Thật là dễ hiểu, bởi lẽ đó là sứ mạng thật đặc thù của người sống đời thánh hiến [1]. Ngày nay, có lẽ chúng ta đều đã ý thức rằng việc truyền giáo không phải chỉ là đặc vụ của các linh mục tu sĩ, nhưng là công việc của hết thảy mọi người Kitô hữu. [2] Giáo Hội, tức là mọi thành phần dân Chúa, vẫn có bổn phận, và có cả quyền bất khả xâm phạm, trong việc loan báo Tin Mừng, do đó, hoạt động truyền giáo hôm nay và mãi mãi vẫn luôn thực sự cấp bách và cần thiết.[3] Sứ mạng của người giáo dân hôm nay không thay thế hay miễn chuẩn, nhưng khích lệ người sống đời thánh hiến phải truyền giáo mạnh mẽ hơn, cụ thể và thiết thực hơn.
Người sống đời thánh hiến với sứ vụ truyền giáo
Nhìn vào cuộc sống, Giáo Hội nói chung và người sống đời thánh hiến nói riêng có thể truyền giáo bằng nhiều phương thế khác nhau: truyền giáo bằng lời cầu nguyện, truyền giáo bằng lời nói và hành động, và nói chung, là truyền giáo bằng đời sống của mình. Lời cầu nguyện cho việc truyền giáo là vô cùng cần thiết, chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải cầu nguyện cho việc truyền giáo, xin Chúa Cha sai nhiều thợ gặt cho cánh đồng đầy lúa chín [4]. Việc cầu nguyện này nhắm đến những người chưa nhận biết Chúa được tin nhận Chúa đã đành, mà hơn nữa, còn cho công cuộc tái truyền giáo, tức là một cuộc Tân Phúc Âm hóa (re-evanzilation) đời sống của tất cả chúng ta là những người đã chịu phép rửa, những người đã quá quen thuộc với Tin Mừng có nguy cơ bị hóa nhàm trước sự mới mẻ của Tin Mừng[5]. Hơn nữa, việc cầu nguyện này còn khơi lên cho chính chúng ta niềm hăng say trở nên những nhà truyền giáo nữa.
Kế đến là truyền giáo bằng lời nói và việc làm. Đây vẫn là những hình thức đặc thù nhất, thiết thực nhất rất dễ nhận ra. Rao giảng Tin Mừng bằng cách dạy giáo lý, giáo dục trong tinh thần Tin Mừng nơi các trường Công Giáo, làm bác ái xã hội, chia sẻ và yêu thương là những cách thật thiết thực để rao giảng Chúa Kitô cho anh em lương dân. Giáo Hội trong suốt lịch sử, qua sự hiện diện của mình đã, đang và sẽ loan báo Chúa Kitô qua lời nói và việc làm của mình. Truyền giáo bằng cách thức này là điều dễ thấy nhất.
Và sau cùng, cách tổng quát hơn hết, toàn thể đời sống chúng ta cần phải là một chứng tá. Đời sống của một người sống đời thánh hiến đã phải là một cuộc loan báo Tin Mừng không ngơi nghỉ rồi, cho dù đó là một đan sĩ đi nữa. Giáo Hội có lẽ chẳng vô tình khi chọn hai vị Thánh Phanxicô Xaviê và Têrêsa Hài Đồng Giêsu để làm bổn mạng các xứ truyền giáo. Một vị là giáo sĩ, đi khắp nơi để truyền giáo, một vị là đan sĩ, ở một chỗ để cầu nguyện cho việc truyền giáo. Nhưng làm sao chúng ta có thể rao giảng về tình yêu Thiên Chúa trong khi chúng ta sống thiếu yêu thương? Làm sao chúng ta có thể đem Tin Mừng Đức Giêsu đến với người khác nếu đời sống chúng ta không phải là một cuộc sống tràn ngập sức sống của Đức Kitô? Nếu nói mà không sống những gì mình nói, người truyền giáo sẽ bị “chất vấn” không chỉ bằng sự nghi ngờ của người khác về tính khả tín của sứ điệp mình rao giảng, mà còn bằng tiếng nói phản tỉnh của lương tâm bản thân mỗi ngày khi đối diện với Chúa, để rồi họ được mời gọi phải càng ngày càng bớt đi tình trạng bất nhất trong đời sống giữa “ngôn” và “hành”.
