Chia sẻ Lời Chúa - Lễ kính 2 thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô

  • 28/06/2023
  • Tôi đành mất hết để được một mối lợi là Đức Kitô và trở nên mọi sự cho mọi người” (Pl 3,8)

     

    Chia sẻ Lời Chúa - Lễ kính 2 thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô

    Lễ Vọng

    (Ga 21,15-19)

    Thuật ngữ “Tông Đồ” (apostolos) theo nguyên ngữ Hy Lạp có nghĩa là “người được sai đi”, “người đem tin” hay “sứ giả”. Từ này được tìm thấy trong Tân Ước cả thảy 79 lần, trong đó: 10 lần xuất hiện trong các sách Tin Mừng, 28 lần trong sách Công Vụ Tông Đồ, 38 lần trong các Thư Chung và 3 lần trong sách Khải Huyền. Tông Đồ là người sống kề sát bên Chúa Giêsu và chia sẻ sứ mạng loan báo Tin Mừng của Ngài. Họ là những người được chính Chúa Giêsu tuyển chọn để đặt nền móng cho Giáo Hội…

    Cũng trong ý nghĩa đó, hôm nay cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta hân hoan mừng kính 2 thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Các ngài được kể như 2 cột trụ của tòa nhà Giáo Hội. Mặc dù 2 đấng đều là những người được Chúa Giêsu trực tiếp tuyển chọn và mời gọi, đều là những người tràn đầy nhiệt huyết với Giáo Hội, nhưng nơi các ngài lại có nhiều điểm không giống nhau.

    Thánh Phêrô xuất thân từ một ngư phủ miền Galilê, thế nên, chắc chắn việc học hành của thánh nhân không được nhiều. Tuy nhiên, thánh Phêrô lại có diễm phúc được theo Chúa Giêsu từ rất sớm. Là một trong bốn môn đệ được Chúa Giêsu gọi trước tiên, thánh Phêrô đã có quãng thời gian khá dài ở bên Chúa, được nghe những lời Người giảng dạy, chứng kiến những phép lạ Người làm. Hơn thế nữa, thánh Phêrô còn được chọn vào tốp 3 môn đệ thân tín của Chúa Giêsu cùng với hai người con của ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan và được Chúa cho tham dự vào những biến cố quan trọng như: chứng kiến Chúa biến hình trên núi Tabor (x.Mt 17,1-8); cùng với Đức Giêsu ở trong vườn Cây Dầu trước khi Ngài bước vào cuộc khổ nạn (x.Mt 26,37).

    Là vị Tông Đồ trưởng, nhưng thánh Phêrô cũng có những yếu đuối và bất toàn. Tại Xêxarê Philipphê, ngài đã bị Chúa Giêsu gọi là Satan khi ông đứng ra cản Chúa đừng đi lên Giêrusalem để chịu khổ nạn (x.Mt 16,23). Trong đêm Chúa Giêsu bị nộp, vì một phút ngã lòng, ông đã chối Chúa ba lần (x.Mt 26,72-74). Để rồi, sau biến cố đó, ông dốc lòng ăn năn thống hối và được Chúa thứ tha. Không những thế, Chúa còn đặt ông làm đầu các Tông Đồ và trao cho trọng trách loan báo Tin Mừng của Chúa cho giới được cắt bì, tức là những người Do Thái (x.Ga 21,17).

    Khác hẳn với Phêrô, thánh Phaolô sinh trưởng trong một gia đình gốc Do-thái tại thành Tác-xô miền Ki-li-ki-a. Ngay từ nhỏ, thánh nhân đã được nuôi dưỡng trong nền giáo dục truyền thống một cách hết sức bài bản. Ngài còn là học trò xuất sắc của Gamalien - một vị Rabbi thời danh lúc bấy giờ.

