Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XX Thường Niên C

  • 21/08/2022
  • Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XX Thường Niên C

    "Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao ? Thầy bảo cho anh em biết : không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12, 51).  Không ít người trong chúng ta cảm thấy băn khoăn, không hiểu tại sao Chúa Giêsu lại nói một câu xem ra “dễ xa nhau” như vậy?

    Một đàng, Chúa Giêsu vẫn tự nhận mình có sứ mạng mang tới sự Hòa Bình cho trái đất, đàng khác, Ngài lại khẳng định rằng: Ngài đến để mang sự chia rẽ. Chúng ta cùng nhớ lại lời của cụ già Simêon trong ngày Đức Mẹ dâng Chúa trong đền thờ: “Trẻ này sẽ nên có cho người ta vấp phạm”. Vậy chúng ta phải hiểu câu nói này như thế nào?

    Bằng hai hình ảnh “hòa bình” và “chia rẻ”, Chúa Giêsu kêu gọi người ta chọn lựa thái độ trước Tin Mừng của Ngài. Đấng Messia là Đấng mang hòa bình đến (x. Is 9,5). Chúa Giêsu xác nhận rằng sứ mạng của Ngài là một sứ mạng Hòa bình (x. Is 9,5tt). Nhưng Ngài thấy cần giải thích thêm : chữ “Hoà bình” có nhiều nghĩa : hoà bình kiểu thế gian và hoà bình của Thiên Chúa.

    Hòa bình theo kiểu thế gian được định nghĩa là: Tình trạng yên ổn của xã hội, không có chiến tranh giữa lực lượng này với lực lượng khác” (Từ điển Tiếng Việt, Nxb KHXH). Như vậy, chữ hòa bình theo kiểu thế gian chỉ được bó hẹp ở phương diện vật chất, bề ngoài, trong khi Chúa Giêsu lại muốn nhắm đến một nền hòa bình còn sâu xa hơn nhiều - hòa bình của Thiên Chúa.

    Quả vậy, thứ hoà bình của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mang đến, người ta chỉ nhận được sau khi đã cố gắng chiến đấu để sống theo lời mời gọi của Tin Mừng. Thực tế cho thấy, sứ vụ của Chúa Giêsu đã gặp phải không biết bao nhiêu là chống đối: Sự chống đối từ những người cầm quyền Do-thái (họ tìm cách kết án để loại trừ Ngài ra khỏi xã hội của họ); sự chống đối đến từ các môn đệ (Các ông lần lượt bỏ Ngài mà đi, vì theo họ, lời Chúa Giêsu giảng ‘chói tai quá, ai mà nghe được’, đến nỗi, Chúa phải quay sang hỏi các tông đồ rằng: ‘Còn anh em, anh em có bỏ Thầy mà đi không?’; thậm chí sự chống đối đền từ ngay chính những người họ hàng của Ngài (gia đình và người thân của Ngài tưởng Ngài bị mất trí, nên tìm cách đưa Ngài về nhà).

    Bị chống đối, ruồng bỏ và tẩy chay khỏi cộng đoàn cũng là thân phận của hầu hết các ngôn sứ thời Cựu Ước. Cụ thể là trường hợp của ngôn sứ Giêrêmia mà bài đọc thứ nhất hôm nay thuật lại. Giêrêmia được kêu gọi để trở thành ngôn sứ từ khi còn nhỏ tuổi. Ông sống ơn gọi của mình giữa một thời kỳ đầy biến động. Người ta chứng kiến sự thất bại của Israel và sự tàn phá Giêrusalem và Đền Thờ. Ông yêu thương tha thiết dân tộc của ông, nhưng đồng thời, ông cũng luôn tin tưởng rằng: Thiên Chúa sẽ cứu chuộc dân của Người. Tuy nhiên, ông lại bị kết án là một kẻ làm loạn khiến ông thường xuyên sống trong sự đe doạ đối với mạng sống mình.