Mạng xã hội và sứ vụ truyền giáo
Ngày nay, mạng xã hội cũng là một “mảng đất” rất lớn, rất thích hợp để rao giảng Lời Chúa. Công đồng Vatican II đã chân nhận rằng: “Được Chúa Kitô thiết lập để mang ơn cứu rỗi đến cho tất cả mọi người, Giáo Hội Công Giáo có nhiệm vụ phải rao giảng Tin Mừng, và do đó nhận thấy mình có bổn phận phải sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để loan truyền sứ điệp cứu độ và hướng dẫn con người biết sử dụng đúng đắn các phương tiện ấy.” [6] Giáo Hội cần nhanh chóng và nỗ lực tối đa tìm cách sử dụng hữu hiệu những phương tiện truyền thông xã hội vào các công việc tông đồ, tùy theo nhu cầu của từng hoàn cảnh và thời điểm cụ thể.[7] Tại sao chúng ta –những người sống đời thánh hiến-không là những chiếc cầu nối nho nhỏ giúp người khác đến với Chúa bằng chính những trang mạng xã hội như Facebook, Youtube hay Twister? Tôi vẫn hay tự hỏi mình như thế. Và có lẽ đó cũng là lý do để một người sống đời thánh hiến hiện diện trên mạng xã hội.
Thật ra, mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Nó có những ích lợi không thể phủ nhận và cũng có những mối nguy hại và rắc rối, đặc biệt cho người sống đời thánh hiến mà chúng ta thấy rất rõ, từ kinh nghiệm riêng của mỗi người. Tuy nhiên, một thái độ dị ứng, luôn dè chừng hay kịch liệt phản đối người tu sử dụng mạng xã hội vẫn là một não trạng không mấy quân bình và ấu trĩ, như thể sợ điện giật nên cấm xài điện vậy! Nếu biết cách dùng, các phương tiện truyền thông xã hội như chất keo giao tiếp hàn gắn các mối quan hệ liên vị rất tốt đẹp .[8] Đây là một cơ hội lớn cho Giáo Hội thể hiện tiềm năng của mình với tư cách là một sự hiệp thông hay hữu nghị.[9] Mọi Kitô hữu, trong đó có những người sống đời thánh hiến đều được mời gọi để sống ơn gọi và sứ mạng của mình là “men”, là “muối”, là “ánh sáng cho thế gian” (Mt 5, 13-16), là đèn không phải để úp dưới đáy thùng nhưng như Chúa nói, là “một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời". (Mt 5, 14-16)
Nếu Chúa Giêsu sống trong thời đại chúng ta, có lẽ Ngài sẽ sai các môn đệ của Ngài truyền giáo bằng những phương tiện truyền thông đại chúng. Sách Công vụ Tông đồ tả lại thánh Phêrô và các Tông đồ đã ra các ngả đường, các khu chợ và đi khắp nơi để truyền giáo. Tại Athens, thánh Phaolô đã tới các hội nghị nơi các trí thức thảo luận để rao giảng. [10] Tại sao chúng ta không loan truyền Tin Mừng bằng mạng xã hội? Tại sao việc loan báo Tin Mừng chỉ giới hạn ở các bài giảng lễ, các bài giáo lý, các bài suy niệm? Thay vì hằng ngày vẫn có những tin tức vớ vẩn hay độc hại lan truyền trên mạng, sao người Kitô hữu không rao giảng một Tin Vui (Good News) thật sự, một Tin Mừng (Euangelion) lớn lao như thế? Nói cho cùng, truyền giáo không có gì khác hơn là giới thiệu Đức Kitô cho con người hôm nay. Truyền giáo không chỉ là rao giảng một mớ lý thuyết về đức tin trừu tượng, một mớ quy luật luân lý “được làm” và “cấm làm”, nhưng là loan báo một con người, một Đấng, loan báo một niềm vui vô cùng lớn lao mà người ta không thể giữ nổi trong lòng mà bắt buộc phải trào tràn ra bên ngoài một cách rất tự nhiên.
