Trong lúc bận và bực bội, cha mẹ đôi khi có thể nói ra những câu khiến con cái của mình cảm thấy bị tổn thương hoặc bối rối. Theo các các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ và trẻ em, có những câu bạn không nên nói với con của mình bởi hậu quả của chúng thật khó ngờ.
“Hãy để mẹ yên. Đừng làm phiền mẹ”
Theo tiến sĩ Suzette Haden Elgin, người sáng lập Trung tâm nghiên cứu Ngôn ngữ tại Huntsville, Arkansas, Mỹ, khi bạn thường xuyên nói: “Mẹ đang bận lắm. Đừng làm phiền mẹ”, bọn trẻ bắt đầu nghĩ rằng chẳng có ích gì khi nói chuyện với mẹ bởi luôn tìm cách đuổi chúng đi. Nếu từ bé đã thường xuyên được nghe mẫu câu này, khi lớn đứa trẻ dường như sẽ không muốn tâm sự với cha mẹ nữa.
Gán cho bé một phẩm chất nào đó
Không nên gán cho con những phẩm chất nào đó bằng một câu cụt lủn, kiểu “Con thật là bẩn thỉu”, “Sao con lại ngớ ngẩn thế”. Những đứa trẻ thường tin vào những gì chúng được nghe và sẽ đinh ninh rằng chúng đúng như những tính từ mà bạn gán cho. Những tính từ mang ý nghĩa tiêu cực có thể sẽ làm trẻ dần mất tự tin. Thậm chí khi những nhận xét là trung tính hoặc tích cực như “nhút nhát”, “thông mình” cũng có thể khiến trẻ dễ hiểu lầm, và đương nhiên gắn điều đó với mình.
Những từ ngữ xấu nhất có thể gây tổn thương sâu sắc. Hẳn nhiều người đến lúc lớn vẫn còn nhớ như in cái cảm giác đau đớn của mình khi ngày thơ ấu bị cha mẹ mắng là “vô tích sự”, “ngu si”, “lười nhác”…
“Con đừng khóc nữa” (“Đừng buồn nữa”, “Đừng trẻ con như thế”…)
Khi đứa trẻ, nhất là những em bé mới 1 tuổi sợ hãi đến phát khóc, bạn không thể nói một cách đơn giản như thế. Theo các chuyên gia, nói “Đừng…” không khiến đứa trẻ cảm thấy dễ chịu hơn, mà nhiều khi nó nghĩ rằng là không đúng nếu ta khóc, buồn hay sợ.
Thay vì giúp đứa trẻ thoát ra khỏi tình trạng đó theo cách chỉ nói một câu “Đừng khóc nữa”, chúng ta hãy làm cho đứa trẻ nhận thức rõ hơn về cảm xúc của mình: “Hẳn là con rất buồn khi Janson nói không muốn làm bạn với con nữa”, “Con chó kia trông hơi dữ, nhưng mẹ bế con rồi, nó sẽ không cắn con đâu”…
Bằng cách miêu tả đúng tâm trạng của bé, bạn đã cho bé cảm thấy bé được đồng cảm. Sau đó, bé sẽ bớt khóc và hiểu hơn về vấn đề của mình.
“Tại sao con không thể giống chị của con?”
Các bậc cha mẹ thường có xu hướng lấy đứa trẻ khác làm tấm gương và điều này dường như có hiệu quả: “Con hãy nhìn Sam tự mặc áo khoác này”, “Jenna đã tự đi xe đạp được rồi, sao con lại chưa làm được thế nhỉ”.
Nhưng so sánh cũng có mặt trái, con bạn là con bạn, chứ không phải là Sam hay Jenna nào đó. Mỗi đứa trẻ có những cách phát triển khác nhau, chúng có những tính cách và cảm xúc khác nhau. Khi so sánh con bạn với đứa trẻ khác, có nghĩa là bạn mong muốn con mình sẽ cư xử và làm được như đứa trẻ đó. Tuy nhiên, nếu bị ép phải làm điều gì đó mà mình không thích hoặc chưa sẵn sàng, đứa trẻ có thể bối rối và mất tự tin. Và đứa trẻ cũng sẽ có xu hướng không bằng lòng với bạn, sẽ cố tình làm trái mong muốn của bạn.
