Trẻ bình thường có tính nhút nhát có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng hầu hết các nguyên nhân này đều có cách giải quyết rất đơn giản. Bố mẹ nên kiên trì tìm hiểu để khắc phục tính nhút nhát cho con.
1. Nguyên nhân
- Cảm giác sợ hãi: Khi được gia đình bao bọc quá kỹ, bé dễ bị nhiều nỗi sợ hãi: sợ đau, sợ người lạ… Hơn nữa, trẻ con có rất nhiều nỗi sợ hãi vì trí tưởng tượng của bé rất phong phú. Bé dễ lo lắng về các nhân vật không có thật như “ông ba bị” hay “con ma lom”…
- Bị ảnh hưởng từ bố mẹ: Nếu bé nhìn thấy bố mẹ sợ chuột, hoặc co rúm người lại khi đi vào phòng khám răng… thì bé cũng sẽ sợ những thứ ấy.
- Kĩ năng nói kém: Các nhà nghiên cứu đã kết luận, kĩ năng nói có liên hệ mật thiết đến sự nhút nhát và thiếu tự tin của con người. Nói kém khiến trẻ cảm thấy rụt rè khi phải giao tiếp với ai đó.
- Trẻ bị stress: Stress có thể làm trẻ trở nên hung dữ, nhưng đôi khi cũng khiến bé lãnh đạm và nhút nhát hơn.
Bạn có thể nhận ra con mình bị stress qua những biểu hiện hàng ngày như tính tình, hành động, kiểu ngủ, thậm chí là tè dầm... Một số trẻ còn bị đau bao tử hoặc nhức đầu, còn số khác có thể mút tay, xoắn tóc, ngoáy mũi...
2. Bạn nên làm gì?
Sợ hãi là cảm xúc tự nhiên, không có gì là xấu, nhưng bạn cần cho con hiểu bất cứ nỗi sợ nào cũng có cách chế ngự:
- Trò chuyện với trẻ nhiều hơn: Nỗi lo sợ của bé có thể rất buồn cười và vô lý với bạn, nhưng đó là điều có thật và quan trọng đối với bé. Vì vậy, bạn nên nghiêm túc nói chuyện về nỗi sợ đó; giải thích cho con một cách đơn giản, vui vẻ nhất về cái mà con đang sợ. Cuối cùng, khẳng định với trẻ: "Điều đó chẳng đáng sợ chút nào." Trẻ con sẽ không bao giờ hết sợ hãi nếu bạn cố tình phớt lờ nỗi sợ của chúng.
- Biến nỗi sợ thành niềm vui: Nếu con bạn sợ bóng tối, hãy chơi bịt mắt trốn tìm, tắt đèn vui đùa cùng bố mẹ. Nếu con bạn sợ bác sĩ, bạn hãy để bé đóng vai bác sĩ. Nếu bé sợ động vật, bạn hãy dẫn bé đi thăm vườn thú, nơi mà mọi người thường vuốt ve và cho thú ăn. Còn nếu bé sợ ma, bạn hãy để bé và bạn bè hóa trang thành những con ma và chơi các trò chơi vui nhộn…
Bạn nên để bé đối mặt với những điều khiến bé sợ hãi nhưng trong trạng thái vui vẻ. Điều này khiến bé nhận ra rằng nỗi sợ thực ra chẳng có gì đáng sợ.
- Tạo cảm giác quen thuộc: Khi bé bắt đầu đi nhà trẻ hoặc ngủ riêng, bạn nên để trẻ mang theo bên mình những “bửu bối” thân thiết như gối ôm hoặc gấu nhồi bông. Chúng có tác dụng an ủi bé lúc bé cảm thấy lo lắng. Khi lớn hơn, bé sẽ biết tìm cách khác để tự trấn an mình khi hoảng sợ.
- Xây dựng tính tự lập ở trẻ: Ngay khi 2 tuổi, nếu con bạn có ý thức tự làm một việc gì đó như đòi tự mang giày, tự mặc áo, tự xúc cơm…, hãy vui mừng và động viên bé làm việc ấy. Đây là biện pháp tốt để chống lại căn bệnh nhút nhát, xây dựng tính chủ động cho trẻ.
- Hạn chế thể hiện nỗi sợ trước mặt con: Bạn nên tỏ ra là một ông bố/ bà mẹ bạo dạn, can đảm. Đừng bao giờ trở thành tấm gương nhút nhát khiến trẻ học theo. Nếu có, hãy cố gắng đừng thể hiện trước mặt trẻ.
- Tăng cường cho trẻ giao tiếp: Ban đầu, trẻ có thể sợ người lạ. Nhưng sau khi tiếp xúc, con bạn nhận thấy họ vô hại và tự động tỏ ra thân thiện hơn. Vì vậy, bạn nên thường xuyên cho trẻ đến chơi ở công viên, nhà người thân… để trẻ tự do vui đùa và giao tiếp với các trẻ cùng trang lứa. Vui chơi và quan sát nhiều sẽ giúp trẻ tự tin hơn trong cuộc sống hàng ngày.
Bên cạnh đó, bạn cần rèn luyện cho trẻ khả năng biểu đạt, kĩ năng nói, giúp trẻ có thể tự tin tham gia một cuộc hội thoại.
Các bậc cha mẹ cần sớm loại bỏ biểu hiện nhút nhát của trẻ, chậm nhất là trước khi vào lớp một. Những biểu hiện nhút nhát bình thường của trẻ con nếu không được khắc phục kịp thời có thể sẽ để lại những thương tổn trong não bộ, dễ gây nên hiện tượng “thần kinh yếu” khi trưởng thành.
Nguồn: beta.giupban
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 0 | Tổng lượt truy cập: 3,448,269