Cựu Ước nói gì về Đức Giêsu ?
Bài đọc thứ nhất trích trong sách ngôn sứ Isaia, tác giả đã nói về một người Tôi Tớ đau khổ. Người Tôi Tớ Giavê này bản thân vô tội nhưng phải chịu rất nhiều đau khổ vì tội loài người. Người Tôi Tớ này là ai ?
Có lẽ trước tiên, Người Tôi Tớ ở đây được hiểu là dân Israel, họ phải chịu bao đau khổ trong kiếp lưu đày để chuộc tội cho muôn dân. Về sau, hình ảnh này được hiểu về Đấng Mêsia - Đấng Cứu Thế. Ngài xuất thân từ dòng dõi vua Đavít để thiết lập quyền vương đế của Thiên Chúa. Người sẽ tiêu diệt kẻ thù nghịch và cai trị Israel trong công bình và tín nghĩa.
Phải đến hơn năm thế kỷ sau đó, lời ngôn sứ mới được ứng nghiệm trọn vẹn nơi Đức Giêsu - Đấng chính là Israen mới, là ánh sáng cho muôn dân, và là sự cứu rỗi cho các dân ngoại. Ngài đem lại ơn cứu độ cho nhiều người bằng cách thí mạng sống của mình để đền tội cho tất cả.
Quần chúng đương thời nói Chúa Giêsu là ai ?
Bài Tin Mừng hôm nay diễn ra trong bối cảnh Đức Giêsu đang đi qua miền đất Xêdarê Philipphê, tức là miền đất của dân ngoại. Tại đây, Ngài hỏi các môn đệ : « Người ta bảo Thầy là ai ? » (Mc 8,28). Chắc chắn, khi hỏi các môn đệ như vậy, Đức Giêsu không hề có ý « thăm dò » xem mức độ « ảnh hưởng » của mình trên dân chúng tới đâu. Nhưng qua câu hỏi đó, Ngài muốn cho dân chúng cũng như các môn đệ ý thức đúng vai trò Mêsia của Ngài. Theo lời của dân chúng, "Kẻ bảo Ngài là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó." (Mc 8,28).
Nếu dân chúng nhận xét như vậy về Đức Giêsu, cũng là điều không mấy khó hiểu. Bởi vì, trong con mắt của họ, Đức Giêsu làm sao có thể là Đấng Mêsia được ? Bởi vì, Đấng Mêsia phải là người đánh Đông, dẹp Bắc; quyền năng cái thế, uy lực vô song… Đằng này, Đức Giêsu cũng làm một vài phép lạ, nhưng cách thức hành động của Ngài lại hoàn toàn khác hẳn. Ngài hành động trong ôn hòa, đầy vẻ hiền lành và khiêm nhường; Ngài yêu thương người nghèo, nâng đỡ cô nhi quả phụ, bênh vực những người thấp cổ bé họng… Chính những cách hành xử như thế đã nên cớ vấp phạm cho những người đương thời với Ngài, khiến họ không còn nhận ra Đức Giêsu chính là Mêsia (Đấng Cứu Thế).
Các môn đệ nói Thầy mình là ai ?
Đó là thái độ của những người đương thời, còn các môn đệ của Đức Giêsu thì sao ? Sau một thời gian đi theo Thầy, chắc hẳn, họ phải có những cảm nghiệm sâu xa về Thầy mình. Phêrô lên tiếng, đại diện cho các anh em mình: «Thầy là Đấng Kitô» (Mc 8, 29), có nghĩa là Đấng Mêsia (Đấng Cứu Thế) mà Cựu Ước đã loan báo. Quả là một câu trả lời thật xuất sắc. Trong Tin Mừng Matthêu còn ghi lại rằng, sau câu trả lời của Phêrô, Đức Giêsu đã công khai khen tặng ông (x.Mt 16,17). Tuy nhiên, Ngài còn cho biết thêm, sở dĩ Phêrô nói được như vậy, là vì bởi Thiên Chúa đã ban cho ông, chứ thực ra, ông chẳng hiểu gì về Thầy mình cả. Bằng chứng là ngay sau khi tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Phêrô đã công khai ngăn cản Thầy không nên đi vào con đường Thập Giá.
