Tránh đặt câu hỏi
Có một cách lịch sự mà chúng ta thường sử dụng cho người lớn nhưng lại ít hiệu quả với các bé. Đó là những yêu cầu mà đáp án nhận được có thể là “có” hay “không”, ví dụ, khi bạn nhờ một ai đó: “Anh (chị) đưa cho em lọ muối được không?”.
Do đã hiểu phép lịch sự trong xã hội nên thường khi được nhờ kiểu này, người được nhờ sẽ vui vẻ làm theo. Còn với suy nghĩ của các bé thì câu trả lời cho yêu cầu trên có thể là “có” nhưng cũng có thể là “không” đưa lọ muối cho mẹ.
Vì thế, nếu bạn hỏi con: “Con có muốn đi tắm bây giờ không?” nghĩa là bạn cho bé có cơ hội được nói “không” (kể cả khi bạn muốn con vào phòng tắm ngay vì người bé đã bẩn lắm rồi). Kết quả là bạn chỉ nhận được thất vọng, còn bé cũng rất bối rối, khó chịu.
Lời khuyên cho cha mẹ khi yêu cầu bé làm việc gì là tránh đặt câu hỏi. Bạn chỉ nên đặt câu hỏi khi cho bé hai hoặc vài việc để bé lựa chọn.
Chú ý tới giọng điệu của bạn
Khi sai bảo trẻ điều gì, bố mẹ nên nói bằng giọng điệu dễ chịu nhất.
Tất nhiên điều này không có nghĩa là bạn không được thể hiện sự bực bội hay giận dữ. Nhưng hầu hết các nghiên cứu cho thấy, bé sẽ chịu nghe lời hơn nếu cha mẹ ăn nói dễ chịu. “Cảm ơn con”, “giúp mẹ”, “hộ mẹ”… là những từ “kỳ diệu” mà bạn có thể nói với con, ngay cả khi bé còn rất nhỏ.
Các từ dễ nghe trên cũng rất quan trọng khi bạn muốn hướng dẫn rõ ràng những gì bé cần làm, theo một cách lịch sự nhất. Ví dụ, sẽ hiệu quả hơn nếu bạn nói: “Con cầm giẻ lau, lau sạch bàn hộ mẹ” thay vì: “Mẹ đã nói là con lau bàn đi, không nghe thấy à?”.
Cuối cùng, đừng quên lời cảm ơn với con vì đó là cách để bạn ghi nhận những nỗ lực mà bé đã làm. Bạn sẽ nhận được sự hợp tác của bé bây giờ và trong tương lai chỉ khi bé được cha mẹ đánh giá cao.
Cho bé chọn
Mẹo để mẹ nhờ vả bé thành công là cho bé 2 sự lựa chọn và như thế, bé sẽ thấy vui hơn vì được chọn một trong số đó. Khi bạn hỏi: “Con muốn đi tất màu xanh hay tất sọc đỏ?”, bé sẽ thích thú vì được quyền tự quyết và nhanh chóng chọn một màu tất.
Diễn đạt hiệu quả
Chẳng hạn, thay vì nói: “Phòng con bẩn thế, nhặt hết đồ chơi rơi trên sàn nhà lên”, thử nói: “Đố con nhặt hết đồ chơi trên sàn nhà trong phòng 3 phút. Mẹ sẽ có thưởng”.
Thay vì nói: “Con sẽ cho cá ăn chứ?” thử nói: “Mấy bạn cá chắc đang đói lắm. Đến giờ con cho cá ăn rồi”.
Thay vì nói: “Tắt tivi và chơi gì khác đi. Sao con suốt ngày ôm lấy tivi thế?”, thử nói: “Con tắt tivi và ra ngoài chợ với mẹ đi”.
Thay vì: “Có đi giày nhanh không, đang muộn đấy”, thử nói: “Con nhanh đi giày vào, muộn mất rồi”.
Với những cách diễn đạt dễ “lọt tai” như thế, chắc chắn bạn sẽ không gặp khó khăn gì trong việc sai khiến bé làm theo.
Nguồn: beta.giupban
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 0 | Tổng lượt truy cập: 3,335,676