Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XXX Thường Niên - Năm C

  • 22/10/2022
  • Cầu nguyện trong khiêm nhường

     

    Chúa Nhật XXX Thường Niên C

    Lc 18,9-14

    Cầu nguyện trong khiêm nhường

    Người Hồi giáo có chuyện sau đây : Ngày kia Đức Ala truyền cho một sứ thần xuống thế gian tìm xem có điều gì tốt đẹp nhất để mang về trời. Sứ thần đáp xuống ngay một chiến trường nơi máu của các vị anh hùng đang chảy lai láng. Sứ thần thu nhặt một ít máu mang về cho Đức Ala. Nhưng xem ra Đức Ala không hài lòng mấy. Ngài bảo: “Máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là một điều quý giá nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất nơi trần gian.”

     Sứ thần đành phải giáng thế một lần nữa. Lần này ngài gặp đám tang của một người giàu có nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi theo sau quan tài, vừa đi vừa khóc vừa xông hương để tỏ lòng biết ơn đối với vị đại ân nhân. Sứ thần liền thu nhặt hương thơm mang về trời. Lần này Đức Ala mỉm cười đón lấy hương thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng, Ngài nói: “Dĩ nhiên lòng biết ơn là một trong những điều hiếm có và tốt đẹp nơi trần gian, nhưng Ta nghĩ rằng còn có một cái gì tốt đẹp hơn.”

     Lại một lần nữa sứ thần đành phải vâng lệnh. Sau nhiều ngày tìm kiếm, tình cờ, một buổi chiều nọ ngồi nghỉ bên vệ đường, Ngài bỗng thấy một người đang khóc sướt mướt. Trước những câu hỏi đầy ngạc nhiên của sứ thần, người ấy giải thích: “Tôi đã chiều theo cơn cám dỗ mà phạm tội. Giờ đây nước mắt là lương thực hằng ngày của tôi”. Sứ thần bèn giơ tay hứng lấy những giọt nước mắt còn nóng hổi và thẳng cánh bay về trời. Đức Ala chăm chú nhìn những giọt nước mắt rồi mỉm cười nói: “Thế là ngươi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

    Quả thật dưới trần gian không có gì tốt đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối, bởi vì nó có sức canh tân cuộc đời. Một lòng sám hối chân thật có sức biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân ấm áp của tình yêu. (Trích ”Món quà giáng sinh”).

    ***

    Khi nói đến sám hối, chúng ta thường nghĩ: đây là việc của những kẻ tội lỗi. Có lẽ vì thế mà ít ai biết rằng, sám hối là việc mà mỗi người phải làm hằng ngày. Tin Mừng hôm nay kể lại câu chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người Pharisiêu và một người thu thuế. Đoạn kết khiến chúng ta không khỏi bất ngờ, vì người thu thuế, vẫn bị tiếng là tội lỗi thì lại được Thiên Chúa tha thứ, trong khi, người Pharisiêu - một người được coi là công chính – thì lại không được tha.

    Tại sao lại có sự trái ngược như vậy? Thưa là bởi vì việc được Thiên Chúa tha thứ ở đây còn tùy thuộc vào thái độ và tâm tình của người cầu nguyện.

    Nhóm Pharisiêu là hạng người được coi là đáng kính, là đạo đức. Trong dân chúng, họ là lớp người ưu tú. Họ giữ luật Chúa rất tỉ mỉ. Nhưng do chỗ giữ luật tỉ mỉ, và được kẻ khác coi là thánh thiện, mà có những người trong nhóm tỏ ra tự cao tự đại đối với những người chung quanh.

    Phải nói rằng, người Pharisiêu hôm nay là một người đạo đức. Luật Do-thái chỉ buộc ăn chay một năm một lần trong ngày lễ Đền tội, nhưng ông ta đã ăn chay mỗi tuần hai lần. Luật Do-thái cũng chỉ buộc dâng vào đền thờ một phần mười hoa lợi từ ruộng đất của mình (x.Tl 14,22), trong khi ông ta lại dâng một phần mười tất cả hoa lợi của mình, kể cả những phần mà luật không buộc. Tuy nhiên, điều đáng trách là ở chỗ, ông ta tỏ ra hống hách và coi thường kẻ khác. Ông hãnh diện về bản thân mình, không chỉ trước mặt người đời, mà cả trước nhan Thiên Chúa nữa. Thế nên, thay vì những lời cầu nguyện, ông ta lại “liệt kê” tất cả những công trạng mà mình đã lập được: “Lạy Chúa con cảm tạ Chúa, vì con không giống như những người khác, gian tham, bất công, ngoại tình. Không giống như tên thu thuế đứng kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng cúng vào đền thờ một phần mười tất cả các hoa lợi của con.” (Lc 18,11-12).

    Người Pharisiêu có rất nhiều lễ vật dâng lên Chúa nhưng ông ta lại thiếu tình yêu. Ông ta không yêu thương người khác cũng chẳng kính sợ Thiên Chúa. Ông giữ luật và làm nhiều việc lành chỉ để chứng tỏ cho Chúa biết ông là người đàng hoàng và do đó Chúa có bổn phận phải yêu thương và ban thưởng cho ông.

    Trong khi đó, người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: 'Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.' (Lc 18,13). Người thu thuế ý thức rằng, anh chẳng có lễ vật gì dâng lên Chúa ngoại trừ tình yêu và lòng thống hối mà anh dành cho Ngài. Tình yêu của anh không nồng nàn thắm thiết mà chỉ là một tình yêu muộn màng của đứa con tội lỗi quay về với một tấm lòng tan nát, một trái tim đang kêu gọi tình thương xót của Chúa: “Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ có tội”

    ***

    Dụ ngôn kể trên là lời nhắc nhở mỗi chúng ta. Có thể do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường mà không ít người Công Giáo ngày hôm nay giữ đạo theo não trạng công nghiệp. Tức là tôi dâng cho Chúa cái này, Chúa phải ban lại cho tôi cái kia; tôi làm việc lành này, Chúa phải ban lại cho tôi những ơn khác… Đó quả là một suy nghĩ sai lầm. Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Rôma đã khẳng định rằng: “Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy”. (Rm 3,28). Vậy phải chăng chúng ta không cần phải làm việc lành nữa, cứ phạm tội thoải mái đi rồi chỉ cần “tin” vào Thiên Chúa là đủ?! Không phải thế. Một người con, khi đã được hưởng những ân huệ từ cha mẹ của mình, thì cũng phải học biết cách để sống làm sao cho xứng với ơn trời bể đó. Cũng vậy, mỗi người trong chúng ta đã nhận biết bao ơn lành từ nơi Thiên Chúa, chúng ta không cho phép mình có thể sống một cách vô tâm, thờ ơ với anh chị em đồng loại.

    Trong lời Kinh Tiền Tụng chung IV, Giáo Hội ca lên rằng: “Lạy Chúa, việc chúng con tạ ơn Chúa chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng mang lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Đức Giêsu Kitô”. Quả vậy, những việc lành phúc đức chúng ta làm chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng mang lại cho chúng ta những ơn phúc nhờ và qua Đức Giêsu Kitô – Chúa chúng ta. Có chăng, chúng ta chỉ là những phương tiện, hay dụng cụ, để qua đó, Thiên Chúa thể hiện quyền năng của Ngài.

    Dâng thánh lễ hôm nay, chúng ta cùng nài xin Chúa giúp chúng ta ý thức thân phận tội lỗi của mình để biết sám hối mỗi ngày, nhờ đó, chúng ta có thể sống khiêm nhường hơn trước Thiên Chúa và trước anh chị em của chúng ta. Amen.

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