Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XV Thường Niên C

  • 16/07/2022
  • “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời?”.

     

    Được sống đời đời là khát vọng của con người ở mọi thời đại. Chẳng thế mà người ta đua nhau đi tìm đủ thứ thuốc trường sinh hầu mong kéo dài tuổi thọ, thế nhưng dường như tất cả đều thất bại.

    Bài Tin Mừng hôm nay (Lc 10, 25-37), Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta phương thuốc hữu hiệu để có được sự sống đời đời, nhờ vấn nạn của một người thông luật.

    Theo Thánh Kinh, để được sống đời đời "phải yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn, và yêu mến người thân cận như chính mình." (Lc 10,27). Thế nhưng, dường như thầy thông luật chưa muốn dừng lại ở đó. Ông muốn tìm hiểu xem, theo Chúa Giêsu thì “Ai là người thân cận của tôi ?” (Lc 10,29).

    Thực ra, khi hỏi như vậy, không phải ông ta không hiểu cho bằng muốn biết ý kiến của Chúa Giêsu như thế nào về vấn đề này. Bởi vì, theo cách hiểu của người Do-thái, người thân cận là những đồng bào với mình. Họ không có bổn phận phải yêu thương những người không thuộc Do-thái.

    Thay vì trả lời trực tiếp, Chúa Giêsu lại kể cho người thông luật một dụ ngôn mà chúng ta quen gọi là “Dụ ngôn người Samaria nhân hậu”.

    Con đường đi từ Giêrusalem xuống Giêrikhô dài khoảng 27km và phải băng qua sa mạc. Cho đến cuối thế kỷ XX, đây vẫn là một con đường không an toàn, bởi thường xuyên bị các đám cướp tấn công. Người bị nạn trong dụ ngôn là một người vô danh, không rõ địa vị, quốc tịch và tôn giáo, đã rơi vào tay bọn cướp. Ông bị đánh nhừ tử, rồi bị bỏ mặc bên vệ đường giở sống giở chết: đây là một tình cảnh hết sức đáng thương.

    Hai người đi qua đó, một thầy tư tế và một thầy Lêvi, cả hai đều là người Israel đàng hoàng. Các vị này đã “thấy” con người đáng thương nằm đó, nhưng họ đã sang bên kia đường mà tiếp tục bước đi. Họ đều nhận ra hoàn cảnh có vấn đề, nhưng họ đã không đến gần. Họ đã trở nên vô cảm trước những người đang gặp cảnh khốn cùng. Có thể hai vị sợ bị bọn cướp tấn công hoặc ngại bị nhiễm uế chăng ?!.

    Trong khi đó, một người Samari – dân vẫn được coi là lạc giáo và bị người Do-thái coi thường thì lại hành xử trái ngược hẳn với hai người ở trên. Ông cũng đang đi đường, ông cũng có những chương trình của ông. Ông cũng có thể lánh sang bên cạnh để tiếp tục hành trình… Nhưng khi “thấy” kẻ bị nạn, ông đã tìm mọi cách để kéo anh ta ra khỏi tình trạng nguy kịch. Lòng thương của ông được cụ thể hóa thành hành động: “Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc (Lc 10,34). Không những thế,, ông còn xin chủ quán săn sóc cẩn thận, hứa sẽ trở lại và thanh toán mọi chi phí.

    Người Samari quả là một con người mẫu mực. Ông đã cho mọi người thấy rằng: Lòng thương xót thì không có biên giới, không giới hạn vào bất cứ luật lệ hay tôn giáo nào, nhưng nhắm đến mưu cầu lợi ích cho con người.

    Để kết thúc dụ ngôn, Đức Giêsu đổi ngược lại câu hỏi mà vị thông luật đã đặt ra. Ngài hỏi lại ông ta: "Theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?" (Lc 10,36).

    Người hỏi như vậy để đi đến kết luận rằng: Người thân cận là người thực thi lòng thương xót, chứ không phải người hưởng thụ lòng xót thương. Như vậy, thay vì hỏi rằng: “Ai là người thân cận của tôi?” thì phải hỏi: “Tôi là người thân cận của ai?”

    ***

    Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về cách nhìn cũng như cách hành xử của chúng ta đối với anh chị em mình.

    Sở dĩ thầy tư tế và thầy Lêvi đã “tránh qua bên kia mà đi” có thể là vì các thầy sợ ô uế khi đụng vào xác chết, sợ bọn cướp còn ẩn nấp đâu đây sẽ tấn công mình hoặc sợ rắc rối phiền hà đến bản thân.

    Cũng vậy, trong thực tế cuộc sống, nhiều khi chúng ta không dám làm một cái gì đó cho người anh em khi họ cần giúp đỡ, là vì chúng ta sợ phải thiệt thòi, sợ tốn công sức, sợ mất thời gian, sợ phải trả giá, sợ đụng đến sự an toàn, tiện nghi của mình. Chúng ta muốn được yên thân!

    Thầy tư tế và thầy Lêvi đã tự hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra cho tôi, nếu tôi dừng lại và săn sóc người anh em bị đánh nhừ tử?” Trái lại, người Samari đã đảo ngược câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra cho người anh em bị đánh nhừ tử, nếu tôi không dừng lại và chăm sóc người ấy?”.

    Đức ái Kitô giáo không cho phép chúng ta dừng lại hay đứng bàng quan trước nỗi khổ của anh chị em mình. Vậy, thay vì tìm hiểu ai là người thân cận, tốt hơn chúng ta nên tỏ ra mình là người thân cận đối với những kẻ đang cần mình giúp đỡ.

    Khi tôi đến gần ai mà phục vụ thì tôi trở thành người thân cận với kẻ ấy, và kẻ ấy trở thành người thân cận với tôi. Như thế ai cũng có thể thành người thân cận, miễn là tôi dám yêu họ như chính mình.

    Sống yêu thương và Phục vụ không chỉ là lời mời gọi của Chúa Giêsu mà còn là điều kiện để có được sự sống đời đời.

    Đây cũng là câu trả lời của Chúa Giêsu dành cho người thông luật: “Ông hãy đi và làm như vậy”. Chúa luôn luôn đề cao “việc làm” hơn là chỉ “nói” một mớ lý thuyết suông. Vấn đề không phải chúng ta biết được bao nhiêu, biết được những gì, mà là chúng ta làm được những gì từ những cái ta biết.

    Người Samari bị dân Do-thái khinh miệt, nhưng họ có thể sống luật yêu thương cách tuyệt vời. Thực tế cho thấy, nhiều người không cùng tôn giáo với chúng ta, nhưng họ lại thực hành đức ái, trong khi, không ít người Kitô hữu hàng tuần tham dự thánh lễ, nhưng lại sống xa lạ với đức ái Kitô giáo - thật là một thực trạng đáng để chúng ta phải suy nghĩ !

    Chớ gì qua Thánh lễ hiệp dâng hôm nay, chúng ta hãy khiêm tốn xin Chúa giúp chúng ta biết có cái nhìn quảng đại hơn, có tấm lòng bao dung hơn, có con tim rộng lớn hơn, để có thể yêu thương và phục vụ tất cả những ai đang cần đến sự trợ giúp của chúng ta. Amen.

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