Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật VII Thường Niên A

  • 18/02/2023
  • “Yêu kẻ thù” (Mt 5,38-48)

     

    Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật VII Thường Niên A

    Mt 5,38-48

    “Yêu kẻ thù”

    Cựu tổng thống Nam Phi - Nelson Mandela - người đã có công lãnh đạo người dân Nam Phi từ xiềng xích của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tới nền dân chủ nhiều màu da đã từ trần vào hồi thượng tuần tháng 12 năm 2013 vừa qua. Phát biểu tại buổi lễ quốc tang của ông, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ca ngợi ông Nelson Mandela là "người khổng lồ của lịch sử," người đã có được vị thế của mình nhờ đấu tranh, sự thông minh sắc sảo và bằng cách chứng tỏ sức mạnh của hành động chính trị.

    Quả vậy, vì cuộc đấu tranh chống chế độ cai trị của thiểu số da trắng, ông đã bị giam cầm trong suốt 3 thập kỷ. Với kết quả của những hy sinh và nỗ lực kiến tạo hòa bình không mệt mỏi, ông đã được nhiều người trên toàn thế giới công nhận là biểu tượng của sự hòa giải và là đại diện cho cuộc đấu tranh vì công lý trên toàn thế giới.

    Trong cuốn “Chặng đường dài đến tự do”, Mandela đã viết về ngày ông rời khỏi tù như sau: “Khi bước ra khỏi khung cửa dẫn đến cánh cổng sẽ đưa tôi đến với tự do, tôi biết, nếu tôi không để sự chua xót và căm thù ở lại phía sau, tôi vẫn còn ở trong ngục tù”.

    ***

    Vâng, nếu đây là lời phát biểu của một người bình thường thì cũng đã đáng trân trọng, nhưng hơn thế, đây còn là lời của một vị lãnh đạo cao cấp - người đã bị phe đối lập giam một cách bất công trong suốt gần 30 năm trời. Quả thật, nhân cách của ông thật đáng để chúng ta phải khâm phục!

    Nếu xét về phương diện lề luật, thì luật Cựu Ước được kể là khá tiến bộ so với các bộ luật của các nước lân bang thời bấy giờ. Luật dạy phải yêu thương những người đồng đạo và những người cùng huyết thống, như lời trong sách Lêvi: “Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là ĐỨC CHÚA” (Lv 19,18).

    Luật còn dạy phải quan tâm đến người nghèo khổ, mẹ goá, con côi, khách ngụ cư, khách ngoại kiều. Chẳng hạn khi gặt lúa thì đừng gặt sát bờ, cũng đừng mót các gié bị vương vãi. Và khi hái nho cũng thế, không được lượm các quả rơi rụng… Tất cả những thứ ấy là để dành cho người nghèo, người khốn khổ… (x. Lv 19, 9-10).

    Tuy nhiên, dù trong luật không minh nhiên dạy phải ghét kẻ thù nhưng truyền thống và lối sống của dân Chúa xưa luôn có khoảng cách với người tội lỗi, với người bị xem là ô uế, với quân thù lân bang. Những hạng người trên, tuy không bị ghét bỏ, nhưng thường không được xem là anh em hay là người thân cận với người Do Thái.

    Về việc báo thù, luật Talion dạy rằng: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Mới thoạt nghe, xem ra luật này có vẻ tàn nhẫn, nhưng thực ra, luật chỉ đòi hỏi một sự công bằng. Bởi ngay cả ngày hôm nay, luật này đâu đã được thực thi một cách nghiêm chỉnh. Mấy ai bị người ta đánh gãy một chiếc răng mà lại chỉ lấy lại của người ta một chiếc răng, hay bị người ta làm hỏng một con mắt, lại chỉ lấy lại một con mắt. Ở tầm mức quốc gia, chỉ cần đối phương bắn một viên đạn, thì nhiều cường quốc sẵn sàng “đáp trả” bằng hàng ngàn tấn bom.

    Chưa dừng lại ở đó, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn các môn đệ của mình tiến xa hơn một bước nữa khi Ngài lên tiếng dạy rằng:  "Anh em đã nghe Luật dạy: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,43-44).

    Có quá đáng không khi Chúa đòi hỏi phải yêu thương kẻ thù, trong khi yêu thương những anh chị em đồng loại như chính mình còn chưa thực hiện được? Làm sao tôi có thể yêu thương người đã trù dập cuộc đời tôi; làm sao có thể yêu thương kẻ đã khiến gia đình tôi phải khuynh gia bại sản dẫn đến cảnh li tán? Thật là khó thực hiện biết bao! Vậy đâu là lý do khiến chúng ta phải yêu thương kẻ thù?

    Lý do trước tiên, trả thù chỉ là cách để chuốc thêm hận thù cho chính mình. Còn tha thứ là cách để biến những kẻ thù thành những người bạn. Ngạn ngữ Trung Hoa có câu: “Một người chỉ có thể cảm hóa và thu phục người khác bằng lòng tốt và thiện tâm”.

    Thứ đến, yêu thương và tha thứ giúp chúng ta trưởng thành hơn. Trong thâm tâm, chúng ta thường cho rằng, tha thứ là một món quà đối với người được tha thứ, nhưng rõ ràng là món quà cho chính chúng ta. Tha thứ đem lại sự bình yên, nhẹ nhõm và hạnh phúc cho bản thân chúng ta và cho cả những người khác nữa.

    Tiếp đến, chúng ta cần ý thức rằng, cũng như chúng ta, mỗi anh chị em đều là những “đền thờ sống động của Thiên Chúa” như lời trong thư của Thánh Phaolô hôm nay: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao ? Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy” (1Cr 3,16).

    Sau cùng, phải yêu thương kẻ thù để chúng ta nên giống Chúa hơn. Chúa bảo: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ?” (Mt 5, 46-48).

    Không phải chỉ trên phương diện lý thuyết, mà chính Chúa Giêsu đã thực hành trong suốt cuộc đời của Ngài, đặc biệt là trong cuộc khổ nạn - khi sau tất cả những hình khổ mà quân dữ dành cho Ngài, Ngài đã ngước mắt lên trời lớn tiếng cầu nguyện cùng Chúa Cha rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

    Bài học yêu thương và tha thứ có lẽ mỗi chúng ta đã nghe khá nhiều, nhưng vấn đề ở chỗ, chúng ta đã thực hành bài học đó như thế nào, đó mới là điều quan trọng. Yêu thương và yêu thương cả kẻ thù là điều không hề dễ, nhưng làm được như vậy sẽ giúp chúng ta ngày một trở nên giống Chúa hơn.

    Nguyện xin Thiên Chúa biến đổi chúng ta từng ngày, để sau những nỗ lực không mệt mỏi, chúng ta cũng học được bài học yêu thương như Chúa đã dạy.

    Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