Trong Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo, và Bahai giáo (Baha’i), các hành vi tình dục đều được giới hạn trong hôn nhân. Với những người chưa kết hôn, khiết tịnh được đồng hóa với sự tiết chế tính dục. Các hành vi tình dục ngoài hôn nhân, như ngoại tình, gian dâm (thông dâm) và mại dâm, đều là tội lỗi.
Theo truyền thống Kitô giáo, khiết tịnh đồng nghĩa với sự thuần khiết về giới tính. Khiết tịnh nghĩa là không có mối quan hệ tình dục nào trước hôn nhân. Điều này cũng có nghĩa là sống chung thủy với chồng hoặc vợ trong hôn nhân. Theo luân lý Công giáo, khiết tịnh được đặt đối nghịch với tội dâm dục, và được coi là một trong bảy nhân đức (*). Kiềm chế ham muốn tình dục được coi là nhân đức. Lý do là ý và ham muốn có thể kết hợp hài hòa với nhau để làm điều tốt.
Quan điểm của Ấn giáo (Hinduism) về tình dục trước hôn nhân có nguồn gốc từ khái niệm về các giai đoạn của cuộc đời. Giai đoạn thứ nhất gọi là Brahmacharya, nghĩa là trinh khiết. Sự độc thân được coi là động thái thích hợp cho cả nam và nữ trong giai đoạn này, giai đoạn tiền hôn nhân. Nhiều tu sĩ Ấn giáo (Sadhus) cũng sống độc thân theo luật nghiêm ngặt. Theo Ấn giáo, việc giao cấu được coi là hành vi thánh của sự sinh sản trong hôn nhân.
Mặc dù các tín đồ Do Thái giáo theo hệ phái Digambara đều sống độc thân, nhưng đa số những người theo đạo Giana (Jains) đều thuộc về hệ phái Shvetambara, được phép kết hôn và sinh con. Đạo đức của đạo Giana đòi hỏi người ta không được làm hại các sinh vật từ trong tư tưởng, lời nói hoặc hành động. Ngoại tình là vi phạm thỏa hiệp luân lý với người phối ngẫu, do đó mà bị cấm, còn gian dâm cũng bị coi là vi phạm tình trạng trinh khiết.
Các giáo huấn của Phật bao gồm Noble Eightfold Path (tạm dịch: Bát Quý Đạo), gồm sự phân chia gọi là “hành động đúng”. Theo Ngũ Huấn (Five Precepts) về đạo đức, các thiện nam tín nữ theo Upāsaka và Upāsikā nên tránh phạm tội về tính dục, còn các tu viện theo Bhikkhu và Bhikkhuni phải giữ khiết tịnh nghiêm ngặt.
Ngũ Huấn của Lão giáo (Taoism hoặc Daoism) bao gồm luật cấm hành vi tính dục, được hiểu là cấm tình dục ngoài hôn nhân đối với các tín đồ, và cấm tình dục đối với các tu sĩ.
Chân phước Mẹ Teresa Calcutta nói rằng tặng phẩm quý giá nhất mà bạn có thể trao cho người phối ngẫu trong ngày cưới là sự trinh tiết. Hãy suy nghĩ về điều đó. Bạn không thể là người duy nhất trên thế giới này có thể trao tặng món quà đó sao? Món quà như thế rất đặc biệt, quý giá hơn cả vàng bạc, thế nên bạn muốn nâng niu nó và bảo vệ nó bằng mọi cách. Bạn chỉ có thể trao món quà này một lần mà thôi, vì thế mà người chồng hoặc người vợ tương lai của bạn chắc chắn là người duy nhất trên thế giới xứng đáng nhận món quà đó một cách trọn vẹn là chính con người của bạn – cả tâm hồn và thể xác.
Nếu các bạn trẻ có quyết định này sớm để giữ trinh tiết cho tới khi kết hôn, họ không phải đối mặt với nỗi giằng co. Họ biết mục đích của mình và sẽ vui lòng làm mọi cách để đạt được ước muốn tốt lành. Họ sẽ cẩn trọng ở mọi nơi và mọi lúc. Họ sẽ đề phòng những chước cám dỗ, mọi tình huống khó khăn, và chuẩn bị tốt để tránh né. Họ sẽ thoải mái trưởng thành và tìm kiếm kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa dành cho cuộc đời họ. Họ sẽ không lo lắng về chuyện có kinh nguyệt “trễ”, mang thai, phá thai, ngừa thai, bệnh hoa liễu, bệnh AIDS, và các hậu quả khác về thể lý, tâm lý, tình cảm và tâm linh đối với việc “ăn cơm trước kẻng”. Họ thực sự tự trọng và tôn trọng người yêu, họ tin rằng họ sống theo cách làm đẹp lòng Thiên Chúa. Họ sẽ bảo vệ và tự cứu mình vì người mà Thiên Chúa đã chọn làm người bạn đời nếu hôn nhân là ơn gọi của họ.
