Lời Tựa
Kính thưa quý vị độc giả,
Khi bàn đến Tục ngữ - Ca dao, chúng ta như đụng chạm đến cái gì đó rất thiết thân của con người Việt Nam. Nó không đơn thuần chỉ là những câu nói trong ứng xử, giao tiếp mà dường như đã đi vào máu thịt của người dân đất Việt, đến nỗi, bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, từ những khi phải dùng lời giáo huấn mang tính trang trọng, đến những khi lao động sản xuất hay những lúc vui đùa…, họ đều có thể sử dụng Tục ngữ - Ca dao. Tục ngữ - Ca dao phản ánh một cách đa đạng các mối quan hệ trong xã hội: tương quan giữa con người với con người như: mối tương quan giữa cha mẹ với con cái, giữa vợ với chồng, giữa anh chị em với nhau…; mối tương quan giữa con người với thiên nhiên vạn vật; đôi khi phản ánh cả những kinh nghiệm quý báu của người trước để lại…
Cùng với Tục Ngữ, Ca dao, Dân ca, ông cha ta còn sử dụng các Câu đối. Đây cũng là một lĩnh vực vô cùng phong phú, đa dạng, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu và làm việc một cách bài bản và khoa học.
Để kế thừa di sản tốt đẹp đó của cha ông để lại, cả hai lĩnh vực Tục Ngữ, Ca dao và Câu đối đều đã được các thế hệ đi sau bảo tồn và phát triển. Bằng chứng là đã có rất nhiều công trình nghiên cứu của các Tác giả cũng như những Nhóm tác giả, điều đó càng khẳng định vai trò và vị trí của cả hai thể loại văn học này.
Khi bắt tay vào thực hiện tập sách này, chúng tôi không có tham vọng nghiên cứu hay đào sâu hơn những lĩnh vực vô cùng phong phú kể trên, mà đơn giản chỉ là một tuyển tập “nho nhỏ” với ước mong cũng “nho nhỏ” là giới thiệu đến quý độc giả những Câu đối, những câu Tục ngữ, Ca dao được nhiều người yêu thích.
Với tiêu chí đó, chúng tôi sưu tầm và tuyển lựa một số Câu đối; Tục ngữ - Ca dao thường dùng và mạo muội phân chia thành từng chủ đề theo thiển ý của chúng tôi để quý vị tiện sử dụng.
Xin chân thành cảm ơn sự khích lệ và cộng tác bằng cách này hay cách khác của anh em và bạn bè đồng môn, giúp chúng tôi sớm hoàn thành tập sách này.
Tuy nhiên, trong quá trình biên soạn, do thời lượng và khả năng còn hạn chế, khó tránh khỏi những thiếu sót. Kính mong quý độc giả lượng thứ và chỉ giáo, để những lần tái bản sau, tập sách được hoàn thiện hơn.
Xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả.
Hà Nội tháng 5 -2010
Hương Lúa
CÂU ĐỐI
DÙNG TRONG
SINH HOẠT ĐỜI THƯỜNG
1 - Vài nét về câu đối
Câu đối là một sáng tác văn học, thuộc thể loại văn biền ngẫu gồm hai vế đối nhau, nhằm biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội.
Câu đối còn thể hiện tài trí thông minh, nhanh nhậy. thể hiện phong cách tài tử trong việc đối đáp ứng xử. Câu đối không dài, không nhiều chữ nghĩa như những bài văn bài thơ, tuy chỉ có hai vế nhưng nó vẫn thể hiện được những ý tưởng những quan điểm một cách rõ ràng, cô đọng và súc tích. Ngôn từ của câu đối được cân nhắc chọn lọc, âm điệu nhịp nhàng, kết cấu chặt chẽ, nhiều câu tài tình đến mức người đọc người nghe cảm thấy kỳ thú một cách bất ngờ khi nó bật ra ý tưởng mới lạ. “Văn hay chẳng lọ ngắn dài”.