Người sống đời thánh hiến, mạng xã hội và sứ vụ truyền giáo
Phải chân nhận rằng, truyền giáo bằng các phương tiện truyền thông đòi hỏi người sống đời thánh hiến một sự trưởng thành và quân bình thật sự, để chỉ rao truyền Đức Kitô chứ không phải rao truyền về mình, chỉ nói về Chúa chứ không đánh bóng tên tuổi của mình, để có thể trung thành với sứ mạng mà không phải nghiêng ngửa, chao đảo vì những hiểm nguy trong môi trường vẫn bị đánh giá là “ảo” này. Điều này đòi hỏi người sống đời thánh hiến luôn cần phải phân định và chọn lựa theo Tin Mừng xem nên đăng tải, nên nói hay làm những gì và không nên đăng tải, nói hay làm những gì, bởi lẽ giờ đây người khác đã nhìn họ không phải với tư cách cá nhân nữa, nhưng nhìn họ với tư cách là người của Chúa, người của Giáo Hội. Những gì họ nói và làm không chỉ được nhận xét như là với chính họ, nhưng có thể sẽ được đánh đồng với tập thể, với cả những người sống cùng ơn gọi. Môi trường mạng xã hội này, cũng như mọi môi trường khác, đều hàm chứa nhiều rủi ro, thách đố lẫn cơ may và cơ hội. Người sống đời thánh hiến có thể phác họa dung mạo hoàn mĩ của Đức Kitô hay sẽ vẽ nên dung mạo méo mó về Ngài. Không thể phủ nhận rằng có nhiều người sống đời thánh hiến hiện diện trên mạng xã hội đã khiến cho người ta có cái nhìn sai lạc về Thiên Chúa, về Giáo Hội và về Tin Mừng. Đôi khi còn họ còn gây ra những gương xấu và dịp tội nữa. Nếu việc truyền giáo trong thực tế vẫn hàm chứa những thách đố và cám dỗ như tin tưởng và cậy dựa nhiều quá vào những phương tiện nhân loại, thì việc truyền giáo bằng mạng xã hội cũng có những thách đố và cơ hội riêng, nếu không phân định và phản tỉnh cho sâu sắc thì người sống đời tu cũng có nguy cơ rao giảng một Đức Kitô khác, hay nguy hại hơn nữa là rao giảng chính mình.
Thay vì như những người đời hay đăng những hình ảnh để khoe xe xịn, khoe nhan sắc, khoe những hào nhoáng bên ngoài thể hiện sự yêu mình cách tinh vi, có khi còn khoe những thứ vớ vẩn hay những điều không hay ho gì, những điều đáng xấu hổ thay vì tự hào, người sống đời thánh hiến sẽ truyền giáo rất đắc lực khi giới thiệu cho bạn bè, người thân người quen của mình (dù có theo đạo hay không) về Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Đó có thể là những đoạn Lời Chúa hằng ngày, là những bài giảng lễ, những bài suy niệm vắn gọn nhưng sâu sắc, những lời nguyện nho nhỏ đơn sơ, hay ngay cả những clip, những video rất ý nghĩa và gợi hứng (inspirational), những câu chuyện làm người đầy tính nhân bản và Công giáo, những bài thánh ca thấm đậm đức tin giữa đời thường, những hình ảnh khuyến thiện và tốt đẹp… Nên đưa các thông điệp và viết blog về các chủ đề liên quan đến Kitô giáo.[11] Thật vậy, mạng xã hội, được dùng như phương tiện để Phúc Âm hóa, có thể trở nên một yếu tố giúp phát triển con người.[12] Những tin tức thời sự, những biến cố trong đời sống kinh tế-chính trị-xã hội cũng được coi là những “thời điềm”[13], những “dấu chỉ thời đại”[14] cũng có thể là dịp thuận tiện để người sống đời thánh hiến giới thiệu sứ điệp Tin Mừng cho con người hôm nay. Tuy nhiên, người sống đời thánh hiến cũng cần cẩn thận để chỉ rao giảng Tin Mừng và nếu cần bảo vệ phẩm giá con người thì cũng chỉ dựa vào những tiêu chuẩn của Tin Mừng, chứ không phải sử dụng Tin Mừng như một công cụ để chống lại các ý thức hệ hay đả phá các phe phái chính trị cách thiếu bác ái[15] hay tố giác người khác, vu khống, làm nhục và lên án người khác, chia rẽ hay ủng hộ chia rẽ.[16] Dĩ nhiên, nếu những ý thức hệ và phe phái chính trị đó mâu thuẫn hay đối nghịch với Tin Mừng, thì việc lên tiếng để bảo vệ chân lý là điều đáng và phải dấn thân, như những biến cố đã xảy ra trên đất nước chúng ta trong thời gian gần đây chẳng hạn. Ngay cả chính những hình ảnh đời thường và cách sống, cách ứng xử, tương tác của người sống đời thánh hiến với mọi người trên mạng xã hội cũng là một cơ hội để giới thiệu về Chúa cách rất gần gũi và thiết thực. Người ta không thấy Chúa, nhưng sẽ nhìn vào đời sống của người rao giảng về Chúa để hình dung về Đấng mà chúng ta rao giảng.
