Một câu chuyện tình có thật đã được dựng thành phim và đã được chiếu trên đài truyền hình Pháp 1996. Nội dung câu chuyện như sau:
Antôn là một chàng trai người Phi châu, mồ côi mẹ, anh sống với cha trên đất Pháp. Không giấy tờ cũng chẳng có việc làm, nơi ở là một góc tối tăm trên căn gác chật hẹp. Điều trớ trêu là Antôn lại yêu Valery, một cô gái người Pháp thuộc gia đình giàu có, nặng óc kỳ thị. Tình yêu của hai người thăng trầm bấp bênh vì màu da chủng tộc. Nhiều lần cha mẹ của Valery đã đến nói rõ với cha của Antôn rằng, họ không bao giờ để cho con gái của họ sống chung với người da đen.
Đau khổ và tuyệt vọng, hai người đành quyết định đi tìm khung trời mới cho riêng họ. Thế là cô gái ăn cắp tiền của cha mẹ và lên đường đi xa, nhưng họ đã bị cảnh sát bắt ngay trong chính đêm họ muốn trốn đi. Quá xúc động bởi nhiều biến cố dồn dập, Valery bị nhồi máu cơ tim phải vào bệnh viện. Gia đình cô lợi dụng cơ hội này để cắt đứt mối liên lạc giữa hai người, và để ngăn ngừa hậu hoạ, cha mẹ Valery đã báo cho cảnh sát biết về tình trạng cư trú bất hợp pháp của hai cha con Antôn, nhưng cảnh sát đã không bắt được Antôn, vì hôm ấy chàng trai thất tình còn mãi lang thang ngoài đường phố. Nhiều tuần lễ sau, các bác sĩ cho biết Valery phải được thay tim mới hy vọng sống còn. Tình cờ biết được tin này, Antôn đã ghé thăm người yêu đang đau bệnh.
Trở về căn phố của anh, chàng trai đau khổ khóc suốt đêm cho đến khi cảnh sát ập đến nhà để bắt chàng. Họ thấy chàng mê man bất tỉnh, nên thay vì đưa chàng vào nhà tù, họ đã chở chàng đến bệnh viện và chỉ vài tiếng sau Antôn đã thắt thở. Lục soát trong túi áo của chàng, người ta chỉ tìm thấy vỏn vẹn một tờ di chúc với dòng chữ như sau: “Xin được trao tặng trái tim này cho Valery, người yêu của tôi”. Sau đó, Valery đã được cứu sống nhờ trái tim của người tình da đen bất hạnh đau khổ ấy.
***
Câu chuyện tình có thật trên đây có thể gợi lên cho chúng ta một vài đặc điểm của một tình yêu đích thực.
Trước hết, một tình yêu đích thực không bao giờ đặt điều kiện. Antôn và Valery yêu nhau không dựa trên màu da, ngôn ngữ, phong tục địa vị trong xã hội hay bất cứ một thứ điều kiện nào khác do xã hội quy định. Họ yêu nhau chỉ vì họ nhìn thấy nhau là những con người đáng yêu. Họ gạt sang một bên tất cả những khác biệt và ngăn cách.
Đặc điểm thứ hai mà chúng ta có thể nhìn thấy trong tình yêu đích thực là sức mạnh của tình yêu. Hai người đã cố gắng vượt qua khỏi tất cả rào cản và biên giới, kể cả biên giới khủng khiếp nhất chính là cái chết.
Và cuối cùng, vẻ đẹp cao sang nhất của một tình yêu đích thực là khả năng trao ban và cứu sống. Antôn đã trao ban trái tim của mình để cứu sống người mình yêu.
Câu chuyện tình trên đây có thể là một dụ ngôn cho chính tình yêu của Chúa Giêsu đối với nhân loại. Cái biên giới mà Ngôi Hai Thiên Chúa đã vượt qua không đơn thuần chỉ là mầu da, chủng tộc hay địa vị xã hội mà là khoảng cách vô biên giữa Thiên Chúa và con người. Tình yêu ấy mạnh đến độ đã thắng vượt chính sự chết, như lời Người nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13).
Từ xưa tới nay, tình yêu luôn là chủ đề chiếm được nhiều sự quan tâm của các lớp người ở mọi thời đại. Thế nhưng, có một thực tế đáng buồn, đó là: con người ngày hôm nay đang biến thứ tình cảm cao quý đó thành một món hàng để mà kinh doanh, để mà trục lợi.
Những cuộc chiến tranh khủng bố vẫn hằng ngày xảy ra khắp nơi trên thế giới là một dấu chứng tỏ con người chưa đủ quảng đại để yêu thương và chấp nhận nhau.
Tỷ lệ ly hôn tại các quốc gia hiện nay đang ở mức báo động mà nguyên nhân chủ yếu cũng chỉ vì vợ chồng không còn yêu thương nhau.
Trong tình yêu nam nữ cũng vậy. Một bộ phận không nhỏ những người trẻ hiện nay quan niệm tình yêu một cách khá dễ dãi, theo kiểu: “Tình yêu đến, em không mong đợi gì. Tình yêu đi, em không hề nối tiếc”. Đối với họ, sự thủy chung trong tình yêu ngày hôm nay là một thứ gì đó xa xỉ. Hôm nay cứ yêu hết mình, để rồi ngày mai mỗi người một phương trời. Thật đúng như lời trong bài “Giây phút chạnh lòng” của nhà thơ Thế Lữ:
“Anh đi đường anh, tôi đường tôi
Tình nghĩa đôi ta có thể thôi.
Đã quyết không mong xum họp mãi
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi”
***
Trong bối cảnh mà tình yêu thương chưa được trân trọng cho đủ, tình phu phụ đang dần trở nên nhạt phai, thì lời bài hát “Định nghĩa Tình yêu” của nhạc sĩ Cao Huy Hoàng thật đáng để cho chúng ta phải suy nghĩ: “Yêu là chết đi là đóng đinh, là biết hy sinh cho người mình yêu. Yêu không là ngó nhau nhưng là ngước cao cùng nhìn về bến mai sau. Yêu xin đừng dối gian, xin đừng trái ngang, dù lắm lo toan xin đừng ly tan. Yêu ta cùng ước giao, dẫu ngàn khổ đau, một đời xin hứa trọn đời thủy chung”.
Sống yêu thương giữa một thế giới đầy những hận thù và chia rẽ là điều không đơn giản chút nào. Yêu thương những người cùng quan điểm, đồng chí hướng với chúng ta đã vậy, nhưng làm sao để yêu thương những người mà chúng ta không ưa, thương mến những người mà chúng ta không thích, thậm chí những người đã từng làm hại chúng ta?
Có lẽ không gì thiết thực hơn, là chúng ta hãy nhìn lên tấm gương của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta - Đấng đã yêu thương và hiến mình vì chúng ta. Yêu thương - đối với người Kitô hữu không đơn thuần chỉ là lời mời gọi, nhưng là một lệnh truyền: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34). Hôm nay đây, Người cũng mời gọi chúng ta hãy học với Người - giang rộng vòng tay để yêu thương hết mọi người. Bởi vì đó chính là dấu chứng hùng hồn và rõ nét nhất để mọi người nhận biết chúng ta là môn đệ của Chúa.
Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 96 | Tổng lượt truy cập: 3,212,677