Những câu đối trí tuệ tài hoa biểu lộ được những quan điểm tư tưởng đúng dắn thường được lưu truyền rộng rãi cũng giống như những câu ca dao, câu thơ hay sẽ mãi mãi trường tồn. Tóm lại câu đối không chỉ là thể loại văn học mà còn là một thể loại văn học đặc biệt và là một nét đẹp của phong tục cổ truyền của bản sắc văn hóa dân tộc.
Có thể cho rằng câu đối Việt Nam được bắt nguồn từ thực tế đời sống xã hội, bắt nguồn từ cách nói đối ngẫu tự nhiên của ngôn ngữ dân tộc. Từ những câu thành ngữ, tục ngữ ca dao trong văn học dân gian đến những câu nói quen miệng hàng ngày cũng thường hình thành những vế đối ứng tự nhiên.
2 - Tục treo câu đối Tết có từ bao giờ?
Sách xưa có kể phong tục của người dân Bách Việt, trong ngày Tết Nguyên Đán theo bùa gỗ có hình hai vị thần Thần Ðồ và Uất Lũy treo hai bên cửa ngõ. Ðó là hai vị thần sống dưới gốc đào lớn dưới núi Ðộ Sóc chuyên cai quản đàn quỷ, hễ quỷ nào "phá rào" đi làm hại dân thì thần hóa phép trừ đi. Sau này việc treo bùa gỗ "Ðào phù" được thay bằng câu đối hai bên cửa.
Ngày nay, câu đối được chạm khắc hoặc viết trên gỗ rất hiếm. Trong dịp tết, câu đối thường được viết trên giấy hồng điều bằng mực tàu, chữ Hán (hoặc chữ kim nhũ vàng). Cũng có khi câu đối được viết trên giấy đỏ dát vàng. Nội dung của các câu đối thường mang nghĩa chúc tụng, thể hiện ước vọng an lành, cầu an khang, thịnh vượng…
***
CÂU ĐỐI
DÙNG TRONG
SINH HOẠT ĐỜI THƯỜNG
I - CHỦ ĐỀ CÔNG ƠN TỔ TIÊN
* Phụng thảo phùng xuân chi diệp mậu
Tổ tông tích đức tử tôn vinh
Cây cỏ chào xuân cành lá thắm
Tổ tông tích đức con cháu vinh
* Yên thịnh luôn luôn, sự nghiệp suy trì vững chắc
Phồn vinh mãi mãi, cháu con gìn giữ lâu dài
* Lớp trước mở mang, đức sáng lưu truyền vĩnh viễn
Đời sau tiếp nối, phúc cao thừa kế huy hoàng
* Vầng nhật nguyệt mười phương rạng rỡ
Đức tổ tông muôn thuở sáng ngời
* Yêu nước chớ nên quên tổ tiên
Thương dân trước phải hòa thân thích
* Muôn thuở nhớ: Nước nguồn, cây cội
Trăm năm lo: Đất nghĩa, trời kinh
* Chất chứa nghĩa nhân, nghìn thuở thịnh
Trau dồi phúc đức, vạn đời tươi
* Ơn nghĩa quân thân còn mãi với đất trời
Tinh thần tổ tiên sống luôn trong con cháu
* Trên nối nghiệp tổ tiên truyền lại
Dưới nêu gương con cháu noi theo
* Muôn thuở công thành Danh hiển đạt
Nghìn thu đức sáng Thọ phồn vinh
* Ơn cội nghìn cành dâng lộc biếc
Nhớ nguồn trăm họ tỏa hương thơm
* Lấy trung hiếu giữ nhà bền vững
Dùng đức nhân xử thế lâu dài
* Người hiền tài sánh việc non sông
Con hiếu thảo yên lòng cha mẹ
* Chín chữ cù lao đền nghĩa trước
Nghìn thu hương hỏa rạng nền sau
* Nền thọ đức, ông cha đã dựng
Đạo tôn nhân, con cháu đừng quên
* Tài kiêm văn võ
Đức vẹn hiếu trung
* Mộc tùng căn trưởng
Thủy tự nguyên lưu
Cây theo cột rễ lớn
Nước luôn chảy tự nguồn
* Đức thừa tiên tổ thiên niên thịnh
Phúc ấm nhi tôn bách thế vinh
Tổ tiên tích đức ngàn năm thịnh
Con cháu nhờ ơn vạn đại vinh
* Tổ tiên phúc dày lưu hậu thế
Con cháu đức sáng rạng tiền nhân