Tất cả những phương thế đó là một cách truyền giáo vô cùng hữu hiệu. Nếu có nhiều khả năng, thì hãy dùng những khả năng đó để phụng sự Chúa, như thánh Phaolô nói: “miễn là Đức Kitô được rao giảng” (Pl 1,18), trong khiêm tốn và đơn sơ. Con người ngày hôm nay xem ra dễ dị ứng với những gì gọi là “chân lý”, “sự thật” bởi vẻ ngoài xem ra nghiêm chỉnh, khắt khe của nó, nhưng lại vô cùng dễ đồng cảm với những gì là đẹp. Nếu chân lý được trình bày đẹp thì càng hiệu quả hơn nữa. Nhạy bén và tận dụng tâm lý này thật là thích hợp để nói về Chúa cho người trẻ, không chỉ ở nhà thờ, ở giảng đường đại học, ở các lớp giáo lý, nhưng còn ngay trên chiếc smartphone, chiếc laptop của họ, ngay giữa những mối bận tâm thường ngày của họ. Chúa Giêsu đã gọi Phêrô, Anđrê, Giacôbê và Gioan bên mạn thuyền và chiếc lưới (Mt 4,18-22), Người gọi Matthêu ngay tại bàn thu thuế (Mc 2,13-14) tức là nơi những bận tâm thiết thực hàng ngày của họ, và gọi Giakêu ngay cả khi ông chưa định tiếp xúc với Người (Lc 19,1-10), nơi những khát khao sâu thẳm không bộc lộ ra bên ngoài của ông. Thay vì cứ mải miết lên án những điều xấu vốn dễ làm cho người thời nay dị ứng, sao ta không khuyến khích những điều tốt trong cuộc sống trước khi nói lên mặt trái của xã hội? Và điều tốt nhất mỗi Kitô hữu có thể cho người khác không phải là chính Tin Mừng, là chính Đức Kitô sao?
Trong Sứ điệp truyền giáo năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Giới trẻ là hy vọng của truyền giáo. Con người Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng Người công bố tiếp tục thu hút nhiều người trẻ. Họ tìm cách dấn thân phục vụ loài người với sự can đảm và phấn khởi.” Và “nhiều người trẻ đang chia sẻ mối quan tâm chung về các vấn đề của thế giới và tham gia các hình thức khác nhau của việc cổ động tích cực và hoạt động tình nguyện… Đẹp biết bao khi chứng kiến cảnh những người trẻ là những ‘nhà giảng thuyết đường phố,’ vui vẻ mang Đức Giêsu đến mọi đường phố, mọi công viên và mọi góc cùng của trái đất!” [17] Tại sao chúng ta có thể nói với nhau biết bao nhiêu chuyện tầm phào, nhưng lại e ngại khi nói về Chúa? Tại sao chúng ta có thể dành nhiều giờ đồng hồ để giải trí, nhưng lại cảm thấy chán ngán khi bồi bổ đời sống tâm hồn, đời sống đức tin của mình và giúp cho người khác cũng triển nở trong đời sống tâm hồn? Hơn nữa, người sống đời thánh hiến sẽ nói gì khi hiện diện trên mạng xã hội? Chẳng lẽ suốt ngày cứ nói chuyện đời? Người tu có thể có điều gì khác cho những người xung quanh mình? Dĩ nhiên, mỗi người có cách riêng của mình. Không phải mọi người đều buộc phải làm như nhau, tùy theo tính khí mỗi người và ơn soi sáng Chúa dành cho mỗi tâm hồn một phương cách khác nhau để làm chứng cho Người, và còn tùy theo giai đoạn đào tạo và sự khôn ngoan của bản thân và của các bề trên nữa. Tuy nhiên, những suy tư này là những gợi ý nho nhỏ.
