Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XXVIII Thường Niên B
Mc 10,17-30
Có phải: Có tiền mua Tiên cũng được?
Không ít người trong chúng ta sau khi nghe bài Tin Mừng hôm nay cảm thấy hoang mang lo lắng, đôi khi còn thấy khó chịu nữa. Nếu như giàu có mà khó vào Nước Thiên Chúa thì làm giàu để mà làm gì? Vậy phải chăng giàu là một “cái tội”. Phải chăng Đạo Công Giáo cổ võ cho sự nghèo nàn và lạc hậu?
Chúng ta đừng quên rằng, Tổ phụ Abraham là một người giàu có. Ông có rất nhiều của cải, súc vật và tôi trai, tớ gái. Vua thánh Đavít, một người vừa đầy quyền lực, lại vừa giàu có. Mặc dù ông không trực tiếp xây dựng đền thờ Giêrusalem, nhưng những nguyên vật liệu để xây dựng ngôi đền thờ nguy nga vào bậc nhất thời bấy giờ này, phần lớn là do ông để lại cho vua con là Salômon... Vậy thì đâu là ý nghĩa của câu nói của Đức Giêsu “Người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa” ? Thiết tưởng, chúng ta cùng lần lượt tìm hiểu các bài đọc trong thánh lễ hôm nay.
Ý nghĩa của tiền bạc theo sách Khôn Ngoan
Bài đọc thứ nhất được trích trong sách Khôn Ngoan - một cuốn sách được viết cách chúng ta hàng mấy ngàn năm - đã khẳng định rằng: Đức Khôn Ngoan còn hơn cả kho tàng. Đây là một đúc kết của những bậc minh triết. Quả vậy, trong khi con người đua nhau đổ xô đi tìm kiếm tiền bạc, họ trân trọng tiền bạc và sự giàu sang thì Người Công chính coi Đức Khôn Ngoan là điều quý trọng hơn cả: Khôn ngoan quý trọng hơn tiền bạc, ngọc ngà, châu báu; Khôn ngoan quý hơn sức khoẻ và sắc đẹp; Cùng với Đức Khôn ngoan, mọi sự tốt lành đến với người công chính.
Thế nên, nghĩ rằng: “Có tiền mua Tiên cũng được” là một quan niệm sai lầm. Bởi vì, Tiền không mua được tình bạn chân thực. Tiền không mua được lương tâm trong sạch. Tiền không mua được niềm vui mạnh khoẻ…
Của cải theo quan niệm của Đức Giêsu
“Hãy bán tất cả những gì anh có mà cho người nghèo anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến mà theo Ta”. Đó là đòi hỏi Chúa Giêsu đã đưa ra cho chàng thanh niên giàu có, sau khi biết chàng đã tuân giữ những giới luật từ thuở còn nhỏ. Đó là điều anh ta phải làm để được sống đời đời. Và đó cũng là điều anh ta còn thiếu. Đòi hỏi của Chúa Giêsu là một đòi hỏi đặc biệt dành riêng cho cá nhân anh ta. Đòi hỏi ấy đụng tới con người anh ta thật sâu, bởi vì nó đụng tới sự an toàn, chỗ dựa và lòng gắn bó của anh ta đối với của cải.
Dĩ nhiên Chúa Giêsu không đòi hỏi mọi người phải bán tất cả của cải để rồi tay trắng mà bước theo Ngài. Đức Giêsu không nói là của cải không cần thiết, thế nhưng Người bảo, đừng quá cậy dựa vào của cải …
Giakêu đã tự nguyện cho người nghèo phân nửa tài sản, chứ không do đòi hỏi của Chúa Giêsu. Bản thân Đức Giêsu cũng như các Tông Đồ cũng đều cần đến sự trợ giúp về tài chính của một số người giàu để có thể an tâm loan báo Tin Mừng.
Vậy hẳn Đức Giêsu phải có lý do khi đưa ra một đòi hỏi quyết liệt như thế đối với chàng thanh niên. Ngài thấy anh có nhiều mặt tốt, nhưng Ngài cũng thấy anh bị trói buộc, bị cản trở, bị mất tự do bởi một điều, đó là sản nghiệp của anh. Ngài thấy rõ kho tàng dưới đất thực sự là một mối nguy hiểm cho anh, khiến anh có thể vuột mất kho tàng trên trời. Tình trạng hiện nay của anh chưa có gì đáng ngại, nhưng đam mê cứ lớn thêm mãi với thời gian.
Đối với trường hợp của anh, Ngài nhận thấy con đường tốt hơn hết để anh được sống đời đời, đó là bán tất cả, làm phúc cho người nghèo, rồi bước theo Ngài. Đề nghị của Chúa Giêsu giúp anh chắp cánh bay cao, không còn bị sợi dây nào ràng buộc. Tuy nhiên anh vẫn còn tự do để đáp lại lời mời gọi đó. Anh có sẵn sàng trả giá để chiếm được kho báu là sự sống đời đời hay không?
