Lc 20, 27-38
Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại
Con người sinh ra để làm gì? Con người chết rồi sẽ đi về đâu? Đó là những vấn nạn mà bao đời nay nhân loại vẫn từng đặt ra. Dù không nói ra, nhưng tuyệt đại đa số nhân loại đều có chung niềm tin về một sự sống mới bên kia cái chết, cho dù cách thức diễn tả sự sống đó không giống nhau. Đối với người Kitô hữu, niềm tin vào sự sống đời sau là một điểm giáo lý hết sức căn bản, có tính cách quyết định đến các hành vi cũng như cung cách sống đạo của mình. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, niềm tin đó không phải có ngay từ ban đầu, nhưng được hình thành qua từng giai đoạn.
Niềm tin vào sự sống lại trong Thánh Kinh
Trong Thánh Kinh Cựu Ước, không hề có bất cứ ý niệm gì về sự sống lại, mà phải mãi tới thời Macabê, tức là vào khoảng năm 124 trước Công nguyên - người ta mới xuất hiện ý niệm này. Bài đọc thứ nhất được trích trong sách Macabê quyển thứ 2 hôm nay kể lại cuộc tử đạo của bảy anh em nhà Macabê dưới thời vua Antiôkhô chỉ vì họ nhất quyết tuân giữ Lề Luật của Thiên Chúa. Trong trình thuật này, chúng ta thấy lần đầu tiên xuất hiện ý niệm sự sống lại và sự sống đời sau. Đây là mốc đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong truyền thống Cựu Ước. Nó chứng tỏ niềm tin ngày càng có những bước tiến triển mới, rằng sau khi chết, con người vẫn tiếp tục sống và xác kẻ lành sẽ sống lại.
Bước sang thời Tân Ước, vẫn còn có những người không tin vào sự sống lại mà tiêu biểu là những người thuộc phái Xađốc - một nhóm người có vai trò quan trọng cả về chính trị lẫn tôn giáo thời Chúa Giêsu. Chính vì vậy, họ đã đặt ra cho Chúa Giêsu những vấn nạn với mục đích để gài bẫy Người: Nhà kia có 7 anh em trai. Người anh cả cưới vợ rồi chết không con. Theo luật Môsê, người em phải lấy người chị dâu goá đó để có con nối dõi, và cả 7 anh em đều chết không con. Khi sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ của ai ?
Khi đặt câu hỏi như vậy, nhóm Xađốc có ý mỉa mai Chúa Giêsu hơn là muốn tìm biết chân lý. Tuy nhiên, câu trả lời của Chúa Giêsu đã làm cho họ phải chưng hửng: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. (Lc 20, 34-36).
Như vậy là đã rõ: Ở đời sau, người ta không lấy vợ gả chồng, không cần con nối dõi, nhưng sống như các thiên thần, chỉ lo phụng sự và ca ngợi Chúa. Đời sau không còn bóng dáng của Thần Chết. Con người thoát khỏi quy luật thông thường của lẽ tử sinh. Toàn bộ con người cả xác lẫn hồn được sống lại. Thân xác tuy đã tan thành tro bụi theo thời gian, nhưng sẽ được biến đổi cách kỳ diệu để chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với linh hồn. Bởi vì Đức Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống, đối với Người tất cả đều đang sống.
Khi viết những dòng Tin Mừng này, thánh Luca đã trải qua biến cố tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu khoảng 40-50 năm. Nên hơn ai hết, thánh nhân xác tín rằng: Đức Giêsu là Đấng đã chiến thắng sự chết bằng chính cái chết trên Thập Giá và Người đã sống lại để trao ban sự sống mới, sự sống của Đấng Phục Sinh cho tất cả nhân loại, như lời xác quyết của thánh Phêrô: “Tội lỗi của chúng ta, chính Đức Kitô đã mang vào thân thể, mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết với tội lỗi, chúng ta được sống cuộc đời công chính” ( 1 Pr 2, 24 ).
Niềm tin vào sự sống lại giúp gì cho chúng ta hôm nay?
Trên tấm bia mộ của một người quá cố, người ta đọc thấy đôi câu đối sau: “Tin không việc làm, đức tin chết. Sống chẳng yêu thương, cuộc sống tàn”. Quả vậy, niềm tin vào sự sống lại sẽ chẳng giúp gì cho người Kitô hữu chúng ta, nếu như chúng ta không biến đổi đời sống của mình.
Kinh Tin kính chúng ta vẫn đọc mỗi ngày: “tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”, nhưng trong thực hành, không ít người vẫn sống như chẳng có sự sống đời sau vậy. Thực tế, không ít người Kitô hữu vẫn còn sử dụng nhiều mánh khóe trong làm ăn; vẫn còn lừa lọc trong buôn bán; vẫn còn lươn lẹo trong thi cử; vẫn còn gây bất hòa chia rẽ trong đời sống chung; vẫn thiếu thủy chung trong đời đôi bạn… Thử hỏi, đời sống của người có niềm tin vào sự sống đời sau như vậy, có hơn gì những người không có niềm tin? Lời Chúa Giêsu xưa thật đáng chúng ta phải suy nghĩ: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn những người thu thuế và biệt phái, anh em sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20).
Vậy chúng ta phải làm gì để chứng tỏ niềm tin vào sự sống lại?
Chúng ta biết rằng, đời sống của mỗi người là một cuộc hành trình đi về với vĩnh cửu. Trên hành trình đó con người không ngừng khao khát trở về với Đấng là cùng đích của cuộc đời mình. Tuy nhiên, trong khi hướng lòng về trời cao, không làm chúng ta sao nhãng với các bổn phận trần thế này, trái lại, phải chu toàn các bổn phận đó cách trung tín, như lời mời gọi của Công Đồng Vaticano II trong Sắc Lệnh “Tông đồ giáo dân”.
Thế nên, ngay từ bây giờ, chúng ta hãy thay đổi đời sống mình. Đừng mải mê với những hạnh phúc mau qua, những lạc thú bên đường mà quên cùng đích cuộc đời là phải gặp được Chúa. Hãy ra khỏi vũng lầy của tội lỗi, hãy giũ bỏ tất cả những gì cản lối chúng ta trên hành trình về với Thiên Chúa. Thánh Phaolô – con người đã từng có những yếu đuối và sa ngã, nhưng sau này đã được biến đổi và trở nên một vị Tông Đồ dân ngoại – đã chia sẻ kinh nghiệm của ngài rằng: “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (Pl 3,13).
***
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một người không cùng niềm tin tôn giáo với chúng ta, nhưng cũng đã viết lên những lời thật thâm thúy rằng: “Tôi nay ở trọ trần gian, trăm năm về chốn xa xăm cuối trời”. Vâng, quê hương đích thực của chúng ta ở trên trời. Nơi trần thế này, chúng ta chỉ là những người khách trọ. Mỗi người chỉ đi qua cuộc đời này một lần mà thôi, không có cơ hội thứ hai để làm lại. Chính vì thế, chúng ta cần phải cố gắng nỗ lực sống hết mình trong yêu thương và phục vụ. Và mỗi lần thực hành lời mời gọi của Tin Mừng như vậy, là mỗi lần chúng ta tuyên xưng niềm tin của mình vào sự sống lại và sự sống đời sau. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 0 | Tổng lượt truy cập: 3,304,209