Chia sẻ Lời Chúa - Thánh lễ Giao Thừa năm 2023

  • 21/01/2023
  • Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa

    Bài Giảng Thánh lễ Giao thừa

    Mt 5, 1-10

    Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa

    Có thể nói Phụng vụ Lời Chúa trong Thánh Lễ Giao thừa hôm nay là tổng hợp của những lời chúc phúc.

    Theo truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, vào những dịp lễ tết, người ta thường cầu chúc cho nhau những điều may lành, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán là Tết lớn nhất trong năm. Bởi vì người ta quan niệm rằng, vào những thời khắc thiêng liêng của một năm, nếu nhận được những lời chúc lành, thì cả năm đó, gia đình sẽ được bình an thịnh vượng, người người sẽ được hạnh phúc, ấm no.

    Không chỉ người Việt Nam chúng ta, mà từ xa xưa, trong Cựu Ước, dân Do Thái cũng đã có thói quen người trên chúc phúc lành cho người dưới, như Giacop và Exau phải tranh nhau để hưởng lời phúc lành từ cha là Tổ phụ Ixaac.

    Trong bài đọc thứ nhất trích sách Dân Số hôm nay, Đức Chúa qua môi miệng của Môsê đã chúc phúc cho toàn thể dân tộc Israel với những lời cầu chúc thật ý nghĩa: “Nguyện ĐỨC CHÚA chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện ĐỨC CHÚA tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện ĐỨC CHÚA ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em !' Chúc như thế là đặt con cái Ítraen dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng." (Ds 6, 24-27).

    Bài Tin Mừng hôm nay cũng là những lời chúc phúc đầy yêu thương mà Chúa dành cho những người nghèo khó, hiền lành, sầu khổ, sống công chính, biết xót thương người, có lòng trong sạch, có công xây dựng hòa bình và bị bách hại vì chính đạo. (x.Mt 5,1-10).

    Thử hỏi còn gì vui mừng và hạnh phúc hơn khi được chính Chúa là Thiên Chúa chúc phúc cho, bởi lời chúc phúc từ Thiên Chúa, không chỉ mang tính xã giao, nhưng là lời hiệu nghiệm. Vì Ngài là Đấng toàn năng và rất mực yêu thương con người, nên lời cầu chúc của Ngài cũng chính là phúc lành mà Ngài ban cho dân.

    ***

    Đối với người Việt Nam, Giao thừa là thời khắc hết sức thiêng liêng và cao quý. Theo nguyên ngữ: "giao" là trao, còn "thừa" là nhận lãnh để tiếp tục. Năm cũ trao thời gian lại cho năm mới đón nhận và tiếp nối. Bởi vậy, khoảnh khắc giao thừa này là lúc rất thích hợp để chúng ta suy nghĩ về thời gian.

    Chắc chắn lúc này, mỗi người trong chúng ta đều mang một suy nghĩ khác nhau với những cảm xúc không giống nhau, nhưng tất cả đều có một điểm chung, đó là tâm tình Tạ ơn và phó thác. Tạ ơn, vì Chúa đã cho chúng ta sống đến giờ phút này. Gia đình chúng ta vẫn còn được sum vầy bên nhau quanh mâm cơm ngày Tết, trong khi có rất nhiều gia đình trong năm qua đã phải chia lìa, li tán, mất đi những người thân yêu. Biết bao cuộc hỏa hoạn, những tại nạn giao thông, những thiên tai địch họa xảy đến cướp đi sinh mạng của bao người dân vô tội, trong khi đó, chúng ta vẫn sống bình an.

    Trong năm qua, công ăn việc làm có thể không như chúng ta mong đợi, nhưng ngày ba bữa cơm, Chúa vẫn ban cho đầy đủ, trong khi nhiều người còn lâm vào cảnh thất nghiệp và nghèo đói. Mùa Đông với cái rét cắt da cắt thịt, ta vẫn có cái để mặc, trong khi ngoài kia còn có biết bao người chẳng có lấy một mảnh áo để che thân.

    Một năm qua, ta gặp gỡ thêm biết bao nhiêu con người mới, thiết lập thêm bao mối tương quan, nhờ những sự trợ giúp cách nào đó của họ, mà chúng ta có thêm tin tưởng để bước tiếp hành trình dương thế này.

    Suốt một năm qua, đã biết bao lần Chúa đã che chở cho ta cách âm thầm mà ta không hề biết. Đó là những khi Ngài giải thoát ta khỏi căn bệnh hiểm nghèo mà đáng lý ra chúng ta đã không qua khỏi; đó là những khi gia đình ta gặp những bất hòa, lục đục, cãi vã, tương quan vợ chồng đang trên bờ vực thẳm, nhưng rồi dưới sự chở che của Ngài, mọi sự đều đã qua đi.

    Một năm qua, biết bao lần vì vô tình hay hữu ý, ta đã làm tổn thương đến người khác, lỗi nghĩa cùng Chúa, khiến cho cuộc sống của ta chẳng mấy khi bình an. Dường như ta thiếu sốt sắng trong việc đạo nghĩa, dường như ta có phần chểnh mảng trong việc tham dự Thánh lễ hay các giờ kinh nguyện… Nhiều khi, vì ích kỷ mà đã có những lúc ta chỉ chăm lo cho bản thân mình hơn là lo cho người bạn đời hay cho những đứa con yêu dấu; Biết đâu đã có vài lần ta đã nói những lời khiến cha mẹ phải phiền lòng; lắm khi vì mải chơi, mà chúng ta chưa cố gắng học tập cho nghiêm túc, còn sa đà vào những trò chơi vô bổ, làm ảnh hưởng đến bản thân cũng như gia đình… Có lúc ta không kìm nén được cảm xúc của mình mà gây gổ, to tiếng với người hàng xóm, khiến mối tương quan giữa hai gia đình trở nên căng thẳng, nặng nề… ; đã bao lần ta bỏ lỡ cơ hội làm một việc tốt, đã không dám đưa tay ra để giúp đỡ cho những anh chị em đau khổ, những người cần đến sự trợ giúp của chúng ta… Ta vẫn còn co cụm trong thế giới của riêng mình mà chưa dám mở lòng mình để nói một lời an ủi, một lời yêu thương với những người khổ đau, bất hạnh…

    Nhìn lại một năm đã qua, đó không phải là khoảnh khắc ta lôi tất cả những gì chưa tốt đẹp trong quá khứ để dày vò bản thân hay để than trách một ai đó, nhưng là cơ hội để thêm một lần nữa, ta nhận ra hình ảnh của Chúa vẫn song hành bên ta trong từng bước đi của cuộc sống.

    Trong thời khắc thiêng liêng này, còn gì thích hợp và ý nghĩa hơn khi chúng ta mặc lấy tâm tình của thánh Phaolô trong lời ngài nhắn nhủ với tín hữu Thêxalônica rằng: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu.” (1 Tx 5, 16-18).

    ***

    Tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh cũng là điều mà chúng ta không chỉ làm trong giờ phút Giao thừa này, mà là làm trong suốt cuộc đời. Bởi lẽ, tạ ơn là thái độ căn bản của người Kitô hữu đối với Thiên Chúa, vì tất cả những gì con người có đều là hồng ân Thiên Chúa ban cho.

    Vậy giờ đây, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của Mẹ Maria để hát lên bài ca Chúc tụng Chúa (Magnificat) rằng: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa... vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Ngài quyền năng và Danh Ngài là Thánh” (Lc 1, 29-55).

     

    Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan

    LIÊN KẾT GIỚI TRẺ