Lòng khiêm nhường dường như ngày càng trở nên một cái gì đó xa lạ trong xã hội mà chúng ta đang sống hôm nay. Sở dĩ như vậy là vì, bản tính tự nhiên của con người, ai ai cũng muốn được người khác tôn trọng. Chính vì thế mà con người luôn tìm mọi cách để làm sao càng nhiều người biết đến mình càng tốt.
Thời gian vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã chưng dẫn hàng loạt các vụ scandal trong giới văn nghệ sĩ, đúng hơn là của một bộ phận ca sĩ trẻ. Trong khi những nghệ sĩ có tâm và có tầm tìm cách khẳng định đẳng cấp bằng việc trau truốt cho tác phẩm cũng như khả năng của mình ngày càng hoàn thiện hơn, thì một số ca sĩ trẻ chưa được ai biết đến lại sẵn sàng dùng mọi cách thế, thậm chí là những thủ đoạn mà báo giới gọi là những “trò bẩn” để đánh bóng tên tuổi của mình. Nhưng thay vì được nổi danh, được khán giả trân trọng, thì họ lại bị công chúng “ném đá”, bởi vì hành động của họ không những gây phản cảm mà còn đi ngược lại thuần phong mỹ tục… Hàng loạt các vụ chạy đua vũ trang tại một vài quốc gia láng giềng của chúng ta trong thời gian qua, chung quy lại, cũng chỉ vì họ chưa tìm được một tiếng nói chung, bởi vì ai cũng muốn bảo vệ quan điểm riêng của mình, và đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của người khác.
Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhìn vào tấm gương của vị Vua Mêsia để học biết bài học khiêm nhường.
Sự khiêm nhường của Người Tôi Tớ đau khổ của Giavê
Trước tiên là sự khiêm nhường của người Tôi Tớ của Giavê. Ngôn sứ Isaia - người sống trước Chúa Giêsu khoảng 8 thế kỷ - đã tả vẽ về gương mặt của người Tôi Tớ đau khổ như sau: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ”.
Người Tôi Tớ đã được Thiên Chúa lựa chọn và trao cho nhiệm vụ của một vị ngôn sứ. Mặc dù là người hiền lành, nhưng trong cuộc đời, lại toàn gặp phải những điều oan trái. Vì muốn trung thành với nhiệm vụ được giao phó nên ông đã chấp nhận tất cả: sự bách hại, tra tấn, phỉ nhổ, cô đơn… trong sự khiêm nhường thẳm sâu. Chẳng những, ông không dùng bạo lực chống bạo lực, mà trái lại, luôn đặt niềm tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa là Đấng sẽ đến giải thoát mình .
Hình ảnh người tôi tớ mà ngôn sứ Isaia đã loan báo, sau này được áp dụng cho chính Đức Giêsu Kitô – Người Tôi Tớ mà Thiên Chúa đã tuyển chọn.
Sự khiêm nhường được thể hiện qua việc Người tiến vào thành thánh.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại hình ảnh Đức Giêsu long trọng tiến vào thành thánh Giêrusalem để khởi đầu cho cuộc thương khó của Người. Một ông vua khi đi kinh lý, thường có người tiền hô hậu ủng, có quân lính dẹp đường (chúng ta có thể thấy trong những chuyến viếng thăm của các vị nguyên thủ quốc gia). Thế nhưng đàng này, Đức Giêsu lại ngồi trên lưng một con lừa con để tiến vào thành. Tại sao Người lại không cưỡi lạc đà hay một con vật nào khác, hoặc nếu muốn, Đức Giêsu có thể bảo các môn đệ cung nghinh? Nhưng không! Người đã chọn cưỡi một con lừa – là con vật vốn được coi là hiền lành, thậm chí đần độn và ít được coi trọng. Người làm như vậy chỉ vì muốn lựa chọn con đường phục vụ trong khiêm hạ.
Sự khiêm nhường được thể hiện qua việc tha thứ cho những người làm hại mình.
Đức Giêsu đã tha thứ cho Phêrô khi ông này chối Người tới ba lần trong một đêm. Thay vì những lời trách móc thậm tệ, Người chỉ nhìn Phêrô với ánh mắt đầy cảm thông, khiến ông thức tỉnh và phải đến mãi sau này vẫn nhớ như in ánh mắt đầy thân thương và trìu mến đó.
Thay vì lên án Giuđa - một người môn đệ phản Thầy - Đức Giêsu chỉ cảnh báo cho ông biết để ông có cơ hội mà hoán cải: “Giu-đa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?" (Lc 48).
Trong suốt hành trình của con đường khổ giá, Đức Giêsu liên tục bị người ta mắng nhiếc, phỉ nhổ, nhưng thay vì những lời kết án, Người chỉ âm thầm chịu đựng.
Đỉnh cao của sự khiêm nhường là việc Đức Giêsu đã bào chữa cho những người làm hại mình. Khi ở trên thập giá, Người đã lớn tiếng cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,33). Làm sao có thể nói là “không biết” khi các kinh sư và biệt phái đã có cả một kế hoạch cho cái chết của Đức Giêsu.
Sự khiêm nhường của Đức Giêsu phải chăng là một sự nhịn nhục thái quá, nếu không muốn nói là nhu nhược? Thưa, không phải thế. Sự khiêm nhường đó của Đức Giêsu không phải là không có giá trị, mà theo lời thánh Phaolô trong bài Thánh Ca Philipphê, chúng ta biết được rằng, chính vì sự vâng phục Thiên Chúa Cha đến quên cả thân mình như vậy mà: “Thiên Chúa đã tôn vinh Người và tặng cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu” (Pl 2, 9).
***
Qua việc mừng biến cố Đức Giêsu long trọng tiến vào thành thánh Giêrusalem hôm nay, Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy học nơi Đức Giêsu bài học khiêm nhường. Khiêm nhường không phải là nhu nhược, nhưng là khiêm tốn nhìn nhận đúng con người thật của mình để biết mình và biết người hơn.
Chớ gì, mỗi người chúng ta cũng hãy biết khiêm nhường trước Thiên Chúa để nhận mình là kẻ tội lỗi và yếu đuối và cậy trông vào lòng thương xót vô bờ bến của Ngài. Khiêm nhường với tha nhân để cảm thông với anh chị em mình, đồng thời cũng xin mọi người cảm thông cho chính chúng ta.
Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con. Để con được gặp gỡ Chúa, và con tìm lại chính con. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 0 | Tổng lượt truy cập: 3,304,428