Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XXIV Thường Niên A
Mt 18, 21-35
Sally, một sinh viên công giáo, kể rằng tiến sĩ Smith là diễn giả nổi tiếng với những bài giảng rất tinh tế. Một ngày nọ, khi bước vào lớp, Sally nhận thấy rằng hôm nay lớp sẽ có một trò vui gì đấy. Trên tường là một tấm bia lớn, và trên chiếc bàn gần đó có rất nhiều phi tiêu. Tiến sĩ Smith bảo với tất cả học sinh rằng hãy vẽ hình của người nào mà bạn ghét nhất, hoặc là hình của ai làm cho bạn tức giận, và ông cho phép họ ném phi tiêu vào hình vẽ đó. Tất cả mọi người trong lớp đều chăm chú vẽ những người mà họ ghét nhất. Sally cũng vẽ bức hình của một người bạn cũ, cô dồn công sức để vẽ sao cho thật giống, ngay cả những cái mụn trên mặt cô bạn. Xong xuôi, Sally có vẻ rất hài lòng với tác phẩm của mình... Cả lớp xếp hàng và bắt đầu ném phi tiêu, mọi người cười nói rôm rả và không khí có vẻ rất vui nhộn. Một số học sinh ném phi tiêu rất mạnh đến nỗi tấm hình của họ bị rách toạc cả ra. Sally chờ tới lượt mình... Và cô đã rất thất vọng khi tiến sĩ Smith đề nghị mọi người dừng lại và trở về chỗ ngồi vì thời gian có hạn. Trong khi Sally ngồi nghĩ và hậm hực trong lòng vì không có cơ hội để ném phi tiêu vào hình kẻ mình ghét, thì tiến sĩ Smith bắt đầu gỡ tấm bia ra khỏi tường. Và sau tấm bia đó là bức hình của Chúa Giêsu...
Một sự im lặng bao trùm cả lớp học khi các học sinh trong lớp nhìn thấy bức hình của Chúa Giêsu bị rách nham nhở trên tường; Những cái lỗ và những dấu lởm chởm trên mặt Chúa, và hai mắt Chúa bị đâm thủng. Tiến sĩ Smith chỉ nói một câu, "Hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy."
Tất cả mọi người đều im lặng, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt của những học sinh trong lớp, mọi người nhìn vào bức ảnh của Chúa và suy gẫm cho bản thân mình.
Là người Công giáo chúng ta có bổn phận phải tha thứ cho nhau, chứ không được giữ mãi sự thù oán. Cách thức bảo đảm nhất để thoát khỏi sự công thẳng của Thiên Chúa và kéo được lòng thương xót của Ngài đó là hãy tha thứ cho nhau.
***
Phụng vụ lời Chúa hôm nay dạy chúng ta bài học về sự tha thứ. Trong cuộc sống, có vay có trả là chuyện thường tình, bởi vì đó là luật công bằng. Công bằng phải đi trước bác ái và làm nền tảng cho bác ái, bởi vì nếu không có công bằng thì cũng chẳng có bác ái. Nhưng ở đây, Chúa đòi hỏi những người con cái của Ngài phải sống vượt trên sự công bằng vốn có.
Vào thời Chúa Giêsu, luật báo oán (Taleon) “mắt đền mắt, răng đền răng” đang được thịnh hành. Theo luật này thì khi đối phương làm gãy của tôi một chiếc răng, tôi cũng có quyền làm gãy của đối phương một chiếc răng. Họ làm hỏng của ta một con mắt, tôi cũng có quyền làm hỏng của họ một con mắt. Biết được điều này, ông Phêrô đã đi xa hơn những gì mà luật dạy, ông hỏi Chúa Giêsu: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần, có phải đến bảy lần không?” (Mt 18,21). Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu đã làm cho ông Phêrô chưng hửng. “Thầy không bảo anh tha đến bảy lần, nhưng là bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22). Và ngay sau đó, Ngài kể cho các ông nghe câu chuyện về người đầy tớ bất lương. Người này đã nợ của chủ 10 ngàn nén bạc và đã được chủ tha nợ, mặc dù anh ta chỉ xin khất sẽ trả sau. Có tác giả đã so sánh một quan tiền là một ngày lương của người lao động. Người bạn nợ anh 100 ngày lương. Còn một nén vàng tương đương với 6000 quan tiền. Mười ngàn nén bạc là 60 triệu quan tiền. Nếu một người lao động làm việc năm ngày một tuần, 50 tuần một năm, phải mất 280 ngàn năm mới trả đủ số tiền nợ nhà vua. Quả là một số tiền khổng lồ, không thể nào trả nổi!
