Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta long trọng mừng lễ Chúa Giêsu Kitô vua vũ trụ. Vậy chúng ta phải hiểu chữ “vua vũ trụ” ở đây theo nghĩa nào? Đây cũng là điều mà quan tổng trấn Philatô muốn biết trong cuộc xử án Đức Giêsu mà bài Tin Mừng hôm nay thuật lại. Quan hỏi Đức Giêsu: “Ông là vua sao?”. Mặc dù không trực tiếp xưng mình là vua, nhưng Đức Giêsu đã xác nhận lời của Philatô: “Ông nói đúng, tôi là vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng cho Chân Lý. Ai thuộc về Chân Lý thì nghe tiếng tôi”.
Như vậy là đã rõ. Đức Giêsu không hề có ý làm vua như người ta vẫn hiểu, nhưng Ngài là vua của Chân Lý và là vua Tình Yêu.
Đức Giêsu là vua Chân Lý
Theo « Từ điển Công Giáo », Chân lý là lẽ thật vốn có một cách khách quan. Người ta phải nhìn nhận nó, không tùy thuộc vào sở thích hay ý muốn cá nhân. (Từ điển Công Giáo tr.47).
Thế nên, nếu định nghĩa “Chân lý là điều mà hầu hết mọi người cùng nghĩ như nhau” – là một định nghĩa chưa chuẩn xác, vì đôi khi đa số hay đám đông vẫn có thể mắc sai lầm. Thậm chí có những điều mà mọi người cùng đồng ý vẫn có thể không phải là chân lý, mà mới chỉ tạo ra “dấu hiệu của chân lý”.
Ngày nay, tại một số quốc gia ở Châu Âu, châu Mỹ, người ta ngang nhiên cho phép phá thai - một hành động giết người giết người trắng trợn. Thế nhưng, cũng tại quốc gia đó, nếu ai chỉ cần làm tổn thương một con chó, cũng có thể bị xử phạt tù. Tại Việt Nam chúng ta hiện nay, việc tham ô, hối lộ dường như đã trở thành một hệ thống, một căn bệnh của thời đại. Nhưng những quan chức cấp cao tham ô, làm tổn thất cả nghìn tỉ đồng của nhà nước thì chỉ bị “xử phạt nội bộ” theo kiểu “phê bình và tự phê bình”, trong khi, nếu một người dân thường chỉ cần bán hàng rong không đúng chỗ, sẽ bị hất tung cả gánh hàng và tịch thu phương tiện lao động... Thật đúng như ca dao Việt Nam xưa từng nói: “Mèo tha miếng thịt xôn xao. Hùm tha con lợn thì nào thấy chi”.
Những việc bất công, gian dối… cứ diễn ra nhan nhản mỗi ngày ngay trước mặt chúng ta. Vậy thì Chân lý ở đâu? Nhiều người oan ức quá thì tự động viên mình rằng: Ở đời này, thì làm gì có chân lý!!! Vậy nên, chúng ta cần phải trở về với Thiên Chúa - Đấng là nguồn gốc của Chân Lý. Chính Chúa Giêsu tự xưng mình là “Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (x. Ga 14,6). Ngài còn khẳng định rằng: “Sự thật sẽ giải thoát các con”. Đức Giêsu không chỉ là vua của Sự Thật, mà Ngài còn là vua Tình Yêu.
Đức Giêsu là vua Tình Yêu
Tình yêu ấy thể hiện ở sự Phục vụ trong khiêm nhường
Quả là một nghịch lý, khi mà người đời làm vua là để thống trị dân, đằng này, Đức Giêsu lại tự nguyện trở nên người phục vụ, trong khi Ngài thực sự là một vị vua đầy uy quyền. Như lời Ngài đã nói: “Vua của các dân thì lấy quyền mà thống trị họ,... Thế mà Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người tôi tớ” (Lc 22,25-27). Ở chỗ khác, Ngài nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).
Tình yêu ấy còn thể hiện ở việc hiến dâng mạng sống mình
Không chỉ phục vụ một cách vô vị lợi, mà Đức Giêsu còn muốn đi đến tận cùng của tình yêu, đó là tự nguyện hiến dâng mạng sống mình vì người mình yêu: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”
Cả cuộc sống của Ngài có thể tóm kết trong Bài Thánh ca Philiphê: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng Ngài không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 6-11).
Chính vì sự hy sinh đến quên cả thân mình đó, mà Thiên Chúa đã tuyên phong Ngài danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất, và trong nơi âm phủ, đều phải phủ phục tôn thờ. Bài đọc thứ nhất trích trong sách Đaniel thuật lại rằng: “Vị bô lão (Thiên Chúa Cha) đã ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc, tất cả các dân tộc, chi họ và tiếng nói đều phụng sự Ngài; quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không khi nào bị phá hủy” (Dn 7,14).
Đức Giêsu làm vua mang lại ích lợi gì cho chúng ta?
Ca dao Việt
Chúng ta không thể nhận mình là dân của Vua Kitô trong khi cuộc sống cá nhân và gia đình lại nghiêng theo lối sống thế tục.
Cũng không thể nhận mình ở trong Vương Quốc của Đức Kitô mà hằng ngày một cách nào đó mình vẫn dửng dưng với sự hiện diện của Người trong cuộc sống con người như coi thường nhân phẩm, khinh rẻ người nghèo… càng không thể nhận mình sống trong Vương Quốc Đức Kitô khi mà cuộc sống chung riêng vẫn gây ra những oán thù, ghen ghét, gian tham, bất công, gương xấu, tội lỗi…
Càng không thể nhận mình thuộc về vương quyền của Đức Kitô khi mình chưa thực sự hiến thân một cách nào đó để thể hiện tinh thần chứng nhân. Đức Kitô đã lấy cái chết để làm chứng, Kitô hữu cũng phải đi vào lối sống hy sinh mới có thể trở thành chứng nhân cho đức tin được. Đừng quên, chứng nhân có nghĩa là tử đạo và sống đạo một cách anh hùng cũng chính là chứng nhân.
Nhưng ai thuộc về sự thật thì nghe Đức Kitô và ai thuộc về Đức Kitô thì hãy để Người sống và lớn lên trong cuộc đời mình và chấp nhận để Người biến đổi toàn diện. Đồng thời, chính mình cũng cần nỗ lực “làm chứng” sao cho niềm tin luôn luôn vươn lên, mà cũng không quên nhiệt tình tông đồ là làm cho những người lân cận nhận biết và tin yêu Chúa Kitô nữa. Như thế là tin vào vương quyền Chúa Kitô, là “tôn vương” Chúa Kitô trong cuộc sống của mình và cũng là cùng với mọi người tích cực hoạt động cho công cuộc truyền giáo nhằm “quy tụ mọi sự trong Chúa Kitô”.
Lạy Chúa Kitô, cùng với Giáo Hội, hôm nay chúng con lặp lại niềm tin của mình vào Vương Quyền của Chúa. Xin chúc lành cho những ước nguyện chúng con dâng lên, để khi quyết tâm xa lìa tội lỗi và sống thánh thiện, chúng con được trở nên chứng nhân cho Chúa giữa lòng xã hội. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Ban Mục Vụ Giới Trẻ & TNTT Thái Bình
Đang online: 0 | Tổng lượt truy cập: 3,304,064