Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XXIX Thường Niên B
“Người phục vụ” (Mc 10, 35-45)
Quyền bính theo trào lưu thế tục
Điều Đức Giêsu dạy các môn đệ hôm nay xem ra có vẻ ngược đời. “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người”. (Mc 10, 43-44). Nếu mà muốn làm lớn mà lại phải trở nên người phục vụ, hay nói đúng hơn là người hầu, con ở, thì làm lớn như vậy để làm gì?
Sinh ra ở đời, dường như ai cũng muốn được người khác trọng vọng, được vị nể… Người ta quan niệm rằng: “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, thế nên, ai cũng ra sức làm sao để cho bản thân ngày một thăng tiến về đường công danh, có vị trí cao trong xã hội.
Chiếc ghế, bình thường chỉ là thứ để người ta ngồi, thế nhưng, trong chính trường, chiếc ghế lại tượng trưng cho địa vị, quyền lực và quyền lợi. Những chiếc ghế càng quan trọng như: Ghế chủ tịch, ghế giám đốc, ghế trưởng phòng... lại càng trở nên niềm khao khát, sự hãnh diện hay thậm chí là nỗi ám ảnh của nhiều người. Không ít người, cả một đời chỉ phấn đấu tìm mọi cách để chiếm cho được cái ghế mà mình hằng ao ước. Khi đã đạt được rồi thì tìm cách để giữ ghế, hay tìm cách lên ghế cao hơn. Để làm được như vậy, người ta sẵn sàng làm mọi chuyện, kể cả bằng con đường mờ ám để đạt cho được vị trí mà mình hằng theo đuổi…
Thế nhưng, họ không hiểu được rằng: Ở vị trí cao, tuy có được nhiều quyền lợi hơn, nhiều bổng lộc hơn, nhưng cũng gắn người ta với nhiều nghĩa vụ hơn, như lời Ca dao xưa đã từng nói: “Cây cao thì gió càng lay. Càng cao danh vọng càng dày gian truân”.
Có thể vì không ý thức được vai trò và tầm quan trọng của người lãnh đạo, nên người ta tìm mọi cách để gia tăng quyền lực nơi bản thân, trong khi lại không biết sử dụng quyền bính đó thế nào cho phù hợp.
Quyền bính theo quan niệm của các Tông đồ
Việc tranh giành quyền lực, những tưởng chỉ xảy ra ở trên chính trường, ở ngoài xã hội, ai dè, ngay cả những môn đệ của Đức Giêsu cũng không tránh khỏi cơn cám dỗ đầy hấp dẫn này.
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay thuật lại việc hai anh em Giacôbê và Gioan đến xin Đức Giêsu cho mình được ngồi một người bên hữu và một người bên tả Thầy. Mặc dù hai ông đã “bỏ mọi sự mà theo Thầy”, thế nhưng, qua lời cầu xin này, chứng tỏ hai ông vẫn chưa thực sự từ bỏ. Trong các ông vẫn còn một chút tính toán thiệt hơn…Thế mới biết sức mạnh của quyền lực là như thế nào!!!
Giả như hai ông đến xin Chúa trong lúc vui vẻ thì đã đành, đàng này, Đức Giêsu vừa mới loan báo về cuộc khổ nạn xong, thì hai ông đến xin. Chứng tỏ, các ông vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của sứ mạng Mêssia mà Thầy mình sẽ thực hiện.
Một nhà tu đức tên là Jean Vanier, phân biệt hai loại quyền bính:
Một loại quyền bính từ trên áp xuống. Người nắm loại quyền bính này tự coi mình là kẻ ở trên và những kẻ thuộc quyền mình là những người ở dưới. Người này bắt những kẻ dưới phải làm theo ý mình, nếu không theo thì phạt. Loại quyền bính này được dùng để cai trị, hay nói chính xác hơn là thống trị.
Loại quyền bính thứ hai không từ trên áp xuống mà đứng bên cạnh để giúp đỡ. Người nắm quyền bính này không coi mình là ở trên cũng không coi kẻ thuộc quyền mình là ở dưới. Người này không nhắm cho ý mình được người ta thực hiện, nhưng nhắm đến ích lợi chung và ích lợi của kẻ mình muốn giúp đỡ. Loại quyền bính này được dùng để phục vụ - Đó cũng là lối hành xử của Chúa Giêsu.
Quyền bính theo quan niệm của Đức Giêsu
Trong khi, lối hành xử dễ thấy nơi người đời là: Người đứng đầu, người có quyền, thường có thái độ thống trị, áp đặt, hống hách; chức vụ và quyền lực trở thành phương tiện phục vụ bản thân… thì Đức Giêsu lại không chấp nhận chuyện đó nơi Giáo Hội của Ngài. Ngài khẳng định, trước tiên là với các Tông Đồ rằng: "Nơi anh em thì không như vậy… Ai muốn làm lớn, phải trở nên đầy tớ và nô lệ cho mọi người” (Mc 10,43-44). Đối với Ngài, quyền bính không phải để khoe khoang hay thống trị, nhưng là để phục vụ.
Khi nói điều này, chắc hẳn, Đức Giêsu không hề có ý cổ võ cho một xã hội hay Giáo Hội vô tổ chức, chẳng còn tôn ti, chẳng còn trật tự, nhưng Ngài muốn người lãnh đạo phải là người biết khiêm nhường phục vụ.
***
Qua phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu mời chúng ta làm một cuộc cách mạng lớn, không phải đơn thuần chỉ là đổi ngôi (chủ thành người phục vụ, người phục vụ thành ông chủ) mà là đổi lòng. Ngài muốn chúng ta hãy tận diệt trong tim những tham vọng ăn trên ngồi trước.
Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta hãy noi gương Người: Phục vụ và hiến dâng mạng sống cho tha nhân. Trước nhất là yêu thương phục vụ những người trong gia đình, bởi vì như người ta thường nói: “Bác ái bắt đầu từ gia đình” rồi sau đó mới lan tỏa sang những người chung quanh, nhất là những người nghèo hèn, yếu đuối.
Trong Thiên chức làm cha, làm mẹ, chúng ta được trao cho bổn phận phải chăm cho và giáo dục con cái. Chúng ta đã thi hành bổn phận này như thế nào? Với cương vị làm một người gia trưởng, hay hiền mẫu trong gia đình, chúng ta đã hành xử ra sao với vợ, với chồng, với các con và những người họ hàng thân thuộc trong gia đình ?
Ngoài xã hội, trong cương vị là người lãnh đạo, là chủ doanh nghiệp, chúng ta đã thi hành quyền bính của mình như thế nào với những người dưới quyền? Có cư xử thân tình, trả lương tương xứng với sức lao động mà họ đã bỏ ra hay không?
Thiết tưởng, Thánh lễ hôm nay là cơ hội để chúng ta cùng duyệt xét lại cách hành xử của chúng ta trong đời sống hàng ngày, mà xưa nay, vì lý do nào đó, chúng ta đã chưa làm tròn sứ mạng.
Sau cùng, chúng ta hãy nhìn lên tấm gương phục vụ của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã đến trần gian để phục vụ, sống như người phục vụ, và chết như dấu chứng lớn nhất của phục vụ trong yêu thương. Nếu mỗi người trong chúng ta đều biết sống yêu thương và phục vụ như vậy, chắc chắn gia đình, giáo xứ chúng ta sẽ đầy ắp bình an và hạnh phúc. Thế giới không con chỗ cho những đàn áp và bất công, mà thay vào đó chỉ toàn những con người sống để cho nhau và vì nhau.
Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 31 | Tổng lượt truy cập: 3,213,437