Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật thứ 2 Phục Sinh năm C

  • 22/04/2022
  • “Đừng cứng lòng, nhưng hãy tin”

     

    Tội nghiệp cho Tông Đồ Tôma, vì hằng năm, cứ mỗi khi đọc bài Tin Mừng này, thì tên của ông lại được xướng lên kèm theo với danh hiệu “Vị tông đồ cứng lòng tin”. Nhưng nếu chỉ biết về ông như vậy thôi có lẽ hơi oan cho Tôma.

    Không biết vô tình hay hữu ý mà Tôma lại vắng mặt trong lần đầu tiên, khi Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra với các Tông Đồ. Khi ông trở về, các anh em đã thuật lại cho ông việc Đức Giêsu đã hiện ra với họ, nhưng ông đã không tin. Ông lập luận rằng, đức tin của ông cần phải được kiểm chứng. "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi sẽ không tin." (Ga 20,25).

    Lập luận của Tôma xem ra hơi cứng nhắc và bảo thủ, như chúng ta đừng tưởng rằng, các Tông Đồ khác có đức tin mạnh hơn ông Tôma. Bởi vì nếu tin Thầy đã sống lại, có lẽ các ông đã không co rúm người vào trong một căn phòng đóng kín cửa. Tin Mừng Gioan đã không ngần ngại nói rằng: Sở dĩ các ông làm thế vì “sợ người Dothái” (x.Ga 20,19). Không sợ làm sao được, khi mà người ta đã bắt và đóng đinh Thầy vào thập giá. Thầy còn bị xử tử, thì số phận của các môn đệ chắc cũng sẽ không khác được.

    Sở dĩ các ông tin rằng Thầy đã sống lại, là bởi vì các ông đã được Thầy cho xem tay và cạnh sườn một lần rồi (x.Ga 20,20). Tuy nhiên, mặc dù đã được tận mắt nhìn thấy Thấy, nhưng các ông đâu đã hết bàng hoàng sợ hãi. Tám ngày sau đó, các ông vẫn tụ họp nhau trong nhà và vẫn phải “đóng kín cửa”… vì sợ.

    Qua đó, chúng ta có thể thấy được, trong thân phận con người, thì cho dù là Tôma hay các Tông Đồ khác cũng đều có một điểm chung: đó là sự kém tin. Chẳng thế mà đã có lần Chúa Giêsu bảo các ông: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: "rời khỏi đây, qua bên kia !" nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (Mt 17,20). Có lẽ vì ý thức được điều đó, mà có lần các Tông Đồ đã đồng loạt thưa với Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con" (Lc 17,5).

    Nhưng sức mạnh nào đã khiến các ông thay đổi đột ngột, từ những con người nhát đảm sợ sệt, trở nên những người can đảm rao giảng Lời Chúa như trình thuật trong sách Công Vụ Tông đồ thuật lại?

    Thưa: đó chính là sức mạnh của Chúa Thánh Thần - Đấng mà Chúa Kitô Phục Sinh đã ban xuống cho các môn đệ vào ngày lễ Ngũ Tuần. Thay vì ngồi trong phòng run lẩy bẩy, các ông đã mở toang cánh cửa để rao giảng Lời Chúa. Cùng với những lời giảng dạy hùng hồn, các ông đã thực hiện nhiều dấu lạ điềm thiêng, đến nỗi, khi các ông đi ngang qua, bóng của các ông ngả xuống cũng có thể chữa cho nhiều người được khỏi bệnh.

    ***

    Khi nghe lại đoạn Tin Mừng hôm nay, thay vì chúng ta trách Tôma, chúng ta phải cảm ơn vị Tông Đồ này mới đúng. Tại sao vậy?

    Bởi vì, nếu nói về sự cứng tin, chưa hẳn Tôma đã kém cỏi so với các Tông Đồ khác, nhưng qua việc đòi kiểm chứng của ông, chúng ta càng xác quyết vào sự sống lại của Đức Giêsu. Người đã sống lại thật. Không những Người chỉ hiện ra với nhiều người, mà còn cho họ đụng chạm vào Người.