* Bản căn sắc thái ưu hoa diệp
Tổ khảo tinh thần tại tử tôn
Sắc thái cội cành thể hiện ở hoa, ở lá
Tinh thần tiên tổ lưu lại trong cháu, trong con
* Mộc xuất thiên chi do hữu bản
Thủy lưu vạn phái tổ tòng nguyên
Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn
* Cúc dục ân thâm Đông Hải đại
Sinh thành nghĩa trọng Thái Sơn cao
Ơn dưỡng dục sâu tựa biển Đông
Nghĩa sinh thành cao hơn núi Thái
* Tài nhân khả tác quốc gia sự
Hiếu tử năng yên phụ mẫu tâm
Người hiền tài sánh việc non sông
Con hiếu thảo yên lòng bố mẹ
* Phúc do thiên địa, nhân do tâm
Đức tại tổ tiên, tu tại ngã
* Đức tâm thánh thiện gia đình thịnh
Tài trí anh hùng tổ quốc hưng
* Trí dũng sóng đôi gìn nghiệp tổ
Tài đức vẹn toàn giữ gia phong
II - CÔNG CHA - NGHĨA MẸ
* Biển rộng trời cao công ơn khôn xiết kể
Cha sinh mẹ dưỡng tình nghĩa biết là bao
* Thành kính Tổ Tiên ơn gia độ
Báo ân phụ mẫu đức sinh thành
* Vời vợi non cao công dưỡng dục
Mênh mang biển rộng đức sinh thành
* Vạn cổ tình thâm ơn dưỡng dục
Thiên thu nghĩa trọng đức sinh thành
* Đi khắp thế gian không ai sánh bằng mẹ
Gian khổ cuộc đời không gánh nặng bằng cha
* Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha
* Quân ân thần khả báo
Phụ nghiệp tử năng thừa
III – CHỦ ĐỀ CHÚC THỌ
* Phúc như Đông Hải
Thọ tỉ Nam Sơn
* Phúc như Đông Hải càn khôn đại
Thọ tỷ Nam Sơn tuế nguyệt trường
* Nhật nguyệt quang chiếu thập phương
Tổ tông lưu thùy vạn thế
Vầng nhật nguyệt chiếu mười phương rạng rỡ
Đức Tổ tiên lưu muôn thuở sáng ngời
* Tang sơ mãn phố cung nhàn thú
Lan quế sum đình hiến thọ chương
Hưởng thú nhàn rau dưa thanh đạm
Vui tuổi thọ, lan quế sum vầy
* Bạch thủ nhung nhiên tâm tự tráng
Thanh vân do thả chí di kiên
Đầu bạc lòng còn tráng kiện
Mây xanh chí vẫn kiên cường
* Có già mới thấy già là quý
Biết sống bao giờ sống cũng vui
* Thông tươi tốt qua thu mới biết
Quế cay nồng lên lão càng cay
* An khang phú quý thái thái bình
Bách lão bá niên trường trường thọ
* Cao niên, cao tuế, cao thánh đức
Đắc Phúc, đắc Lộc, đắc Hồng Ân
* Trắng tóc, trắng râu, nhìn đất nước phồn vinh lòng trẻ lại
Thêm Xuân, thêm tuổi, thấy con cháu hạnh phúc, dạ vui hơn
IV – CHỦ ĐỀ THẦY CÔ
* Gieo vạn lộc vun trồng cho hậu thế
Ươm muôn mầm tài trí đón tương lai
* Ơn cha mẹ sánh bằng trời bể
Nghĩa tôn sư ví tựa non cao
* Ơn cô thầy nhớ mãi
Tình trường lớp cao sâu
* Tạ ơn thầy dẫn con vào đường tri thức
Cảm nghĩa cô dắt trò đến biển yêu thương
* Công cha nghĩa mẹ ơn thầy
Mười hai năm học đong đầy tình thương
* Chúc thầy ba vạn sáu ngàn ngày luôn khỏe mạnh
Mừng cô một ngàn hai trăm tháng mãi xuân xanh
* Đức sáng trời nam thầy dạy giỏi
Cảnh quan gấm vóc trò học ngoan
V - CHỦ ĐỀ HỌC HÀNH
* Điền địa cần canh hoan đại vụ
Thi thư quảng độc hỷ cao danh
Ruộng vườn chăm bón doanh thu lớn
Sách vở dùi mài đỗ đạt cao
* Bút thụ hữu hoa huynh đệ lạc
Thư điền vô thuế tử tôn canh
Bút thành công dễ trổ ra hoa, mặc sức anh em vui thú
Sách là ruộng không cần nộp thuế, tha hồ con cháu cấy cày.
