Chuyện kể rằng: Một hôm nhà vua triệu tập các cận thần. Vua đưa cho quan Tể Tướng một viên ngọc trai lóng lánh và hỏi: Khanh hãy nói viên ngọc này đáng giá bao nhiêu? Viên Tể Tướng trả lời: Muôn tâu Bệ Hạ, nó đáng giá còn hơn số lượng vàng khối mà 100 con lừa có thể chở. Nhà vua đáp: Ông hãy đẫp vỡ nó ra ! Viên Tể Tướng tỏ ra lúng túng: Muôn tâu Bệ Hạ, làm sao hạ thần có thể phung phá một báu vật như thế ạ! Nhà vua thưởng cho quan Tể Tướng một chiếc áo danh dự và lấy lại viên ngọc.
Tiếp đến, nhà vua đưa viên ngọc cho quan Thị Vệ, cũng hỏi: Theo khanh, viên ngọc này đáng giá bao nhiêu ? Viên quan Thị Vệ thưa: Muôn tâu Bệ Hạ, viên ngọc này đáng giá bằng nửa vương quốc ạ! Nhà vua đáp: Bây giờ, ngươi hãy đập vỡ nó ra ! Quan Thị Vệ càng lúng túng hơn. Ông ta đáp lại: Đập vỡ viên ngọc này ư ? Muôn tâu Bệ Hạ, thần không thể nào làm được việc đó. Nhà vua cũng thưởng cho ông này một chiếc áo danh dự, lại còn tăng lương cho ông.
Sau cùng nhà vua đưa viên ngọc cho Abdul và hỏi: Ngươi có biết viên ngọc này đẹp đến mức nào không ? Muôn tâu Bệ Hạ, nó đẹp không thể diễn tả được ạ! Vậy ngươi hãy đập nát nó đi ! Lập tức Abdul lấy hai viên đá đập vỡ viên ngọc ra và nghiền nó thành bụi. Quần thần thét lên sợ hãi vì sự táo bạo của Abdul. Lúc bấy giờ nhà vua hỏi Abdul: Tại sao nhà ngươi dám làm thế chứ? Abdul bình tĩnh đáp: muôn tâu Bệ Hạ, Lệnh của Bệ Hạ đáng giá hơn bất kỳ viên ngọc quý nào. Hạ thần tôn kính Bệ Hạ chứ không tôn kính viên ngọc. Nhà vua khen ngợi thái độ của Abdul và thưởng cho chàng trọng hậu hơn cả hai vị quan kia.
***
Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật thứ II Mùa Chay hôm nay trình bày cho chúng ta về ý nghĩa của việc “Lắng nghe Lời Chúa và tín thác vào tình thương và sự quan phòng của Ngài”.
Bài đọc thứ I nói về hai cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Abraham. Cuộc gặp gỡ lần thứ nhất xảy ra vào ban đêm, trong một thị kiến, với nội dung liên hệ đến việc Thiên Chúa hứa ban cho Abraham một dòng dõi đông như sao trên trời. Còn cuộc gặp gỡ thứ hai xảy ra vào lúc chập tối, khi giấc ngủ mê ập xuống trên Abraham. Nội dung của hai cuộc gặp gỡ này nói về việc Thiên Chúa hứa ban đất cho con cháu Abraham làm sở hữu.
Chúng ta biết rằng, lúc này, Abraham và vợ ông là bà Sarah đã già, nhưng họ vẫn chưa có con. Lời hứa về dòng dõi của Abraham đã xảy ra trước đó, khi Thiên Chúa truyền gọi Abraham đi đến vùng đất Ngài sẽ chỉ cho ông, Ngài đã hứa với ông: “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi”. Sau khi Abraham chia tay với Lót, cháu mình, Thiên Chúa hứa thêm: “Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi nhiều như bụi trên mặt đất; nếu người ta đếm được bụi trên mặt đất, thì mới đếm được dòng dõi ngươi” (St 13,16). Và lúc này, Thiên Chúa đưa Abraham ra ngoài và phán: “Hãy ngước mắt lên trời, và đếm thử các vì sao, xem có đếm nổi không”. Rồi Thiên Chúa lại phán: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó” (St 15,5). Theo lời hứa của Thiên Chúa, dòng dõi của ông sẽ trở nên đông đảo, không sao đếm nổi. Tuy nhiên, đây đã là lời hứa lần thứ ba rồi mà lời hứa vẫn chưa thành hiện thực. Abraham có đủ lý do để không tin, hay ít là, khó tin trước lời Thiên Chúa hứa. Nhưng một lần nữa, chúng ta lại thấy Ông đã tin lời của Đức Chúa, nhờ đó, ông được Đức Chúa kể là người công chính.