Dĩ nhiên, việc truyền giáo đối với người sống đời thánh hiến không chỉ là trên mạng xã hội. Nó là cuộc sống hằng ngày, rất thực, rất cụ thể trong môi trường sống chung với tha nhân, với những người bên cạnh. Không ai tin một người nói rất hay nhưng sống lại phản chứng với điều mình nói. Đành rằng người sống đời thánh hiến không phải lúc nào cũng thánh thiện tinh tuyền, chúng ta vẫn có những yếu đuối và sa ngã, nhưng chính nhờ vậy mà chúng ta càng cảm thấy sức mạnh của Thiên Chúa thật mạnh mẽ đã, đang và sẽ biến đổi cuộc sống chúng ta mỗi ngày, với ý thức như thánh Phaolô “ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối" [18] để càng phải khiêm tốn và nhiệt thành hơn loan báo ơn cứu độ của Chúa cho thế giới, cho những người cũng đang cảm nghiệm bao khổ đau và cám dỗ như mình. Những kinh nghiệm cá nhân như thế giúp chúng ta điều chỉnh cung cách sống của mình cho hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng và cũng có sức đánh động hơn nhiều những lý thuyết và đạo lý vốn cần thiết nhưng lại không phù hợp với nhiều thành phần Kitô hữu với văn hóa, lối sống, trình độ khác nhau, bởi lẽ người ta vẫn hay nói: ‘Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo’[19]. Những lời của thánh Phaolô khuyên môn đệ của mình là Timôthê thật sâu sắc: “Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường. Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh.” (2 Tm 4, 2-5) Và lời của Đức Phanxicô: “Giáo Hội ngày nay phải tiến lên và rao giảng Tin Mừng cho tất cả: ở mọi nơi, trong mọi dịp, không ngần ngại, không miễn cưỡng hay sợ hãi.”[20] “Nhờ vào internet, sứ điệp Kitô giáo có thể đến “tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Mở rộng cửa các nhà thờ của chúng ta cũng có nghĩa là mở cửa trong cả môi trường số để người ta, dù đang sống trong tình trạng nào, cũng có thể bước vào, và để Tin Mừng có thể chạm đến mọi người. Chúng ta được kêu gọi chứng tỏ rằng Giáo Hội là nhà của tất cả. Liệu chúng ta có thể truyền đạt hình ảnh của một Giáo Hội như thế không? Truyền thông là công cụ diễn tả ơn gọi truyền giáo của cả Giáo Hội; ngày nay, các mạng xã hội là một cách trải nghiệm ơn gọi này để khám phá vẻ đẹp của đức tin, vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Đức Kitô. Cả trong lĩnh vực truyền thông, chúng ta cần một Giáo Hội có khả năng đem lại hơi ấm và khuấy động tâm hồn.” [21]
Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dạy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những chứng nhân”. [22] Cuộc sống của mỗi người chúng ta, những môn đệ của Chúa cần được liên kết sâu xa với Người, để chính Đấng Emmanuel- “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, Đấng vẫn hứa ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế- Ngài sẽ cùng chúng ta đem Tin Mừng tới khắp nơi trên trái đất này.
Góp nhặt từ nhiều suy tư đã lâu.
Những ngày đầu mùa Vọng năm 2017
Con chiên nhỏ
[1] Từ ngữ “người sống đời thánh hiến” chỉ cách chung cả hàng giáo sĩ, tu sĩ và chủng sinh nữa.
[2] CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Sắc lệnh về Hoạt động Truyền Giáo (Ad Gentes), các số 21, 35, 41 và Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 906
[3] CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Sắc lệnh về Hoạt động Truyền Giáo (Ad Gentes),, các số 7
[4] Mt 9,37
[5] Có thể nói, đây chính là ý tưởng chủ đạo và xuyên suốt như sợi chỉ đỏ của Tông huấn Evangelii Gaudium (ĐTC Phanxicô)
[6] CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội, số 3
[7] CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội, số 13
[8] Do Cat, bản dịch của Ủy ban Giáo lý Đức tin thuộc HĐGMVN, số 37
[9] Do Cat, bản dịch của Ủy ban Giáo lý Đức tin thuộc HĐGMVN, số 39
[10] Cv 17, 16-33
[11] Do Cat, bản dịch của Ủy ban Giáo lý Đức tin thuộc HĐGMVN, số 43
[12] BÊNÊĐÍCTÔ XVI, Thông điệp ngày Truyền thông thế giới lần thứ 47, 2013
[13] Mt 16,3
[14] Một trong những từ ngữ được sử dụng rất nhiều trong những văn kiện của Công Đồng Vatican II
[15] GIOAN PHAOLÔ II, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 2497
[16] Do Cat, bản dịch của Ủy ban Giáo lý Đức tin thuộc HĐGMVN, số 43
[17] PHANXICÔ, Sứ điệp Truyền giáo năm 2017, số 8
[18] 1 Cr 12,9
[19] Câu ngạn ngữ Latin nổi tiếng vẫn được áp dụng trong nền tu đức xưa.
[20] PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 23
[21] PHANXICÔ, Thông điệp cho ngày truyền thông thế giới lần thứ 48, 2014
[22] PHAOLÔ VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, số 41
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 90 | Tổng lượt truy cập: 3,210,739