Lối kiến trúc của ông Nguyễn Trường Tộ theo đường cong vòm khi ấy tuyệt vời. Bản vẽ kiến trúc do ông Nguyễn Trường Tộ thiết kế có các khu nhà theo hình chữ U, gồm ba khối nhà: cô nhi viện, nhà nữ tu ở và khu nhà nguyện. Khu nhà nguyện có thiết kế đặc biệt, nhìn từ trên cao xuống rất giống cây Thánh giá, bên trong có thêm nhiều cột đỡ vững chãi, không gian xung quanh là những bức họa, mái vòm uốn lượn và đặc biệt là lúc bấy giờ cây tháp vươn cao nhất Sài Gòn mà thuyền bè ngược xuôi trên sông đi ngang qua đều thấy, chứng tỏ tài năng của ông Nguyễn Trường Tộ quá giỏi. Rất tiếc năm 1940, do máy bay của quân Đồng minh ném bom làm sụp đổ một góc nhỏ của tòa nhà buộc phải sửa chữa lại, cây tháp cao nhất SG khi ấy cũng bị bom “chém” cụt mất.
Nhờ sự thông minh, nhất là tài trí bẩm sinh về kiến trúc, lại được học hành bài bản ở nước ngoài nên Nguyễn Trường Tộ đã tự tay phác thảo, sáng tạo thêm những đường nét mái vòm cong, uốn lượn để công trình tòa nhà dòng thánh Phaolô mang đậm nét văn hóa Việt.
Đức Giám mục Gauthier thường gọi Nguyễn Trường Tộ bằng danh hiệu “kiến trúc sư”và người ta quen gọi ông là kiến trúc sư vì ông đã xây ngôi nhà ba tầng của các nữ tu Phaolô Sài Gòn, một nhà nguyện và một ngọn tháp cao nổi bật.... Có lẽ do thiên bẩm, óc quan sát, thực nghiệm khi được ra nước ngoài trước kia, ông có ở Hong Kong ít lâu và trong thời gian ngắn ngủi tại thuộc địa này của người Anh, ông đã thấy được cách thức và thể loại kiến trúc của châu Âu. Trước đó, ông đã được ngợi ca là một kiến trúc sư tài năng trong quyển II, trang 731 của tạp chí La Semaine religieuse (Paris, năm 1867). Linh mục Le Mée (thừa sai Paris) trong một bức thư đăng trên tập san Missions Catholiques năm 1876 có nói về công việc ấy như sau: “Đức Giám mục Gauthier và linh mục Croc đã đem theo một nho sĩ Bắc Kỳ, tên là Nguyễn Trường Tộ. Với trí thông minh hiếm có, lại được gợi ý và được thúc đẩy bởi sự nhiệt tình và tận tụy của Giám mục Gauthier, nho sĩ Bắc Kỳ này, đã nhận đứng ra đốc suất công việc”.
Thời đó, Sài Gòn chưa có một công trình nào làm kiểu mẫu. Với đề án của tu viện và nhà nguyện do nữ tu Benjamin cung cấp, ông đã phác họa được một họa đồ phối cảnh chung và thực hiện công trình nhờ sự cộng tác của các công nhân người Việt. Chính ông đã vẽ sơ đồ của tháp chuông và tự mình trông nom công việc một cách rất cẩn thận và chính ông đã hoàn thành nhiều phần khác của công trình. Mỗi ngày người ta thấy ông có mặt ở công trường và để ý tới từng chi tiết. Phải thành thật mà nói, nếu không có ông thì không thể thực hiện được một công trình như vậy vào một thời điểm mà ở Sài Gòn chưa có thợ cũng như chưa có nhà thầu...”.
Thật tự hào cho Sài Gòn được ông Nguyễn Trường Tộ để lại dấu ấn về kiến trúc. Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã nói về ông Nguyễn Trường Tộ: “Kính phục, vì ai ngờ ngoài cái tài chính trị, kinh tế và óc duy tân, cụ lại có tài kiến trúc đến như thế…”
Văn Miễn
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 160 | Tổng lượt truy cập: 3,211,000