Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật II Mùa Vọng năm A

  • 02/12/2022
  • “Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối”
    Caption

     

    Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật II Mùa Vọng năm A

    Mt 3, 1-12

    “Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối”

    Đề tài chủ đạo của Chúa Nhật thứ II Mùa Vọng mà Giáo Hội muốn giới thiệu đến chúng ta hôm nay đó là lòng sám hối.

    Có lẽ chúng ta đã nghe tới chủ đề này khá nhiều lần, không chỉ trong Mùa Vọng mà trong suốt cả những tuần của Mùa Chay. Ngay khi khởi đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu cũng đã lớn tiếng kêu gọi: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,14). Bài phúc âm hôm nay, một lần nữa, lời mời gọi này lại được vang lên qua môi miệng của Gioan Tẩy Giả: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần" (Mt 3,2). Điều đó chứng tỏ rằng, sự sám hối đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống của người Kitô hữu.

    Người Dothái xưa bày tỏ lòng sám hối không chỉ khi phạm tội mà những khi dân Chúa gặp phải những tai ương, địch họa, hay gặp những điều không như ý họ mong muốn, họ đều ăn chay, mặc áo nhặm, đi chân không, ăn năn khóc lóc… để bày tỏ lòng sám hối.

    Đặc điểm của thánh Matthêu là đặt việc sám hối liên hệ với Nước Trời, chứ không trực tiếp với việc tha tội (x. Mc 1,4; Lc 3,3). Động từ “sám hối” ở đây theo nguyên tự có nghĩa là: thay đổi tâm trí, thay đổi cách hiểu, cách suy nghĩ.

    Tuy nhiên, người ta không thể sám hối, nếu như không biết dành thời gian để nhìn lại mình, tức là đi vào sa mạc của lòng mình. Xưa nay, sa mạc không chỉ là nơi thử thách mà còn là nơi để con người gặp gỡ Thiên Chúa, chẳng thế mà sa mạc vẫn là địa chỉ quen thuộc cho các nhà ẩn sĩ.

    Giữa những xao động của cuộc sống hôm nay, chúng ta khó có thể có những giây phút để hồi tâm. Nhưng chúng ta biết rằng, việc nhìn lại bản thân mình mỗi khi có cơ hội là điều vô cùng cần thiết. Cũng giống như người đi trong rừng vắng hay đi giữa biển khơi, nếu cứ mải miết đi mà không để ý vào chiếc la bàn, sẽ rất dễ bị lạc đường.

    Tiếp đến, người ta không thể sám hối, nếu như không khiêm tốn nhìn nhận sự bất toàn của bản thân. Người xưa từng nói: “Biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng”. Trên chiến trường hay tại các đấu trường, bí quyết dẫn đến thành công đó là: các bên đều ra sức tìm các điểm yếu của mình để che chắn, bảo vệ, đồng thời tìm những khe hở của đối phương để khai thác.

    Người ta không thể sám hối, nếu như không biết nghe những lời góp ý chân thành. Gioan Tẩy Giả hôm nay đã dùng những lời lẽ thật đanh thép để lên án những người thuộc nhóm Pharisiêu và Xa đốc - những người tự hào mình là con cháu tổ phụ Abraham. Ông không ngần ngại gọi họ là “Nòi rắn độc” và là những người sẽ phải hứng chịu “cơn thịnh nộ của Thiên Chúa” (x.Mt 3,7). Mặc dù bị khiển trách bằng những lời thật “khó nghe”, nhưng những người Pharisiêu và Xa đốc không hề tỏ ra giận dữ hay phật ý. Điều đó chứng tỏ, họ đã nhận ra những khuyết điểm của mình và thành tâm thống hối. Vẫn biết rằng, “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”, nhưng để lắng nghe những lời nói thật không hề đơn giản. Nó đòi hỏi chúng ta phải có một sự khiêm tốn và một tâm hồn thiện chí muốn biến đổi thực sự.

    Để sám hối, chúng ta cần thay đổi đời sống của mình bằng việc “sinh hoa kết trái”. Sám hối không chỉ được nói trên đầu môi chót lưỡi, nhưng phải được thể hiện qua hành động cụ thể như lời Thánh Gioan: “Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối” (Mt 3,8). Xưa nay, không ít người vẫn nghĩ rằng: các công việc đạo đức hay bác ái từ thiện chỉ là tùy tâm, mình làm được bao nhiêu thì làm, chưa có điều kiện thì thôi, để khi khác… Nhưng Tin Mừng cho chúng ta biết: Việc sinh hoa trái không chỉ là một lời mời gọi, nhưng là một điều cần thiết bắt buộc. Vì “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3, 10).

    Sau cùng, sám hối là ngưỡng cửa bước vào ‘trời mới đất mới’ mà tiên tri Isaia đã diễn tả: sói sống chung với chiên con, beo nằm chung với dê, trẻ con măng sữa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, … Khi vợ chồng con cái yêu thương hoà thuận với nhau, khi con người sẵn sàng trở về làm lành với Thiên Chúa thì cuộc sống trần thế này sẽ trở thành thiên đường.

    ***

    Lời của Gioan Tẩy Giả hôm nay là một lời nhắc nhở chúng ta. Nhiều khi chúng ta lầm tưởng rằng: Với “cái mác” là người Kitô hữu có thể giúp chúng ta ung dung bước vào thiên đàng, nhưng không phải vậy. Người Dothái xưa cũng đã từng tự hào cho mình là “con cháu của tổ phụ Abraham, nhưng ông Gioan Tẩy Giả bảo: “Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham” (Mt 3, 9). Điều đó cho thấy, những danh hiệu chẳng là gì cả nếu như những danh hiệu đó không được gắn liền với những việc làm tốt.

    Nhiều khi hồi tâm xưng tội, nhưng không ít người lại chỉ xét thấy những lỗi lầm của người khác, mà ít nhận ra những thiếu sót của mình, nên thay vì xưng tội mình, họ lại xưng tội của người anh chị em. Có những người nhiều năm không lãnh bí tích hòa giải, nhưng khi được hỏi đến, lại bảo rằng chẳng có tội gì để xưng cả. Làm sao có thể sám hối nếu không nhận biết sự thật nơi bản thân mình?

    ***

    Nước Thiên Chúa đã đến gần, không còn cơ hội để chần chờ, khất lần, khất lượt. Vậy chúng ta hãy can đảm đứng dậy để trở về cùng Chúa.

    Lời Chúa nói với chúng ta hôm nay không phải là một lời đe dọa cho bằng một lời đầy ủi an. Bởi như lời Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Rôma rằng: “Quả thế, mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy” (Rm 15,4).

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