Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật thứ I Mùa Chay Năm C

  • 05/03/2022
  • "Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi"

     

    Danh - Lợi - Thú, đó là ba ham muốn chi phối toàn bộ đời sống con người. Đó cũng chính là ba nguyên nhân gây nên biết bao khổ đau cho nhân thế. Kẻ được người thua cũng đều có thể phải đau khổ vì nó, đều cảm nghiệm rằng những bất hạnh mà mình đang phải gánh chịu đều vì tiền, vì lạc thú, vì quyền lực. Nhìn vào xã hội, ở nơi này nơi kia đang xảy ra những bất hoà, tranh chấp, có khi giết hại lẫn nhau và làm khổ cuộc đời nhau cũng chỉ vì tiền, vì tình và vì quyền. Ngay trong gia đình cũng có thể bị đảo lộn những nề nếp gia phong bởi quá tôn thờ nó. Con cái bỏ cha mẹ, cha mẹ từ chối con cái. Vợ kết án chồng, chồng ruồng bỏ vợ. Anh em bạn hữu bất hoà với nhau cũng chì vì tình, vì tiền và vì quyền. Vì nó mà người ta chà đạp lên nhau, người ta làm khổ nhau và làm hại lẫn nhau.

    Thực vậy, có những kẻ vì tiền mà mê muội. Có những người vì tình mà hoá dại. Có những người vì quyền mà đánh mất tính người. Vẫn biết, Danh - Lợi – Thú là những hiểm họa, nhưng nó lại là những cơn cám dỗ ngọt ngào, khiến chúng ta khó có thể cưỡng lại được.

    Trước tiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng: Bị cám dỗ là thân phận của con người. Không chỉ chúng ta, mà Đức Giêsu cũng đã từng bị cám dỗ. Người bị cám dỗ không phải một lần, nhưng là rất nhiều lần trong cuộc đời của Người: Từ lúc khởi đầu sứ vụ cho tới trước khi trút hơi thở cuối cùng.

    Nhưng tại sao Chúa lại chấp nhận chịu cám dỗ như vậy? Thưa là vì Người muốn chia sẻ trọn vẹn kiếp người, Người muốn nên đồng số phận với con người, và Người đã thắng cơn cám dỗ để nêu gương cho con người.

    Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay ghi lại 3 cơn cám dỗ mà Đức Giêsu phải trải qua và cũng là 3 cơn cám dỗ rất căn bản đối với cuộc đời mỗi người chúng ta.

    Cám dỗ thứ nhất là cám dỗ về cái đói.

    Có lẽ đây cũng là cơn cám dỗ mà dân Chúa đã bị thử thách trong hoang địa khi đòi cho mình có được manna để ăn (Xh 16). Làm sao để có cái ăn - đó cũng là thử thách từng ngày của mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta chỉ tìm thỏa mãn những khao khát của thể xác, những nỗi thèm thuồng vật chất đang cào cấu trong ta, thì chúng ta đã thất bại ngay trong cơn cám dỗ đầu tiên. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4,4). Vâng, con người còn có những giá trị cao quý khác cần phát huy, đừng hạ thấp mình xuống mức độ sơ đẳng nhất của: cơm, áo, gạo, tiền.

    Cám dỗ thứ hai là cám dỗ về quyền hành thế gian. Cám dỗ thờ ngẫu tượng, bò vàng (Xh 32,42) của dân Israel nơi hoang địa. Không chỉ hôm nay mà rất nhiều lần trong cuộc đời, Đức Giêsu đã bị cám dỗ này tấn công. Dân chúng luôn kéo Người vào cơn cám dỗ trở nên một Đấng Cứu Thế mang tính chính trị, một vị vua trần gian đầy quyền lực vinh quang. Nhưng Người đã nhất mực khước từ. Người muốn trở nên “tôi tớ” của Thiên Chúa (Ga 13,1-20). Cơn cám dỗ về quyền hành cũng là cơn cám dỗ của tất cả mọi người. Ai trong chúng ta cũng muốn thống trị kẻ khác, muốn áp đặt ý kiến của mình trên anh em.