    Những nỗ lực loan báo Lời Thiên Chúa của ông thay vì nhận được những lời ca tụng, tung hô thì được đổi lại bằng việc người ta âm mưu hãm hại ông và thả ông xuống một cái giếng sâu. Đã có lúc ông cảm thấy không còn muốn sống nữa, thậm chí ông còn nguyền rủa chính ngày sinh của mình. Nhưng dường như Lời Thiên Chúa không cho phép ông thoái lui. Ông tin rằng Chúa hằng ở với ông và kẻ thù của ông sẽ không thể chiến thắng.

    ***

    Tổng thống Kenedy đã từng nói: “Muốn có bình an phải chuẩn bị chiến tranh”. Quả vậy, một người học sinh muốn đỗ đạt cao, phải chuyên chăm học tập; một cầu thủ muốn trở nên nổi tiếng, phải không ngừng nỗ lực tập luyện; một người nông phu muốn mùa màng tươi tốt, phải chịu khó vất vả một nắng hai sương… đó cũng là điều dễ hiểu. Là những môn đệ của Đức Kitô, chúng ta không thể đi ra ngoài quỹ đạo của sự bách hại nếu chúng ta quyết tâm sống đúng những đòi hỏi của Tin Mừng. Thế nên, lời Chúa Giêsu nói về sứ mạng của Ngài: “Thầy đến không phải đem bình an, nhưng là đem chia rẽ” cũng là một lời khuyến cáo mỗi người chúng ta.

    Nước Thiên Chúa đến không phải để các môn đệ hưởng thụ một cuộc sống bình an một cách thụ động. Họ sẽ hưởng bình an đấy, nhưng là thứ bình an mà họ phải cố gắng chiến đấu mới đạt được;

    ***

    'Thầy  đã đến ném lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên " (Lc. 12,49).

    Chúa Giêsu từ trời xuống đem lủa tình yêu Thiên Chúa đến thế gian, cho mọi người nhận được ngọn lửa tình yêu nồng nàn cao cả đó mà biết thương yêu nhau, thông cảm với nhau, tha thứ cho nhau. Nhưng thay vì con người nhận lấy ngọn lửa tình yêu đó, đốt lửa tình yêu đó trong tâm hồn mình, cho nó lan tỏa xung quanh, thì họ lại dập tắt ngọn lửa tình yêu đó. Thay vì yêu thương, thông cảm, tha thứ cho nhau, họ trở lại thù ghét nhau, giết hại nhau, chống đối nhau, nên Chúa Giêsu đã phải thối lên: "thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên". .

    Một đạo sĩ Ấn Độ hỏi các đệ tử: “Này các con, các con có biết khi nào đêm tàn và ngày xuất hiện không?”. Các môn đệ thi nhau trả lời. Có người hỏi: “Thưa Thày, có phải đêm tàn và ngày xuất hiện là khi mà nhìn một đoàn vật từ xa người ta có thể phân biệt được con nào là con bò, con nào là con trâu không?”. Thày lắc đầu: “Không phải”. Một đệ tử khác lại hỏi: “Thưa Thày, có phải đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui, là khi từ xa nhìn vào vườn cây người ta có thể phân biệt cây nào là cây xoài, cây nào là cây mít không?”. Thày vẫn lắc đầu. Không đệ tử nào trả lời được câu hỏi. Lúc đó, đạo sĩ mới từ từ nói: “Đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui là khi nhìn vào mặt nhau, người ta nhận ra nhau là anh em”.

    Là người Kitô hữu, chúng ta có trách nhiệm phải làm cho ngọn lửa tình yêu Chúa Giêsu bùng lên trong tâm hồn chúng ta để từ đó, ngọn lửa ấy có thể lan tỏa trong gia đình, ngoài xóm làng, giữa phố xá và tất cả những nơi còn nhiều bóng tối phủ vây.

     

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