Các bạn trẻ nghĩ gì về những điều như vậy? Họ có bao giờ nghe nói tới “trinh tiết”, “khiết tịnh”, “trong sạch”, “thùy mị” hoặc “tự chủ”? Phải chăng các từ ngữ này nghe y như là “ngoại ngữ” vì chẳng có ai sử dụng? Món quà quý giá này là trao tẳng cả con người mình không đáng để giữ riêng cho người phối ngẫu chăng? Thiên Chúa muốn như vậy. Ngài nói với chúng ta rằng đây là điều mà Ngài muốn ở chúng ta vì Ngài yêu thương chúng ta. Và Ngài trao ban cho chúng ta mọi ân sủng cần thiết để chúng ta có thể đạt được đức khiết tịnh.
Điều này rất quan trọng đối với các cha mẹ, trường học và nhà thờ, phải dạy các điều chân thật một cách rõ ràng và động viên lẫn nhau. Nếu không, các bạn trẻ sẽ chẳng bao giờ nghe được những điều này hoặc biết chân lý của Thiên Chúa, vì những điều đó không hề có trên radio, ti-vi, phim ảnh, âm nhạc, mà thế giới cũng không yêu thương hoặc quan tâm chăm sóc trẻ em. Thế nên nhiều bạn trẻ không còn trinh tiết và cũng chẳng tự trọng, vì họ tin rằng nói dối là điều tất nhiên của thế gian. Chúng ta phải cho họ niềm hy vọng và sự tự do của “sự trinh tiết thứ hai”. Họ có thể xin Thiên Chúa tha thứ và được tha thứ. Họ có thể “tái khởi đầu” và thề hứa giữ đức khiết tịnh cho tới lúc kết hôn. Họ cần có cơ hội và sự động viên để bắt đầu lại và thay đổi nhờ Hồng ân của Thiên Chúa.
Nếu chúng ta nhận thấy hôn nhân và tình nghĩa phu thê là phần thánh thiện trong kế hoạch của Thiên Chúa, chúng ta có thể hiểu được tầm quan trọng của đức khiết tịnh. Sự khiết tịnh bảo vệ người ta, củng cố người ta, xây dựng tính cách của người ta, động viên người ta kiềm chế, truyền cảm hứng để người ta tôn trọng, bảo đảm sự tự do, chống lại tính ích kỷ, và thích hợp với mọi người. Không dễ giữ đức khiết tịnh, nhưng có thể giữ được nhờ ơn Chúa. Đức khiết tịnh tái củng cố hôn nhân và làm cho mối quan hệ phu thê tốt đẹp, đặc biệt và thánh thiện. Tính thánh thiện của việc hợp tác với Thiên Chúa trong công cuộc sáng tạo của Ngài là tạo những sinh linh mới, đó là tặng phẩm quý giá chỉ nên chia sẻ trong sự an toàn của mối quan hệ yêu thương, đại lượng và thề hứa. Đó là cách của Chúa, và điều đó xứng đáng chờ đợi, bởi vì tặng phẩm hoàn hảo của tình yêu thuần khiết mà cô dâu và chú rể trao cho nhau trong ngày cưới thực sự là món quà quý giá vô cùng.
Trầm Thiên Thu chuyển ngữ từ ChastityCall.org
_______________________________
(*) Theo Giáo lý Công giáo, bảy nhân đức liên quan việc kết hợp của 4 nhân đức chính (thận trọng, công bình, kiềm chế, và can đảm) và 3 nhân đức đối thần (tin, cậy, mến). Các nhân đức này được các Giáo phụ gọi là bảy nhân đức. Sau đó một danh sách khác được phát triển, đôi khi gọi là “bảy thiên đức” (seven heavenly virtues), được đề nghị bởi một thủ lĩnh Kitô giáo tên là Aurelius Prudentius (mất khoảng năm 410 sau công nguyên) trong bài thơ “Psychomachia” (Cuộc Chiến Của Linh Hồn) do ông sáng tác. Bài thơ này có ghi bảy nhân đức đối lập với bảy tội trọng. Các nhân đức đó là Khiết tịnh, Tiết chế, Bác ái, Chuyên cần, Kiên nhẫn, Tử tế, và Khiêm nhường.
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 0 | Tổng lượt truy cập: 3,448,288