    Đây cũng là cơn cám dỗ về sự nghi ngờ Thiên Chúa. Vì Người thường hay vắng mặt, nên chúng ta dễ chạy theo những vị thần giả hiệu, chúng có tên là của cải, sắc đẹp, kiến thức, tài năng… Đức Giêsu nhắc cho chúng ta lời Kinh Thánh: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người” (Lc 4,8).

    Cám dỗ thứ ba là cám dỗ đòi kiểm chứng, đòi xem những dấu lạ điềm thiêng (Xh 17), đòi thấy những cú nhẩy đẹp mắt, những pha ngoạn mục: Đó là cơn cám dỗ trên nóc đền thờ Giêrusalem. Cũng chính nơi đây, Đức Giêsu sẽ chịu một cơn thử thách hết sức nặng nề: đó là cơn cám dỗ muốn thoát cái chết: “Nếu có thể được, xin tha cho con khỏi uống chén này” (Lc 22,42). Dường như Chúa Cha “đã bỏ rơi” Người. Cuối cùng thì Đức Giêsu đã không dùng quyền năng của mình để trốn tránh thân phận con người phải chết. Người đã từ chối nhẩy một cú đẹp mắt, cũng không xuống khỏi thập giá một cách ngoạn mục. Người tin tưởng vào tình yêu của Cha, Người tuyệt đối trung thành và trọn vẹn vâng theo ý Cha.

    ***

    Làm người ở đời là chấp nhận thân phận bị cám dỗ. Có một thực tế là: Con người vừa mang trong mình khát vọng vươn tới Tuyệt Đối, vừa thấy mình luôn bị một mãnh lực kéo trì, nên đời người lúc nào cũng phải chiến đấu giằng co, chỉ một chút lơi lỏng yếu mềm là sa ngã. Con người cao cả khi thắng được cám dỗ trong ngoài. Lúc buông theo cái tôi dễ dãi tầm thường, tôi chẳng là tôi. Chỉ khi tôi vượt qua tôi, tôi mới thật là mình. Tôi chỉ là tôi khi tôi vươn tới Chân, Thiện, Mỹ. Cho nên một triết gia nào đó đã nói rằng: “Con người là kẻ thù lớn nhất của chính mình”, hay “Chiến thắng vạn quân còn dễ hơn chiến thắng chính bản thân mình” là vậy.

    Đức Giêsu đã chiến đấu với các cơn cám dỗ và Người đã hoàn toàn chiến thắng, để nêu gương cho chúng ta trong những cơn thử thách. Cám dỗ nào cũng ngọt ngào hấp dẫn; thử thách nào cũng đòi phải chọn lựa. Điều quan trọng là chúng ta có nhận ra cái đắng đót chua cay trong cái vỏ ngọt ngào hấp dẫn đó không! Chúng ta có dám chọn theo Chúa hơn là theo ma quỷ? Chọn yêu anh em hơn là yêu chính mình? Chọn điều thiện hơn là cái ác?

    Tiền bạc, của cải, sắc đẹp, khoái lạc, bằng cấp, tự do, quyền lực, uy tín, danh dự, chủng tộc, khoa học, kỹ thuật: tất cả những giá trị trên đều đáng quý. Nhưng nếu tôi tôn chúng lên hàng Tuyệt Đối viết hoa, và thờ chúng như một ngẫu tượng, thì tôi và thế giới sẽ như kim tự tháp lật ngược.

    Ước gì Chúa giúp tôi tự cởi trói mình mỗi ngày, để tôi càng lúc càng tự do đến gần Đấng Tuyệt Đối.

    Lạy Chúa, chúng con sẽ trưởng thành hơn sau mỗi lần chiến thắng, sẽ kinh nghiệm nhiều hơn sau mỗi cơn thử thách. Nhưng xin Chúa đừng để chúng con thất vọng sau mỗi lần vấp ngã, đừng bao giờ chúng con bỏ cuộc sau những lần thất bại. Xin ban thêm sức mạnh để chúng con chiến thắng các cơn cám dỗ nhờ ăn chay và cầu nguyện. Amen.

     

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