Bài Tin Mừng hôm nay diễn ra trong bối cảnh Đức Giêsu và các môn đệ của Ngài đang gặp phải những sự chống đối từ phía những người Do Thái. Nhân đây, Ngài tiên báo cho các môn đệ biết về cuộc khổ nạn Ngài sắp bước vào: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ chỗi dậy." (Lc 9, 22). Không những thế, Ngài còn khẳng định: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. (Lc 9, 23-24). Nghe những lời ấy, chắc hẳn các môn đệ sẽ hoang mang, lo lắng. Tưởng đâu đi theo Thầy, sắp đến ngày thành tựu, ai ngờ, giờ đây Thầy bị người ta kết án và giết đi, vậy tương lai của mình sẽ đi về đâu ? Như để chấn an các môn đệ, Đức Giêsu đã dẫn ba người trong số các ông là Phêrô, Gioan và Giacôbê lên núi và Ngài đã biến hình trước mặt các ông. Và trong cuộc biến hình ấy, chính Chúa Cha đã một lần nữa xác nhận như Ngài đã từng xác nhận tại sông Gio-đan rằng: Đức Giê-su là Con Yêu Dấu của Ngài và “các ngươi hãy vâng nghe Lời Người”.
Quả thật, lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành là điều không hề dễ dàng chút nào, bởi Thánh Ý của Thiên Chúa không phải lúc nào cũng trùng hợp với mong ước của chúng ta. Thậm chí, để đón nhận Thánh Ý Chúa, nhiều lúc, con người phải đón nhận trong nước mắt. Chẳng vậy mà tác giả Thánh Vịnh 26 hôm nay đã phải thốt lên rằng: “Lạy Chúa, xin nghe tiếng con kêu cầu, xin thương xót và nhậm lời con”. Chúng ta có thể nhận thấy tác giả nói lên những lời này trong sự hoang mang lo lắng: “Xin đừng phó mặc con cho kẻ thù hung hãn, vì lũ chứng gian đứng dậy tố con, giương bộ mặt hằm hằm sát khí”. Nhưng sau cùng, ông đã nói lên với tất cả sự xác tín: “Con tin rằng con sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa!” Vì: “Chúa là Sự Sáng và là Đấng Cứu Độ tôi”.
***
Vâng, lắng nghe Lời Thiên Chúa và tin vào kế hoạch và đường hướng của Ngài quả là một thách đố cho con người nói chung và con người ở thời đại chúng ta hôm nay nói riêng. Vậy đâu là lý do để ta có thể lắng nghe và tin tưởng, phó thác cuộc đời mình cho Chúa ? Trong Bài đọc II trích thư gửi tín hữu Philiphê hôm nay, thánh Phaolô nhắc cho chúng ta nhớ rằng: Quê hương đích thực của chúng ta không phải ở dưới thế này, nhưng ở trên trời. Như thế, người tín hữu chúng ta, tuy sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian; tuy sống và làm việc ở đời này, nhưng không vì thế mà cố bám víu vào cuộc sống chóng qua cho bằng được, càng không thể vì thế mà chỉ lo mải mê tìm kiếm cuộc sống trần thế mau qua này, mà đánh mất sự sống đích thực của chúng ta ở trên thiên quốc với Thiên Chúa. Vì thế, Thiên Chúa chúng ta thờ, không thể là “cái bụng”; điều chúng ta tìm kiếm, không thể là “những sự thế gian” (x.Pl 3,19). Trái lại, điều mà chúng ta cần phải lo tìm kiếm trước tiên, là “Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn những điều khác, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Điều mà chúng ta cần mong chờ là được Chúa Kitô đến cứu độ chúng ta, Đấng đến giải thoát chúng ta khỏi mọi xiềng xích của tội lỗi và của tử thần, để đưa chúng ta về quê hương đích thực.
***
Mỗi Mùa Chay về, đều là lời mời gọi chúng ta sám hối và hoán cải đời sống của mình để phù hợp với thánh ý Thiên Chúa. Nhưng để sám hối được, trước tiên chúng ta cần phải biết lắng nghe lời Ngài. Đối với Abdul trong câu chuyện kể trên, lời của hoàng thượng đáng quý hơn muôn vàn viên ngọc quý. Còn đối với tôi, Lời của Chúa có giá trị như thế nào trong đời sống của tôi hôm nay? Xin được dành lại câu trả lời cho mỗi người.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Tuyên
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 0 | Tổng lượt truy cập: 3,304,207