Nhưng cách cư xử của tên đầy tớ vừa mới được tha hết nợ đối với bạn hắn thì lại hoàn toàn trái ngược với thái độ của người chủ nợ đối với hắn. Cũng một lời van xin, nhưng hắn không hề nhớ tới điều hắn đã được hưởng. Trong khi, ngay sau đó, anh ta lại túm lấy, bóp cổ người bạn nợ anh có 100 quan tiền và đòi phải trả cho bằng được. Chủ nợ của hắn buộc lòng phải đối xử với hắn như hắn đã đối xử với bạn hắn. Có điều một trăm đồng bạc thì còn có khả năng trả được, chứ mười ngàn nén vàng thì vô phương cứu chữa. Người đầy tớ không phải chỉ là một kẻ vụng tính mà còn là một con người độc ác, không có được một chút tình thương đối với người bạn của mình.
***
Thái độ hành xử của người đầy tớ độc ác trong Tin Mừng hôm nay, biết đâu lại là thái độ của mỗi người chúng ta. Trong cuộc sống hằng ngày, đôi khi, nói lời tha thứ thì dễ, nhưng thực hành việc tha thứ lại không phải ai cũng làm được. Nhiều người nói rằng, con sẵn sàng tha, nhưng không thể nhìn mặt người đó được. Bởi vì khi cứ nhìn thấy họ là cơn giận lại nổi lên.
Vậy đâu là động lực giúp chúng ta có thể tha thứ cho người khác?
Trước hết, mỗi người hãy ý thức rằng, chính chúng ta cũng là những tội nhân và đang cần được hưởng sự tha thứ của Thiên Chúa. Bởi vì, tội lỗi của con người đối với Thiên Chúa quả thực là một món nợ khổng lồ. Bình thường thì chẳng tài nào xoá đi được. Nhưng Thiên Chúa đã chạnh lòng thương. Ngài đã tha thứ không chỉ bằng một lời phán hết nợ, mà còn bằng cách cho Con Một của Ngài xuống thế làm người, rao giảng Tin Mừng cứu độ và sau cùng đã chịu chết trên thập giá để giải thoát chúng ta.
Lý do thứ hai là, Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta một cách nhưng không, thì bây giờ đến lượt chúng ta, chúng ta cũng có bổn phận phải tha thứ một cách nhưng không cho người khác. Bởi vì chúng ta không thể đòi được Thiên Chúa thứ tha, trong khi chúng ta lại không biết thứ tha cho người khác những lỗi lầm của họ. Như lời sách Huấn Ca trong bài đọc thứ I hôm nay: “Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành ! Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình ! Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận, thì ai sẽ xin tha tội cho nó ? Hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù, nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết mà trung thành giữ các điều răn. Hãy nhớ đến các điều răn mà đừng oán hờn kẻ khác, nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao mà không chấp nhất điều lầm lỗi” (Hc 27,34-28,9).
Trong kinh Lạy Cha chúng ta vốn đọc hằng ngày: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Phải chăng đó chính là lời Chúa mời gọi chúng ta hãy biết sống khoan dung và nhân ái đối với những người chung quanh để rồi chúng ta sẽ được hưởng nhờ lòng khoan dung và nhân ái của Chúa.
Sự tha thứ phản ảnh đời sống ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa. Sự tha thứ là vẻ đẹp của những tâm hồn cao thượng, những con người nhân bản và những con cái của Thiên Chúa. Sự tha thứ mang lại hoà bình cho thế giới, tạo nên một thế giới cảm thông, và yêu thương. Nhân ngày tưởng niệm các nạn nhân vô tội trong những vụ khủng bố vào ngày 11/9/2001, tại Hoa Kỳ, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã kêu gọi: “Thế giới không thể có hoà bình nếu thiếu sự tha thứ”.
Lạy Chúa, chúng con biết rằng, nói lời tha thứ thì dễ, nhưng thực hành việc tha thứ lại không dễ dàng chút nào. Xin cho chúng con biết sẵn sàng tha thứ cho người anh em xúc phạm đến chúng con, vì chính chúng con là những người đã được hưởng tình yêu thương và sự thứ tha của Thiên Chúa. Amen.
Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 176 | Tổng lượt truy cập: 3,211,042