    Nếu như thánh Phêrô được theo Chúa Giêsu ngay từ ban đầu sứ vụ công khai của Chúa thì thánh Phaolô lại biết đến cái tên Giêsu Kitô khá muộn - tức là sau khi Chúa Giêsu phục sinh và về trời. Là một biệt phái nhiệt thành của đạo Do-thái, thánh Phaolô không thể chấp nhận được việc một nhóm người tự xưng là Kitô hữu, rao giảng một thứ giáo lý hoàn toàn mới lạ với giáo lý truyền thống của cha ông. Thế nên, ông quyết tâm tiêu diệt nhóm người này bằng việc xin chứng thư của thầy thượng tế đền thờ Giêrusalem để lên đường bắt tất cả những người theo “tà đạo” này.

    Trên đường đi Đa-mát, Chúa Giêsu phục sinh đã hiện ra với Phaolô qua một luồng ánh sáng cực mạnh khiến ông phải ngã ngựa và bị mù mắt. Kể từ sau biến cố ấy, cuộc đời của Phaolô đã được biến đổi hoàn toàn. Từ một kẻ chuyên bắt bớ các Kitô hữu, ngài được Chúa trao cho nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho dân ngoại. Từ một người tràn đầy nhiệt huyết với đạo Do-thái, Thiên Chúa đã làm cho ông trở nên người nhiệt thành loan báo Tin Mừng. Từ một biệt phái với một tương lai xán lạn, ông tự nguyện “đành mất hết để được một mối lợi là Đức Kitô và trở nên mọi sự cho mọi người” (Pl 3,8)

    ***

    Có thể nói, câu chuyện lịch sử của mỗi con người, mỗi cuộc đời đều là những kỳ công của Thiên Chúa. Ai đã làm cho thánh Phêrô từ một người chối Chúa trở thành người sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì Chúa; Ai đã làm cho một người chuyên đi lùng bắt các Kitô hữu trở thành vị Tông Đồ sẵn sàng để người ta bắt vì đạo Chúa nếu không phải là chính Chúa Giêsu Kitô.

    Thánh Ca-xi-ô-đô-rô đã từng nói: “Kể lại những kỳ công Chúa đã làm cũng là ca tụng Chúa”. Thế nên, khi sơ qua đôi nét về cuộc đời của hai vị thánh Tông Đồ mà Giáo Hội mừng kính hôm nay để chúng ta thấy được tình yêu Chúa dành cho nhân loại lớn lao là nhường nào! Vậy chúng ta học được gì qua cuộc đời của hai vị thánh?

    Bài học trước tiên là sự khiêm nhường. Có lẽ xuất phát từ việc cảm nghiệm được sự yếu đuối và bất toàn của mình, nên cả hai vị thánh đều tự nhận mình là con người yếu đuối. Thánh Phêrô sau khi chối Thầy, đã ra một nơi ăn năn, khóc lóc thảm thiết. Tương truyền rằng, những giọt nước mắt thống hối của ngài đã chảy thành rãnh trên gò má. Còn Thánh Phaolô, sau thời gian dài đi khắp đó đây thiết lập các giáo đoàn và rao giảng Tin Mừng cho họ, nhưng ngài cũng chỉ dám nhận mình là một Tông Đồ sinh sau đẻ muộn và là người rốt hết trong các Tông Đồ như lời ngài nói: “Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa” (1Cr 15,9).

    Bài học tiếp theo là sự tín thác vào Chúa. Với niềm tin tưởng: Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người, trái lại, Ngài luôn mở ra cho con người những lối đi đầy hy vọng cho dù con người đang bước đi trong tuyệt vọng, cả hai vị đều quyết tâm thay đổi cuộc đời để dấn thân cho sứ vụ Tông Đồ đến nỗi sẵn sàng chấp nhận hy sinh mạng sống vì Tin Mừng của Đức Kitô.

    ***

    Để Lời Chúa được loan báo đến tận cùng trái đất, Giáo Hội hôm nay vẫn rất cần những con người như thánh Phêrô và thánh Phaolô - những người dám từ bỏ mọi sự, dám yêu, dám sống và dám chết cho Ðức Kitô. Chớ gì mỗi chúng ta hãy quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa để lên đường loan báo Tin Mừng với niềm xác tín rằng: Không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8, 35.39).

     

    Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