* Dẫu có bạc vàng trăm vạn lượng
Không bằng kinh sử một vài pho
* Rèn đức luyện tài vì ngày mai lập nghiệp
Học văn học lễ để tương lai xây đời
* Khoa thi cử đã thi là đỗ
Áng công danh đã quyết là thành
* Nhất tâm học tập nên trò giỏi
Một dạ luyện rèn xứng con ngoan
* Đào tạo nhân tài xây tổ quốc
Phát huy dân trí dựng quê hương
* Chữ quý nhờ kham khổ siêng năng mới có
Đời vinh qua gian nan khó nhọc mà nên
VI – CHỦ ĐỀ GIÁO HUẤN
* Lợi danh đô thị mộng
Phú quý bất thanh nhàn
Danh lợi chẳng qua là ảo mộng
Giàu sang chưa hẳn được thanh nhàn
* Quý tự tân cần phương thủy đắc
Vinh tùy lao khổ mãi thành lai
Chữ quý, nhờ kham khổ siêng năng mới có
Đời vinh, qua gian nan khó nhọc mà nên
* Nhất cần thiên hạ vô nan sự
Bách nhẫn đường trung hữu thái hòa
Một chữ “cần”, khắp thiên hạ chẳng còn việc khó
Trăm điều “nhịn”, trong gia đình luôn có niềm vui.
* Trung hiếu trì gia viễn
Đức nhân xử thế trường
Lấy trung hiếu giữ nếp nhà bền vững
Dùng đức nhân để xử thế lâu dài
* Bách kế bất như nhân đức thiện
Thiên kim mạc nhược tử tôn hiền
Trăm trước chẳng bằng nhân đức tốt
Nghìn vàng khó sánh con cháu hiền
* Căn thâm bất phạ phong giao động
Thụ chính vô sầu nguyệt ảnh tà
Rễ sâu chẳng sợ cành lay động
Cây thẳng không lo bóng xế tà
* Phong văn nước cũ truyền người trước
Mực thước đạo xưa dẫn kẻ sau
* Kiến tạo gia phong tân cốt cách
Bảo tồn bản sắc cổ tinh hoa
* Hiếu thảo mới sinh con hiếu thảo
Nhân từ lại có trẻ nhân từ
* Đa nghĩa, đa nhân, đa hạnh phúc
Hữu tài, hữu đức, hữu quang vinh
* Thiên hạ đều tham châu ngọc quý
Gia đình chỉ chuộng cháu con hiền
* Đối người hòa nhã, tưởng vui xuân vô hạn
Xử sự công bằng, như hưởng lộc tự nhiên
* Dựng xây cốt cách gia phong mới
Gìn giữ tinh hoa quốc giáo xưa
* Thành danh bởi trải thời gian khổ
Toại chí nhờ qua buổi khốn cùng
* Hữu tâm tất thành tựu
Vô nhẫn bất thành nhân
* Trời thử thách nhưng không hại người quân tử
Đất ưu đãi lại chẳng dung kẻ tiểu nhân
* Nói lúc giận thường vội, không hối lại được nên phải suy, phải tính
Của trên đời khó kiếm nhưng mất thì dễ, chỉ cốt kiệm, cốt cần
* Tiền bạc của giời chung trống trải thế mới lọt vòng khuyên sáo
Công danh đường đất rộng kèn cựa chi cho thẹn chí tang bồng
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 65 | Tổng lượt truy cập: 3,211,876