Trước lời đề nghị của Chúa Giêsu, anh đã buồn sầu cúi mặt và bỏ đi. Phải chăng, sự buồn sầu của anh bắt nguồn từ việc anh thấy mình không đủ quảng đại và liều lĩnh để đáp lại một lời mời gọi tốt đẹp như vậy. Một mặt anh bị hấp dẫn bởi lời đề nghị của Chúa Giêsu mà anh biết đó là con đường tốt nhất để đạt đến ước mơ của anh. Mặt khác anh lại quá gắn bó với của cải trần gian đến nỗi không thể rời bỏ chúng dễ dàng. Có lẽ lòng yêu mến sự sống đời đời nơi anh chưa đủ mạnh để anh dám hy sinh điều cần phải hy sinh. Anh đã chọn điều anh yêu hơn, nhưng chọn lựa đó đưa anh vào nỗi ray rứt buồn phiền. Không phải anh sở hữu của cải, nhưng của cải đã sở hữu anh. Anh không có được niềm vui của Giakêu, niềm vui của người bắt đầu được siêu thoát với tiền của. Anh cũng chẳng có được niềm vui của người thương gia đi tìm ngọc quý. Bởi vì Nước Trời đáng cho chúng ta hy sinh tất cả.
***
Thái độ quá gắn bó với của cải của người thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay, có thể là thái độ của mỗi chúng ta. Nếu Chúa Giêsu gặp tôi hôm nay. Nếu tôi hỏi Ngài về con đường dẫn tới sự sống đời đời, chắc hẳn câu trả lời của Ngài cũng khiến chúng ta phải đắn đo, bởi vì ai cũng giàu có về một mặt nào đó.
Trước tiên là thái độ của chúng ta đối với tiền của. Người xưa từng nói: “Tiền bạc là một người đầy tớ tốt, nhưng lại là một ông chủ khó tính”. Tiền bạc có thể là công cụ giúp chúng ta đạt tới hạnh phúc Nước Trời, thế nhưng cũng là thứ cản trở chúng ta trên hành trình về quê hương Thiên Quốc. Đã không ít người vì quá bám víu vào của cải, coi của cải như chúa tể của đời mình, nên đã tìm cách đạt được của cải bằng mọi giá, đến nỗi quên đi cái giá trị thiêng liêng và cao quý hơn, đó là hạnh phúc Nước Trời, là chính Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta tôn thờ.
Trong khi có nhiều người khôn ngoan, họ đã biết dùng chính sự giàu có của mình để “mua” Nước Thiên Chúa. Họ đã sử dụng đồng tiền của họ thật ý nghĩa bằng việc trợ giúp cho những việc bác ái từ thiện, hay các chương trình chung của Giáo Hội, các việc truyền giáo… thì lại không thiếu những gia đình, chỉ vì đồng tiền mà khiến nhà tan cửa nát, vợ chồng ly tan, huynh đệ tương tàn, như người xưa từng nói: “Anh em hiền thật là hiền. Chỉ vì đồng tiền mà cắn xé nhau”. Nhiều gia đình, do bố mẹ quá mải mê việc tìm kiếm tiền bạc mà bỏ bê việc chăm sóc, giáo dục con cái. Đến khi cầm một nẹn tiền về thì ôi thôi, con cái đã hư hỏng từ bao giờ !!!
Ngoài tiền của, tài sản của chúng ta có còn là: Uy tín, tiếng tăm, quyền lực, sức khoẻ, chức tước, bè bạn và ngay cả lòng đạo đức. Ai cũng muốn cậy dựa vào sự giàu có của mình và xây dựng đời mình trên đó. Thế nhưng Thiên Chúa chỉ muốn chúng ta cậy dựa vào một mình Ngài. Sống trước nhan Ngài như một người nghèo và chờ đợi tất cả từ tay Ngài. Vì Nước Trời thuộc về những ai có tinh thần nghèo khó.
Đã biết bao người sau khi trải qua những cơn gian nan thử thách, những đổ vỡ trong cuộc đời, mới vỡ lẽ ra rằng, Chúa mới là tất cả. Còn mọi thứ khác chỉ là tương đối mà thôi. Nhưng để có được cảm nghiệm ấy, không phải một sớm một chiều, mà đôi khi phải đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, có khi bằng cả cuộc đời.
Nguyện chúc cho cộng đoàn chúng ta, giữa muôn chọn lựa của cuộc sống, luôn biết chọn Chúa làm gia nghiệp. Bởi vì ý thức được rằng: “Cuộc đời có Chúa đậm đà. Cuộc đời vắng Chúa, chỉ là nước suông”. Amen.
Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 31 | Tổng lượt truy cập: 3,213,471