Thay vì thế, bạn hãy khuyến khích những thành tích mà bé đạt được, như: “Ôi con đã tự cho hai tay vào tay áo được rồi này”…
“Dừng lại, nếu không mẹ sẽ đánh đòn”
Dọa nạt thường là kết quả từ sự bất lực của cha mẹ và hiếm khi có hiệu quả. Bạn cứ lặp đi lặp lại: “Nếu con còn làm thế mẹ sẽ phát vào mông”. Vấn đề là không sớm thì muộn bạn sẽ phải hành động, nếu không lời nói sẽ mất giá trị. Đe dọa đánh đòn thực ra là cách làm rất kém hiệu quả để thay đổi hành vi. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, tỷ lệ lặp đi lặp lại một hành động xấu trong cùng một ngày của một đứa trẻ 2 tuổi là 80% dù nó có bị phạt hay không.
Còn với những đứa trẻ lớn hơn, không phải cứ đe dọa đánh đòn là đem lại kết quả. Bạn có thể khiến trẻ dừng hành động bằng cách hướng sự chú ý của chúng sang một việc khác.
“Hãy chờ đến lúc cha con về”
Khi bé làm sai việc gì, bạn nên phạt ngay lập tức, không nên trì hoãn hình phạt, đợi chồng về mới phạt, bởi lúc đó có thể bé đã quên mất hành động sai trái của mình. Ngoài ra, chuyển việc trừng phạt cho người khác tức là bạn đã tự làm giảm đi uy quyền của mình trước mặt bé. “Tại sao mình phải nghe lời mẹ khi mà mẹ chẳng thể làm gì”, con của bạn sẽ có thể nghĩ như thế.
Nhanh lên!
Chắc chắn các ông bố bà mẹ có con nhỏ nào cũng thiếu thời gian, cũng có lúc luộm thuộm và không tìm thấy đồ đạc của mình, không thấy chìa khóa xe khi đã sắp trễ giờ làm… Tuy nhiên, bạn hãy chú ý đến giọng nói của mình khi bạn yêu cầu đứa trẻ phải vội. Nếu bạn bắt đầu rên rỉ, rít lên hoặc thở dài mỗi ngày với hai tay chống nạnh và ngón chân di trên mặt đất, thì hãy cẩn thận. Bởi khi đó, bạn sẽ khiến bé cảm thấy mình có lỗi trong việc cần phải vội vã. Và điều đó khiến bé cảm thấy tồi tệ chứ không thể là động lực khiến bé nhanh hơn.
Con giỏi lắm, con làm rất tốt
Lời khen tích cực đâu có gì là xấu? Vấn đề xảy ra nếu những lời khen mơ hồ và được đưa ra một cách bừa bãi. Nói con giỏi lắm từ việc đứa trẻ uống hết cốc sữa cho đến việc vẽ một bức tranh sẽ khiến lời khen trở lên vô nghĩa. Bạn chỉ nên khen khi bé có nỗ lực thực sự, không phải là uống hết cốc sữa, cũng chẳng phải là vẽ một bức tranh nếu mỗi ngày bé vẽ cả chục bức tranh như thế.
Thay vì chỉ nói chung chung con giỏi lắm, con làm tốt lắm, bạn hãy nói rõ: “Con tô màu cây cối rất tươi, con mèo ngồi sưởi nắng trước sân thật đẹp”. Và bạn chỉ nên khen ngợi hành động chứ không phải khen đứa trẻ của mình: “Con hãy yên lặng vẽ tranh trong khi mẹ làm việc, thế mới ngoan”.
Nguồn: Tinmung.net
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 70 | Tổng lượt truy cập: 3,212,277