Trong truyện cổ dân gian cũng như trong những bộ tiểu thuyết, có biết bao nhiêu câu chuyện tình thật cảm động, khi hai người đến với nhau mà người bạn đời lại không “môn đăng hộ đối”. Thế nhưng, vì tình yêu, họ đã dám chấp nhận tận cả để có được nhau trong đời, như câu chuyện hoàng tử đi cưới một cô bé lọ lem chẳng hạn. Để ca tụng mối tình vượt không gian và thời gian đó, ca dao tục ngữ Việt
Thế nhưng màu nhiệm Con Thiên Chúa làm người là một câu chuyện tình đẹp hơn thế bội phần. Bởi vì vị hôn phu ở đây không phải là một người phàm, nhưng là một vị Thiên Chúa. Ngài đã từ bỏ ngai vàng ở trên trời cao để đến với nhân loại. Như lời bài thánh ca Philipphê: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).
Hôm nay, Tin Mừng Luca thuật lại việc Đức Giêsu cùng bước xuống dòng nước Giođan để chịu phép rửa bởi tay ông Gioan đã nói lên sự tự hủy đó. Có lẽ đây là biến cố chúng ta đã kỷ niệm nhiều lần, nên thành ra có cảm giác “quen quá hóa nhàm”, mà không thấy được sự cao vời của màu nhiệm tự hủy của Ngôi Hai Thiên Chúa.
Quả vậy, làm sao chúng ta có thể hiểu được việc Đức Giêsu - Con Thiên Chúa - Đấng hoàn toàn vô tội, lại có thể đứng chung với đoàn người tội lỗi, để rồi cùng bước xuống dòng sông như một tội nhân? Làm sao có thể hiểu được khi mà Đấng sẽ làm phép Rửa trong Thánh Thần, nay lại xin được chịu phép rửa sám hối trong nước.
Chính vì thế mà Tin Mừng Matthêu thuật lại rằng: khi thấy Đức Giêsu đến gần mình, thì Gioan tỏ ra bối rối. Ông đã một mực can Người và nói: "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !" Nhưng Đức Giê-su trả lời: "Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính." (Mt 3,14-15)
Chiêm ngắm Đấng Cứu Thế cúi mình chịu phép rửa, chúng ta hiểu được thế nào là tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người: Một tình yêu đến quên bản thân mình, để cùng sống chết với người mình yêu. Một tình yêu sẵn sàng chia sẻ trọn vẹn, một tình yêu chấp nhận cúi xuống để nâng người mình yêu trỗi dậy.
Thánh Macximô Giám mục Tôrinô đã không ngần ngại gọi ngày hôm nay là một “lễ Giáng Sinh nữa”. Thánh nhân lập luận rằng: lễ Giáng Sinh trước, Đức Giêsu được sinh ra trong thân phận con người bởi cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Còn hôm nay, Người được sinh ra theo mầu nhiệm. Chúa Cha đã âu yếm nói với Người: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3,22). Xưa kia, Đức Mẹ nâng niu âu yếm trong lòng khi con sinh ra, còn hôm nay, Chúa Cha dùng lời chứng thân thương mà nâng đỡ; xưa kia, Đức Mẹ đưa Chúa Con cho các hiền sĩ bái thờ, còn hôm nay, Chúa Cha mạc khải Chúa Con cho muôn dân thờ kính. Xưa kia, Người được sinh ra để thánh hóa nhân loại, còn hôm nay, Người khởi đầu sứ vụ của mình bằng việc chịu phép rửa, không phải để được nước thánh hóa, nhưng là để chính Người thánh hóa nước, để từ nay ơn thanh tẩy được phân phát cho hậu thế.
Với sự kiện Chúa Giêsu chịu phép Rửa, Người đã khai mạc một giai đoạn mới trong cuộc đời cứu thế của Người. Người kết thúc cuộc sống ẩn dật và bước vào cuộc đời công khai loan báo Tin Mừng. Đồng thời Người mở ra một kỷ nguyên mới, “kỷ nguyên tân tạo” những gì Adong cũ đã làm hư hoại như lời thánh Phaolô xác quyết: “Như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết thế nào, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống như vậy” (1Cr 15,22).
***
Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay, dạy cho chúng ta bài học về sự đồng hành và liên đới.
Muốn đồng hành với người khác đòi chúng ta phải đi chậm lại, đòi chúng ta phải có chung một tâm tình, một lối suy nghĩ giống người khác. Sở dĩ ngày hôm nay, nhiều cặp vợ chồng chưa hiểu được nhau, chưa thể tìm được một tiếng nói chung trong gia đình, là vì họ chưa cùng một lối suy nghĩ. Nếu ai cũng khăng khăng bảo vệ lập trường của mình, thì làm sao mong tìm được một sự đồng thuận! Việc gia đình mà cứ “ông nói gà, bà nói vịt” thì làm sao có thể giải quyết được. Người xưa vẫn nói: “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn” là vậy.
Trong việc dạy dỗ con cái, nhiều bậc phụ huynh thường giáo dục theo kiểu áp đặt. Theo các chuyên gia tâm lý, muốn giáo dục con cái, cha mẹ trước tiên phải vừa là người thầy để hướng dẫn, nhưng lại vừa là người bạn để có thể lắng nghe và thông cảm.
Để liên đới với người khác, đòi hỏi chúng ta phải nhỏ bé đi, phải khiêm hạ trong lối sống và cung cách cư xử. Hôm nay Đức Giêsu đánh dấu cuộc đời công khai của Ngài bằng một hành vi khiêm hạ, dìm mình, mất hút... Bên bờ sông Giođan, Ngài trở nên một kẻ vô danh bên cạnh một Gioan lúc bấy giờ tiếng tăm đã lẫy lừng. Ngài đã cúi xuống, dìm mình trong dòng sông, để nâng con người lên. Như lời một vị thánh giáo phụ đã từng nói: “Thiên Chúa làm người, để con người được làm con Thiên Chúa”.
Bằng hành động bước xuống dòng nước, Đức Giêsu thực sự muốn đồng cảm với con người, để chia sẻ thân phận đói nghèo, khổ đau, bệnh hoạn của con người, để cảm nếm nỗi ray rứt khắc khoải của tội nhân, để thấu hiểu niềm khao khát đổi mới trong lòng người tội lỗi.
***
Học nơi Đức Kitô, chúng ta hãy sống một đời sống khiêm hạ. Hãy để cho Chúa lớn lên trong cuộc đời chúng ta, để Ngài dìu dắt và hướng dẫn cuộc đời chúng ta.
Đức Giêsu đã khởi đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng của mình bằng việc dìm mình trong dòng nước. Qua phép rửa của Đức Giêsu trong Thánh Thần, chúng ta cũng được mời gọi lên đường để phục vụ anh chị em quanh ta, nhất là những anh chị em đang cần một tình yêu chia sẻ, nâng đỡ và trao ban trọn vẹn. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 59 | Tổng lượt truy cập: 3,212,101