CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN B
“Tính ghen tương”
Mc 9,38-43.45.47-48
Câu chuyện kể về hai viên quan: Một người ganh tị còn một người tham lam. Để chữa trị những tính xấu ấy, nhà vua cho triệu hai viên quan vào chầu, và loan báo sẽ tưởng thưởng hai ông vì những công lao phục vụ của họ bấy lâu nay. Họ có thể xin gì được nấy, tuy nhiên, với một điều kiện là: người mở miệng xin đầu tiên chỉ được những gì mình muốn, còn người thứ hai sẽ được gấp đôi.
Cả hai viên quan đều đứng thinh lặng trước mặt mọi người. Người tham lam nghĩ thầm trong lòng: nếu tôi nói trước, tôi sẽ được ít hơn người kia. Còn người ganh tị thì lý luận: thà tôi không được gì còn hơn là mở miệng nói trước để tên kia được gấp đôi. Cứ thế, cả hai đều suy nghĩ trong lòng và không ai muốn lên tiếng trước. Cuối cùng, vua mới quyết định yêu cầu người hay ganh tị nói trước. Người này lại tiếp tục suy nghĩ: thà không được gì còn hơn để tên tham lam kia được gấp đôi. Nghĩ như thế, hắn mới dõng dạc tuyên bố: "Tôi xin được chặt đứt một cánh tay..." Hắn cảm thấy sung sướng với ý nghĩ là người tham lam sẽ bị chặt hai cánh tay.
***
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đề cập đến tính ghen tương và óc bè phái của con người. Có thể nói, đây là một tật xấu cố hữu đã có từ xa xưa. Nó đã hủy hoại cả loài người, biến loài người từ tình trạng hạnh phúc sang tình trạng bi đát. Tính ghen tương, óc bè phái đã làm tan vỡ hạnh phúc của nhiều gia đình, rạn nứt những tình bạn và phá đổ nhiều hội đoàn. Vậy đâu là lý do của tính ghen tương tai hại này, và phải làm thế nào để phá bỏ nó ?
Trước tiên, chúng ta cần phải nhìn nhận rằng, sự cạnh tranh vốn là điều tốt . Vì sự cạnh tranh lành mạnh mà con người có thể phát triển. Một xã hội, một tổ chức nếu không có sự cạnh tranh lành mạnh thì khó có thể phát triển. Các doanh nghiệp, nhờ cạnh tranh, mới có được nhiều mẫu mã tốt, hợp thời trang… Các đội tuyển thi đấu thể thao, nhờ có sự cạnh tranh mới có được những tài năng. Các học sinh nhờ cạnh tranh mới có thể tìm tòi ra những phương thức học tập mới, đạt hiệu quả cao… Nhưng sự cạnh tranh chỉ tốt khi dừng lại ở việc cạnh tranh lành mạnh. Sự cạnh tranh sẽ trở thành tiêu cực, khi cạnh tranh mà hàm chứa trong đó sự mạt sát, nhằm mục đích hạ bệ lẫn nhau.
Từ câu chuyện trong Cựu Ước
Khi Môsê được Chúa chỉ định chọn ra 70 người để Ngài chia sẻ thần khí của ông trên họ. Nhờ đó, họ được ơn nói tiên tri. Tuy nhiên, lúc bấy giờ có hai người cũng được chọn trong số 72 nhưng họ lại không đến lều trại. Thần Khí cũng ngự xuống trên họ và họ cũng được ơn nói tiên tri. Thấy thế, Giosuê - một trợ tá của ông Môsê - tỏ ra bực tức, nên đã xin với ông Môsê cấm hai người này. Không những không đồng tình, ông Môsê còn ước mong cho tất cả mọi người trong dân Israel được ơn ấy nữa. Ông nói: “Phải chi ĐỨC CHÚA ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!" (Ds 11,29).
Tính ghen tương nơi các Tông Đồ
Không chỉ dừng lại ở thời Cựu Ước, khi bước sang Tân Ước, tính ghen tương vẫn len lỏi trong tâm thức của con người, kể cả các Tông Đồ. Tin Mừng thuật lại rằng: Khi ấy có một số người không thuộc nhóm 12 cũng nhân danh Đức Giêsu làm phép lạ. Thấy vậy, Tông đồ Gioan bực tức, đã ngăn cấm họ và báo cáo lại cho Đức Giêsu biết. Gioan tưởng cấm như vậy là đúng, bởi vì những người đó không phải là Tông Đồ của Chúa cho nên họ không có quyền nhân danh Chúa mà làm phép lạ. Nhưng Đức Giêsu bảo đừng ngăn cấm họ: "Ai không chống lại ta thì thuộc về ta" (Mc 9,40).
Tính ghen tương của con người hôm nay
Ghen tương một chút có thể làm cho tình yêu thêm thi vị. Ghen tương một chút, có thể làm cho tình cảm vợ chồng thêm mặn nồng. Nhà thơ Nguyễn Bính bảo:
“Tôi muốn cô đừng nghĩ đến ai…
Đừng ôm gối chiếc đêm nằm ngủ/
Đừng tắm chiều nay biển lắm người”.
Để rồi, sau những lúc hờn ghen, giận dỗi họ càng yêu nhau hơn. Còn Ca dao xưa thì bảo:
“Ớt nào là ớt chẳng cay
Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng
Vôi nào là vôi chả nồng
Gái nào là gái có chồng chẳng ghen”.
Cạnh tranh lành mạnh, hay ghen tương một chút là đều cần thiết, thế nhưng, nếu ghen quá đến mức mù quáng, sẽ làm tình yêu mất đi sự thi vị, sẽ làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. Tính ghen tương không chỉ hại đến người khác, mà còn hại chính bản thân mình. Người có tính hay ghen suốt ngày theo dõi, soi mói người khác, rình xem và bắt lỗi, khiến tâm hồn không lúc nào bằng an.
Trong làm ăn, thay vì cạnh tranh để phát triển, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để “hạ bệ” đối thủ của mình bằng cách hạ bệ, bôi nhọ làm mất thanh danh…
Trong học hành thi cử, thấy bạn bè hơn mình đáng lý phải mừng và phải nỗ lực phấn đấu để được như họ, đằng này lại tìm cách nói xấu, bóp méo sự thật.
Thời gian vừa qua, trên các trang mạng điện tử, hàng loạt vụ “bút chiến” rồi “khẩu chiến” mà giới “sao” “thi thố” với nhau. “Sao” này chê “sao” nọ… Họ thi nhau bới móc kể tội nhau. Kết cục chẳng đi đến đâu mà lại “vạch áo cho người xem lưng”.
Phải làm gì để xóa bỏ tật xấu này?
Trước tiên, phải nhìn nhận giá trị đích thực của mình, như người xưa thường nói: “Biết mình biết người, trăm trận, trăm thắng”. Thứ đến, cần đánh giá đúng khả năng của anh chị em. Biết hợp tác, giúp nhau cùng tiến bộ và phục vụ lợi ích của mọi người.
Sau cùng, cầu chúc cho cộng đoàn biết học theo tấm gương của Chúa Giêsu - Đấng yêu thương hết mọi người - để có thể “trở nên mọi sự cho mọi người”. Cầu chúc cho các con Thiếu Nhi bước vào năm học giáo lý mới sẽ ngoan hơn, học giỏi hơn và trở nên những Thiếu Nhi Thánh Thể biết chuyên chăm: Cầu nguyện - Rước lễ - Hy Sinh – Làm việc Tông Đồ. Chúc cho các con đón một cái Tết Trung Thu thật vui và ý nghĩa. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 18 | Tổng lượt truy cập: 3,213,588