Có thể cụm từ «Đức Giêsu là Đấng Kitô» khá quen thuộc đối với chúng ta, nên chúng ta không thấy được sự khác biệt. Còn theo cách hiểu của người Dothái, Đấng Kitô (phiên âm từ chữ Christos) hay Đấng Mêsia (Hy lạp) là Đấng được Thiên Chúa xức dầu tấn phong để làm vua với nhiệm vụ giải thoát muôn dân khỏi ách lầm than. Nên dọc dài những năm tháng thời Cựu Ước, dân Chúa hằng ước mong, một ngày kia, Đấng Kitô sẽ đến.
Các môn đệ cũng là những người Dothái, nên không dễ dàng thoát khỏi tâm thức về Đấng Mêsia chính trị. Chẳng thế mà trước khi Chúa Giêsu về trời, các ông đã hỏi Ngài: "Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không ?" (Cv 1,6).
Mặc dù nhiều lần Chúa Giêsu đã nói cho các ông biết Ngài không đến nhằm mục đích chính trị, nhưng đến để giải thoát con người khỏi tội lỗi và dẫn đưa họ về cùng Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương họ. Bề ngoài, xem ra các ông cũng đã tin, nhưng giấc mơ về nền độc lập của dân tộc vẫn âm ỉ cháy trong cõi lòng các ông. Thế nên, việc Đức Giêsu lựa chọn con đường thập giá là điều khiến các ông không thể dễ dàng chấp nhận.
Chúng ta nói Đức Giêsu là ai ?
Khi hỏi «Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?» Chắc hẳn, Chúa Giêsu không hề muốn lắng nghe nơi chúng ta một câu trả lời mang tính lý thuyết, hay giáo điều, nhưng là một câu trả lời phát xuất từ tận sâu thẳm tâm hồn của mình.
Cũng như vị Tông đồ Phêrô, có thể khi vui, chúng ta sẵn sàng tuyên xưng «Đức Giêsu là Đấng Kitô». Thế nhưng, cũng có thể ngay sau đó, chúng ta lại quay ra từ chối Chúa, hay thậm chí là lên án Chúa như thái độ của những người Dothái trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh.
Chỉ biết Đức Kitô trên phương diện lý thuyết mà thôi, e rằng chưa đủ, mà còn phải «biết» Ngài trong thực hành nữa. Lời thánh Giacôbê trong bài đọc II hôm nay như nhắc nhở chúng ta : «Ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì ? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng ? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì ? » (Gc 2,14-16).
***
Mãi mãi Đức Giêsu vẫn là một dấu hỏi cho mọi người ở mọi thế hệ. Để có được câu trả lời đầy đủ và chính xác về Ngài, là điều không đơn giản. Đức Kitô là ai ? Có thể đối với một số người, Đức Kitô là Thiên Chúa, là Thầy dạy, là Đấng Cứu Độ tôi. Đối với người khác, Đức Kitô là gia nghiệp, là viên ngọc quý mà tôi phải bán tất cả gia tài để mua lấy. Đối với người khác nữa, Đức Kitô, có chăng, cũng chỉ là một «ngân hàng» ơn phúc, để khi cần đến Ngài, thì chạy đến xin xỏ; cũng có khi, Ngài đơn giản chỉ là một vị Thiên Chúa được «hóa mình» vào trong bức tượng, để tôi đặt trên bàn thờ, rồi đứng xa xa nhìn ngắm…
Vậy giờ này, đối với tôi, Đức Kitô là ai vậy ? Xin được dành cho mỗi người tự trả lời.
Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 32 | Tổng lượt truy cập: 3,213,438