữ công giáo, anh ta phải xin ly dị.
Theo lương tâm, anh ta được phép làm như vậy. Vì anh ta không nhằm mục đích nhờ chính quyền hủy bỏ hôn nhân của mình, vì chính quyền không có khả năng này. Anh ta chỉ muốn dọn đường cho cuộc kết hợp mới mà Hội Thánh cho phép; và huỷ bỏ những hệ quả dân sự của hôn nhân thực sự của mình, những hệ quả, về mặt giáo luật[19], cấm anh ta tiến hành một hôn nhân thứ hai. Do chính việc cho phép anh ta tái hôn, Hội Thánh cho phép anh ta dẹp bỏ các chướng ngại ngăn cản anh ta đạt đến mục tiêu của mình. Khi đã ly dị, anh ta là người tự do đối với luật đời. Anh ta có thể tái hôn trước mặt chính quyền và linh mục. Sau hôn phối đạo, dây hôn phối thứ nhất sẽ bị hủy bỏ trước mặt Chúa.
Nếu không thể ly dị được, người tân tòng vẫn còn lệ thuộc luật dân sự. Trường hợp của anh ta như đã nói trên; chỉ có điều khác biệt, anh ta có thể trở về chung sống, hợp giáo luật, với người vợ lương dân”[20]. Lời chỉ dẫn này có giá trị chính thức trong cả hai giáo tỉnh Huế và Sài Gòn từ đầu thế kỷ XX.
Bộ Giáo Luật 1983 đưa ra các quy định dựa trên giáo lý truyền thống của Hội Thánh: “Những đặc tính chính yếu của hôn nhân là tính duy nhất và bất khả phân ly; trong hôn nhân Kitô giáo những đặc tính này lại càng đặc biệt bền vững, vì đó là một bí tích” (GL 1056).
“Hôn nhân của những người công giáo, dù chỉ một bên là công giáo, bị chi phối không những bởi luật Thiên Chúa, mà còn bởi luật Hội Thánh nữa, miễn là vẫn tôn trọng thẩm quyền dân sự đối với những hiệu quả thuần tuý dân sự của chính hôn nhân này” (GL 1059).
“Hôn nhân được luật ưu đãi, vì thế khi hồ nghi, hôn nhân được coi là thành sự cho đến khi chứng minh ngược lại” (GL 1060).
“Lầm lẫn về tính duy nhất hay tính bất khả phân ly hoặc về phẩm giá bí tích của hôn nhân, không vô hiệu hoá sự ưng thuận hôn nhân, miễn là không ảnh hưởng đến quyết định của lý trí” (Gl 1099).
Như thế, giáo luật hiện hành vẫn ấn định mọi hôn nhân, kể cả hôn nhân giữa hai người lương dân, đều có tính bất khả phân ly. Tính bất khả phân ly là thiên luật tự nhiên, nên Hội Thánh không công nhận việc tự cho rằng lầm lẫn hay không biết.
“Hôn nhân giữa hai người không lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, được tháo gỡ do đặc ân Thánh Phaolô vì lợi ích đức tin của bên đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, ngay khi bên này kết hôn lại, miễn là bên không lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy bỏ ra đi…” (GL 1143- 1149).
Trong Hội Thánh Roma, toà án có thẩm quyền cao nhất và có trách nhiệm về tổ chức và điều hành các toà án là Toà án Segnatura Apostolica. Năm 1996, Toà án Segnatura Apostolica gởi thư cho Hội Đồng Giám Mục Mỹ; bản tiếng Latinh ký ngày 23.01.1996, bản dịch tiếng Anh do chính Toà án Segnatura Apostolica chuẩn bị đề ngày 08.02.1996[21].
Trong số 1, 2 và 5 của bức thư nói trên, Toà án Segnatura Apostolica nói về trường hợp một vị Đại Diện Tư Pháp của giáo phận Mỹ. Vị này ra quyết định “quyền tự do kết hôn của Nguyên đơn được công nhận dựa trên GL điều 1608, 4 và 1150”. Đây là 05 trường hợp hôn nhân của hai người không lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy; nguyên đơn xin xử hôn nhân bất thành, nhưng không nêu được chứng cứ. Toà án Segnatura Apostolica tuyên bố là GL 1150 chỉ áp dụng cho trường hợp người muốn xin tháo gỡ hôn nhân vì lợi ích đức tin. Như vậy, “trong những trường hợp nói trên, vị Đại Diện Tư Pháp hành động ngược với các nguyên tắc cơ bản của luật hôn nhân và luật tố tụng của Hội Thánh… Nay Quyết Định (DECERNIT):
1. Vị Đại Diện Tư Pháp N. bị cảnh cáo vì thiếu hiểu biết luật cả những luật tố tụng và những luật bản chất của Hội Thánh trong những vấn đề liên hệ. 2.Vị Giám Mục N. tuỳ hoàn cảnh, hoặc ít nhất là cách chức vị Đại Diện Tư Pháp, hoặc có phương thế khác giải quyết việc này. 3. Và Vị Giám Mục N. cần chăm lo để loại trừ cách thực hành đáng khiển trách này”.
Trong số 3 của bức thư nói trên, Toà án Segnatura Apostolica nhắc lại các nguyên tắc giáo luật: “việc tháo gỡ một hôn nhân không bí tích có thể được ban hoặc chiếu luật hoặc do văn thư của vị Giáo Hoàng Roma:
- việc tháo gỡ có thể được ban chiếu luật theo Giáo Luật điều 1143- 1149; trong các điều kiện cho những trường hợp này có điều kiện là cả hai bên đều không lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, vào thời điểm kết hôn;
- Trong tất cả những trường hợp khác không có thẩm quyền nào dưới Đức Giáo Hoàng Roma, theo luật hiện hành, có thể ban hành việc tháo gỡ dây liên kết hôn nhân ngoài công giáo (cfr. Instructio et Normae S. Congragatio pro Doctrina Fidei, 06 dec. 1973, pro dissolutione vinculi in favorem fidei) [22];
- Nếu hôn nhân được cam kết giữa một người không lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và một người hồ nghi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, vấn đề phải được chuyển đến Toà Thánh (cfr. Decretum S.S. Congr. S. Offici diei 10 iunni 1937, AAS 29 (1937) 305-306)”.
Theo lệnh truyền của Chúa Kitô, hôn nhân tự nhiên giữa hai người lương dân có giá trị bất khả phân ly đối với Hội Thánh Công Giáo.
Vị Giám Mục giáo phận hay vị được Ngài uỷ quyền, có thể tiến hành thủ tục đặc ân tháo gỡ hôn nhân vì lợi ích đức tin cho từng trường hợp, bằng những phương thế giáo luật đã cho phép (Đặc Ân Thánh Phaolô, hiện nay ở Việt Nam được trao cho linh mục chính xứ; Gl 1143-1149) hoặc đệ trình lên Đức Giáo Hoàng qua Bộ Giáo Lý Đức Tin.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 66 (Tháng 7 & 8 năm 2011
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 26 | Tổng lượt truy cập: 3,212,794