    Cũng qua biến cố này, mà chúng ta biết được rằng: chúng ta là những người được Thiên Chúa chúc phúc, bởi vì chúng ta vẫn tin mặc dù chúng ta đâu có thấy Chúa.

    Hơn thế nữa, lời tuyên tín của ông Tôma đã cho chúng ta có được một danh xưng đầy đủ và chính xác nhất của Đức Kitô Phục Sinh, rằng Người là Chúa và là Thiên Chúa thật.

    ***

    Nói đến lòng tin hãy niềm tin, ai trong chúng ta cũng ý thức được rằng, đó là điều gì đó vô cùng thiêng liêng vào cao quý.

    Niềm tin quả là cần thiết trong các mối tương quan hằng ngày. Chúng ta thử tưởng tưởng, nếu mọi người không có niềm tin vào nhau thì cuộc sống này sẽ ra sao? Mặc dù ai cũng ý thức như vậy, nhưng dường như ngày hôm nay con người lại đang đánh mất dần đi điều cao quý này.

    Niềm tin bị đánh mất có thể do ngoại cảnh đem lại. Quả vậy, làm sao có thể đặt trọn niềm tin, khi mà trong xã hội mà người ta cứ phải để ý nhau, canh chừng nhau; mọi sự thật giả lẫn lộn, trên thị trường tràn ngập hàng giả, hàng nhái; sản phẩm chính tay mình làm ra, đôi khi cũng không dám sự dụng, vì sản phẩm kém chất lượng… Làm sao có thể đặt trọn niềm tin, khi mà trong làm ăn, người ta tìm cách lừa lọc nhau từng li từng tí – thương trường trở thành chiến trường. Trong lãnh vực được coi là thiêng liêng nhất như tình cảm tình yêu, đôi khi cũng bị người ta lạm dụng. Vợ chồng không còn tin tưởng lẫn nhau; anh chị em, bạn bè thiếu niềm tin vào nhau.

    Nhưng niềm tin bị đánh mất cũng có thể do chình mình tạo nên. Vừa qua, báo chí đăng tải hàng loạt những biểu hiện tiêu cực trong ngành giáo dục: Từ việc các giáo viên, thậm chí rất nhiều vị quan chức cao cấp trong ngành sử dụng bằng giả bằng nhái, đến việc 58 học sinh gian lận trong kỳ thi học sinh giỏi tại Thanh Hóa. Ai cũng hiểu được rằng, làm sao những em học trò ngây thơ ấy làm được điều gì nếu không có ý kiến chỉ đạo của các thầy cô để lấy thành tích… Người đọc đã không khỏi đau lòng, vì gian lận đâu không gian, lại nhằm vào đúng kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Nhưng khi ngẫm lại thì đó cũng là điều dễ hiểu, vì thầy đã chẳng ra thầy, thì làm sao mong có những thế hệ học trò ra người?

    Trong gia đình, không ít người cha, người mẹ chưa sống đúng vai trò của mình, thì thử hỏi, làm sao có thể dạy dỗ con cái nên người? Danh không chính thì ngôn không thể thuận.

    ***

    Để có được lòng tin mạnh mẽ, không phải là điều đơn giản. Cũng như Tôma và các Tông đồ, đã biết bao lần chúng ta tỏ ra cứng tin trước những lời mời gọi của Chúa? Đã biết bao lần chúng ta ngã lòng thiếu trông cậy vào Chúa, chỉ vì một chút tự ái cá nhân? Chớ gì, chúng ta cũng hãy học nơi các tông đồ, xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng ta, để giữa những nghịch cảnh, chúng ta luôn tin rằng: Chúa đã sống lại thật, và Người đang đồng hành với chúng ta. Amen.

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